Dự luật biểu tình phải chờ hội nghị trung ương đảng ? (VOA, 24/04/2017)
Báo chí Việt Nam cuối tuần qua đưa tin chính phủ lại trì hoãn trình quốc hội luật biểu tình vốn được người dân chờ đợi nhiều năm nay. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý với việc hoãn này.
1111111111111111
Người dân biểu tình trước UBND huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, ngày 3/4/2017. (Ảnh Facebook Nhật Ký Yêu nước)
Tin cho hay hôm 22/4 Ủy ban thường vụ Quốc hội đã bàn thảo việc điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018. Nhưng dự luật biểu tình đã không được chính phủ đưa vào cả hai chương trình.
Chính phủ cũng không đưa vào chương trình dự luật thi đua khen thưởng ; dự thảo mới hoặc sửa đổi, bổ sung quy định về cán bộ, công chức, viên chức ; dự luật về hội ; và dự luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh.
Thường vụ Quốc hội đã đề nghị chính phủ báo cáo rõ nguyên nhân và trách nhiệm trong việc chưa trình được các dự luật, và sẽ trình sẽ vào thời điểm nào trong tương lai.
Một số báo Việt Nam đã đưa tin là Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long đã giải thích rằng "dự án Luật biểu tình do Bộ Công an chủ trì soạn thảo nằm trong chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2015 và năm 2016, hiện đã đến giai đoạn chuyển sang Bộ Tư pháp thẩm định. Tuy nhiên, nội dung luật chưa đạt yêu cầu nên rút lại".
Bộ trưởng Long không nói rõ "chưa đạt yêu cầu" là như thế nào, và chính đoạn tường thuật này cũng đã bị các báo rút lại sau khi đăng vài giờ.
Luật sư Hà Huy Sơn nhận định về lý do dự luật biểu tình vẫn bị hoãn :
"Chính phủ Việt Nam người ta sợ cái chuyện biểu tình tại vì là trong xã hội bây giờ có quá nhiều bức xúc, quá nhiều mâu thuẫn mà không giải quyết được nên người ta sợ. Người ta sợ ảnh hưởng đến sự an nguy của chính quyền. Tóm lại, người ta sợ bị mất chính quyền".
Nhà hoạt động Huỳnh Ngọc Chênh, người cũng từng là một nhà báo kỳ cựu, có chung quan điểm với luật sư Sơn :
"Chuyện không thông qua luật biểu tình thì nó xuất phát từ những nguyên nhân sâu xa. Người ta sợ những tổ chức xã hội dân sự, rồi sợ người dân sẽ dựa vào luật để biểu tình nhiều hơn, và gây căng thẳng hơn, và cũng gây ảnh hưởng tới sự an nguy của chế độ".
Ông Chênh do rằng số phận của dự luật biểu tình không phải do quốc hội quyết định. Ông phân tích :
"Tôi nghĩ có thể là sau Hội nghị Trung ương 5 này thì có thể Quốc hội cho thông qua luật biểu tình. Bởi vì chuyện Quốc hội cho thông qua hay không cho thông qua tùy thuộc vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tùy thuộc vào Bộ Chính trị. Có thể luật biểu tình trong lần họp Quốc hội tới sẽ được thông qua, nếu như người ta giải quyết được những cái mắc mớ trong Hội nghị Trung ương này. Hoặc là phải chờ Trung ương Đảng họp những hội nghị khác. Phải giải quyết rốt ráo cái chuyện cho biểu tình hay không cho biểu tình. Còn Quốc hội tôi nghĩ không có quyền gì hết trong việc thông qua hay không thông qua luật biểu tình".
Hội nghị Trung ương 5 khóa 12 Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ diễn ra vào tháng 5 sắp tới. Báo chí trong nước cho đến thời điểm này hầu như chưa đưa ra thông tin gì về những nội dung chính sẽ được bàn trong hội nghị.
2222222222222222222
Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh huy động các lực lượng để ngăn, vây bắt người biểu tình, tháng 5/2016
Quyền biểu tình được khẳng định trong Hiến pháp Việt Nam, nhưng đến nay chưa có một luật riêng rẽ về biểu tình. Do tình trạng này, nhiều người dân và các nhà hoạt động cho rằng công dân có thể gặp bất lợi khi họ tập hợp đông người để bày tỏ quan điểm về một vấn đề gì đó. Trên thực tế, có nhiều trường hợp nhà chức trách đã quy các cuộc biểu tình vào tội gây rối trật tự xã hội.
Nhìn về tương lai, ông Huỳnh Ngọc Chênh, người cũng là một blogger nổi tiếng thúc đẩy dân chủ, nhân quyền, cho rằng cho dù sau này luật biểu tình có được ban hành đi nữa, chính phủ vẫn sẽ trấn áp biểu tình. Ông nói :
"Có luật hay không có luật, nhà nước vẫn cứ đàn áp. Bởi vì có bao nhiêu luật nhà nước làm có đúng đâu. Cần đàn áp các phong trào xã hội dân sự, cần đàn áp người dân nói lên tiếng nói chính đáng của mình thì nhà nước vẫn cứ đàn áp. Nhưng nếu có luật thì tình hình nó đỡ bất ổn hơn, sẽ không xảy ra những vụ rất nghiêm trọng như ở Đồng Tâm hay ở những nơi khác".
Vụ Đồng Tâm mà ông Chênh đề cập đến là một cuộc đối đầu giữa người dân của một xã ở Hà Nội với chính quyền do tranh chấp đất đai kéo dài từ ngày 15 đến 22/4.
Người dân đã phản đối chính quyền địa phương vì thu hồi đất sai trái. Nhiều công an, cảnh sát đã được điều đến để trấn áp, song người dân đã phản kháng, thậm chí còn bắt giữ gần 40 viên cảnh sát và quan chức địa phương, sau đó cố thủ trong một thôn trong 1 tuần.
Vụ việc kết thúc ôn hòa khi chủ tịch Hà Nội cam kết điều tra và tranh chấp đất đai và không truy tố người dân.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn được báo Thanh Niên đăng hồi đầu tháng 3 năm ngoái, Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa nói chủ trương ban hành luật biểu tình được đặt ra trong một nghị quyết hồi tháng 5/2005 của Bộ Chính trị.
Ông Nghĩa chỉ ra rằng việc chưa có luật "làm cho nhà nước lúng túng về mặt quản lý" và "việc hạn chế biểu tình bằng văn bản dưới luật là trái với Hiến pháp". Đại biểu Quốc hội này khi đó nhấn mạnh "10 năm rồi vẫn tiếp tục xin hoãn làm Đại biểu Quốc hội khó xử, không biết trả lời với nhân dân như thế nào".
*********************
Kết quả thanh tra tham nhũng trong quí 1 (RFA, 24/04/2017)
Hơn 41.800 tỷ đồng và 168 héc ta đất bị phát hiện có những vi phạm. Đây là kết quả thanh tra trong quý I năm 2017, được Thanh tra chính phủ cho báo giới biết vào ngày 24/4.
3333333333333333
Việt Nam là nước có tỷ lệ tham nhũng cao dựa theo bản đồ do Transparency International cung cấp. Courtesy of transparency.org
Số liệu này được thống kê qua gần 1.900 cuộc thanh tra hành chính và gần 36.600 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.
Trong lĩnh vực ngân hàng, số tiền phát hiện vi phạm kiến nghị thu hồi là 4.193 tỷ đồng. 8.773 tỷ đồng và 80 ha đất được Thanh tra Chính phủ kiến nghị thu hồi.
33.049 tỷ đồng và 88 ha đất đã bị loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý.
Trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, 762 cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được thanh tra, và phát hiện 8 đơn vị vi phạm, 22 vụ việc vi phạm về việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, kiến nghị thu hồi và bồi thường gần 19,4 tỷ đồng.
Hơn 1.300 cán bộ, công chức, viên chức đã bị chuyển đổi vị trí công tác.
Báo cáo của Thanh tra Chính phủ nói rằng 58% các vụ khiếu nại, khiếu kiện, tố cáo của người dân đã được giải quyết.
**********************
Tàu biển Việt Nam có nguy cơ trở lại danh sách đen (RFA, 24/04/2017)
4444444444444444444
Một chiếc tàu biển Việt Nam, ảnh minh họa. Courtesy of vinamarine.gov.vn
Đội tàu biển của Việt Nam được cảnh báo có thể bị đưa trở lại ‘danh sách đen’ do có nhiều tàu không bảo đảm an toàn cũng như tỷ lệ bị lưu giữ tại nước ngoài cao hơn tàu của những nước khác.
Tổ chức Chính quyền Cảng biển các nước khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đưa ra cảnh báo như vừa nêu.
Thống kê cho thấy trong quí 1 năm nay, số tàu biển của Việt Nam chạy tuyến quốc tế bị lưu giữ ở nước ngoài khi bị kiểm tra về an toàn và phòng ngừa ô nhiễm được cho biết tăng với tỷ lệ cao nhất so với trung bình trong 3 năm qua ở mức gần 5%.
Lý do tàu Việt Nam bị lưu giữ được cho biết vì bị hư hỏng về an toàn chống cháy nổ, trang thiết bị cứu sinh, tình trạng kín nước, các hệ thống sử dụng trong trường hợp có sự cố, an toàn hàng hải, hệ thống quản lý tàu…
Đội tàu biển của Việt Nam trước năm 2014 bị Tổ chức Chính quyền Cảng biển Các nước Khu vực Châu Á- Thái Bình Dương liệt vào ‘danh sách đen’.
Cục Hàng Hải Việt Nam thừa nhận từ đầu năm đến giữa tháng tư vừa qua, có hơn 300 lượt tàu biển của Việt Nam bị kiểm tra tại các cảng biểng nước ngoài.