Việt Nam bị xếp vào nước hoàn toàn không có tự do thông tin (RFA, 26/04/2017)
Tổ chức Phóng viên Không biên giới có trụ sở tại Pháp hôm 26 tháng 4 công bố bản báo cáo hàng năm về tình hình tự do thông tin trên toàn thế giới. Báo cáo năm nay cho thấy một bức tranh ảm đạm của tự do thông tin ở nhiều nước trên thế giới bao gồm cả ở những nước phát triển, và đặc biệt đáng lo ngại ở những nước vốn luôn bị xếp vào những nước cuối bảng hàng năm của tổ chức này, trong đó có Việt Nam.
Bản đồ tự do thông tin do tổ chức Phóng viên Không biên giới cung cấp, Việt Nam nằm trong số các nước bị bôi đen. RFA photo
Tình trạng trì trệ
Trong số 180 nước được điều tra trong báo cáo thường niên về tình hình tự do thông tin toàn cầu của tổ chức Phóng viên Không biên giới năm 2017, Việt Nam đứng thứ 175 với điểm số là 73.96, tức là không có thay đổi về thứ hạng so với năm ngoái và chỉ có một thay đổi rất nhỏ về điểm số là 0.31 so với năm ngoái. Nếu nhìn vào bản đồ tự do thông tin do tổ chức Phóng viên Không biên giới cung cấp, Việt Nam nằm trong số các nước bị bôi đen, tức là hoàn toàn không có tự do thông tin.
Bản báo cáo năm 2017 dựa vào những số liệu và thông tin của toàn bộ năm 2016 ở từng nước.
Nhận xét về tình hình của Việt Nam trong năm 2016, ông Benjamin Ismail, phụ trách khu vực châu Á của tổ chức Phóng viên Không biên giới, cho đài Á châu Tự do biết :
Thực tế chúng ta đang đối với một tình trạng trì trệ. Nhìn chung cũng giống như năm trước. Một cải thiện rất nhỏ thể hiện qua điểm số so với năm ngoái. Báo cáo này dựa vào các số liệu và thông tin mà chúng tôi thu thập được từ các blogger, nhà báo trong nước để đánh giá tình hình Việt Nam.
Chúng tôi tổng hợp tình hình vi phạm tự do báo chí trong suốt cả năm. Những tấn công, đàn áp, sách nhiễu nhắm vào những người cung cấp thông tin đều được tính vào điểm số. Điểm số năm nay có thể tốt hơn một chút xíu so với giai đoạn năm 2015 là năm mà nhiều nhà báo, blogger bị tấn công bởi công an thường phục và đồng phục. Nhưng nhìn chung thì tình hình không thay đổi. Đảng Cộng sản vẫn tiếp tục đối xử tàn tệ đối với các blogger và những người lên tiếng về nhân quyền. Họ không chấp nhận bất cứ những chỉ trích nào.
Phóng viên Không biên giới nhìn nhận vai trò đưa tin của các blogger, người dân, mạng xã hội trong suốt năm 2016, điển hình là sau thảm họa môi trường do Formosa gây ra. Nhưng những hoạt động này đã bị chính quyền đàn áp thẳng tay. Ông Benjamin Ismail nói tiếp
Những hoạt động này đã không được chính phủ chấp nhận. Những nhà báo đã bị tạm giữ, một số bị hành hung vì họ tìm cách đưa tin.
Theo Phóng viên Không Biên Giới, tính đến cuối năm 2016, vẫn có ít nhất khoảng 17 blogger bị cầm tù ở Việt Nam, giảm hơn so với con số 35 người được tổ chức này đưa ra vào năm 2013. Người đại diện của Phóng viên Không Biên Giới cho rằng điểm số cải thiện không đáng kể trong năm 2016 của Việt Nam có thể là do số blogger được trả tự do từ sau năm 2013 đến năm 2016, nhưng theo ông con số này còn quá nhỏ để cho thấy một sự cải thiện rõ ràng.
Phóng viên Không Biên Giới cho rằng những blogger được trả tự do trong thời gian vừa qua là vì hoặc đã thụ hết án tù, hoặc được thả trong các trao đổi ngoại giao và phải ra nước ngoài. Tuy nhiên Phóng viên Không Biên giới cảnh báo vẫn còn những blogger đang bị giam giữ chưa bị xét xử nên số blogger bị cầm tù sẽ có thể tăng lên trong thời gian tới. Nói về sức ép của quốc tế lên Việt Nam, ông Benjamin Ismail cho biết :
Một số blogger được thả đặc biệt trong năm 2014 sau khi Việt Nam phải qua phiên kiểm điểm định kỳ ở Liên Hiệp Quốc là do sức ép của quốc tế nhưng từ năm 2015, đảng Cộng sản lại tiếp tục đàn áp các bloggers và nhiều người trong số họ, các nhà hoạt động nhân quyền sau đó bị bắt và ra tòa vì các hoạt động nhân quyền của mình. Dường như chính quyền không có ý muốn thay đổi chính sách của mình.
Tự do thông tin và dân chủ trên toàn cầu đang suy giảm
Hội thảo về tự do thông tin ở tòa báo Washington Post tại Washington DC sáng 26/4/2017. RFA photo
Trong báo cáo đọc tại hội thảo về tự do thông tin ở tòa báo Washington Post tại Washington DC vào cùng ngày, bà Delphin Halgand, giám đốc khu vực Bắc Mỹ của Phóng viên Không Biên Giới nhận định tình hình tự do thông tin trên toàn cầu trong năm qua đang suy giảm khi 2/3 số nước trong bản báo cáo đều cho thấy những dấu hiệu đi xuống về tự do thông tin
Trong năm ngoái 2/3 số nước được điều tra trong báo cáo cho thấy sự xuống dốc. Ngay cả những nước hàng đầu như Phần Lan là nước 6 năm liền dẫn đầu bảng xếp hạng cũng đầu hàng.
Bà Delphin Halgand cho biết sự tấn công nhắm vào báo chí đang gia tăng ngay cả ở các nước phát triển như Mỹ và Anh. Nhưng điều đáng ngại hơn là nền dân chủ ở các nước Mỹ và châu Âu đang ở điểm bùng phát (tipping point).
Báo cáo năm nay cho thấy một thế giới mà những tấn công vào truyền thông đã trở nên phổ biến và những kẻ mạnh (strong men) đang mạnh lên. Báo cáo năm nay nhấn mạnh điểm bùng phát trong tình hình tự do truyền thông, đặc biệt là ở những nước dân chủ hàng đầu.
Cả hai nước Mỹ và Anh trong báo cáo năm nay đều bị tụt hai hạng so với năm ngoái.
Theo bà Delphine Halgand, tình trạng xuống dốc của tự do truyền thông và dân chủ thể hiện trong báo cáo năm nay không có gì mới. Xu hướng này đã được ghi nhận từ năm ngoái. Tuy nhiên mức độ và tình trạng vi phạm tự do báo chí là điều đáng ngại ở nhiều nước.
Nhưng điều đáng ngại hơn theo tổ chức Phóng viên Không Biên Giới chính là số nước bị tô đen toàn bộ trong báo cáo năm nay, tức hoàn toàn không có tự do thông tin.
Tình hình đáng ngại đang trở nên tồi tệ, bản đồ tự do báo chí toàn cầu tối đen hơn. Tổng số 21 nước đã bị bôi màu đen trên bản đồ năm 2017 vì tình hình ở đó được xác định là hết sức tồi tệ.
Ba nước là Bắc Hàn, Eritrea và Turkmenistan tiếp tục duy trì vị trí cuối bảng trong 12 năm liên tiếp.
Việt Hà, phóng viên RFA
*********************
Việt Nam, "nhà tù lớn thứ nhì đối với các nhà báo công dân" (VOA, 26/04/2017)
Nhà hoạt động Trần Thị Nga bị bắt ở Hà Nam hôm 21/1/2017
Việt Nam vẫn bị xếp hạng 175 trên 180 quốc gia được khảo sát về tự do báo chí, trong phúc trình năm 2017 của Tổ chức Ký giả Không Biên giới, RSF.
Tổ chức Ký giả Không Biên giới nói vì tất cả truyền thông nội địa đều được đặt dưới quyền kiểm soát và chỉ thị của Đảng Cộng sản Việt Nam, cho nên những nguồn thông tin độc lập duy nhất là các blogger và nhà báo công dân, thành phần mà RSF cho là bị đàn áp nghiêm ngặt, kể cả bằng bạo lực dưới tay của cảnh sát mặc thường phục.
RSF tố cáo Đảng Cộng sản Việt Nam là lạm dụng các điều khoản mơ hồ trong Bộ Luật Hình sự như điều 88- "tuyên truyền chống phá nhà nước", điều 79- "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân", và điều 258 - "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước" để biện minh cho việc bắt giữ các blogger và nhà báo công dân.
RSF đặc biệt lên án các vụ bắt giữ để "đánh chặn" đối với ba blogger Trần thị Nga, Nguyễn văn Hóa và Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức blogger Mẹ Nấm. Vụ bắt giữ ba nhà hoạt động này, theo RSF, đã biến Việt Nam thành "nhà tù lớn thứ nhì trên thế giới đối với các nhà báo công dân", chỉ đứng sau Trung Quốc.
Nạn nhân mới nhất là Trần thị Nga, tức blogger Thuý Nga, bị bắt tại tư gia ở tỉnh Hà Nam hôm 21 tháng Giêng năm nay. Bà Nga, 40 tuổi, là nhà hoạt động thường xuyên tham gia biểu tình chống Trung Quốc, và tuần hành vì môi trường. Bà là một bà mẹ đơn thân phải nuôi hai con nhỏ, thường dùng trang blog để bênh vực giới lao động và dân oan khiếu kiện bị nhà nước tịch thu đất đai. Bà bị quy tội "tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam", theo điều 88 của Bộ Luật Hình sự. Nếu bị kết tội, bà có thể bị phạt từ 3 đến 20 năm tù.
Một nhà báo công dân khác được nêu tên là Nguyễn văn Oai, bị bắt hôm 19/1 tại Nghệ An vì đã cưỡng lại nhân viên thi hành công lực, và ra khỏi nhà trong thời gian bị quản chế.
Bị bắt năm 2011 và tuyên án 4 năm tù cộng với 3 năm quản chế theo điều 79 BLHS, ông Oai mãn hạn tù vào tháng 8 năm 2015.
Nhà báo công dân Nguyễn Văn Hóa bị chính quyền Việt Nam khởi tố hôm 6/4 về tội danh "lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích nhà nước", nhà hoạt động trẻ này từng cộng tác với Đài Á Châu Tự do, bị bắt hôm 11/1 và bị cấm liên lạc với bên ngoài.
Nhà báo công dân trẻ tuổi này tường trình về các cuộc biểu tình phản đối nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh, bị quy trách nhiệm về vụ rò rỉ chất thải độc hại gây thảm hoạ cá chết hàng loạt hồi tháng Tư, 2016.
Ông Benjamin Ismail, Giám Đốc đặc trách khu vực Á Châu-Thái Bình Dương của RSF, nói :
"Đợt bắt bớ trước Tết Âm lịch thể hiện sự căng thẳng trong hệ thống chính quyền bất cứ lúc nào mà xã hội công dân có cơ hồi bày tỏ quan điểm tự do về những vụ vi phạm các quyền của họ và nhân quyền nói chung."
Ông Ismail nói :
"Các blogger và nhà báo công dân vừa nêu không làm gì khác hơn là tường trình về các vụ biểu tình và bày tỏ quan điểm của họ về những hành động vi phạm quyền của các công dân, và bảo vệ lợi ích chung. Thật là kinh khủng khi phải chứng kiến những người bảo vệ lợi ích chung và nhân quyền bị gán cho tội tuyên truyền chống phá nhà nước ở Việt Nam. Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy tăng sức ép để những nhà báo công dân này được trả tự do ngay lập tức."
Tháng 10 năm ngoái, RSF lên án chính sách của nhà nước Việt Nam cô lập hóa các nhà báo và blogger, cũng như có hành động trả thù có hệ thống chống lại những người cả gan liên lạc với thế giới bên ngoài.
Trong bảng sắp hạng báo chí năm 2017 của RSF, Việt Nam lại bị xếp gần chót, hạng 175 trên tổng cộng 180 nước được khảo sát.
**************
RSF : Tự do báo chí chưa bao giờ bị đe dọa đến thế ! (RFI, 26/04/2017)
Bản đồ xếp hạng tự do báo chí năm 2016, theo RSFẢnh : RSF
Đả kích nhắm vào truyền thông, tin giả, đàn áp… "chưa bao giờ tự do báo chí lại bị đe dọa đến thế !". Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF), trong bản báo cáo thường niên được công bố hôm nay 26/04/2017, đã báo động như trên. Riêng Việt Nam vẫn giữ nguyên thứ hạng 175 như năm ngoái.
Theo RSF, tự do báo chí lâm vào tình trạng "khó khăn" hay "nguy ngập" tại 72/180 quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Nga, Ân Độ, hầu như toàn bộ Trung Đông, Trung Á và Trung Mỹ và hai phần ba châu Phi. Bản đồ tự do báo chí năm nay tràn ngập màu đỏ (biểu thị tình trạng "khó khăn") và màu đen ("nguy ngập"). Báo chí chỉ được tự do tại khoảng năm chục nước ở Bắc Mỹ, châu Âu, Úc, Nam Phi.
Cũng như trong năm 2016, các nước Bắc Âu (Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch) dẫn đầu về tự do báo chí, và đứng chót vẫn là Bắc Triều Tiên (thứ 180) – nơi mà "nghe đài nước ngoài có thể bị đưa đi tập trung cải tạo".
Trong số 25 quốc gia mà báo chí bị đe dọa nhiều nhất, theo RSF, có Ai Cập và Bahrein, "những nhà tù của các nhà báo" ; Turkmenistan (đứng thứ 178), bị coi là "một trong các chế độ độc tài khép kín nhất thế giới", và Syria (177), nơi nguy hiểm chết người nhất đối với phóng viên.
Riêng tại châu Á, các nước Trung Quốc (176) và Việt Nam (175) là nơi cầm tù nhiều nhà báo nhất. Pakistan (139), Philippines (127), Bangladesh (146) được đánh giá là nhiều nguy hiểm cho nghề báo. Khu vực châu Á bị cho là có nhiều nhà độc tài thù địch với báo chí như Trung Quốc, Bắc Triều Tiên hay Lào (170), là những "hố đen" thông tin.
RSF quan ngại trước "nguy cơ chao đảo nghiêm trọng" về tự do báo chí, "nhất là tại các nước dân chủ quan trọng". RSF nhận định "việc ông Donald Trump lên nắm quyền tại Hoa Kỳ và chiến dịch Brexit ở Anh đã tạo cơ hội cho việc đả kích báo chí và tin giả". Đồng thời lấy làm tiếc khi "nơi nào mà lãnh đạo độc tài lên ngôi, thì tự do báo chí lại thụt lùi", trong đó có Ba Lan, Hungary, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga.
Riêng nước Pháp từ hạng 45 lên 39, do tác động của vụ thảm sát ở tuần báo Charlie Hebdo năm 2015. Tuy nhiên RSF nhận thấy "một bầu không khí bạo lực và nguy hại" trong chiến dịch tranh cử tổng thống, "khi việc lăng mạ, la hét phản đối phóng viên trong các cuộc mít-tinh đã trở thành chuyện bình thường".
Thụy My
****************
RSF : 'Việt Nam là nhà tù lớn cho các blogger' (BBC, 26/04/2017)
Việt Nam đứng hạng 175/180, không thay đổi so với xếp hạng năm 2016.
Việt Nam là một trong những nước vi phạm quyền tự do báo chí và bỏ tù nhiều nhà báo, blogger nhất thế giới, báo cáo thường niên của Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) xếp hạng Việt Nam, Trung Quốc và Bắc Hàn thuộc các nước đội sổ.
Ông Benjamin Ismail, Trưởng Ban Châu Á Thái Bình Dương của RSF, nói trong thông cáo báo chí rằng ngày càng có nhiều chính phủ tại châu Á cố tình lẫn lộn giữa nhà nước pháp quyền và dùng luật để cai trị.
"Bằng việc tăng cường dùng các luật hà khắc, các chính phủ có khuynh hướng toàn trị hy vọng biện minh được cho nỗ lực siết ruyền thông và tiếng nói chỉ trích.
"Khi không đối phó được với quốc tế lên án, chính phủ các nước này nhanh chóng tung ra các nguyên tắc không can thiệp, chủ quyền hoặc thậm chí an ninh quốc gia nhằm né tránh các trách nhiệm nhân quyền quốc tế và bổn phận hiến định về bảo vệ tự do truyền thông và thông tin", ông Ismail nói.
Được RSF công bố hàng năm từ 2002, Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới đo mức độ tự do truyền thông tại 180 nước.
Châu Á Thái Bình Dương là khu vực vi phạm tồi tệ thứ ba trên thế giới nhưng lại có những nước nằm đội sổ nhiều nhất.
Năm 2016 Tổ chức Phóng viên Không Biên Giới (RSF) đưa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào danh sách "kẻ thù của tự do truyền thông".
Lào đứng thứ 170 trong khi Việt Nam (175), Trung Quốc (176) và Bắc Hàn (180).
RSF vào tháng 11 năm ngoái lập danh sách mà họ mô tả là "kẻ thù của tự do truyền thông" trên thế giới. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng, có tên trong danh sách 35 người bao gồm lãnh đạo một số nước, chính khách, lãnh tụ tôn giáo.
'Lo tuyệt thực'
Trong một diễn biến đáng chú ý, mẹ của blogger Mẹ Nấm, tên thật là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tỏ ra quan ngại về việc con mình không nhận đồ ăn và tiền gửi của gia đình khi gửi vào trong tù.
Bà Nguyễn Tuyết Lan nói với BBC rằng vào ngày 17/04 bà có đi gửi một số đồ ăn và thuốc vitamin cho con mình nhưng cán bộ trại giam tại Khánh Hòa nói không được gửi thuốc.
"Tôi thắc mắc là sao người khác gửi được mà tôi lại không gửi được thì hôm sau cán bộ trại giam nói là "chị Quỳnh nói là nếu những thứ gì mẹ tôi gửi vào thì phải cho tôi nhận đủ không thì sẽ không nhận cái gì nữa".
Hoa Kỳ vinh danh Blogger Mẹ Nấm là phụ nữ quả cảm
"Tức là cán bộ trại giam gọi tôi lên nhận lại toàn bộ những thứ tôi gửi trong đó có đồ ăn và tiền tôi gửi vào. Điều này làm tôi rất lo bởi nếu không có tiền và không có đồ ăn thì con tôi sẽ ăn bằng cái gì và tới 08/05 thì tôi mới có tới thăm con tôi", bà Lan nói.
Bà Lan cho biết kể từ khi con bà bị bắt bà chưa được gặp con mình lần nào và bà dự định ngày 08/05 tới trại là vì 07/05 hết hạn bắt tạm giam.
Trong khi đó, nhà hoạt động Trịnh Kim Tiến nói với BBC về quan ngại mà bà gọi là "có khả năng Mẹ Nấm tuyệt thực" để phản đối. "Với sự thân hiểu của tôi về chị, tôi cho rằng Quỳnh đang tuyệt thực lần hai để phản đối hành vi cửa quyền của công an tỉnh Khánh Hoà."
Trước đó, nhà hoạt động này viết trên trang Facebook cá nhân : "Việc kiên quyết cự tuyệt nhận đồ của người nhà gửi vào như một lời nhắn của chị đến mọi người."
Blogger Mẹ Nấm, tên thật là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, người cũng là nhà đấu tranh về môi trường, đã bị bắt giam từ tháng 10/2016 vì tội Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự.
Công an tỉnh Khánh Hòa khi đó nói bà Quỳnh đã "soạn thảo, đăng tải, chia sẻ nhiều bài viết, video có nội dung chống đối đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ; bôi nhọ các cá nhân...".
Vào tháng 03/2017, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vinh danh bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là một trong số 13 phụ nữ được trao giải thưởng Phụ nữ Quả cảm Quốc tế.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình ngay sau đó nói : "Việt Nam cho rằng Bộ Ngoại giao Mỹ trao giải thưởng cho một cá nhân đang bị tạm giam để điều tra vì hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam là một hành động thiếu khách quan, không phù hợp và không có lợi cho việc phát triển quan hệ hai nước".