Việt Nam nhập siêu gần 63 tỷ USD hàng hóa từ các thị trường FTA
RFA, 20/10/2020
Bộ Công thương Việt Nam hôm 20/10 thông báo tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường có Hiệp định thương mại tự to (FTA) trong năm 2019 là 123 tỷ đô la, nhập khẩu đạt 186 tỷ đô la, cán cân thương mại Việt Nam vẫn nhập siêu 63 tỷ đô la.
Cảng container xuất nhập hàng hóa - Ảnh minh hoạ. Reuters
Theo thống kê, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân sang các thị trường đối tác FTA kể từ khi có Hiệp định FTA cụ thể : Ấn Độ đạt bình quân 35,7%/năm, Hàn Quốc đạt 29,2%/năm, Chi Lê 28,9%/năm và Trung Quốc 20,9%/năm.
Tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ các thị trường đối tác FTA của Việt Nam năm 2019 là 186 tỷ USD. Trong khi đó, năm 2004, Việt Nam mới có hai đối tác FTA là ASEAN và Trung Quốc với tổng kim ngạch nhập khẩu 12,4 tỷ USD. Như vậy, Bộ Công thương khẳng định Việt Nam vẫn nhập siêu từ các thị trường có FTA.
Mức tỷ lệ sử dụng chứng nhận xuất xứ C/O ưu đãi 37,2% phản ánh doanh nghiệp và hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đang dần nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan tại các thị trường có FTA với Việt Nam trong những năm qua.
Con số 37,2% chỉ là tỷ lệ sử dụng trung bình của các mẫu C/O ưu đãi. Tỷ lệ cụ thể khác nhau theo từng mẫu C/O với Chi Lê tỷ lệ sử dụng 67,72%, theo thị trường xuất khẩu – Hàn Quốc gần 50% và Nhật Bản gần 39%, theo mặt hàng xuất khẩu – da giày gần 92%, nhựa và các sản phẩm nhựa gần 72%, dệt may gần 67%, thủy sản gần 66%, cà phê và hạt tiêu lần lượt đạt hơn 53% và hơn 90%.
********************
Tham nhũng diễn biến phức tạp, có biểu hiện tinh vi hơn và khó phát hiện
RFA, 20/10/2020
Tình hình tham nhũng tại Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp, có biểu hiện tinh vi hơn và khó phát hiện. Các vụ, việc tham nhũng được phát hiện, xử lý chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra hiện nay.
Quang cảnh một cuộc họp Quốc hội ở Hà Nội vào 21/10/2019 – AFP
Đây là nội dung được Chính phủ Hà Nội nhận định trong báo cáo gửi Quốc hội và được báo chí đưa tin ngày 20/10.
Thực trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc để vụ lợi "tham nhũng vặt" ở một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức vẫn còn diễn ra ở một số bộ, ngành, địa phương đã được Chính phủ Hà Nội nêu rõ trong báo cáo.
Theo số liệu trong báo cáo về xử lý tham nhũng trong năm 2020, các Cơ quan điều tra trong Công an Nhân dân đã thụ lý điều tra 531 vụ án, 1.245 bị can phạm tội về tham nhũng, trong đó khởi tố mới 290 vụ, 616 bị can.
Tòa án Nhân dân các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 436 vụ với 1.175 bị cáo. Có 269 vụ, 645 bị cáo bị xử sơ thẩm phạm các tội tham nhũng, trong đó có 8 bị cáo bị tuyên phạt tù chung thân hoặc tử hình. Ngoài ra, có 158 vụ, 326 bị cáo bị xét xử phúc thẩm.
Liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng, báo cáo cho biết đã thi hành xong 3.605 vụ án hình sự về kinh tế tham nhũng nói chung, thu được hơn 15.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, đối với những vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo, có 15 vụ việc đã tổ chức thi hành xong, 43 vụ đang tổ chức thi hành. Tổng số tiền phải thi hành án là hơn 74.500 tỷ đồng, số đã thi hành xong là 19.261 tỷ đồng, còn phải thi hành là gần 55.280 tỷ đồng.
Chính phủ Hà Nội nhận định rằng tham nhũng nhìn chung đã được kiềm chế, từng bước ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm ; góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, vẫn còn những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, có thể gia tăng một số vụ việc, hậu quả cho xã hội và mức độ tinh vi như quản lý và sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, tín dụng – ngân hàng, quản lý sử dụng tài chính, ngân sách, vốn và tài sản công.
********************
Một số cơ quan bộ, ngành trả lại vốn ODA cho Chính phủ Việt Nam
RFA, 21/10/2020
Chính phủ Việt Nam mặc dù đề ra nhiều biện pháp để giải ngân vốn ODA trong năm 2020, tuy nhiên đến cuối tháng 9 mới giải ngân được gần 25% dự toán và một số cơ quan bộ, ngành lần đầu tiên trả lại vốn ODA được giao.
Các công trình đầu tư công, xây dựng lớn đều vay từ nguồn vốn ODA - Ảnh chụp tại Hà Nội hôm 18/8/2020. AFP
Truyền thông Nhà nước Việt Nam, vào ngày 21/10, dẫn lời của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, ông Nguyễn Đức Hải cho biết thông tin vừa nêu khi trình bày báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2020, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2021.
Tin cho biết, theo báo cáo, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đạt được trong 9 tháng đầu năm 2020 vào khoảng hơn 57%, tương đương hơn 495 ngàn tỷ đồng, tăng 5,3% so với dự toán.
Tuy nhiên, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được ghi nhận là chậm, đặc biệt nguồn vốn ODA chỉ giải ngân được 24,8% trong 9 tháng qua. Đồng thời một số bộ, ngành lần đầu tiên trả lại vốn ODA cho Chính phủ.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến giải ngân vốn vay ODA chậm được cho là bởi chịu sự tác động của đại dịch Covid-19. Theo đó, các nhà thầu không thể huy động nhân lực để thi công, máy móc, thiết bị phải nhập khẩu từ nước ngoài. Bên cạnh đó, một số dự án ODA phải điều chỉnh vì vướng khâu giải phóng mặt bằng hay thủ tục ký hợp đồng vay vốn, mời thầu quốc tế…còn nhiều phức tạp.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, ông Nguyễn Đức Hải cho biết nhiều dự án ODA xin điều chỉnh nguồn vốn sang năm sau và trả lại nguồn vốn cho ngân sách Trung ương có xu hướng tăng.
Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch-Đầu tư đều cho rằng, các địa phương cần phải cân nhắc kĩ về quyết định kiến nghị trả lại vốn ODA trong năm 2020, bởi vì việc điều chỉnh giảm vốn giai đoạn này sẽ gây áp lực cho giai đoạn tới và dư địa có dự án mới sẽ bị hẹp lại cũng như kéo dài thời gian giải ngân sẽ khiến áp lực trả nợ tăng lên.
Cả hai Bộ Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch-Đầu tư yêu cầu các địa phương cần cố gắng thực hiện việc giải ngân 2/3 vốn ODA còn lại trong 3 tháng cuối năm 2020 và tránh tiếp tục xin điều chỉnh giảm.
Một số cơ quan bộ, ngành đề nghị trả lại vốn ODA trong năm nay như Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn xin trả hơn 1.800 tỷ đồng do không có khả năng giải ngân ; Bộ Tài Nguyên và Môi trường đề nghị điều chuyển hơn 330 tỷ đồng/619,8 tỷ đồng dự toán vốn nước ngoài để chuyển cho các bộ, địa phương khác ; Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam đề nghị hủy số tiền 300 tỷ đồng/400 tỷ đồng dự kiến dành cho cho Dự án Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội do dự án giải ngân quá chậm...
Nguồn : RFA, 21/10/2020