Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

04/12/2020

Có cần yêu cầu báo chí góp sức để Đại hội Đảng thành công ?

RFA tiếng Việt

Phó Thủ tướng Việt Nam Vũ Đức Đam mong muốn báo chí góp sức để Đại hội Đảng lần thứ XIII thành công. Ông nhấn mạnh kêu gọi này tại lễ khai trương một trang thông tin đặc biệt của Thông tấn xã Việt Nam hôm 3/12/2020, tại Hà Nội.

daihoi1

Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội trước đây. Reuters

Tại sao phải yêu cầu báo chí góp sức để Đại hội Đảng thành công và vai trò của báo chí nhà nước với Đại hội Đảng như thế nào khi chính quyền độc đảng Việt Nam đã kiểm soát hoàn toàn báo chí ?

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS, đã tự giải thể, khi trao đổi liên quan vấn đề này với Đài Á Châu Tự Do từ Hà Nội hôm 4 tháng 12 năm 2020, nhận định :

"Tôi chắc bởi vì ông Phó Thủ tướng ổng phụ trách lãnh vực đó cho nên ổng nói như thế cho phải đạo mà thôi. Chứ còn thực sự thì báo chí của Việt Nam hoàn toàn nằm trong tay của đảng cộng sản. Ở trên đấy ông Trọng và ông Thưởng là hai ông Tổng biên tập và Phó Tổng biên tập mà nói gì thì hệ thống 800 tờ báo nghe răm rắp..".

Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho biết, ông không hiểu tại sao ông Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lại kêu gọi như vậy, vì dù có báo chí hay không thì đảng cộng sản Việt Nam lúc nào cũng cho rằng đại hội thành công :

"Thành công hay không của đảng cộng sản Việt Nam trong đại hội thì chỉ có họ biết với nhau. Mà cái chính có lẽ là thông quan được những đường lối mà họ đã vạch ra rồi. Tất cả đảng viên thuộc 61 đơn vị dưới trung ương đã đại hội xong xuôi rồi, giờ chỉ còn đại hội trên cùng vào tháng giêng sang năm, thì chẳng cần báo chí gì thì họ vẫn cứ gọi là "thành công rực rỡ"... thì việc hô hào báo chí là việc hơi vô duyên, nhưng người ta vẫn phải làm ra vẻ như vậy. Tôi nghĩ báo chí ở Việt Nam, đặc biệt báo chí của đảng chẳng có một vai trò gì trong sự thành công hay thất bại của đại hội đảng cộng sản cả, vì đằng nào thì họ cũng đã vào hùa nói là ‘thành công rực rỡ’.."..

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam có khoảng 838 cơ quan báo chí, 67 đài phát thanh truyền hình với đội ngũ nhà báo lên tới khoảng 40.000 người. Tất cả các cơ quan báo chí này đều phải chịu sự kiểm soát thông tin của nhà nước mà cụ thể là theo đường hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương. Trong quy hoạch báo chí đến năm 2025, chính phủ Việt Nam cũng đã một lần nữa khẳng định báo chí là công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của đảng và nhà nước. Vậy tại sao vẫn phải kêu gọi ?

Khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 4 tháng 12 năm 2020, liên quan vấn đề này, từ Việt Nam Nhà báo độc lập Nguyễn Vũ Bình, từng làm việc gần 10 năm tại Tạp chí Cộng sản, nhận định :

"Vai trò tuyên truyền, nhiệm vụ báo chí nhà nước thì từ xưa đến nay đã vậy rồi. Còn việc ông phó thủ tướng yêu cầu giúp sức thì thật ra nó cũng bình thường thôi, chứ nó cũng không có gì đặc biệt, mình nghĩ là trong hội nghị thì thường thường lãnh đạo hay có những câu nói như vậy. Thật ra thì vai trò của báo chí nhà nước thì họ vẫn nói vậy, người dân nào tin thì vẫn tin, còn không tin thì vẫn không tin. Người nào yêu đảng thì vẫn cứ yêu, còn ai không yêu đảng thì vẫn không yêu... nên đó chỉ là chuyện họ hay nói trong các hội nghị".

Tại Việt Nam không có báo chí tư nhân, báo chí nhà nước nói chung phục vụ nhiệm vụ chính trị, nhà nước định hướng dư luận xã hội… những việc như vậy, lâu nay vẫn là những cái cơ bản mà nhà nước Việt Nam áp dụng với báo chí. Nhưng nếu so với cách đây khoảng 3 hay 4 thập kỷ, thì việc kiểm soát báo chí có thay đổi... Không chỉ bị kiểm soát trực tiếp từ Ban Tuyên giáo Trung ương đến Ban Tuyên giáo địa phương và các Sở Thông tin - Truyền thông ở các tỉnh thành... các tờ báo còn bị kiểm duyệt thông qua việc bố trí nhân sự trong các cơ quan báo chí như bí thư chi bộ, đảng bộ của các nơi này...

Giáo sư Nguyễn Đình Cống, một đảng viên đã từ bỏ Đảng, một ngòi bút phản biện, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do qua email về vấn đề này, hôm 4 tháng 12 năm 2020 nhận định :

"Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn với tinh thần của báo chí Cách mạng Việt Nam và sự trung thành, góp sức của đội ngũ báo chí sẽ góp phần để Đại hội Đảng lần thứ XIII thành công tốt đẹp, tạo khí thế mới trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân.

Ông Đam nói vậy là để động viên báo chí chứ ở Việt Nam có truyền thống là người ta khẳng định trước mọi đại hội Đảng sẽ thành công tốt đẹp ngay cả khi chưa họp. Người ta cần báo chí để tuyên truyền chứ chắc chẳng có ai, ngoài ông Đam, nghĩ đến sự góp phần của báo chí. Nhưng ngoài việc động viên thì phát biểu của ông Đam có một vài điều cần bàn. Trước hết ông Đam chỉ nói đến báo chí cách mạng chứ không phải báo chí nói chung. Và ông nhấn vào sự trung thành chứ không phải sự khách quan và trung thực".

Sau khi đại hội thành công tốt đẹp, báo chí sẽ góp phần tạo khí thế mới trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Giáo sư Nguyễn Đình Cống cho biết, điều này là khá rõ và các báo chí cách mạng đang chờ để lập công. Còn nói rằng "góp sức của đội ngũ báo chí sẽ góp phần để Đại hội thành công tốt đẹp". thì theo ông hơi bị khiên cưỡng. Nếu cứ suy luận theo kiểu "Vạn vật tương quan" thì mọi hoạt động của người Việt chịu sự kiểm soát của Đảng, trong thời gian chuẩn bị và tiến hành đại hội đều có góp phần cho sự thành công của đại hội. Còn nếu mong ước báo chí góp sức, góp phần có ý nghĩa vào sự thành công của đại hội thì đó là một mong ước không hiện thực. Vì theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống, đó là báo chí cách mạng và cần phải trung thành. Ông viết tiếp :

"Đại hội có vấn đề quan trọng là văn kiện và nhân sự. Theo dõi báo chí cách mạng viết về đại hội Đảng trong mấy chục năm gần đây tôi thấy về văn kiện báo chỉ chủ yếu làm việc phụ họa, ca ngợi chứ chẳng đóng góp được gì về nội dung cũng như cách trình bày. Riêng về nhân sự thì hình như các phe nhóm đã lợi dụng được một vài tờ báo để tố cáo chuyện xấu của ông nọ bà kia với mục đích cá nhân chứ chủ yếu chẳng phải vì thành công của đại hội.

Không biết ông Phó thủ tướng nói với báo chí về đại hội Đảng là do bất chợt, nói theo thói quen hay dựa vào suy nghĩ cẩn trọng. Điều này người ngoài khó biết được, chỉ biết rằng đem phân tích kỹ thì thấy khó mà chấp nhận nội dung".

Việt Nam xếp thứ 175 trên 180 quốc gia toàn thế giới về Chỉ Số Tự Do Báo Chí năm 2020, tức là không có tự do báo chí. Đây là xếp hạng do tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới –RSF công bố vào ngày 21 tháng 4 năm 2020.

RFA tiếng Việt, 04/12/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 500 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)