Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

31/12/2020

Tuổi trẻ Việt Nam, bằng giả Đông Đô, tham nhũng trong Bộ giao thông

RFA tồng hợp

Giới trẻ Việt Nam hy vọng gì trong năm 2021 ?

RFA, 31/12/2021

Dịch Covd-19 bị khống chế trong năm 2021

Bạn trẻ Đăng Quang hối hả hòa vào dòng người đông đúc ở Sài Gòn, sau ngày làm việc cuối cùng của năm 2020 để kịp về nhà đón phút giao mùa mừng năm mới 2021.

vn1

Một thanh niên đi ngang qua bảng hiệu "Chúc mừng Năm mới" ở Hà Nội. Hình chụp ngày 30/12/2020. AFP - Ảnh minh họa.

Chia sẻ với RFA mà không mất thời gian suy nghĩ khi chúng tôi liên lạc, Đăng Quang nói rằng bạn có ước vọng tất cả mọi người trên toàn thế giới được sức khỏe và cơn đại dịch Covid-19 được khống chế trong năm 2021.

Đăng Quang tâm tình rằng dù cuộc sống gặp không ít khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, nhưng bạn thấy mình may mắn vì vẫn còn được nói, cười, nhìn thấy được người thân, bạn bè khỏe mạnh, an toàn trong đại dịch kinh hoàng này.

Bởi vì công ăn việc làm bị đình trệ trong mấy tháng, bạn trẻ Đăng Quang cho biết sẽ cố gắng nhiều hơn để làm việc và đóng góp với cộng đồng những gì trong khả năng của mình nhằm giúp nhau vượt khó trong năm 2021.

"Cá nhân em hy vọng là đối với những người dân đã nộp thuế và khi đại dịch xảy ra thì bị ảnh hưởng, không làm việc được hay bị găp khó khăn sẽ được hỗ trợ trong năm 2021. Em cũng được biết đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng mà hầu như người dân không tiếp cận tới được. Và đó là trách nhiệm của chính quyền, chứ không phải mong mỏi gì nữa, họ phải hỗ trợ cho người dân ít nhiều gì đó để cuộc sống được yên ổn trong dịch bệnh".

Đăng Quang tự hứa với lòng, đồng thời cũng mong muốn những bạn trẻ khác tại Việt Nam, sẽ tích cực và lạc quan hơn trong năm 2021. Mỗi một tiếng nói, mỗi một việc làm vì cộng đồng dù rất nhỏ nhặt nhưng sẽ góp phần cho xã hội được tốt hơn.

Tạm biệt bạn trẻ Đăng Quang, chúng tôi liên lạc với blogger Phạm Minh Vũ. Bạn trẻ này trong năm 2020 đã có nhiều bài viết đăng tải trên tài khoản Facebook cá nhân và được cộng đồng mạng đón nhận.

Hy vọng tinh thần giới trẻ được lan tỏa

Vừa làm việc vừa trò chuyện với RFA trong ngày cuối cùng của năm 2020, blogger Phạm Minh Vũ cho biết bạn được truyền cảm hứng từ những thanh niên đang bị giam cầm sau song sắt ở Việt Nam và bạn nhận thấy bản thân mình phải tiếp bước công việc đang còn dở dang của những thanh niên can đảm đó.

"Nhắc đến những cái tên như Nguyễn Viết Dũng, Phan Kim Khánh, Huỳnh Đức Thanh Bình, Nguyễn Văn Hóa…thì đúng là Việt Nam có những tấm gương mà họ dám dấn thân, hy sinh tuổi trẻ để có tiếng nói trước những bất công trong xã hội nhằm góp phần làm bớt đi những bất công đó đang hàng ngày diễn ra. Cá nhân em hy vọng rằng các bạn trẻ cùng trang lứa bỏ qua những ích kỷ của bản thân, thờ ơ với đất nước thì sẽ quan tâm hơn một chút. Có thể trong khả năng của mình, khi thấy bất công thì cất lên tiếng nói. Tuy rằng không thay đổi được nhiều, nhưng để thấy là tinh thần của giới trẻ Việt Nam vẫn còn".

Đối với bogger Phạm Minh Vũ, tinh thần của giởi trẻ mà bạn đề cập đến chính là sự nhiệt huyết vì xã hội, vì đất nước Việt Nam được tốt đẹp và tươi sáng hơn.

Phạm Minh Vũ cho rằng tinh thần của giới trẻ Hong Kong và sinh viên Thái Lan sẽ lan tỏa sang giới trẻ Việt Nam, nhận biết trách nhiệm đối với dân tộc và tương lai. Và, blogger Phạm Minh Vũ tin tưởng rằng trong năm mới 2021 sẽ có thêm nhiều bạn trẻ khác dấn thân, cất lên tiếng nói chính kiến để đòi hỏi các giá trị phổ quát chung của nhân loại được thực thi trên quê hương Việt Nam. Đó là các quyền tự do ngôn luận, tự do truyền thông và nhân quyền phải được tôn trọng.

vn2

Trịnh Bá Tư, Trịnh Bá Phương và mẹ (bà cấn Thị Thêu) bị bắt ngày 24/6/2020. FB Nhà Vườn Trịnh Bá Phương - Tư

Đồng quan điểm với blogger Phạm Minh Vũ, bạn trẻ Đỗ Nam Trung, một thanh niên hoạt động dân chủ tại Việt Nam bày tỏ bạn ước mong năm 2021 sẽ là một năm có nhiều biến chuyển tích cực đối với nền chính trị, kinh tế và xã hội Việt Nam. Và, sự chuyển biến này sẽ được diễn ra với điều kiện là người dân dám dũng cảm bước qua sợ hãi để cất lên tiếng nói yêu cầu Chính quyền Việt Nam phải thực thi đúng bổn phận của một chính thể phụng sự tổ quốc và nhân dân Việt Nam.

Nhắc đến "bổn phận" và "phụng sự" khiến chúng tôi nhớ đến người bạn trẻ Trần Hoàng Phúc. Trần Hoàng Phúc từng là từng là sinh viên luật và một thành viên nhiệt huyết của nhóm Sáng kiến Lãnh đạo trẻ Đông Nam Á (YSEALI), do cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barrack Obama phát động thành lập hồi năm 2013. Thay vì bước đi trên con đường tương lai xán lạn của bản thân, bạn trẻ Trần Hoàng Phúc bị Tòa án Việt Nam, vào cuối tháng 1/2018, tuyên 6 năm tù giam và 4 năm quản thúc tại gia bởi vì Trần Hoàng Phúc đã chọn lý tưởng làm tròn trách nhiệm với cộng đồng xã hội. Trong những năm tháng tù đày, Trần Hoàng Phúc vẫn tiếp tục công việc phục vụ cho cộng đồng.

Thân mẫu của sinh viên Trần Hoàng Phúc, cô giáo Huỳnh Thị Út, vào tối ngày 31/12, tâm tình với RFA :

"Bản thân Phúc là Phúc giúp cho mọi người xuất phát từ tình yêu thương, sự chia sẻ và đồng cam cộng khổ. Phúc đem được tình thương của mình đến với mọi người. Phúc giúp đỡ cho những tù nhân người dân tộc trong trại giam về những hạt giống hay những cuốn kinh thánh. Tôi nghĩ rằng các tù nhân đó cũng cảm nhận được tình yêu thương cho nên tôi được nghe cũng có một số người biết chia sẻ những khó khăn cho nhau".

Trong giây phút bồi hồi chia tay năm cũ 2020, đón mừng năm mới 2021, cô giáo Huỳnh Thị Út lắng lòng nhớ đến không chỉ đứa con trai yêu quý của bà, mà còn đó không ít thanh niên Việt Nam cùng chung cảnh ngộ như Phúc cũng chỉ vì lý tưởng sống của họ cho đất nước và cộng đồng.

Mẹ của Trần Hoàng Phúc chia sẻ rằng tất cả những người cha, người mẹ của tù nhân lương tâm trẻ tuổi tại Việt Nam đều lấy làm hãnh diện và đồng hành cùng lý tưởng của con mình. Đó là vì việc làm của những người bạn trẻ này với suy nghĩ cho mọi người và cho đất nước Việt Nam tốt đẹp hơn.

Đài RFA ghi nhận trong năm 2020, danh sách tù nhân lương tâm tại Việt Nam đã ghi danh thêm hai anh em Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư. Họ đã hy sinh thời gian và hạnh phúc gia đình để đồng hành cùng bà con dân làng Đồng Tâm. Giờ đây, họ đón năm mới 2021 trong trại giam mà chưa biết bản áo nào sẽ dành cho mình. Nhưng, qua chia sẻ với RFA trước khi bị bắt cùng với mẹ là bà Cấn Thị Thêu hồi tháng 6, Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư cùng khẳng định họ tranh đấu với khao khát ít nhất là giờ khắc đón mừng năm mới thật thanh bình, không còn cảnh chia lìa, mất mất đau lòng như như vụ Đồng Tâm xảy ra trong những ngày cận tết.

Cô giáo Huỳnh Thị Út nói với RFA trước thềm năm mới 2021 rằng niềm tin và hy vọng của các tù nhân lương tâm trẻ tuổi Việt Nam, trong đó có Trần Hoàng Phúc sẽ thành hiện thực trong nay mai :"Phúc nói rằng là chắc chắn Việt Nam sẽ đổi mới trong một ngày gần đây".

Nguồn : RFA, 31/12/2020

**********************

Người dùng bằng giả của Đại học Đông Đô sẽ tự khai báo ?

RFA, 30/12/2020

Kêu gọi tự khai báo

Truyền thông Nhà nước Việt Nam, vào ngày 28/12, dẫn nguồn từ Bộ Công an cho biết đang điều tra vụ án "Giả mạo trong công tác" xảy ra tại Trường Đại học Đông Đô và yêu cầu người sử dụng bằng giả do trường đại học này cấp nên tự trình báo.

vn3

Gần 200 người được Đại học Đông Đô cấp bằng giả trong thời gian từ 2015-2017. Courtesy of statemedia, RFA edited - Ảnh minh họa.

Theo kết quả điều tra của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, đến thời điểm xác định sai phạm, trường Đại học Đông Đô đã cấp bằng cử nhân giả cho 193 người không qua tuyển sinh, đào tạo. Trong đó, có 55 trường hợp sử dụng bằng giả này để dự xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ. Các trường hợp sử dụng văn bằng giả mạo của Đại học Đông Đô được xác minh đều là những người có uy tín, vị trí chủ chốt trong các cơ quan, ban, ngành ; phần lớn đang làm thạc sĩ, nghiên cứu sinh. Có người là cán bộ chủ chốt của một số cơ quan ở Hà Nội, có người là giảng viên một cơ sở đào tạo đại học ngành tư pháp.

Cơ quan An ninh điều tra kêu gọi những người dử dụng bằng giả của Đại học Đông Đô ra trình báo trước ngày 15/1/2021.

Liên quan vụ án "Giả mạo trong công tác" xảy ra tại Đại học Đông Đô, Cơ quan An ninh điều tra, hồi tháng 11 đã đề nghị truy tố bị can đối với 10 cựu lãnh đạo và cán bộ của trường đại học này. Đến trung tuần tháng 12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Bộ Công an phối hợp với các cơ quan chức năng khẩn trương truy bắt ông Trần Khắc Hùng, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đại học Đông Đô ; đồng thời mở rộng điều tra vụ án và báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ vào Quý I/2021.

Đài RFA ghi nhận ngay sau khi thông tin về vụ án "Giả mạo trong công tác" xảy ra tại Đại học Đông Đô được loan báo trên phương tiện truyền thông đại chúng, dư luận trong nước yêu cầu công khai danh tính 55 người đang sử dụng bằng giả của Đại học Đông Đô, được xác định là "những người có uy tín, vị trí chủ chốt tại các cơ quan ban, ngành".

Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng, vào tối hôm 1/12 đã lên tiếng với RFA về vấn đề này.

"Một trong những điều khiến cho người dân tin rằng nhà nước quyết tâm giải quyết triệt để vụ này, là những người được cho là ‘có uy tín’ bỏ tiền ra mua bằng có được công khai danh tính hay không.

Tôi thấy không có lý do gì mà không công khai danh tính những người này. Mà nếu họ không công khai thì người dân bắt buộc phải đặt ra câu hỏi ai đứng đằng sau 55 người này. Và 55 người này chắc chắc không phải ‘dân đen’, bởi nếu ‘dân đen’ thì đã bị trị từ lâu. Những người này chắc có chức vụ gì đó nên họ không tiện công bố. Nếu vậy thì đây là cái thể chế đứng về phía những người có chức, có quyền chứ không phải đứng về phía công lý".

vn4

Công văn số 1044/VPCP-NC và ông Trần Khắc Hùng, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học Đông Đô. RFA Edited

Ý kiến trái chiều về Bộ Công an kêu gọi "tự trình báo"

Trước lời kêu gọi của Bộ Công an rằng những người dùng bằng giả của Đại học Đông Đô tự trình báo, thầy giáo Đỗ Việt Khoa, một người chống tiêu cực trong ngành giáo dục, vào tối ngày 30/12 nói với RFA về quan điểm của ông :

"Về vụ việc này tôi có theo dõi và cho rằng đấy là một kiểu không minh bạch đến nơi đến chốn của Bộ Công an. Với vị thế của một ngành quyền lực như ngành công an thì họ thừa khả năng để họ có đủ danh sách, không phải chỉ 55 người kia mà tôi nghĩ rằng họ có cả những danh sách của nhiều năm trước nữa về vi phạm của Đại học Đông Đô. Nếu họ cương quyết làm thì công cần ai phải ra đầu thú, tự khai cả. Họ gọi triệu tập là ra hết".

Báo giới Nhà nước Việt Nam trong tháng 12 cũng đăng tải thông tin về thắc mắc của dư luận vì sao danh tính của 55 "nhân vật có uy tín dùng bằng giả" lại không được công khai và cơ quan nào có thẩm quyền trong việc công khai danh tính đó. Điển hình, nhà báo Nguyễn Như Phong vào đầu tháng 12 đăng tải trên tài khoản Facebook cá nhân yêu cầu "55 vị mua bằng giả của Đại học Đông Đô" từ chức ; nếu không ông sẽ công bố danh tính của họ.

Báo mạng Công an nhân dân, vào hôm 19/12, dẫn lời của Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, thuộc Bộ Công an cho rằng công khai danh tính những người mua bằng tại trường Đại học Đông Đô là việc nên làm, song việc công khai đến mức độ nào cần phải tính toán để đảm bảo "thấu tình, đạt lý". Thiếu tướng Lê Văn Cương nhấn mạnh và chúng tôi trích lại nguyên văn :

"Việc công bố công khai danh tính chỉ nên thực hiện trong cơ quan, không nên công khai rộng rãi trên báo chí. Điều này một mặt vừa đảm bảo tính nghiêm minh nhưng đồng thời cũng không đẩy người ta vào đường cùng. Đây có thể gọi là công khai một nửa, đúng mức và vừa phải"

Luật sư Đặng Dũng, vào tối ngày 30/12 cho RFA biết ý kiến của ông :

"Vụ việc Đại học Đông Đô làm bằng cấp giả và Bộ Công an tuyên truyền, nói rằng những người dùng bằng giả của Đại học Đông Đô nên ra tự thú. Việc làm đó của ngành công an có thể nói là chấp nhận được. Đây là một cách không sai về quy định pháp luật. Bởi vì họ nói như vậy để những người nào làm chuyện sai trái đó đến tự thú thì họ sẽ tùy theo từng trường hợp để xử lý theo luật hay xử phạt vi phạm hành chính. Còn một điều nữa, người ta thắc mắc tại sao không nêu danh sách những người dùng bằng giả đó, công khai danh tính ra. Đây cũng là bí mật điều tra của cơ quan điều tra nên họ cũng không nêu tên. Tại vì thứ nhất, đang trong quá trình điều tra và theo luật thì những người nào chưa bị kết án hoặc chưa bị xử phạt thì người ta vẫn còn là ‘nghi can’. Và hơn nữa họ cho biết những người sử dụng bằng giả đó là những người có ‘uy tín’. Bây giờ nêu tên như thế thì những cơ quan có các ông/bà sử dụng bằng gải đó lập tức bị tác dụng rất xấu. Người ta bàn tán và không tâm phục, khẩu phục".

Luật sư Đặng Dũng trình bày thêm, khi đề cập đến ý kiến của Thiếu tướng Lê Văn Cương :

"Tôi nghĩ ông Thiếu tướng Cương chỉ là nói thêm vào thôi, chứ bây giờ những người đương chức trong ngành công an đang giải quyết thì chúng ta cũng tôn trọng để xem họ xử lý vụ việc rốt ráo như thế nào. Tôi nghĩ họ làm một cách thận trọng để xử lý một vụ có thể nói là lớn nhất từ trước đến nay".

Qua trao đổi với RFA, luật sư Dặng Dũng và thầy giáo Đỗ Việt Khoa đều tỏ ra đồng thuận với yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là phải xử lý đến nơi đến chốn vụ án "Giả mạo trong công tác" xảy ra tại trường Đại học Đông Đô. Thầy giáo Đỗ Việt Khoa nhấn mạnh :

"Sai phạm của Đại học Đông Đô không phải chỉ xảy ra trong mấy năm vừa rồi, mà theo tôi theo dõi thì đã xảy ra từ thời kỳ ngay khi trường đại học này mới được thành lập. Trường Đại học Đông Đô bị sai phạm ghê gớm. Lỗi của họ lập đi lập lại nhiều lần trong nhiều năm và không được xử lý đến nơi đến chốn nên cứ tái phạm đi, tái phạm lại. Tôi cho rằng nếu phép nước nghiêm thì Đại học Đông Đô sẽ phải bị đóng cửa sau vụ việc này. Phải cương quyết đình chỉ, giải tán trường đại học này ngay và cương quyết không để cho nó núp bóng ‘trường đại học’ để làm ra những sai phạm tày trời kéo dài mấy chục năm".

Nhà báo Nguyễn Như Phong chia sẻ trên trang Facebook của ông rằng đáng lẽ ngày 30/12 ông sẽ công bố danh tính của 55 người mua bằng giả Đại học Đông Đô. Tuy nhiên, ông nhận được thông tin 55 người đó hầu hết đã bị thu bằng cũng như đã bị xử lý và vụ án đang trong quá trình điều tra thì không được tiết lộ tài liệu.

Nhà báo Nguyễn Như Phong khẳng định rằng ông có niềm tin vụ án này sẽ được giải quyết đến nơi đến chốn qua những gì Chính phủ, Bộ Công an và Cơ quan An ninh điều tra đang tiến hành.

Nguồn : RFA, 30/12/2020

**********************

Có đúng 5 năm qua Bộ Giao thông không có tham nhũng ?

RFA, 30/12/2020

Vào những ngày cuối năm 2020, Bộ Giao thông và vận tải công bố báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng năm 2020 và cả giai đoạn 2016-2020. Theo đó, qua kết quả tự kiểm tra và thanh tra giai đoạn 2016-2020, các đơn vị của Bộ Giao thông và vận tải đều chưa phát hiện trường hợp nào tham nhũng nào.( ! ?)

vn5

Các bị cáo tại phiên xử vụ án "quỹ đen" tại Cục Đường thủy nội địa thuộc Bộ Giao thông và vận tải, ảnh chụp hôm 19/10/2019 ở Hà Nội. Courtesy plo

Anh Quang, một người dân miền Trung khi trao đổi với RFA hôm 30/12, nhận xét :

"Bộ Giao thông và vận tải rất ‘trong sạch’ khi nói rằng tự kiểm tra, trong 5 năm mà không phát hiện tham nhũng ! Đúng là Thanh tra Bộ Giao thông và vận tải nói láo một cách trơ trẽn, không hề biết xấu hổ, ngượng mồm !

Chẳng cần dẫn chứng nhiều, chỉ lấy điển hình dự án cao tốc Quảng Ngãi-Đà Nẵng với chiều dài 139 km, vốn đầu tư 34.500 tỷ đồng (# 1,5 tỷ USD), mới đưa vào sử dụng 2 tháng đã xuất hiện nhiều chỗ hư hỏng. Đến nay đã khởi tố 19 người. Không tham nhũng thì đó gọi là gì ? Hay là con số vốn đầu tư 1,5 tỷ USD ‘nhỏ’ quá, không đáng nói đến ?"

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an vào ngày 7/12/2020 cho biết vừa khởi tố thêm 13 bị can trong vụ án ‘vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng’ tại Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và các đơn vị liên quan.

Trước đó cơ quan điều tra đã khởi tố hơn 20 bị can là lãnh đạo của các đơn vị nhà thầu, giám sát, thi công... Cơ quan điều tra xác định chất lượng công trình xây dựng 7/7 gói thầu thuộc giai đoạn 1 của dự án từ nền, móng, mặt đường đều không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật là nguyên nhân gây hư hỏng công trình.

Chủ một doanh nghiệp vận tải ở Sài Gòn, ông Võ Minh Đức nói với RFA hôm 30/12 :

"Nếu mà nói không phát hiện ra tham nhũng thì nhiều khi cũng có ẩn ý, là có thể là sai phạm mà họ không phát hiện ra, nhưng hiểu theo ý khác thì có thể họ nói là không có tham nhũng. Nhưng hiểu như vậy là không ổn, điển hình ông Nguyễn Hồng Trường đang đương chức thì bị truy tố cùng ông Đinh La Thăng vì sai phạm mấy trăm tỷ trong dự án cao tốc Sài Gòn - Trung Lương. Đó là điển hình, chưa kể sai phạm cao tốc bắc nam ở một số đoạn ở miền Trung".

Vào ngày 25/9/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra quyết định kỷ luật nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông và vận tải Nguyễn Hồng Trường bằng hình thức xóa tư cách nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông và vận tải giai đoạn 2011-2015 và 2016-2017 do đã có sai phạm nghiêm trọng trong công tác.

Đến ngày 14/8/2020, liên quan những sai phạm tại tuyến Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh- Trung Lương cùng với ông Đinh La Thăng, ông Nguyễn Hồng Trường bị khởi tố bắt tạm giam. Hai người khác cũng bị bắt là Nguyễn Chí Thành, nguyên Vụ phó Tài Chính Bộ Giao thông và vận tải và ông Lê Trung Cường, chuyên viên tài chính Bộ Giao thông và vận tải. Vào ngày 22 tháng 12, tòa tuyên án ông Nguyễn Hồng Trường 4 năm 6 tháng tù.

vn6

Ông Nguyễn Hồng Trường, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông và vận tải bị kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách nguyên Thứ trưởng giai đoạn 2011-2015 và 2016-2017. Courtesy of Zing.

Không chỉ các vụ án lớn liên quan Bộ Giao thông và vận tải, các Thanh tra Giao thông thuộc Bộ Giao thông và vận tải lâu nay vẫn bị dư luận cho rằng có nhiều vi phạm liên quan xử phạt giao thông. Đơn cử như vụ 4 bị cáo nguyên là cán bộ Thanh tra Giao thông nhận hối lộ bảo kê logo ‘xe vua’, Tòa án Nhân dân Hà Nội vừa trả hồ sơ, đề nghị điều tra thêm.

Theo cáo trạng, trong vòng hơn 2 năm từ tháng 6 năm 2016 đến tháng 10 năm 2018, các bị cáo nguyên là Thanh tra Giao thông đã nhận hối lộ hàng trăm triệu đồng.

Ông Võ Minh Đức cho biết thêm kinh nghiệm khi lái xe mà gặp phải Thanh tra Giao thông :

"Trời ơi, nếu mà nói tham nhũng vặt thì nó nhiều lắm, thanh tra giao thông không ăn vặt như cảnh sát giao thông đâu, mà ăn tàn bạo ác nhân ác đức... Xe quá tải nếu không được bảo kê, gửi gắm mà bị bị bắt thì chung tiền lòi con mắt mà chưa chắc được, nhiều lắm. Chưa kể hàng loạt đường dây bảo kê cho xe quá tải, quá tải đường, quá tải cầu... nhiều lắm. Rồi hư hỏng đường, mới có vụ người dân quay phim chụp ảnh lại đường làm dối làm ẩu... Những cái đó không là tham nhũng thì là cái gì".

Cũng liên quan Bộ Giao thông và vận tải, vào ngày 19/10/2019, 3 cựu lãnh đạo của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã bị Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội tuyên án tổng cộng 17 năm tù với cáo buộc tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ tại Cục đường thủy nội địa thuộc Bộ Giao thông và vận tải.

Cụ thể ông Trần Đức Hải, nguyên phó cục trưởng Cục đường thủy nội địa 6 năm tù ; ông Phạm Văn Thông, nguyên giám đốc Ban quản lý dự án 6 năm tù và ông Vũ Mạnh Hùng nguyên quyền trưởng phòng kế hoạch đầu tư 5 năm tù... với cùng tội danh trong vụ án nhận tiền từ các nhà thầu để lập quỹ đen ở Cục đường thủy nội địa.

Nhà hoạt động Trần Bang, một kỹ sư xây dựng cầu đường, khi trả lời RFA từ Sài Gòn hôm 30/12, nhận định :

"Không ai vác đá đè chân mình cả, không ai tự lôi cái xấu của mình bày ra trước mặt thiên hạ. Đặc biệt khi bày ra thì sẽ bị kỷ luật, mất chức, tù tội, thu hồi tiền... Tổ chức nào cũng vậy, rất khó có thể phê và tự phê được, mà cần phải có giám sát độc lập. Cũng như các tổ chức chính trị, một thể chế chính trị độc đảng thì không bao giờ họ nói họ xấu, họ không trung thành với nước với dân, Bao giờ họ cũng nói vì nước vì dân, năm nào cũng hoàn thành nhiệm vụ, năm này tốt, năm sau tốt hơn, bách chiến bách thắng... Có bao giờ đảng nào nói tôi lãnh đạo kém, thất bại, tôi dối dân, cướp của dân, lừa dân... làm cho dân đau khổ không ? Bộ Giao thông và vận tải là một ví dụ, không bao giờ họ tự nói mình tham nhũng, làm BOT sai, làm đường ngàn tỷ mà chỉ hết 500 tỷ...".

Vì vậy Nhà hoạt động Trần Bang cho rằng, cần phải có lực lượng giám sát như người dân, báo chí và các đảng đối lập... hoặc thanh tra kiểm toán từ bên ngoài nhưng phải không cùng một hệ thống đảng. Vì nếu cùng hệ thống đảng thì theo ông họ lại chia chác và tham nhũng tiếp... Và do đó càng nhiều đoàn kiểm tra, nhiều cơ quan giám sát thì tham nhũng lại càng nặng nề.

Tổ chức Minh Bạch Quốc Tế hôm 24/11/2020 công bố thông tin cho biết, có đến 67% người Việt trong nước cho rằng tình trạng tham nhũng của chính quyền là một vấn nạn nghiêm trọng ; 15% những người sử dụng dịch vụ công cho biết đã phải chi tiền hối lộ.

Nguồn : RFA, 30/12/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tồng hợp
Read 567 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)