Đại hội 13 Đảng cộng sản Việt Nam : Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng kêu gọi thực thi "dân chủ"
Trọng Thành, RFI, 26/01/2020
Hôm 26/01/2021, Đại hội lần thứ 13 của Đảng cộng sản Việt Nam chính thức khai mạc. Đại hội dự kiến kéo dài 8 ngày, cho đến ngày 02/02/2021. Đại hội diễn ra 5 năm một lần, là một sự kiện chính trị quan trọng, với việc thay đổi nhân sự lãnh đạo, và hoạch định chiến lược mới.
Trong dịp Đại hội này, gần 1.600 đại biểu của Đảng dự Đại hội dự kiến sẽ bầu lên một ban lãnh đạo mới. Tuy nhiên, truyền thông không được tham dự hầu hết các hoạt động trong kỳ Đại hội quan trọng này. Theo nhiều nhà quan sát, dự kiến nhân sự cho ban lãnh đạo tối cao đã được sắp đặt trước. Ông Nguyễn Phú Trọng, 76 tuổi, tổng bí thư kiêm chủ tịch nước, được cho là sẽ tiếp tục nắm vị trí đứng đầu Đảng, bất chấp nhiều vấn đề về sức khỏe.
Trong Báo cáo các văn kiện Đại hội đọc tại phiên khai mạc, ông Nguyễn Phú Trọng đặc biệt nhấn mạnh đến việc thực hiện dân chủ : "Thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, nhất là dân chủ ở cơ sở. Chống các biểu hiện dân chủ cực đoan, dân chủ hình thức. Đẩy mạnh việc hoàn thiện, xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, hiện đại, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, có sức cạnh tranh quốc tế, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững kinh tế, xã hội và quốc phòng, an ninh trong điều kiện mới".
Về Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 13, trả lời RFI tiếng Việt, nhà báo Võ Văn Tạo từ Nha Trang nhận định : "Cái việc này người ta cứ làm 5 năm một lần, và tương đối giống nhau. Riêng về lần Đại hội thứ 13 này, tôi thấy có hơi khác. Ví dụ như những nhà hoạt động, những nhà trí thức hoạt động phản biện, hoặc những nhà tranh đấu cho tự do dân chủ, cho chủ quyền của đất nước, mà không được hệ thống an ninh và Đảng cộng sản Việt Nam hài lòng, thì bị canh giữ nghiêm ngặt. Mọi lần thì không có.
Điểm thứ hai là không khí căng thẳng : luyện tập phô trương, lính tráng, ngựa, chó săn… Lấy lý do để bảo vệ Đại hội Đảng thì tôi thấy là không cần thiết. Những năm trước không thấy như thế. Lần này có cả xe thiết giáp phô trương giữa Hà Nội. Tôi thấy hoàn toàn không cần thiết. Bởi vì mình vẫn nói Việt Nam, Hà Nội là một thành phố "hòa bình". Việc mà chỉ có Đại hội Đảng thôi mà triển khai quá căng thẳng như thế là phản tác dụng.
Còn về nội dung của Đại hội Đảng thì trước đây, hồi xưa, người dân và cán bộ có hiểu biết một chút thì người ta chủ yếu quan tâm đến Báo cáo chính trị. Trong đó có một số nội dung, ví dụ đường lối kinh tế, định hướng quản lý xã hội, những việc khác như an ninh, quốc phòng… Thế nhưng, những năm gần đây, ít ai quan tâm đến cái đó nữa. Ngay nội bộ những đại biểu đi dự Đại hội Đảng cũng ít quan tâm đến cái đấy. Dù cái đó vẫn phải có.
Chủ yếu người ta quan tâm đến cái gì ? Là cơ cấu nhân sự, kỳ này ai sẽ vào Trung ương, ai vào Tứ trụ, tức bốn nhân vật cao cấp nhất, gồm tổng bí thư đảng, chủ tịch nước, thủ tướng chính phủ và chủ tịch quốc hội. Tuy nhiên, cái việc của Đảng cộng sản Việt Nam, chúng tôi hay nói đùa như là chuyện "hội kín’. Người dân không được biết, không được biết gì hết. Các vị làm xong xuôi rồi các vị công bố ra sao mình biết vậy thôi. Chính việc làm như thế đã đi ngược với khẩu hiệu (của Đảng) "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra"… ''Dân làm chủ'' mà. Nhưng cứ những chuyện quan trọng nhất của đất nước các ông ấy lại làm kín với nhau, người dân chẳng biết tí nào".
Trọng Thành
*********************
Đảng cộng sản Việt Nam mở Đại hội 13 sắp xếp ban lãnh đạo mới
Anh Vũ, RFI, 25/01/2021
Hôm 25/01/2021, Đại hội toàn quốc lần thứ 13 Đảng cộng sản Việt Nam mở ra tại Hà Nội với 2 trọng tâm : Xác định phương hướng chính trị và lựa chọn ban lãnh đạo mới trong 5 năm tới.
Cảnh sát đi tuần tra trên một phố ở Hà Nội, Việt Nam, ngày 20/01/2021. Reuters - Kham
Theo lịch trình, Đại hội bắt đầu bằng phiên họp trù bị hôm nay để quyết định các thủ tục và cách thức tiến hành. Đại hội với sự tham dự của 1557 đại biểu đại diện cho hơn 5 triệu đảng viên trong cả nước, sẽ chính thức khai mạc từ ngày mai, 26/01, dự kiến kéo dài đến ngày 2/02.
Đây là một sự kiện lớn trong đời sống chính trị của Việt Nam. Trên nguyên tắc, nội dung và tiến trình làm việc đã được quyết định từ trước Đại hội qua các kỳ họp hội nghị trung ương và Bộ Chính Trị trong đó bao gồm cả việc sắp xếp nhân sự lãnh đạo chủ chốt.
Giới quan sát chính trị Việt Nam đều cho rằng Đại hội 13 vẫn sẽ khẳng định tính liên tục về đường lối chính trị. Sự chú ý tập trung vào những vị trí lãnh đạo chủ chốt mới sẽ được sắp xếp thế nào sau khi đã bổ sung, sửa đổi các tiêu chí về tuổi tác.
Mặc dù vấn đề nhân sự lãnh đạo đất nước gần đây đã đưa vào danh mục tối mật, các thông tin ngoài luồng chính thống vẫn đưa ra những đồn đoán, đặc biệt là từ sau Hội nghị trung ương 15 diễn ra trong ngày 17/1 vừa rồi. Có tin ông Nguyễn Phú Trọng, nay đã 76 tuổi, ốm yếu, nắm giữ chiếc ghế tổng bí thư Đảng đã 2 nhiệm kỳ, nay tiếp tục sẽ làm thêm nhiệm kỳ thứ 3. Chức chủ tịch nước sẽ được trao cho ông Nguyễn Xuân Phúc đương nhiệm thủ tướng, người được đánh giá là năng động trong khủng hoảng dịch và phát triển kinh tế.
Chức danh chủ tịch Quốc Hội và thủ tướng đã được ấn định, nhưng dường như vẫn còn những cạnh tranh và chờ phân giải ở Đại hội.
Một điều gây chú ý đối với giới quan sát quốc tế là bối cảnh kinh tế chính trị xã hội trước Đại hội. Hãng thông tấn Pháp AFP ghi nhận Việt Nam đã có những thành công trong chống đại dịch Covid 19, duy trì tăng trưởng kinh tế, ở mức 2,9% trong năm 2020, tuy còn thấp nhưng là một kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh kinh tế thế giới đang lao đao trong khủng hoảng và suy thoái vì đại dịch. Về chính trị xã hội, năm 2020 cũng là năm đánh dấu Việt Nam trấn áp mạnh những tiếng nói đối lập. Theo Amnesty International số tù nhân chính trị ở Việt Nam đã tăng từ 84 trong năm 2016 lên 170 trong năm qua.
Anh Vũ
**********************
Đại hội Đảng 13 khai mạc, thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế
VOA, 25/01/2021
Đại hội lần thứ 13 của Đảng cộng sản Việt Nam khai mạc hôm 25/1 tại Hà Nội, thu hút sự chú ý của báo chí quốc tế khi quốc gia được coi là "một ngôi sao đang lên" của khu vực chuẩn bị bầu chọn những nhà lãnh đạo mới cho nhiệm kỳ 5 năm tới.
Theo truyền thông trong nước, gần 1.600 đại biểu từ khắp cả nước đã tham dự buổi họp khai mạc của Đại hội Đảng, với an ninh được thắt chặt, sau khi viếng thăm lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh theo nghi lễ truyền thống. Các đại biểu này sẽ bầu chọn ra 200 thành viên của Uỷ ban Trung ương Đảng, những người sau đó chọn khoảng 15 đến 19 người trong số họ vào Bộ Chính trị, cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng cộng sản.
Bộ Y tế nói rằng, hơn 10.000, trong đó có các đại biểu tham dự và những người phục vụ Đại hội đã được xét nghiệm hai lần trước ngày Đại hội, được tổ chức 5 năm một lần, khai mạc hôm 25/1.
Đại hội Đảng lần này thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế về vai trò của Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, người mà theo AP nhận định đã làm nên tên tuổi của mình bằng cách duy trì tăng trưởng kinh tế và tiến hành cuộc chiến chống tham nhũng được nhiều người biết tới.
Còn theo ghi nhận của Al Jazeera, kênh tin tức truyền thông phiên phản tiếng Anh của Trung Đông, đã có một sự cạnh tranh căng thẳng cho các vị trí "tứ trụ" trước thềm Đại hội 13 của Việt Nam, một trong 5 quốc gia Cộng sản còn lại trên thế giới, bên cạnh Trung Quốc, Cuba, Triều Tiên và Lào.
Hầu hết các ứng cử viên cho 4 chức vị cao nhất sẽ được bầu chọn tại Đại hội Đảng lần này đều là những gương mặt được nhiều người biết tới trong chính trường Việt Nam, nhưng theo quyết định được chính phủ công bố hồi tháng 12 vừa qua, những thông tin về nhân sự cấp cao của Đảng, gồm ‘tứ trụ’ và ban bí thư, được coi là "tuyệt mật".
Tuy nhiên, theo một số kịch bản được nhiều người nói tới và đã được thông qua tại Hội nghị Trung ương 15 vừa rồi mà Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore cho VOA biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây thì "Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ được ủng hội để ở lại thêm ít nhất một thời gian nữa".
Hãng tin Deutsche Welle của Đức cũng nhận định rằng rằng người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng, đã được chọn để giữ chức tổng bí thư nhiệm kỳ thứ 3 dù đối mặt với các vấn đề về sức khoẻ.
TS Hiệp và Giáo sư Carl Thayer của Đại học New South Wales đều nhận định rằng 3 gương mặt còn lại là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Tổ chức trung ương Đảng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, được đề cử giữ chức lần lượt là chủ tịch nước, thủ tướng và chủ tịch Quốc hội.
Với việc áp dụng các biện pháp khống chế dịch virus corona một cách quyết liệt, gồm cách ly tập trung, xét nghiệm và truy dấu tiếp xúc người nhiễm bệnh, Việt Nam - dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản - được coi là thành công trong việc khống chế đại dịch và có mức tăng trưởng kinh tế hiếm hoi trong lúc hầu hết các quốc gia trên thế giới rơi vào khủng hoảng.
Tờ South China Morning Post của Hong Kong gọi Việt Nam là "ngôi sao đang lên của Châu Á" trong số báo giấy ra trước ngày khai mạc Đại hội Đảng 13, theo Tuổi Trẻ. Trong loạt bài của SCMP, Đại hội Đảng của Việt Nam được nhắc tới cùng với những thành tựu và thách thức cũng như vị thế ngày càng lớn của Việt Nam trên trường quốc tế.
Ghi nhận về việc Đại hội Đảng 13 khai mạc, tạp chí tiếng Anh Nikkei Asia của Nhật Bản cho rằng các lãnh đạo của Việt Nam muốn đưa quốc gia Đông Nam Á trở thành một trung tâm mới của khu vực về sản xuất chi phí thấp và là một sự thay thế cho quốc gia láng giềng Trung Quốc.
Tuy nhiên trước đó, các tổ chức quốc tế và Liên minh Châu Âu đã đồng loạt lên tiếng về việc Việt Nam gia tăng trấn áp các tiếng nói bất đồng trước thềm Đại hội Đảng.
Tổ chức Ân xá Quốc tế cáo buộc rằng sự không khoan nhượng với bất đồng chính kiến ôn hoà của chính quyền Việt Nam "đã lên đến đỉnh điểm" dưới sự lãnh đạo của chính quyền hiện tại. Tổ chức có trụ sở ở London cho rằng việc đề cử các nhà lãnh đạo mới "tạo cơ hội quý giá cho Việt Nam để thay đổi hướng đi về nhân quyền".
**********************
Đảng cộng sản Việt Nam khởi sự Đại hội 13 có đại biểu bị kỷ luật
RFA, 25/01/2021
Có 5 Ủy viên Bộ Chính trị khóa 12 qua đời, nghỉ chữa bệnh, bị xử tù và bị xử lý kỷ luật, riêng 2 ông Nguyễn Văn Bình và Hoàng Trung Hải mặc dù bị kỷ luật cảnh cáo hồi năm 2020 nhưng không bị khai trừ khỏi Bộ Chính trị ban chấp hành trung ương đảng Cộng sản và vẫn tham dự đại hội 13.
AFP
Sáng 25/1/2021, đại hội 13 diễn ra phiên trù bị tại Hà Nội, điều bất ngờ là cựu Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Việt Nam Hoàng Trung Hải dù bị kỷ luật 1 năm về trước nhưng vẫn tham dự kỳ đại hội này với tư cách Ủy viên Bộ Chính trị.
Ngày 10/1 năm ngoái, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam khóa 12 quyết định thi hành kỷ luật Hoàng Trung Hải với hình thức cảnh cáo.
Bộ Chính trị khi đó kết luận, những vi phạm, khuyết điểm trong quá trình chỉ đạo thực hiện Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II - Công ty Gang thép Thái Nguyên của ông Hoàng Trung Hải là "nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng và cá nhân ông Hải, đến mức cần phải xử lý nghiêm minh theo quy định của Đảng".
Đến tháng 2 năm 2020, Bộ Chính trị khóa 12 phân công ông Hải thôi chức vụ Bí thư Thành ủy Hà Nội và chuyển sang giữ chức vụ Phó Trưởng Bộ phận Thường trực chuyên trách Tiểu ban văn kiện Đại hội 13 của đảng Cộng sản Việt Nam (trưởng tiểu ban là ông Trọng).
Ông Hải năm nay 62 tuổi là Ủy viên Bộ Chính trị từ năm 2011 đến nay (2 khóa liên tiếp), từng giữ chức Phó Thủ tướng dưới thời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bí Thư Thành Ủy Hà Nội.
Ông Lê Anh Hùng, một blogger của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) nhiều lần làm đơn tố cáo ông Hoàng Trung Hải là "gián điệp tàu" qua việc ký các dự án có yếu tố Trung Quốc gây hại cho Việt Nam.
Đến tháng 7/2018, ông Hùng bị công an Hà Nội bắt giam vì cáo buộc "lợi dụng các quyền tự do dân chủ", tuy nhiên sau đó ông bị chuyển sang điều trị tại Viện Tâm thần trung ương.
Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh Tế Trung ương, bị kỷ luật vào tháng 11 năm ngoái. Cụ thể, Bộ Chính Trị Đảng cộng sản Việt Nam kỷ luật cảnh cáo ông này vì để xảy ra những vi phạm tại Ngân Hàng Nhà nước trong thời gian làm thống đốc.