Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

29/01/2021

Thiếu hụt nước, phí khí thải xe máy, thưởng sinh 2 con

RFA tồng hợp

Nguy cơ thiếu hụt nước ở Việt Nam năm 2021

RFA, 29/01/2021

Dự báo cho biết đợt xâm nhập mặn cao nhất ở cửa sông Cửu Long có khả năng sẽ tập trung từ ngày 9/15/2, trùng dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu. Ngoài ra, nguy cơ thiếu hụt nguồn nước trên cả nước có thể tới 50% trong năm 2021.

phi5

Ảnh minh họa - AFP

Báo Nhà nước Việt Nam dẫn phát biểu của hai Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết như vừa nêu và đưa tin ngày 29/1.

Tin dẫn lời ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết nguồn nước trên các lưu vực sông ở khu vực miền Bắc từ tháng 2-7 thiếu hụt từ 20-50%. Trong đó, sông Thao và hạ lưu sông Lô là lưu vực thiếu hụt nguồn nước nhiều nhất.

Trong khi đó, từ nửa cuối tháng 1 đến tháng 4, mực nước trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên biến đổi chậm và theo xu thế xuống dần. Phần lớn các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên có lưu lượng dòng chảy ở mức xấp xỉ và cao hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 10-30%.

Báo trong nước dẫn lời ông Vũ Đức Long, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, dự báo xu thế xâm nhập mặn trong năm 2021 cho biết xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long có xu thế gia tăng từ cuối tháng 1.

Bên cạnh đó, theo nhận định của Ủy hội sông Mekong Quốc tế, tổng lượng dòng chảy trong tháng 2, từ thượng nguồn sông Mekong tại Campuchia về Đồng bằng sông Cửu Long sẽ ở mức thiếu hụt so với trung bình nhiều năm, khoảng 5/15% ; từ tháng 3-5, khả năng ở mức tương đương trung bình nhiều năm.

Phạm vi xâm nhập mặn (4g/l) tại các cửa sông Cửu Long khoảng 55-75km, trên các sông Vàm Cỏ từ 80-95km, sông Cái lớn từ 45-52km.

Các đợt xâm nhập mặn cao nhất ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung từ ngày 10/15/2 và từ 26/2-2/3, trong tháng Ba sẽ kéo dài từ ngày 12/16/3 và từ ngày 25-29/3.

Ngoài ra, xâm nhập mặn tại các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn tập trung vào tháng 3, tháng 4, sau đó sẽ giảm dần.

***********************

Kiến nghị thu phí khí thải đối với xe máy : thiếu hợp lý !

RFA, 28/01/2021

Tại Hội nghị tổng kết chương trình nghiên cứu thí điểm kiểm tra khí thải xe mô tô - xe gắn máy đang lưu hành hôm 27/1/2021, cơ quan chức năng Thành phố Hồ Chí Minh (Thành phố Hồ Chí Minh) lại tiếp tục kiến nghị thu phí kiểm định khí thải trên xe máy, với lý do được cho là sẽ góp phần cải thiện chất lượng môi trường không khí.

phi1

Xe cộ lưu thông trên 1 đoạn đường phố ở Sài Gòn.

Ông Đinh Trọng Khang, Phó Giám đốc Viện Môi trường, thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông Vận tải, khi phát biểu tại Hội nghị đã đề xuất phương án kiểm soát khí thải xe máy sẽ thực hiện ở khu vực trung tâm, sau đó mở rộng ra toàn thành phố.

Theo đó, thành phố sẽ thu phí kiểm soát khí thải hàng triệu xe máy tại Thành phố Hồ Chí Minh với mỗi xe 50.000 đồng và cần kinh phí hơn 553 tỷ đồng để đầu tư hệ thống, nhân lực cho 88 trạm kiểm định…

Người dân nói gì về việc này ? Anh Thiệu, một người dân sống ở thành phố Hồ Chí Minh, khi trả lời RFA hôm 28/1, nhận xét về đề xuất này :

"Nói chung thì mình thấy việc thu phí khí thải xe máy này nó vô lý, vì thật sự các loại thuế phí họ đã thu trong xăng dầu quá cao rồi, nào là phí đường bộ, các thứ phí quá cao… vừa rồi xăng còn tăng giá lên nữa. Điều đó vô lý nhưng họ muốn thu thì họ thu thôi, chứ mình cũng không thể làm gì được. Ngân sách bây giờ bí bách thì họ cứ kiếm cái này cái nọ để thu lấy vào ngân sách thôi. Ngân sách không đủ để tiêu dùng nữa nên họ cứ thu, chứ biết làm sao ?"

Anh Đàm Ngọc Nguyên từ Sài Gòn hôm 28/1 cũng cho rằng việc thu phí này không phù hợp, nhất là đối với người nghèo mưu sinh bằng xe máy hiện đang rất khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 :

"Cái đó hoàn toàn không phù hợp, vì khi chạy bằng động cơ xăng thì xăng đã tính phí bảo vệ môi trường trong đó rồi. Có là phí chồng phí, chồng rất là nhiều thứ, ví dụ như xăng đã tính phí, nhớt đã tính phí, thậm chí khi mua xe nó đã tính phí ban đầu vô rồi, như vậy là phí rất là cao. Hiện tại nếu người lao động như xe ôm thì nhiều nhất, hay người giao hàng… thì thu nhập rất thấp".

Theo đề xuất, dự kiến giai đoạn 2023-2024, mỗi năm có gần 7 triệu xe máy cần kiểm tra và sẽ thu được 348 tỷ đồng. Từ năm 2025 đến 2030, mỗi năm gần 6 triệu xe kiểm định, tương ứng thu khoảng 300 tỷ đồng. Dự kiến đến năm 2030, tổng nguồn thu sẽ gần 2.200 tỷ đồng, sau khi trừ vốn đầu tư 553 tỷ đồng, phần còn lại 1.647 tỷ đồng sẽ được nộp về ngân sách.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường Giá cả thuộc Bộ Tài Chính, vào ngày 28/1, lên tiếng với RFA :

"Việc muốn thu phí kiểm soát khí thải của các xe máy vì hiện nay số lượng xe máy của Việt Nam rất lớn, khoảng trên 50 triệu chiếc, cho nên lượng khí thải phát ra môi trường hiện nay cần được xem xét. Vì vậy TPHồ Chí Minh đề nghị thu phí mỗi xe 50 ngàn. Nghe thì ít, nhưng đối với người lao động thì đấy là nhiều theo điều kiện hiện nay. Mà số lượng xe quá lớn, thì có làm hết được không, mà nếu làm được thì có đảm bảo chất lượng hay không ? Trong điều kiện hiện nay thì nên quy định từng loại xe, hư hại gì đó thì mới kiểm tra, chứ xe mới thì đâu cần kiểm tra, cái này phải xem xét thận trọng. Chứ còn ông cứ tính ra là thu ngân sách rất lớn, chi xài rất lớn… Nhưng tiền thu đó ông có chi cho bảo vệ môi trường hay không ? Hay ông dùng vào việc khác, đó mới là vấn đề quan trọng".

Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang có hơn 7,4 triệu xe máy đang sử dụng, trong đó xe sử dụng trên 10 năm chiếm gần 68%. Khí CO (carbon monoxit) và HC (hydrocarbon) có hại cho sức khỏe, phát ra từ xe máy chiếm 90% tổng các loại xe cơ giới tại thành phố. Theo Đề án kiểm soát khí thải xe máy tính toán, khi áp dụng chương trình này, Thành phố Hồ Chí Minh có thể giảm 13% khí CO và gần 14% khí HC thải ra môi trường.

phi2

Ảnh minh họa chụp tại Thành phố Hồ Chí Minh hôm 8/9/2020. AFP.

Anh Thiệu ở Sài Gòn cho biết thêm nhận xét của anh về công tác bảo vệ môi trường của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh :

"Môi trường thì chỉ có những cái bình thường như vệ sinh, công nhân quét rác này nọ thì có làm, còn đầu tư về môi trường như làm cách nào để giảm bớt ô nhiễm không khí thì hầu như là không có, chưa thấy. Còn tình trạng ngập thì càng ngày càng nặng, Sài Gòn thì cũng có một vài dự án nhưng không thấy hiệu quả gì hết, mỗi ngày lại ngập nặng hơn, rất ảnh hưởng môi trường".

Trước đó từ tháng 5 năm 2020, Sở Giao thông và vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam tổ chức chương trình thí điểm kiểm soát khí thải xe máy ở thành phố. Khi đó đã đo, kiểm tra khí thải miễn phí gần 11.000 xe trong 6 tháng tại quận 1, 3, Phú Nhuận và Tân Bình. Xe khi kiểm tra được nhập thông tin vào hệ thống như biển số, niên hạn... phần lớn xe sau 5 năm sử dụng đều không đạt chuẩn khí thải.

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường, khi trả lời RFA hôm 28/1, nhận định :

"Đây là vấn đề rất quan trọng, cần xem xét rất kỹ khi đưa ra những chính sách về chuyện xử lý các xe máy mà khí thải của nó không đảm bảo nhu cầu bảo vệ môi trường. Theo tôi, thu phí không phải là giải pháp, bởi vì thu phí xong vẫn không hạn chế được chuyện phát thải của lượng xe quá lớn hết niên hạn sử dụng. Mục tiêu là hạn chế không phát thải, tức là làm sao không phát thải chứ không phải là thu tiền, vì thu tiền rồi cũng không chống được chuyện phát thải cao làm ô nhiễm môi trường không khí. Thu phí xong thì có thu lại được quá nhiều khí thải đã thải ra đâu ? Tôi cho rằng cần giải pháp phù hợp với cuộc sống hơn".

Trước đó, vào tháng 10 năm 2018, Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có đề nghị xây dựng đề án kiểm soát khí thải đối với các loại xe máy tham gia giao thông, đồng thời triển khai thu phí ô nhiễm môi trường trên loại phương tiện này.

Tuy nhiên, Phó giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, thuộc Học viện Tài chính Việt Nam, trả lời RFA khi đó cho rằng, thu phí xả thải tức là phải thu vào tất cả các phương tiện có thải khí CO2 ra môi trường, bất kể đó là phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy hay đường không. Theo ông, ở các quốc gia khác trên thế giới, thông thường người ta sử dụng phí này cho xe hơi.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, tính đến tháng 6 năm 2020, Việt Nam có khoảng hơn 50 triệu ô tô và xe máy chưa đảm bảo tiêu chuẩn khí thải, trong tổng số 53,5 triệu của cả hai loại phương tiện giao thông đang lưu hành.

Theo Quyết định 49/QĐ-TTg về tiêu chuẩn khí thải của Chính phủ, các loại ô tô và xe máy sản xuất, lắp ráp hay nhập khẩu đều phải đáp ứng tiêu chuẩn Euro 4 với ô tô và Euro 3 với xe máy kể từ tháng 1/2017. Để đáp ứng tiêu chuẩn vừa nêu, ô tô và xe máy đều phải được lắp đặt sẵn bộ chuyển đổi xúc tác để làm giảm phát thải độc hại. Tuy nhiên, hàng chục triệu ô tô và xe máy sản xuất trước năm 2017 chưa có bộ lọc này.

Tuy nhiên theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, nếu thu phí xe máy như đề xuất, thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến đời sống của những người nghèo, mà xe máy đang là công cụ kiếm ăn của họ. Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng cách thức bảo vệ môi trường không khí thì vẫn nên theo hướng cấm sử dụng các xe máy quá niên hạn, xả thải nhiều... Nhưng nhà nước nên bỏ ngân sách ra để trợ giúp những người thuộc diện nghèo mà đang sử dụng xe máy làm công cụ kiếm sống, để người dân nghèo có thể có một xe máy đạt tiêu chuẩn môi trường và vẫn không ảnh hưởng cuộc sống của họ.

******************

Phụ nữ Việt nói về chính sách thưởng tiền nếu sinh hai con trước tuổi 35

RFA, 28/01/2021

Thưởng tiền hoặc hiện vật

Theo Thông tư số 01/2021 của Bộ Y tế, phụ nữ sinh đủ hai con trước tuổi 35 ở 21 tỉnh/thành phố có mức sinh thấp sẽ được thưởng tiền hoặc hiện vật.

phi3

Ảnh minh họa. Hình chụp tại một bệnh viện phụ sản ở Hà Nội tháng 5/2020. AFP

Cụ thể, có 21 tỉnh, thành phố thuộc vùng có mức sinh thấp gồm : Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Hậu Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Thuận, Khánh Hòa, Quảng Ngãi và Đà Nẵng.

Tại các địa phương vừa nêu, Thông tư số 01/2021 của Bộ Y tế cũng quy định những xã nào đạt tỷ lệ ba năm liện tục, có từ 60% cặp vợ chồng trong độ tuổi, sinh đủ hai con cũng sẽ được khen thưởng kèm theo hỗ trợ bằng tiền và hiện vật.

Đài RFA ghi nhận Việt Nam từng thực hiện chính sách kế hoạch hóa gia đình, hạn chế được hơn 27 triệu người cũng như duy trì mức trung bình một phụ nữ sinh 2,1 con trong độ tuổi sinh nở trong hai thập niên.

Tuy nhiên, Tổng cục Dân số Việt Nam đã có những chính sách khuyến khích sinh con, chẳng hạn như phụ nữ ở khu vực sinh con thấp được tăng thời gian nghỉ khi sinh con hay có trợ cấp xã hội ; khu công nghiệp hay khu chế xuất quy mô ở một mức độ nào đó thì bắt buộc có nhà trẻ, trường học…

Bên cạnh đó, Luật Bảo hiểm Xã hội 2014 cũng có nhiều thay đổi và có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2019, như khi vợ sinh con thì chồng được hưởng trợ cấp và nghỉ chế độ thai sản nhiều hơn trước đây.

Vào đầu tháng 5/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Quyết định số 588, phê duyệt ‘Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030’.

Theo Quyết định số số 588, nhiều điều chỉnh chính sách được ban hành nhằm tạo điều kiện khuyến khích nam, nữ không kết hôn muộn và sớm sinh con, kết hôn trước 30 tuổi và phụ nữ sinh con thứ hai trước 35 tuổi...

Chị Hạnh, một phụ nữ có hai cháu trai 7 tuổi và 4 tuổi ở Sài Gòn, vào tối ngày 28/1, chia sẻ với RFA khi nghe được thông tin về Bộ Y tế ban hành thông tư khuyến khích phụ nữ sinh đủ hai con trước 35 tuổi :

"Thật sự nếu mình sinh con trước 35 tuổi thì một phần là tốt cho em bé và tốt cho sức khỏe của mình về sau nữa. Phụ nữ sau 35 tuổi sinh con rất khó, nên mong các chị em phụ nữ sinh con trước 35 tuổi, tầm 28-33 tuổi. Cỡ tuổi đó thì sức khỏe của phụ nữ cũng tốt cho việc sinh con và suy nghĩ, tâm lý cũng được chính chắn".

Với trải nghiệm của bản thân, chị Hạnh cho rằng mình là người may mắn trong quá trình mang thai và sinh nở, cũng như được sự hỗ trợ của gia đình phụ giúp trong thời gian hậu sản.

"Theo tôi thấy thì cực không phải là cực. Nói chung là do mình sắp xếp và có gia đình hỗ trợ mình, cho nên cũng không cực lắm. Với lại em bé của em cũng dễ. Trong quá trình tôi mang thai cũng dễ lắm, cũng may mắn là dễ hơn so với người khác có sức khỏe yếu… Tôi thì được khỏe".

Chị Hạnh, vì thế mà mạnh dạn khích lệ chị em phụ nữ nên sinh con trước tuổi 35 giống như chị.

phi4

Một phụ nữ chở hai con dưới trời mưa ở Huế. Hình chụp ngày 27/04/19. AFP

Lực bất tòng tâm ?

Cô An, một bà mẹ ở độ tuổi ngoài 40, chia sẻ với RFA rằng dù là rất thích trẻ con, thế nhưng việc cân nhắc sinh đủ hai con trước 35 tuổi không phải là dễ dàng.

Đối với cô An, việc sinh con trong thời buổi nhịp sống công nghiệp, năng động ở thành phố lớn tại Việt Nam là điều rất vất vả cho đa số chị em phụ nữ. Cô An tâm tình rằng vừa phải ra ngoài xã hội làm việc, vừa phải chăm sóc con cái ở nhà, và đích thân đưa đón con đi học quả là một gánh nặng đổ trên vai của cô. Nhưng vì thương con, cô An dốc sức để chu toàn trong việc nuôi dạy con của mình.

Đài RFA đề cập đến chính sách mới nhất mà Bộ Y tế vừa ban hành là thưởng tiền hoặc hiện vật cho phụ nữ sinh đủ hai con trước 35 tuổi với chị Hạnh và cô An.

Chị Hạnh khẳng định rằng vấn đề quan trọng không phải là được nhận thưởng hay không mà phải tùy vào hoàn cảnh cuộc sống thực tế. Dù rằng chị Hạnh khích lệ giới phụ nữ nên sinh con sớm trước tuổi 35, tuy nhiên chính chị cảm thấy việc có thêm con thì thật sự là "lực bất tòng tâm".

"Cũng muốn có trai có gái, nhưng hiện tại giờ đời sống cao và chất lượng học hành của con cũng cao nữa. Cho nên bây giờ có hai đứa con trai nên mình phải chuyên tâm lo cho tụi nhỏ tới nơi tới chốn. Chứ còn sanh thêm thì phải thêm gánh nặng nữa".

Còn cô An bộc bạch với chúng tôi rằng gia đình cô không gặp trở ngại về kinh tế trong việc nuôi con. Thế nhưng, có rất nhiều mối lo ngại cho tương lai của một đứa trẻ.

"Nếu được ở nhà thì tôi sẽ sanh nữa, vì tôi thích em bé, thích có con. Nhưng mà mình sợ xã hội bây giờ bị nhiều bệnh do thực phẩm, thức ăn không an toàn nên lo sợ không biết nuôi con có tốt không ? Vậy mà sợ, không dám sanh. Đủ thứ bệnh hết trơn. Sanh đứa con nhỏ mà hôm nay sốt, mai sốt là thấy lo rồi. Chứ còn như mình sống ở một xã hội sạch sẽ hơn, hiện đại hơn thì có thể cân nhắc việc sanh thêm con được dễ. Đằng này ở đây thì môi trường ô nhiễm cũng nhiều, thực phẩm cũng không an toàn, bệnh hoạn…Thôi, không dám sanh đâu. Sanh ra tội nghiệp nó".

Trao đổi với một số bà mẹ lớn tuổi, có con gái sắp lập gia đình cũng như đang cân nhắc nên có con sớm hay không, chúng tôi nhận được khá nhiều ý kiến trái chiều.

Bà Chinh, ở Bình Dương lên tiếng với RFA bà có trách nhiệm phải khuyên, nhưng phải tôn trọng quyết định của con cái.

"Trước 35 tuổi thì cũng tốt. Mình khuyên thì khuyên thôi còn chuyện đó thì tùy con cái mình. Mình có ý kiến, chứ quyền quyết định là của tụi nó. Nhưng sớm nhất là 30 tuổi, chứ không được sớm hơn nữa".

Nghĩ là vậy, khuyên là thế. Nhưng bà Chinh khẳng định với RFA bà đã sinh con trước tuổi 30 và thật sự là rất cực nhọc. Mẹ của bà có 8 người con và bà ngoại cũng thật là vất vả trong việc phụ giúp một đàn cháu chắt. Do đó, bà Chinh nói rằng thật lòng bà cũng hết sức thận trọng trong việc khuyến khích con gái bà sinh con trước 35 tuổi.

"Tùy trường hợp. Nếu mình cảm thấy không nỗi thì không nên khuyến khích. Còn mình thấy có sức phụ giúp thì khuyến khích sinh con, có gì mẹ tiếp cho".

Trong khi đó, bà Bình ở Tiền Giang, là một người bị hiếm muộn, tâm tình với RFA rằng phụ nữ cần nên sinh con trước 35 tuổi để không phải hối tiếc như bà.

"Việc này thì nên vì nếu trễ hơn 35 tuổi thì con cũng ít thông minh. Thứ hai nữa là tình trạng hiếm muốn xảy ra nhiều hơn ngày xưa. Nếu như mình cứ lo làm ăn, để quá 35 tuổi rồi khi muốn có con thì đôi khi lại không có con được. Vì thế, nên có con trước 35 tuổi vì vừa tốt cho con mình, tốt cho mình và vừa đạt được ý muốn của mình".

Mặc dù vậy, bà Bình cũng xác nhận thật sự là một tình thế "tiến thoái lưỡng nan" trong cuộc sống hiện đại đối với phụ nữ tại Việt Nam.

"Tức là một số giới trẻ có khuynh hướng chậm lập gia đình, tức là không cần lập gia đình sớm và cũng không muốn có con. Tại vì có một số trường hợp giống như xu hướng của người phương Tây rồi. Một số người muốn có công việc, có nhà cửa đàng hoàng. Có những em không muốn lấy chồng sớm vì sợ cực, chia sẻ rằng thôi cứ vui chơi rồi từ từ tính. Tại vì các em lo ngại lấy chồng nhằm người không vừa ý. Cho nên cũng có khuynh hướng độc thân".

Bà Bình kết nối cho RFA trò chuyện với một cô cháu dâu, 28 tuổi vừa sinh em bé và cũng vừa trở lại đi làm ở ngân hàng, để tìm hiểu xem cô mong muốn sinh thêm một em bé nữa trước tuổi 35 hay không. Thế nhưng, cô mới nói được vài tiếng thì đã ngủ gật trong lúc cho con bú.

Báo giới Việt Nam vào trung tuần tháng 10/2020 đồng loạt đăng tải cảnh báo của các nhà khoa học, dự báo tốc độ già hóa dân số của Việt Nam sẽ tăng thuộc hàng nhanh nhất thế giới và Việt Nam chỉ mất khoảng 20-22 năm để chuyển từ "giai đoạn già hóa dân số" sang "giai đoạn dân số già".

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tồng hợp
Read 491 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)