Ông Trọng muốn Trung ương 'nhìn thẳng sự thật' (VOA, 05/05/2017)
Ông Nguyễn Phú Trọng cho biết Bộ Chính trị, Ban Bí thư hồi tháng 3 đã dành ra 7 ngày để "kiểm điểm".
Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam vừa khai mạc ngày 5/5. Trong bài phát biểu khai mạc, ngoài các nội dung về kinh tế, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam còn đề nghị Trung ương "nhìn thẳng vào sự thật", "đánh giá kỹ lưỡng những ưu điểm, những hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư".
Ông Nguyễn Phú Trọng cho biết Bộ Chính trị, Ban Bí thư hồi tháng 3 đã dành ra 7 ngày để "kiểm điểm", tự phê bình và phê bình về sự lãnh đạo, chỉ đạo của mình.
Người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam nói quá trình kiểm điểm được thực hiện "bài bản" và "hợp lý".
"Các báo cáo kiểm điểm đều được chuẩn bị đúng hướng dẫn. Không khí kiểm điểm dân chủ, đoàn kết, thẳng thắn, chân tình", ông Trọng phát biểu trong lúc khai mạc hội nghị.
Ông Trọng thừa nhận tình hình Việt Nam gần đây có những "vấn đề phức tạp mới nảy sinh" như vụ ô nhiễm môi trường biển miền Trung, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long…
Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam cũng đề cập đến các nỗ lực phòng chống tham nhũng, ông nói rằng "có những chuyển biến tích cực, rõ rệt". Ông dẫn chứng nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng đã được đưa ra xét xử, nhiều sai phạm trong công tác cán bộ, nhiều cán bộ cấp cao vi phạm đã bị kỷ luật nghiêm minh, công khai, "được nhân dân đồng tình và ủng hộ".
Trên thực tế, các vụ xử lý kỷ luật cán bộ cấp cao gần đây tại Việt Nam đã gây ra khá nhiều tranh cãi và đồn đoán trong giới quan sát và dư luận Việt Nam về "cuộc thanh trừng phe nhóm" trong nội bộ Đảng cộng sản.
Nổi bật nhất là vụ "đào thoát" ra nước ngoài của ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang. Vụ này đã dẫn tới hàng loạt các quan chức bị kỷ luật, trong đó có nguyên Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng và 7 cán bộ cao cấp khác. Vụ xử lý kỷ luật có thể xảy ra đối với Bí thư Thành ủy Sài Gòn Đinh La Thăng cũng bị cho là nằm trong loạt đấu đá này.
Trong ngày khai mạc Hội nghị Trung ương 5, ông Nguyễn Phú Trọng khẳng định Bộ Chính trị, Ban Bí thư luôn "vững vàng, đoàn kết" để đưa ra quyết sách kịp thời, được nhân dân "ghi nhận, hoan nghênh".
Các nội dung khác về việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tái cơ cấu và đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân… cũng là những nội dung được bản thảo tại hội nghị.
Hội nghị Trung ương 5 sẽ kéo dài đến ngày 10/5.
********************
Cuối tháng Năm, Thủ tướng Phúc đi Mỹ mua vũ khí ? (VOA, 05/05/2017)
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.
Tại cuộc họp báo thường kỳ vào chiều ngày 4/5, một phóng viên đã đề nghị người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng xác nhận thông tin Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ đi thăm Mỹ vào cuối tháng 5 năm nay, cũng như trọng tâm của chuyến thăm, khả năng thoả thuận hợp tác nào trong lĩnh vực quân sự đặc biệt là việc mua sắm vũ khí.
Báo Thanh Niên và Tiền Phong trích lời bà Lê Thị Thu Hằng :
"Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có thư mời Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Mỹ. Nội dung cụ thể của chuyến thăm đang được hai bên thu xếp".
Tuy bà Hằng không xác nhận ý định của Việt Nam muốn mua vũ khí Mỹ, cũng như tin liệu Thủ tướng Phúc có chính thức đi thăm Mỹ vào cuối tháng này hay không, nhưng việc báo chí trong nước "đánh tiếng" trước cho thấy Việt Nam đang muốn gây ấn tượng với Mỹ.
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng thuộc Đại học George Mason, bang Virginia, cho rằng nếu có một thỏa thuận mua bán vũ khí trong chuyến thăm này thì đây là thông điệp cho thấy Việt Nam "muốn thuyết phục Mỹ về tầm quan trọng chiến lược của mình, bằng cách tăng cường quan hệ quốc phòng với Mỹ".
"Muốn có ấn tượng thì người ta nói đến việc mua vũ khí. Bây giờ thì việc mua vũ khí có thể là món quà, hay có thể gọi là món hối lộ để có được sự ủng hộ của ông Trump. Đằng sau cái đó là gì ? Tuy không nói ra, nhưng họ rất cần một đối trọng với Trung Quốc".
Với "món quà ra mắt gây ấn tượng này", liệu Việt Nam có thật sự đạt được một thỏa thuận mua vũ khí từ Mỹ hay không ? Giáo sư Hùng phân tích các khía cạnh có khả năng xảy ra như sau :
"Quan trọng đằng sau việc mua súng thì người ta muốn biết ổng muốn mua cái gì ? Để làm gì ? Và mua như vậy thì có cần huấn luyện của Mỹ không ? Nếu có huấn luyện thì ở Việt Nam hay ở Mỹ ? Nếu ở Việt Nam thì dính dáng đến việc sự của quân nhân Mỹ tại Việt Nam. Đằng sau việc mua bán này là cả vấn đề chiến lược. Không biết Việt Nam có chiến lược rõ rệt về việc này hay không ?"
Tháng 5 năm ngoái, trước chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đến Việt Nam, Hoa Kỳ đã dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam. Khi đó báo chí Việt Nam cho rằng việc dỡ bỏ cấm vận vũ khí "không chỉ mang ý nghĩa biểu trưng rất lớn, mà nó có giá trị thực tế, giúp chúng ta nâng cao sức mạnh quốc phòng, bảo vệ vững chắc chủ quyền và an ninh trên biển".
Phản ứng trước quyết định của Mỹ xóa cấm vận vũ khí, Trung Quốc đã có phản ứng dè dặt. Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh nói : "Là một nước láng giềng thân cận với Việt Nam, chúng tôi hoan nghênh mối quan hệ hợp tác bình thường giữa Việt Nam và các nước khác, và chúng tôi hy vọng chắc rằng một diễn biến như thế trong bang giao song phương là thuận lợi cho hòa bình và an ninh trong khu vực".
Báo An Ninh Thủ đô nói "mua sắm trang bị tiên tiến để tiến thẳng lên hiện đại, có thể nói rằng, hướng đi này là rất đúng đắn".
Bài viết trên tờ báo này nói trong bối cảnh ngân sách quốc phòng còn eo hẹp, Việt Nam nên ưu tiên cho một số quân, binh chủng như hải quân, phòng không-không quân, thông tin liên lạc.
Báo Sputnik dẫn lời nhà phân tích quốc phòng Konstantin Sivkov nói rằng Việt Nam không phải là quốc gia giàu có nên khó có khả năng mua vũ khí từ nhiều nước khác nhau. Tờ báo nhận định :
"Có phần chắc họ sẽ tiếp tục duy trì chiến lược mua sắm đồng bộ. Ví dụ, nếu Việt Nam quyết định chuyển sang sử dụng máy bay của Hoa Kỳ, thì sẽ phải đầu tư vào đào tạo bổ sung, trang thiết bị, kinh phí, v.v…"
Theo ông Sivkov thì "có nhiều khả năng Hà Nội sẽ mua một số thiết bị khác nhau của Hoa Kỳ "để làm quen" với vũ khí và thiết bị quân sự của Mỹ. Tuy nhiên, theo giới phân tích, sẽ không có chuyện mua bán với số lượng lớn".
Trong nhiều thập kỷ qua, Việt Nam đã mua vũ khí của Nga và còn hợp tác để phát triển vũ khí với nước này. Trả lời phỏng vấn của hãng tin Sputnik hồi đầu năm nay, Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt, Quân đoàn 2, nhấn mạnh "vũ khí Nga có lợi thế cạnh tranh nhất định so với các nước tương tự.
Tuy rằng Nga là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu của Hà Nội từ lâu, vị thế đó sẽ dần dà bị xói mòn khi thị trường mở và các thương nhân vũ khí Mỹ bắt đầu nắm bắt cơ hội. Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) hôm 20/2/2017 công bố phúc trình mới nhất về tình hình mua sắm quốc phòng trên thế giới, Việt Nam xếp hạng 10, chiếm khoảng 3% thị phần vũ khí thế giới, giá trị nhập khẩu ước đạt gần 5 tỷ USD.
Đáng chú ý là so với giai đoạn 2007 - 2011, Việt Nam đã nhảy vọt từ vị trí 29 lên thứ hạng nằm trong top 10, giá trị nhập khẩu vũ khí tăng tới 202%.
Vào tháng trước, Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết, Mỹ đã đồng ý chuyển giao tàu tuần duyên Morgenthau cho Việt Nam, sau khi tàu này bị loại biên. Tàu tuần duyên USCGC Morgenthau của Hoa Kỳ sẽ sớm có mặt trong biên chế lực lượng vũ trang Việt Nam. Phía Việt Nam yêu cầu mua lại 3 chiếc, nhưng Mỹ chỉ đồng ý bán lại một chiếc.