Hơn 10 ngày sau khi có tin ông Nguyễn Phú Trọng nhập viện, chủ tịch Quốc hội Việt Nam và cả người phát ngôn Bộ Ngoại giao đều xác nhận điều mà mạng xã hội đã nói ngay trong ngày ông Trọng ngã bệnh hôm 14/4, cũng là ngày ông tròn 75 tuổi.
Báo Thanh Niên loan tin về tình hình sức khỏe ông Nguyễn Phú Trọng. Photo Báo Thanh Niên
Có điều bất thường là ngay cả các blogger vốn đã từng viết về sức khoẻ của các lãnh đạo cao cấp khác, chẳng hạn như bệnh tình cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang, cũng không cảm thấy họ cần viết gì về thể trạng của ông Trọng trong hơn một tuần qua. Nếu không có phong trào dân làm báo trên mạng xã hội, Việt Nam hẳn giống đất nước của ‘thiên bồng nguyên soái’ Bắc Triều Tiên mà ông Trọng đón tiếp rất trọng thị mới đây trong 10 ngày đầu sau khi ông Trọng ốm.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội hôm 25/4 đã khẳng định sức khoẻ của ông Trọng "có bị ảnh hưởng" do lịch làm việc dày đặc trong điều kiện khi thì đi ngoài trời nóng 38 độ lúc lại vào cơ sở đông lạnh. Nhưng cả bà Ngân và người phát ngôn Bộ Ngoại giao đều không nói cụ thể ông Trọng ốm thế nào dù nói ông sẽ sớm trở lại làm việc.
Trước đó cũng có thuyết âm mưu rằng ông Trọng chỉ giả ốm và đây là một phần của kế sách chính trị của ông lão đốt lò. Tuy nhiên điều này nay đã được chứng minh là vô lý. Ngay kể cả không có những khẳng định ông Trọng ốm từ các quan chức chính phủ, người ta cũng có thể phán đoán không có chuyện ông vờ ốm. Nếu thực sự ông giả vờ để bẫy đối thủ chính trị, hệ thống truyền thông của đảng sẽ được sử dụng cho mục đích này và họ không bị cấm đưa tin như trong mười ngày đầu. Thời điểm này cũng không phải là lúc để tổng bí thư kiêm chủ tịch nước giả ốm. Người ta trông đợi ông có chuyến đi tới Trung Quốc để tham gia hội nghị ‘Vành đai và Con đường’ tại Bắc Kinh mà cuối cùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đi thay.
Ông Trọng cũng ngã bệnh vào lúc củi lửa tham nhũng đang cháy to với việc ông Phạm Nhật Vũ, em trai người giàu nhất Việt Nam Phạm Nhật Vượng, bị cho vào lò vì cáo buộc đưa hối lộ. Người ta còn đồn đoán rằng đích nhắm tới của ông Trọng là con gái cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, bà Nguyễn Thanh Phượng.
Câu hỏi đặt ra là liệu chiếc lò của ông Trọng sẽ ra sao nếu ông không còn có khả năng trông coi nó như thời gian vừa qua. Liệu một số lớn đảng viên đã bán chính thức tham gia ‘đảng ăn’ khi họ ‘ăn của dân không từ thứ gì’ có tiếp tục bị thanh trừng khi người chủ trì chống tham nhũng rời chính trường ? Đây là câu hỏi mà có lẽ chính ông Trọng cũng không có câu trả lời. Và việc ông Trọng đổ bệnh vô hình chung đã là phát súng mở đầu cho cuộc đua vào vị trí tổng bí thư khi Đảng Cộng sản mở Đại hội lần tới trong hai năm.
Chuyện ông Phúc, một trong những ứng viên mạnh cho vị trí đứng đầu đảng, đi Trung Quốc từ 25-27 và gặp gỡ Chủ tịch Tập Cận Bình tạo cho ứng viên này thêm lợi thế bên cạnh những lợi thế sẵn có. Thâm niên của ông Phúc trong Bộ Chính trị vượt trội hơn các đối thủ khác và kinh nghiệm điều hành bộ máy hành chính cũng giúp ông trong cuộc đua. Nhưng nếu kinh nghiệm của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho thấy bất cứ điều gì thì đó là trở thành người miền nam đầu tiên giữ chức tổng bí thư sẽ không dễ. Một điều không dễ nữa là ông Phúc cũng sẽ bằng tuổi ông Nguyễn Tấn Dũng vào thời điểm ông Dũng muốn ở lại làm tổng bí thư, 66 tuổi, vào thời gian diễn ra Đại hội tới vào năm 2021.
Ứng viên nhẹ ký hơn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, trong khi đó vừa có cuộc tiếp xúc cử tri tại Ninh Kiều, Cần Thơ, nơi bà đã có tuyên bố chung chung về chuyện ông Trọng không được khoẻ. Dù bà là ứng viên không hẳn nổi bật nhưng trong một cuộc đua mà các ứng viên nặng ký bất phân thắng bại, họ sẽ thà tìm người thoả hiệp thay vì ủng hộ đối thủ của mình và bà Ngân có thể là một nhân vật như vậy.
Hai ứng viên khác từ bên đảng và có nhiều khả năng họ sẽ trung thành với công cuộc đốt lò chống tham nhũng của ông Trọng hơn nếu họ thành công trong cuộc chạy đua.
Ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư và cựu Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương là cánh tay phải của ông Trọng trong việc thanh trừng tham nhũng hiện nay. Nhưng cây bình luận Nguyễn Khắc Giang nhận định trong bài viết trên trang The Diplomat rằng ông Vượng có những điểm bất lợi. Ông chưa từng giữ bất kỳ vị trí quản lý nhân sự đáng kể nào, dù là bí thư hay chủ tịch tỉnh. Ông Vượng cũng sẽ vượt giới hạn tuổi 65 dành cho những người có thể ở lại bộ chính trị vào năm 2021 mà không cần được đặc cách như đã từng xảy ra với ông Trọng.
Ứng viên trẻ nhất trong nhóm bốn người có tiềm năng thay ông Trọng là Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, một cựu tướng công an. Ông Chính sẽ ở tuổi 62 khi Đại hội 13 diễn ra. Nhân vật này cũng có một số điểm yếu, vẫn theo chuyên gia phân tích Nguyễn Khắc Giang - đó là ông hiện mới đang có nhiệm kỳ đầu tiên trong Bộ Chính trị dù có kinh nghiệm cải cách hành chính và đổi mới kinh tế khi là Bí thư Quảng Ninh, một trong năm địa phương giàu nhất cả nước. Nhưng trong lịch sử Đảng Cộng sản chưa từng có chuyện một người làm tổ chức đảng và nắm hồ sơ của mọi đảng viên cao cấp lại lên làm tổng bí thư, ông Giang nhận định.
Cho đến khi cuộc đua vào vị trí tổng bí thư ngã ngũ, người ta khó có thể khẳng định công cuộc đốt lò hiện nay sẽ đi về đâu. Cũng không loại trừ chuyện ông Trọng sẽ hồi phục và lại tiếp tục ở lại thêm nhiệm kỳ nữa. Người ta nói "một tuần đã là quá dài trong chính trường" nên thật khó đoán những gì sẽ xảy ra trong cả 100 tuần nữa.
Nguyễn Hiền
Nguồn : VOA, 26/04/2019
Gần hai tháng sau Hội nghị trung ương 7 vào tháng Năm năm 2018 mà đã xuất hiện dấu hiệu đổ bệnh của ‘lò ông Trọng’, một lần nữa Nguyễn Phú Trọng lại tìm cách ‘nâng cao niềm tin của nhân dân và đảng viên vào đảng’ bằng bài bản ‘diệt ruồi’ như đã từng thực hiện vào các khoảng thời gian trước Hội nghị trung ương 5 vào tháng Năm năm 2017 và Hội nghị trung ương 6 vào tháng Mười năm 2018.
Nguyễn Phú Trọng và bức thư yêu cầu công khai tài sản. Ảnh : VOA
Ngày 21/6/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an của ủy viên thường vụ đảng ủy công an trung ương Nguyễn Phú Trọng đã ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam 4 bị can gồm : Từ Thành Nghĩa – cựu Tổng Giám đốc Liên doanh Dầu khí Việt – Nga Vietsovpetro (VSP) ; Võ Quang Huy – cựu Chánh Kế toán VSP ; Đinh Văn Ngọc – cựu Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) và Nguyễn Tuấn Hùng – trưởng Ban Tài chính Tổng Công ty Thăm dò và khai thác Dầu khí (PVEP) về hành vi "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" theo Điều 355, Bộ luật Hình sự.
VSP, BSR và PVEP là các doanh nghiệp con của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) – ‘căn cứ địa cách mạng’ của cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN Đinh La Thăng, một dấu ấn vô cùng đáng nhớ của ông Thăng khi từ nơi đó ông đã đi lên cái ghế Bộ trưởng Giao thông vận tải và sau đó còn lọt vào Bộ Chính trị của đảng cầm quyền, để chẳng bao lâu sau đó cũng kẻ chỉ đạo phá chùa Liên Trì này đã phải rơi vào vũng lầy của đảng bằng hai cái án với tổng cộng ba chục năm tù giam mà chỉ có thể thốt lên ‘Hãy đối xử với bị cáo như một con người’.
Hiển nhiên là sau khi ‘mần’ con cá lớn Đinh La Thăng và ‘thay máu’ tập đoàn mẹ PVN, Nguyễn Phú Trọng đã tiến tới ‘xẻ thịt’ những con cá con.
Ba ngày sau vụ khởi tố bắt giam 4 cựu lãnh đạo doanh nghiệp của PVN, đến lượt Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam Vũ Thanh Hà – nguyên Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB) để điều tra về hành vi Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng trong quá trình thực hiện Dự án nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ (Ethanol Phú Thọ).
Dự án nhà máy Ethanol Phú Thọ đã tiêu tốn hơn 1.534 tỷ đồng nhưng đến thời điểm thực hiện thanh tra (tháng 9/2016) vẫn dang dở, bế tắc. Đây là một trong số 12 dự án ‘ngàn tỷ trùm mền’ để lại từ thời bộ trưởng công thương Vũ Huy Hoàng – kẻ bị dư luận xã hội xem là tội đồ của quá nhiều hậu quả ghê gớm phát sinh từ tham nhũng, đầu tư lãng phí, bảo kê cho các nhóm lợi ích xăng dầu và điện lực, nhập khẩu vô tội vạ nhiều mặt hàng từ Trung Quốc như một cách ‘nối giáo cho giặc’…
Cho tới nay, Vũ Huy Hoàng chỉ mới bị kỷ luật đảng và ‘cách tất cả các chức vụ thời trước, nhưng vẫn khá bình yên ngoài vòng lao lý.
Trong hai ngày 27/6 và 28/6/2018, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp xem xét, thi hành kỷ luật Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông và các cá nhân liên quan vụ AVG như Lê Nam Trà, Phạm Đình Trọng, Cao Duy Hải, Phạm Hồng Hải, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn. Đồng thờ kỷ luật đảng hai nhân vật tướng lĩnh cao cấp trong Quân chủng phòng không – không quân thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam là Thượng tướng Phương Minh Hòa và Trung tướng Nguyễn Văn Thanh.
Ông Trọng đang ra ‘chiêu’ gì ?
Cần nhắc lại, sau Hội nghị trung ương 7 vào tháng Năm năm 2018 mà đã chẳng thể ‘diệt ruồi’ lẫn đả hổ’, bầu không khí ‘chống tham nhũng’ bất thần lắng hẳn đi. Sau khi xuất hiện ‘chủ nghĩa nhân văn Nguyễn Phú Trọng’, đã có một luồng dư luận cho rằng thực ra ông Trọng là người thiếu kiên quyết trong chống tham nhũng và phần đa chỉ là giơ cao đánh khẽ, chủ đích nhằm răn đe để giữ đảng, thu hồi tài sản tham nhũng và lấy tiếng ‘Sỹ phu Bắc Hà’ hay ‘Minh quân’ cho cá nhân mình.
Cũng có những biểu hiện cho thấy ông Trọng đang thỏa mãn quá sớm với bản thành tích chống tham nhũng còn quá ít ỏi của ông, để trong khi tương lai trở thành ‘bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo’ và ‘lưu danh sử xanh’ của ông còn xa mới đạt tới.
Rất có thể, sự phản ứng của dư luận trên, mà đặc biệt là dư luận từ giới cách mạng lão thành trong đảng, đã khiến Nguyễn Phú Trọng không thể ngủ ngon và tiếp tục mơ màng về danh hiệu ‘Người đốt lò vĩ đại’ của ông ta.
Vậy là một lần nữa kể từ quý hai năm 20167, ông Trọng lại khởi động quy trình ‘diệt ruồi’. Theo ‘quy luật’ riêng có của ông Trọng, chiến dịch ‘diệt ruồi’ sẽ gia tăng theo thời gian, có thể trong một giai đoạn khoảng 3 – 4 tháng, để đạt tới đỉnh điểm nhất thời bằng hàng loạt ‘ruồi’ bị cho ‘nhập kho’ và tạo tiền đề để tiến tới ‘mần’ một ‘con hổ’ nào đó.
Tuy nhiên với tình trạng khẩu khí đốt lò của ông Trọng đột ngột xuôi xị tại Hội nghị trung ương 7, không có gì bảo đảm là trong thời gian tới ông Trọng sẽ dám ‘đả hổ’ mà không thật sự lo ngại cho vấn đề an toàn cá nhân của ông ta.
Thiền Lâm
Nguồn : CaliToday, 02/07/2018
Cái lò ông Trọng đốt lên chưa đầy nửa năm, nghe ra đã rơi vào tình trạng "tức củi", dường như củi tươi củi khô ngày càng nhiều, nó nhiều đến mức giả sử như cái lò này đốt nổi thì chắc chắn không còn bất kì cái cây chế độ nào tồn tại.
Khi Tổng Trọng tuyên bố công khai tài sản thì đó cũng là cơ hội để họ, trong một vai diễn truyền thông, sẽ đứng lên lần lượt điểm danh từng khối tài sản chìm, nổi của người đốt lò.
Từ một quan chức cấp xã cho đến cấp huyện, cấp trung ương đều có thể thành củi trong cái lò "chống tham nhũng" của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng.
Từ Ecopark, Văn Giang đến Sơn Trà, Đà Nẵng, Thủ Thiêm, Sài Gòn… Từ đồng bằng lên núi cao, từ những con hẻm nhỏ nhất với những căn nhà chuồng cu, chuồng chó rộng chưa đầy 10 mét vuông cho đến những khu biệt thự ngàn tỉ… Dường như đụng vào bất kì chỗ nào cũng có thể thấy một đống củi tươi, củi khô nằm chờ vào lò.
Từ lĩnh vực giáo dục cho đến y tế, kinh tế, văn hóa… Đi đâu, đụng đâu cũng thấy củi. Mà toàn củi gộc !
Nhưng đáng sợ hơn cả là bây giờ củi thay nhau lộ diện, củi không còn sợ lò. Có nghĩa là có một cuộc chiến ngấm ngầm giữa củi và lò, củi tìm cách làm cho người đốt lò cảm thấy mệt mỏi, lúng túng trước một núi củi trước mắt và chẳng biết nên đốt từ cây nào, chỗ nào.
Trong thời gian qua, sau khi cái lò chống tham nhũng của Tổng Trọng đốt lên vài tháng thì có hai hiện tượng rất rõ nét : Yêu cầu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phải công khai tài sản và ; Mọi ngóc ngách sai phạm tự thân nó vén lên khắp mọi nơi.
Sở dĩ gọi đây là hiện tượng bởi nó không bình thường, nó có dự tính và có chiến thuật, chiến lược hẳn hoi. Một mặt thì công khai tấn công vào người đốt lò Nguyễn Phú Trọng để ông này tự biết, tự hiểu mà chùng tay. Mặt khác cho tất cả mọi thứ lộ diện như một tất yếu của chế độ. Trong trường hợp này, nếu người đốt lò chấp nhận luật chơi đã đặt ra là đốt tất cả thì e rằng sẽ không đủ sức và đặc biệt là không thể đốt xong rồi tự biến mình thành củi, nếu may mắn thì thành cây củi sau cùng.
Những người yêu cầu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng công khai tài sản không phải là những kẻ vất vơ không biết gì, nói cho thỏa chí, cho sướng miệng. Mà có thể, họ đã có một danh sách tài sản chìm, nổi của Tổng Trọng. Điều mà họ mong đợi là khi Tổng Trọng tuyên bố công khai tài sản thì đó cũng là cơ hội để họ, trong một vai diễn truyền thông, sẽ đứng lên lần lượt điểm danh từng khối tài sản chìm, nổi của người đốt lò.
Có vẻ như đã nhìn thấy được đối phương muốn gì, hoặc giả nhìn thấy sự thất bại phía trước một khi chấp nhận lời thách đấu của đối phương nên Tổng Trọng im hơi lặng tiếng, không dám công khai tài sản. Nhưng có vẻ như Tổng Trọng có một lựa chọn khác, bởi ông là người kiến tạo và chủ trì cuộc chơi đốt lò nên ông đã có những đấu pháp chưa trình diễn.
Về phía "củi", gần như số lượng tăng đột ngột kể từ khi cái lò ông Trọng nổi lửa. Điều này, nếu nhìn từ bên ngoài, người ta dễ dàng lạc quan và tin rằng nhờ cái lò chống tham nhũng mà mọi chuyện được công khai, mọi cái xấu được tố giác và trật tự xã hội, công bằng sẽ dần được lấy lại.
Nhưng thực tế, mọi chuyện không phải vậy. Hãy nhìn vào vụ án của kẻ ấu dâm có trên 50 năm tuổi đảng Nguyễn Khắc Thủy, y không những bị trừng phạt đích đáng mà y được hưởng một mức án salon với 18 tháng tù treo. Mà với kẻ có tiền, có quyền và lộng dâm như Thủy, 18 tháng không được đi ra khỏi nơi cư trú cũng chẳng khác nào 18 tháng đi nghỉ mát và chơi bời. Và cái bản án này cho thấy điều gì ?
Nó không đơn giản cho thấy sự bất minh, dốt nát và tăm tối của nền chấp pháp Việt Nam, bởi điều này không cần chứng minh thêm nó vẫn tồn tại mạnh mẽ. Vấn đề là nó cho thấy cái lò chống tham nhũng, chống tiêu cực của ông Trọng không đủ nóng, không làm rát mặt bất kì cây củi nào nếu như chúng không nằm trong tầm vói của Tổng Trọng.
Nghĩa là nó không thuộc phe nhóm đối thủ, nó không thuộc những nhóm quyền lực đối lập của Tổng Trọng. Ngược lại, nếu cái lò ông Trọng nhằm bảo vệ sự trong sạch của đảng thì chắc chắn tòa án Vũng Tàu có ăn gan trời cũng không dám tuyên án chẳng khác gì con nít chơi đồ hàng như vậy.
Bởi để sổng một con dê già từng hãm hại nhiều số phận trẻ em, đã giết chết nhiều tương lai của quốc gia là một trọng tội. Đặc biệt đây là con dê có tới hơn 50 năm là đảng viên cộng sản. Nếu để sổng con dê này thì đảng cộng sản chẳng còn mặt mũi nào mà ngẩng mặt.
Nhưng không, tòa án Vũng Tàu dường như chẳng sợ sệt gì cái lò ông Trọng, họ sẵn sàng đạp qua dư luận, đạp qua lương tri, đạo đức và đạp qua pháp luật, thậm chí đạp qua cả điều lệ đảng cộng sản để làm cho được chuyện động trời. Mà cái chuyện động trời ở đây là lấy tay che mặt trời, toa rập, bảo vệ cho một kẻ ấu dâm, kẻ phá tan nát điều lệ đảng và đạp đổ giá trị đạo đức, đổ dơ lên mặt đảng.
Sở dĩ tòa án Vũng Tàu dám tuyên án qua loa chiếu lệ cho Thủy bởi vì họ biết và tin rằng họ còn lâu lắm mới vào lò ông Trọng. Vì ông Trọng có cố gắng tăng công suất đốt lò lên gấp năm, gấp mười lần hiện tại thì cho đến khi hết nhiệm kì, về vườn, số củi ông đốt được cũng chưa đầy 10%. Và số củi thừa này sẽ là tai họa cho Tổng Trọng cùng phe nhóm của ông ta.
Điều đáng sợ nhất là củi đang chơi trò đánh đố với người đốt lò, chúng thi nhau, nhao nhao gọi "củi đây, củi đây, đốt tao đi, đốt em đi, đốt ông đi…". Người đốt lò vã mồ hôi vì nhìn đâu cũng thấy củi, cả một rừng xanh đảng viên cộng sản là một rừng củi và cây nào cũng nhao nhao chực nhảy vào lò hoặc xông tới để đẩy người đốt lò vào lửa bởi ông ta cũng là cây củi !
Một rừng xanh đảng viên cộng sản là một rừng củi và cây nào cũng nhao nhao chực nhảy vào lò hoặc xông tới để đẩy người đốt lò vào lửa bởi ông ta cũng là cây củi !
Chiến thuật này không có gì mới mẽ, nhân dân dùng để đối phó với chính quyền cũng nhiều, ví dụ như trong làng có người bị kết tội đánh kẻ bắt chó trộm dẫn đến chết người thì cả làng kéo đến tòa, ai cũng nhận mình từng đánh kẻ trộm chó. Kết quả là không thể bắt nhốt tất cả dân làng và càng không thể bắt nhốt người vừa bị kết tội. Bởi làm vậy là đang chọc giận đám đông dân làng và dư luận.
Cái kiểu chơi nhận tội tập thể hoặc lộ tội tập thể và ngầm gửi thông điệp đến "quan tòa" về những liên lụy của ông ta trong tội lỗi đã giúp không ít đám đông giảo hoạt nắm phần thắng. Và hiện nay, dù có mắt nhắm mắt mở, người ta cũng dễ dàng nhận ra là tổng Trọng đang chịu sức ép "lộ tội tập thể" và mối nguy xâu chuỗi tội lỗi có thể dẫn đến tình trạng người đốt lò chết ngộp vì khói lò.
Điều này chỉ cho thấy người dân Việt Nam thật đau khổ và tội nghiệp, dường như chúng ta đã quen với chịu đựng khổ nhục, quen với bất công, quen với việc bị đè đầu cưỡi cổ và quen với mọi khổ ải… Nhưng chưa hề quen với tỉnh thức nhìn lại thân phận mình, chưa bao giờ quen với tự vấn, tự đặt câu hỏi vì sao mình khổ ? Chính vì vậy mà nhân dân còn khổ dài, khổ mãi, vừa khổ vừa vỗ tay trước màn kịch của kẻ thống trị mình !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 11/05/2018 (VietTuSaiGon's blog)
Ông Trọng muốn Trung ương 'nhìn thẳng sự thật' (VOA, 05/05/2017)
Ông Nguyễn Phú Trọng cho biết Bộ Chính trị, Ban Bí thư hồi tháng 3 đã dành ra 7 ngày để "kiểm điểm".
Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam vừa khai mạc ngày 5/5. Trong bài phát biểu khai mạc, ngoài các nội dung về kinh tế, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam còn đề nghị Trung ương "nhìn thẳng vào sự thật", "đánh giá kỹ lưỡng những ưu điểm, những hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư".
Ông Nguyễn Phú Trọng cho biết Bộ Chính trị, Ban Bí thư hồi tháng 3 đã dành ra 7 ngày để "kiểm điểm", tự phê bình và phê bình về sự lãnh đạo, chỉ đạo của mình.
Người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam nói quá trình kiểm điểm được thực hiện "bài bản" và "hợp lý".
"Các báo cáo kiểm điểm đều được chuẩn bị đúng hướng dẫn. Không khí kiểm điểm dân chủ, đoàn kết, thẳng thắn, chân tình", ông Trọng phát biểu trong lúc khai mạc hội nghị.
Ông Trọng thừa nhận tình hình Việt Nam gần đây có những "vấn đề phức tạp mới nảy sinh" như vụ ô nhiễm môi trường biển miền Trung, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long…
Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam cũng đề cập đến các nỗ lực phòng chống tham nhũng, ông nói rằng "có những chuyển biến tích cực, rõ rệt". Ông dẫn chứng nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng đã được đưa ra xét xử, nhiều sai phạm trong công tác cán bộ, nhiều cán bộ cấp cao vi phạm đã bị kỷ luật nghiêm minh, công khai, "được nhân dân đồng tình và ủng hộ".
Trên thực tế, các vụ xử lý kỷ luật cán bộ cấp cao gần đây tại Việt Nam đã gây ra khá nhiều tranh cãi và đồn đoán trong giới quan sát và dư luận Việt Nam về "cuộc thanh trừng phe nhóm" trong nội bộ Đảng cộng sản.
Nổi bật nhất là vụ "đào thoát" ra nước ngoài của ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang. Vụ này đã dẫn tới hàng loạt các quan chức bị kỷ luật, trong đó có nguyên Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng và 7 cán bộ cao cấp khác. Vụ xử lý kỷ luật có thể xảy ra đối với Bí thư Thành ủy Sài Gòn Đinh La Thăng cũng bị cho là nằm trong loạt đấu đá này.
Trong ngày khai mạc Hội nghị Trung ương 5, ông Nguyễn Phú Trọng khẳng định Bộ Chính trị, Ban Bí thư luôn "vững vàng, đoàn kết" để đưa ra quyết sách kịp thời, được nhân dân "ghi nhận, hoan nghênh".
Các nội dung khác về việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tái cơ cấu và đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân… cũng là những nội dung được bản thảo tại hội nghị.
Hội nghị Trung ương 5 sẽ kéo dài đến ngày 10/5.
********************
Cuối tháng Năm, Thủ tướng Phúc đi Mỹ mua vũ khí ? (VOA, 05/05/2017)
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.
Tại cuộc họp báo thường kỳ vào chiều ngày 4/5, một phóng viên đã đề nghị người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng xác nhận thông tin Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ đi thăm Mỹ vào cuối tháng 5 năm nay, cũng như trọng tâm của chuyến thăm, khả năng thoả thuận hợp tác nào trong lĩnh vực quân sự đặc biệt là việc mua sắm vũ khí.
Báo Thanh Niên và Tiền Phong trích lời bà Lê Thị Thu Hằng :
"Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có thư mời Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Mỹ. Nội dung cụ thể của chuyến thăm đang được hai bên thu xếp".
Tuy bà Hằng không xác nhận ý định của Việt Nam muốn mua vũ khí Mỹ, cũng như tin liệu Thủ tướng Phúc có chính thức đi thăm Mỹ vào cuối tháng này hay không, nhưng việc báo chí trong nước "đánh tiếng" trước cho thấy Việt Nam đang muốn gây ấn tượng với Mỹ.
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng thuộc Đại học George Mason, bang Virginia, cho rằng nếu có một thỏa thuận mua bán vũ khí trong chuyến thăm này thì đây là thông điệp cho thấy Việt Nam "muốn thuyết phục Mỹ về tầm quan trọng chiến lược của mình, bằng cách tăng cường quan hệ quốc phòng với Mỹ".
"Muốn có ấn tượng thì người ta nói đến việc mua vũ khí. Bây giờ thì việc mua vũ khí có thể là món quà, hay có thể gọi là món hối lộ để có được sự ủng hộ của ông Trump. Đằng sau cái đó là gì ? Tuy không nói ra, nhưng họ rất cần một đối trọng với Trung Quốc".
Với "món quà ra mắt gây ấn tượng này", liệu Việt Nam có thật sự đạt được một thỏa thuận mua vũ khí từ Mỹ hay không ? Giáo sư Hùng phân tích các khía cạnh có khả năng xảy ra như sau :
"Quan trọng đằng sau việc mua súng thì người ta muốn biết ổng muốn mua cái gì ? Để làm gì ? Và mua như vậy thì có cần huấn luyện của Mỹ không ? Nếu có huấn luyện thì ở Việt Nam hay ở Mỹ ? Nếu ở Việt Nam thì dính dáng đến việc sự của quân nhân Mỹ tại Việt Nam. Đằng sau việc mua bán này là cả vấn đề chiến lược. Không biết Việt Nam có chiến lược rõ rệt về việc này hay không ?"
Tháng 5 năm ngoái, trước chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đến Việt Nam, Hoa Kỳ đã dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam. Khi đó báo chí Việt Nam cho rằng việc dỡ bỏ cấm vận vũ khí "không chỉ mang ý nghĩa biểu trưng rất lớn, mà nó có giá trị thực tế, giúp chúng ta nâng cao sức mạnh quốc phòng, bảo vệ vững chắc chủ quyền và an ninh trên biển".
Phản ứng trước quyết định của Mỹ xóa cấm vận vũ khí, Trung Quốc đã có phản ứng dè dặt. Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh nói : "Là một nước láng giềng thân cận với Việt Nam, chúng tôi hoan nghênh mối quan hệ hợp tác bình thường giữa Việt Nam và các nước khác, và chúng tôi hy vọng chắc rằng một diễn biến như thế trong bang giao song phương là thuận lợi cho hòa bình và an ninh trong khu vực".
Báo An Ninh Thủ đô nói "mua sắm trang bị tiên tiến để tiến thẳng lên hiện đại, có thể nói rằng, hướng đi này là rất đúng đắn".
Bài viết trên tờ báo này nói trong bối cảnh ngân sách quốc phòng còn eo hẹp, Việt Nam nên ưu tiên cho một số quân, binh chủng như hải quân, phòng không-không quân, thông tin liên lạc.
Báo Sputnik dẫn lời nhà phân tích quốc phòng Konstantin Sivkov nói rằng Việt Nam không phải là quốc gia giàu có nên khó có khả năng mua vũ khí từ nhiều nước khác nhau. Tờ báo nhận định :
"Có phần chắc họ sẽ tiếp tục duy trì chiến lược mua sắm đồng bộ. Ví dụ, nếu Việt Nam quyết định chuyển sang sử dụng máy bay của Hoa Kỳ, thì sẽ phải đầu tư vào đào tạo bổ sung, trang thiết bị, kinh phí, v.v…"
Theo ông Sivkov thì "có nhiều khả năng Hà Nội sẽ mua một số thiết bị khác nhau của Hoa Kỳ "để làm quen" với vũ khí và thiết bị quân sự của Mỹ. Tuy nhiên, theo giới phân tích, sẽ không có chuyện mua bán với số lượng lớn".
Trong nhiều thập kỷ qua, Việt Nam đã mua vũ khí của Nga và còn hợp tác để phát triển vũ khí với nước này. Trả lời phỏng vấn của hãng tin Sputnik hồi đầu năm nay, Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt, Quân đoàn 2, nhấn mạnh "vũ khí Nga có lợi thế cạnh tranh nhất định so với các nước tương tự.
Tuy rằng Nga là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu của Hà Nội từ lâu, vị thế đó sẽ dần dà bị xói mòn khi thị trường mở và các thương nhân vũ khí Mỹ bắt đầu nắm bắt cơ hội. Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) hôm 20/2/2017 công bố phúc trình mới nhất về tình hình mua sắm quốc phòng trên thế giới, Việt Nam xếp hạng 10, chiếm khoảng 3% thị phần vũ khí thế giới, giá trị nhập khẩu ước đạt gần 5 tỷ USD.
Đáng chú ý là so với giai đoạn 2007 - 2011, Việt Nam đã nhảy vọt từ vị trí 29 lên thứ hạng nằm trong top 10, giá trị nhập khẩu vũ khí tăng tới 202%.
Vào tháng trước, Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết, Mỹ đã đồng ý chuyển giao tàu tuần duyên Morgenthau cho Việt Nam, sau khi tàu này bị loại biên. Tàu tuần duyên USCGC Morgenthau của Hoa Kỳ sẽ sớm có mặt trong biên chế lực lượng vũ trang Việt Nam. Phía Việt Nam yêu cầu mua lại 3 chiếc, nhưng Mỹ chỉ đồng ý bán lại một chiếc.