Ông lớn Vietnam Airlines thua ngay trên sân nhà ?
RFA, 28/02/2021
Thua ở nhiều mặt trận
Còn rất nhiều tranh luận về cách tính lỗ lãi, khấu hao của doanh nghiệp nhưng cuối tuần qua, các báo nhà nước đồng loạt đưa tin hãng hàng không tư nhân Bamboo Airways, trong năm 2020, vận chuyển hơn 4 triệu lượt hành khách, tăng 40% về số lượng chuyến bay và sản lượng khách so với năm 2019, đạt lợi nhuận trước thuế 400 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ.
Máy bay của hãng Vietnam Airlines và VietJet ở sân bay Nội Bài, Hà Nội hôm 23/12/2020 - Reuters
Trang tin kinh tế Cafebiz.Net ngày 21/2 còn cho biết : Bamboo Airways đã vượt mặt ông lớn Vietnam Airlines trong việc khai thác chặng bay Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh, một đường bay trong nhiều tháng gần đây được đánh giá là đường bay nội địa nhộn nhịp thứ 2 trên thế giới chỉ sau chặng Seoul - Jeju của Hàn Quốc (Busiest Routes Right Now (oag.com) . Cụ thể, trong tuần từ ngày 8/2 tới 14/2, tổng số chuyến bay của Vietnam Airlines khai thác trên chặng khứ hồi Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh là 113, trong khi con số này của Bamboo Airways là 130.
"Trung tuần tháng 2 vừa qua, thị trường hàng không Việt Nam chứng kiến một sự kiện thú vị : lượng khai thác chặng khứ hồi Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh của Bamboo Airways lần đầu tiên có một tuần vượt qua Vietnam Airlines, nằm trong top 2 hãng hàng không khai thác nhiều nhất trên đường bay này" – Trang này bình luận đồng thời cho biết thêm Bamboo liên tục duy trì ổn định vị thế hãng bay có tỷ lệ đúng giờ cao nhất Việt Nam, với tỷ lệ đúng giờ trung bình lên tới 95,8%.
Trước đó, cuối tháng 1/2021, hãng hàng không tư nhân VietJet Air đã làm ông lớn Vietnam Airlines mất mặt khi công bố hãng này lãi 70 tỷ đồng sau thuế trong năm 2020, là một trong số ít các hãng hàng không trên thế giới không sa thải nhân viên và đặc biệt đạt sản lượng phục vụ đạt hơn 15 triệu hành khách, vượt hơn anh cả Vietnam Airlines khoảng 770.000 lượt khách. Còn trong tuần này, sự tụt hậu của Vietnam Airlines một lần nữa được khẳng định khi thống kê của Cục hàng không cho hay VietJet Air đã dẫn đầu các hãng hàng không trong nước về số lượng chuyến bay phục vụ Tết nguyên đán từ 19/1 đến 18/2 với với 7.881 chuyến bay. Vietnam Airlines chỉ xếp thứ hai với 6.725 chuyến, kế đến là Bamboo Airways với 4.008 chuyến, Pacific Airlines với 1.640 chuyến, Vasco với 518 chuyến và Vietravel Airlines với 172 chuyến bay.
Nhân viên y tế phun khử trùng trong khoang máy bay của Vietnam Airlines hôm 21/2/2020 khi dịch Covid-19 bùng phát ảnh hưởng đến các chuyến bay trong nước và quốc tế. Reuters
Mặc dù báo chí nhà nước luôn tỏ ra cảm thông với Vietnam Airlines và cho rằng hãng này đã "lỗ thấp hơn so với dự kiến" nhưng cũng không thể làm hồng lên bức tranh kinh doanh màu xám của doanh nghiệp dùng vốn của Nhà nước và tiền thuế của dân này.
Theo TTXVN, doanh thu năm 2020 của Vietnam Airlines chỉ đạt gần 40.613 tỷ đồng, giảm 59% so với năm 2019, lỗ sau thuế lên tới 11.097 tỷ đồng. Đáng chú ý, do lỗ nặng, vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines giảm chỉ còn 1/3, từ 18.507,55 tỷ đồng xuống chỉ còn 6.141 tỷ đồng. Chưa có con số cập nhât, nhưng tính đến tháng 8/2020, hãng này đã phải cắt giảm hơn 1.650 người lao động .
Kết quả kinh doanh nay đã tính đến doanh thu từ hơn 200 chuyến bay gần như độc quyền "giải cứu" hơn 52.000 công dân từ 33 quốc gia mà hãng nãy đã thực hiện trong năm 2020 – những chuyến bay được xem là góp phần "giải cứu" cho chính doanh nghiệp nhà nước này vì luôn kín chỗ và tuy công dân chỉ đi 1 chiều nhưng phải mua vé với giá chính thức cao gấp từ 1,5-2 lần tiền vé khứ hồi mà các hãng bay thương mại quốc tế đang bán trên thị trường.
Không chú trọng thị trường nội địa ?
Trả lời phỏng vấn RFA, Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung Ương (CIEM) và Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS) đều cho rằng nguyên nhân chính khiến Vietnam Airlines lỗ lớn là do trong những năm gần đây, một mảng lớn trong cơ cấu thị trường của Vietnam Airlines là vận chuyển hành khách quốc tế. Vì vậy, khi đại dịch xảy ra, bay quốc tế đình đốn, doanh thu sụt giảm mạnh là điều không thể tránh khỏi.
"Tuy nhiên để thua kém ở thị trường trong nước là dấu hiệu Vietnam Airlines cần phải tính lại" – ông Nguyễn Quang A nhận định.
Vẫn theo hai chuyên gia này, tình hình kinh doanh của Vietjet và Bamboo Airways sáng sủa hơn vì cả hai hãng này này đều chú trọng vào thị trường nội địa. Do khống chế được các đợt bùng phát của dịch Covid-19, quy mô dân số đông, đi lại nội địa của Việt Nam mặc dù có giảm nhưng phục hồi nhanh, thậm chí có giai đoạn tăng mạnh.
"Khai thác trong nước khá mạnh, thậm chí trong giai đoạn tháng 5-7 năm 2020 còn tăng tới 20% so với cùng kỳ" – ông Thành nói và cho biết đây là giai đoạn hết dịch, sau thời giãn cách xã hội, tầng lớp trung lưu trong nước và người nước ngoài ở Việt Nam đi nghỉ rất nhiều.
Giải thích về thành công của mình, hai đối thủ cạnh tranh của Vietnam Airlines đều nhấn mạnh rằng họ đã quyết liệt và mau chóng đa dạng hóa phương thức kinh doanh và sản phẩm dịch vụ. Cụ thể, Vietjet Air đã nhanh chóng chuyển đổi cấu hình một số tàu bay thành vận tải hàng hóa, sử dụng khoang hành khách để tăng cường năng lực vận tải hàng hóa đi quốc tế và là hãng hàng không đầu tiên được phê chuẩn phương thức chở hàng trên khoang hành khách. Báo cáo tài chính của Vietjet ghi nhận doanh thu phụ trợ trong đó có vận chuyển hàng hóa đạt gần 50%, góp phần bù đắp doanh thu vé máy bay.
Bamboo tái hoạch định mạng đường bay theo hướng tập trung khai thác thị trường nội địa, mở các đường bay đến những điểm đến tiềm năng, đặc biệt là các đường bay có thể kết hợp với hệ sinh thái của tập đoàn mẹ FLC như những đường bay kết nối Côn Đảo, Rạch Giá – Kiên Giang, Phú Yên, Cần Thơ... Theo Cục Thống kê hàng không Việt Nam, Bamboo là hãng hàng không duy nhất ở Việt Nam có số lượng chuyến bay tăng trưởng dương trong năm 2020 (đạt hơn 28.000 chuyến bay, tăng 41%). Bên cạnh đó, việc tung ra các gói sản phẩm combo kết hợp bay, nghỉ dưỡng đã giúp mang lại một nguồn thu đáng kể cho hãng này trong năm 2020.
Máy bay của hãng Bamboo Airways chuẩn bị hạ cánh ở sân bay Nội Bài hôm 18/4/2019. Reuters
Doanh thu nội địa của Vietnam Airlines đã bắt đầu tăng trưởng dương trong quý IV của năm 2020 và gần đây hãng này đã tham gia một số hoạt động kích cầu nội địa nhưng dường như người khổng lồ với 65 năm kinh nghiệm và đội tàu bay hùng hậu nhất Việt Nam vẫn chậm chân hơn so với các đối thủ non trẻ của mình.
"Tuy đã cổ phần hóa nhưng nhà nước vẫn nắm giữ tới gần 90% cổ phần nên cách quản lý của nó [Vietnam Airlines] có thể vẫn quan liêu hơn, bộ máy của nó cồng kềnh hơn, phong cách làm việc của nó chưa được nhanh nhạy, đấy cũng có thể là một nguyên nhân" – Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận định.
"Nhìn lại những năm qua, Vietnam Airlines đã một mình một chợ, giờ phải cạnh tranh, họ cần vắt chân lên cổ mà chạy" – ông nói tiếp.
Trong tuần này RFA đã liên lạc với Vietnam Airlines đề nghị bình luận về vấn đề lỗ lãi và sự tụt hậu của hãng này tại thị trường nội địa nhưng vẫn chưa nhận được hồi âm.
Trước đó, trong một trao đổi với báo giới trong nước đăng trên VnExpress đầu năm nay, tân Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà thừa nhận thị trường nội địa đã phục hồi nhưng cạnh tranh giữa các hãng rất lớn vì tất cả đều đẩy mạnh bay nội địa. Ông khẳng định Vietnam Airlines đã "không chủ quan". Ngay từ khi đại dịch có dấu hiệu bùng phát trên toàn cầu, hãng đã "khẩn trương" xây dựng nhiều kịch bản hướng tới khôi phục sản xuất kinh doanh, "tận dụng mọi cơ hội" nhỏ nhất để tăng doanh thu và tiết kiệm chi phí… Chủ trương và quyết tâm của Vietnam Airlines là vậy nhưng kết quả những gì hang hàng không quốc gia Việt Nam làm được rõ ràng lại chưa tích cực !
Đầu năm nay, Chính phủ Hà Nội đã chấp thuận thông qua một gói cứu trợ khủng trị giá 12.000 tỷ đồng để "tháo gỡ khó khăn" và duy trì hoạt động cho doanh nghiệp nhà nước này. Không biết khoản tiền phần lớn đến từ thuế của dân này sẽ được sử dụng thế nào và có làm ông lớn Vietnam Airlines nhanh nhậy và hiệu quả hơn ?
*********************
Việt Nam xuất siêu gần 1,3 tỷ đôla trong hai tháng đầu năm
VOA, 28/02/2021
Theo Tổng cục Thống kê (GSO), xuất nhập khẩu hàng hóa tăng cao trong hai tháng đầu năm 2021, và Việt Nam xuất siêu gần 1,3 tỷ đôla.
Công nhân một nhà máy ở Việt Nam.
VnExpress dẫn số liệu của GSO cho biết, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa hai tháng đầu năm ước đạt 95,8 tỷ đôla, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, xuất khẩu đạt 48,5 tỷ đôla, tăng hơn 23%, còn nhập khẩu đạt 47,2 tỷ đôla, tăng gần 26%. Cán cân thương mại hàng hóa hai tháng đầu năm ước xuất siêu 1,29 tỷ đôla.
Theo VnExpress, tương tự năm 2020 và những năm trước, mức gia tăng chủ yếu đến từ khối doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Báo điện tử này đưa tin, khu vực kinh tế trong nước xuất khẩu gần 11,5 tỷ đôla, tăng 4,4% và chỉ chiếm 23,6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong khi đó, khu vực FDI xuất khẩu hơn 37 tỷ đôla, tăng 30% và chiếm 76,4%.
Tin cho hay, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với quy mô 14,2 tỷ đôla, tăng 38,2% so với cùng kỳ năm trước.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) năm ngoái nhận định rằng kinh tế Việt Nam "vẫn chịu đựng tốt và sẽ phục hồi" dù bị ảnh hưởng "nghiêm trọng" vì Covid-19.
Tổ chức tài chính này đánh giá thêm rằng nền kinh tế "sẽ đạt tăng trưởng khoảng 6,8% trong năm 2021", nếu tình hình thế giới từng bước cải thiện, các hoạt động kinh tế sẽ phục hồi vào nửa cuối của năm 2020.
Trong trường hợp xấu, tình hình bên ngoài kém thuận lợi hơn, "nền kinh tế sẽ tăng trưởng khoảng 1,5% trong năm 2020 và 4,5% trong năm 2021", theo World Bank.