Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

02/04/2021

Việt Nam vẫn chưa tìm ra chiến lược phát triển điện năng

RFA tồng hợp

Nghịch lý điện mặt trời tại Việt Nam sau 2 năm phát triển

RFA, 02/04/2021

Năm 2017 trước tình hình các dự án nhiệt điện chậm tiến độ, gây nguy cơ thiếu điện trong những năm tiếp sau, Việt Nam đã trải thảm đỏ mời các nhà đầu tư năng lượng tái tạo (năng lượng tái tạo) trong đó có điện mặt trời (điện mặt trời). Vậy mà chỉ đến năm 2020, Việt Nam đã yêu cầu hàng loạt nhà máy điện mặt trời cắt giảm sản lượng và dự kiến sẽ còn cắt giảm nhiều hơn trong năm nay đồng thời thu hẹp sự phát triển nguồn năng lượng sạch này trong 10 năm tới. Vì sao có sự thay đổi ‘chóng mặt’ này ?

dien1

Một trang trại năng lượng gió và mặt trời tại tỉnh Bình Thuận Ảnh : AFP

Cắt giảm, cắt giảm và cắt giảm

Tình trạng cắt giảm điện do thừa công suất, thiếu năng lực truyền tải không phải mới xảy ra trong năm 2020. Ngay từ tháng 10/ 2019, trong một chuyến công tác của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Ninh Thuận, lãnh đạo tỉnh này đã lên tiếng về việc có nhiều dự án điện mặt trời của tỉnh đã bị cắt giảm công suất phát điện để giữ ổn định cho hệ thống truyền tải mặc dù tỉnh mới đưa vào vận hành thương mại khoảng 50% công suất được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương phê duyệt (2.000MW). Cụ thể, tính đến 30/6/2019 tỉnh mới có 18 dự án năng lượng tái tạo với tổng công suất là 1.180MW, đi vào vận hành thương mại nhưng đã có tới 10 dự án (với tổng công suất 359MW) phải cắt giảm 60% công suất, tương đương giảm phát 23,2 triệu kWh điện, gây thiệt hại khoảng 50 tỉ đồng. Lãnh đạo tỉnh lo ngại rằng nếu tình hình này còn tiếp diễn đến cuối năm 2019, thiệt hại do cắt giảm điện có thể lên đến khoảng 480 tỉ đồng, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả đầu tư, tiến độ trả lãi ngân hàng của các dự án.

Đó mới chỉ là tiếng kêu đầu tiên trong năm 2019. Tình trạng nhà máy điện mặt trời bị yêu cầu giảm phát điện đã trở nên phổ biến hơn nhiều trong năm 2020.

Ông Vũ Phong, Giám đốc Công ty cổ phần Điện mặt trời Vũ Phong, trong một diễn đàn bàn về Quy hoạch phát triển ngành điện giai đoạn 2021-2045 gần đây cho biết, hầu hết các nhà máy điện mặt trời ở những vùng ít phụ tải đều bị giảm phát trong năm 2020, đặc biệt vào giai đoạn cuối năm khi có sự bùng nổ của hơn 9.000MW điện mặt trời áp mái (điện mặt trờiAM). Ông nói :

"Hầu hết các nhà máy điện mặt trời ở những vùng ít phụ tải đều bị giảm phát ở mức từ 20% đến 30% công suất, thậm chí có nơi bị cắt giảm tới 50%. Vũ Phong là đơn vị vận hành nhà máy điện [mặt trời] công suất 250MW. Toàn thời gian trước 2020 hầu như nhà máy không bị cắt giảm, nhưng vấn đề phát sinh khi 9.000MW điện mặt trời áp mái ồ ạt vào cuối năm 2020 làm cho chúng tôi phải giảm phát, mỗi tháng mất tới vài chục tỷ đồng".

dien2

Ba nhà máy của Dự án điện mặt trời của BIM Group hòa lưới điện quốc gia 4/2019. Ảnh BIM Group

Theo Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia, Trung tâm này đã phải cắt giảm 365 triệu KWh điện mặt trời trong năm 2020 để đảm bảo sự an toàn và ổn định của hệ thống và trong năm 2021 này, dự kiến có thể cắt giảm 1,3 tỷ kWh điện năng lượng tái tạo, nghĩa là gấp gần bốn lần số lượng cắt giảm của năm 2020. Việc cắt giảm này sẽ diễn ra nhiều vào các giai đoạn mùa mưa lũ khi phải sử dụng thủy điện ở mức cao, vào dịp lễ Tết khi phụ tải xuống thấp hoặc có thể cắt giảm ở mức cao hơn nếu có thêm các dự án năng lượng tái tạo đi vào vận hành.

Lúng túng trong quy hoạch và chuẩn bị

Theo giải thích của Bộ Công thương tại cuộc họp báo thường kỳ của bộ này vào ngày 17/3 vừa qua, việc phải yêu cầu các nhà máy điện mặt trời giảm phát là do vào năm 2019 và đầu năm 2020, tốc độ phát triển các dự án điện mặt trời diễn ra rất nhanh tại một số địa phương như Ninh Thuận. Các nhà máy điện mặt trời thường tối ưu hóa công suất vào thời điểm buổi trưa nhưng đây lại là thời điểm phụ tải thấp nên đã dẫn tới tình trạng dư thừa công suất, gây quá tải cho đường dây 500KV. Bộ này cũng cho biết trong khi các dự án điện mặt trời có tốc độ xây dựng chỉ 4-6 tháng thì phải mất ít nhất 2 năm để xây dựng đường dây truyền tải nên dẫn đến tình trạng hệ thống truyền tải điện chưa đủ để giải tỏa công suất.

Theo giới quan sát, những giải thích của Bộ Công thương là hợp lý về mặt kỹ thuật nhưng cũng cho thấy sự thiếu chuẩn bị về hạ tầng truyền tải cũng như trong công tác quy hoạch của Bộ này và các tỉnh thành khi phát triển điện mặt trời.

Một trong những bất cập trong công tác quy hoạch được ông Vũ Phong chỉ ra, đó là điện mặt trời đã được phát triển quá nhiều ở những nơi ít có nhu cầu sử dụng.

"Tổng kết lại thì thấy rằng điện mặt trời phát triển quá lớn ở Nam miền Trung và Tây Nguyên, nơi nhu cầu tiêu thụ điện không nhiều. Nên sau giai đoạn bùng nổ điện mặt trời áp mái vào 2020 những nhà máy phát lên lưới cao thế 110kV và 220kV gặp quá tải đường dây" - ông Phong nói.

Theo thống kê của EVN, hiện có khá nhiều tỉnh thành có công suất phát điện mặt trời cao hơn nhu cầu tiêu thụ điện của địa phương mình. Ví dụ, tại Bình Phước, công suất tiêu thụ điện là 419 MW, nhưng có tới 519 MW điện mặt trời áp mái nhà được đầu tư. Tại Ninh Thuận, các con số tương ứng là 111 MW và 360 MW, chưa kể hơn 2.000 MW điện mặt trời quy mô lớn. Tại Đắk Lắk, các con số này là 398 MW và 653 MW. Tại Gia Lai là 296 MW và 608 MW... Một thống kê khác của EVN cũng cho thấy, trong 9.300 MW điện mặt trời áp mái được bổ sung vào hệ thống năm 2020, có tới 76% có mức công suất trong phạm vi 01 MW – nghĩa là không phải nhằm tới mục tiêu tự dùng, mà là để bán điện lên lưới.

Từ "thả" tới "thắt"

Sau một thời gian để điện mặt trời phát triển ồ ạt, không có quy hoạch, Việt Nam giờ đây lại có xu thế muốn thắt chặt lại sự phát triển của loại hình năng lượng sạch và nhiều tiềm năng này. Bản Quy hoạch phát triển ngành điện giai đoạn 2021-2045 vừa được Bộ Công thương trình Chính phủ phê duyệt cuối tuần trước (26/3/2021) khi chỉ đề xuất phát triển 2GW điện mặt trời trong vòng 10 năm từ 2021-2030, nghĩa là chưa bằng ¼ công suất điện mặt trời phát triển riêng trong năm 2020 và gần 1/9 công suất nhiệt điện than được phát triển trong cùng giai đoạn.

Ông Vũ Phong cho biết ông đã rất bất ngờ vì bản quy hoạch chỉ dành cho điện mặt trời lượng công suất phát triển nhỏ như vậy và việc thay đổi nhanh chóng từ chỗ cho điện mặt trời phát triển ồ ạt ở mức 9GW trong năm ngoái xuống mức chỉ còn 0.2GW/năm trong những năm tới là một điều đáng buồn. Ông dự đoán sự thu hẹp này sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực tới xu thế phát triển xanh đang diễn ra ở Việt Nam. Ông nói :

"Điều này sẽ ảnh hưởng tới những nhu cầu thiết thực và bền vững như nhu cầu của các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp Việt Nam hướng tới sản xuất xanh, doanh nghiệp đang làm cho Nike, Addidas, IKEA… Họ là những DN nằm trong chuỗi sản xuất toàn cầu và có mong muốn sử dụng 100% năng lượng tái tạo".

Ông Vũ Phong cho rằng Chính phủ nên phân biệt rõ giữa các dự án điện mặt trời tự sản xuất và tiêu thụ với những dự án sản xuất điện để bán lên lưới và vẫn nên khuyến khích các dự án điện mặt trời tự tiêu thụ mà vẫn không tạo thêm sức ép cho mạng lưới truyền tải.

"Nếu ta không làm rõ nguồn phát điện mặt trời là nguồn phát lên lưới, hay là nguồn tự sản xuất và tiêu thụ thì vô hình chung sẽ hạn chế mời gọi nhà đầu tư sản xuất xanh và sạch vào Việt Nam. Hoặc nhà đầu tư đã ở trong nước chưa có cơ hội đầu tư điện mặt trời thì cũng không đầu tư được hoặc cũng không có động lực để phát triển thêm" – ông Phong nói.

Ông Lê Minh, đại diện Công ty cổ phần Vĩnh Thái, cho rằng việc thu hẹp nhanh chóng cơ hội phát triển sẽ khiến nhiều doanh nghiệp làm điện mặt trời phải đóng cửa và kéo theo đó là hàng loạt hệ lụy với các chủ đầu tư và người sử dụng. 

"Năm vừa rồi, chúng ta đã làm 8-9GW điện mặt trời và năm nay theo dự tính chỉ được là 200 MW thì đâu đó 90-95% doanh nghiệp làm điện mặt trời sẽ rời khỏi ngành. Điều này dẫn tới hệ lụy là việc bảo hành cho chủ đầu tư trong vòng 5-10 năm tới sẽ không thể thực hiện. Cho dù doanh nghiệp có tâm để bảo hành chăng nữa thì họ cũng không có điều kiện để bảo hành vì họ không còn tồn tại nữa. Đây là điều rất nguy hiểm và cũng sẽ làm ảnh hưởng tới lợi ích xã hội nói chung" – ông Minh nhận định.

Cứu điện mặt trời bằng cách nào ?

Trao đổi với RFA, Tiến sĩ, chuyên gia độc lập Ngô Đức Lâm cho rằng để giải tỏa công suất cho điện mặt trời và năng lượng tái tạo nói chung, cần đẩy nhanh việc phát triển hệ thống truyền tải vì ngoài việc quá tải, hệ thống hiện có còn có đặc điểm là được thiết kế để phục vụ chủ yếu cho các nhà máy nhiệt điện than và thủy điện để đưa điện từ Bắc vào Nam trong khi đó với sự phát triển của năng lượng tái tạo, vùng sản xuất điện hiện nay đã thay đổi.

dien3

Dự án xây dựng Trạm biến áp và đường dây 220/500kV kết hợp Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450 MW do Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam đề xuất và khởi công xây dựng tháng 5/2020. Ảnh công ty Trung Nam 

Mặc dù truyền tải điện được quy định thuộc độc quyền Nhà nước do có ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia nhưng ông cho rằng Việt Nam cần sớm nghiên cứu để xã hội hóa hoạt động này theo một mức độ nhất định để giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước đồng thời khai thông khâu đầu ra cho các dự án năng lượng tái tạo. Ông cho biết, có nhà sản xuất năng lượng tái tạo đã từng gợi ý để họ đầu tư phát triển một số đường dây truyền tải điện tại địa phương, ví dụ như xây dựng đường dây bán buôn điện tới các khu công nghiệp, khu chế xuất. Như vậy, thay vì chỉ được bán buôn điện cho khách hàng duy nhất là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) như hiện nay, các nhà sản xuất năng lượng tái tạo có thể bán buôn điện tại chỗ, vừa thúc đẩy tiêu thụ địa phương đồng thời giảm gánh nặng cho hệ thống truyền tải quốc gia và tăng hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp. Theo ông Lâm, đây là điều mà rất nhiều nhà đầu tư đang mong chờ.

"Hiện nay có khoảng 50 nhà đầu tư tư nhân nước ngoài đăng ký làm năng lượng gió mặt trời nhưng họ đang chờ chính sách. Nếu người ta thấy chính sách tốt thì người ta bỏ tiền làm. Nguồn vốn nằm trong dân, trong nhà đầu tư nước ngoài rất lớn để làm điện nhưng nó phụ thuộc vào chính sách" – ông Lâm nói và cho biết hiện Luật Điện lực vẫn chưa cho phép xã hội hóa hệ thống truyền tải nên nếu nghiên cứu thấy hợp lý thì nên sửa luật.

Giới chuyên môn cho rằng sử dựng các giải pháp tích trữ như pin tích năng hay thủy điện tích năng cũng có thể xem là những giải pháp phù hợp với Việt Nam, giúp lưu trữ điện khi dư thừa và phát điện khi cần sử dụng. Hiện tại, ở Việt Nam đã bắt đầu hình thành thị trường pin tích điện vì chi phí của giải pháp này đang ngày càng giảm đi (hiện chi phí của pin lithium chỉ còn khoảng 2-3cent/kWh). Việt Nam cũng đã xây dựng thủy điện Bắc Ái, thủy điện tích năng đầu tiên có công suất 1.200MW. Thủy điện này có thể hoạt động như một chiếc ắc quy khổng lồ để tích trữ năng lượng thông qua việc sử dụng điện mặt trời dư thừa vào những giờ phụ tải thấp để bơm nước từ hồ chứa dưới thấp lên hồ chứa trên cao. Vào thời điểm nhu cầu tiêu thụ điện năng lớn, nước sẽ được xả từ hồ chứa cao xuống hồ chứa thấp hơn thông qua các tua bin để phát điện lên lưới.

Trong khi chờ đợi các giải pháp cơ bản nói trên, một số chuyên gia cũng cho rằng EVN có thể sử dụng nhiều hơn các biện pháp san bằng phụ tải và sử dụng công cụ giá để cải thiện tình hình. Cụ thể, ngoài việc điều độ các nhà sản xuất điện thuộc nhiều loại hình phát điện ở các thời điểm khác nhau như đã làm, EVN nên đưa ra một chính sách giá hấp dẫn để khuyến khích người tiêu dùng (hộ tiêu dùng và doanh nghiệp) sử dụng điểm ở những thời điểm có phụ tải thấp, qua đó tận dụng được nguồn năng lượng. Đây được xem là một giải pháp có thể làm ngay, không tốn kém mà có thể giúp tháo gỡ khó khăn cho các nhà sản xuất điện mặt trời.

Nguồn : RFA, 02/04/2021

********************

Bản quy hoạch điện gây nhiều tranh cãi đã được trình lên Chính phủ Việt Nam

RFA, 01/04/2021

Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới 2045 hay còn gọi là Quy hoạch điện 8 đã được 100% thành viên Hội đồng Thẩm định thông qua và trình lên Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Báo nhà nước Việt Nam đưa tin ngày 1/4.

dien4

Việt Nam dự kiến vẫn phát triển 17GW nhiệt điện than trong giai đoạn 2021-2030. Ảnh minh họa : Nhà máy nhiệt điện Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh : greenidvietnam

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải tại buổi họp báo thường kỳ tổ chức 31/3/2021 cho biết, Quy hoạch điện 8 trước khi được Bộ Công Thương ký trình Thủ tướng Chính phủ đã được lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan, ban ngành liên quan đồng thời được đăng tải trên website của Bộ để lấy ý kiến cộng đồng. Ông cũng cho biết, toàn bộ nội dung chính tiếp thu giải trình các đóng góp đã được tăng tải trên website của Bộ vào ngày 17/3 theo quy định.

Theo đó, cơ cấu nguồn điện sẽ được phát triển theo hướng đa dạng hơn, dành sự ưu tiên cao cho phát triển năng lượng tái tạo với cơ cấu và sự phân bố hợp lý hơn giữa từng khu vực, từng miền, không phụ thuộc vào bất kỳ một loại hình nguồn điện nào, đồng thời hạn chế tối đa việc phát triển các nguồn điện gây ô nhiễm, ảnh hưởng tới môi trường, phù hợp với các cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong việc chống lại các nguy cơ gây biến đổi khí hậu. Một điểm mới nổi bật nữa của Quy hoạch là đảm bảo tính mở và linh hoạt.

Ông Hải cho biết bản quy hoạch cũng được xây dựng bài bản, công phu. Hội đồng thẩm định do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng là Chủ tịch đã tổ chức 2 buổi thẩm định và tại buổi thứ hai, hội đồng đã nhất trí thông qua toàn bộ các nội dung của Quy hoạch với số phiếu đạt 100%.

Mặc dầu Bộ Công thương tỏ ra lạc quan như vậy nhưng giới chuyên môn vẫn không khỏi nghi ngại về một số điểm cơ bản trong bản quy hoạch này, đặc biệt là vấn đề phát triển điện than và điện năng lượng tái tạo. Nếu tình hình không có gì thay đổi so với nội dung tiếp thu được Bộ này giới thiệu vào ngày 17/3, Việt Nam dự kiến vẫn phát triển gần 17 tỷ GW điện than trong giai đoạn 2021-2030, tăng gấp 83% so với công suất hiện tại. Trong khi đó, năng lượng tái tạo tuy được xem là lợi thế ưu tiên phát triển nhưng điện mặt trời chỉ được quy hoạch phát triển thêm 2GW trong giai đoạn này. Tiềm năng kỹ thuật điện gió ngoài khơi của Việt Nam được đánh giá lên đến 162,2 GW thì công suất quy hoạch cho loại hình này cũng chỉ ở mức 2-3 GW trong giai đoạn từ nay đến năm 2030. Giới chuyên môn cho rằng các con số về năng lượng tái tạo trong bản quy hoạch đã lạc hậu so với thực tế và có nguy cơ kìm hãm sự phát triển các thế mạnh này của Việt Nam.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tồng hợp
Read 509 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)