Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

02/04/2021

Quốc hội : vai trò của đại biểu, cải cách tư pháp và chính sách đất đai

RFA tồng hợp

Đại biểu quốc hội đề xuất ‘ngớ ngẩn’ để vừa lòng ai ?

RFA, 02/04/2021

Trong thời gian qua, không ít lần các Đại biểu quốc hội đã nêu lên công khai tại nghị trường những đề xuất vô bổ, không thiết thực, thậm chí ngớ ngẩn mà chính truyền thông nhà nước loan tải. Tình trạng này khiến người dân không khỏi thắc mắc : ‘Sao một vị đại biểu quốc hội, đa phần là cán bộ lãnh đạo các địa phương, lại ăn nói như vậy ?’

quochoi1

Đại biểu quốc hội Trần Thị Quốc Khánh, thuộc Đoàn Hà Nội, tại buổi thảo luận các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021. Courtesy quochoi.vn

Mới nhất là vào buổi thảo luận các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021, nữ Đại biểu quốc hội Trần Thị Quốc Khánh, thuộc Đoàn Hà Nội, đã đề xuất xây dựng luật buộc nam giới mặc áo dài.

Bà Khánh dẫn chứng việc khi đi tiếp xúc cử tri, có nhiều ý kiến thắc mắc Đại biểu quốc hội tại sao cứ bảo mặc lễ phục nhưng nữ thì được mặc áo dài, nam giới lại phải mặc complet (!).

Đài Á Châu Tự Do hôm 2/4 liên lạc Giáo sư Nguyễn Đình Cống, một đảng viên đã từ bỏ đảng ở Hà Nội, người đã nộp đơn tự ứng cử Đại biểu quốc hội khóa XV, và được ông cho biết ý kiến của mình :

"Tôi cho rằng Đại biểu quốc hội có quyền đề xuất bất kỳ ý kiến nào mà họ thấy cần. Nếu đa số đại biểu hoặc Chủ tịch quốc hội thấy là vô bổ thì bác đi. Riêng quy định khi tiếp xúc cử tri, đáng ra không cần quy định trang phục cụ thể là nữ đại biểu phải mặc áo dài, và nam đại biểu phải mặc complet. Đã là Đại biểu quốc hội thì họ tự biết phải dùng trang phục thế nào cho đúng. Quy định quá cụ thể là việc làm không nên, đó là việc mang tính trịch thượng, dạy khôn".

Một đại biểu quốc hội phát biểu một cách ngô nghê khiến nhiều người cho rằng đại biểu quốc hội bây giờ là những người thích nói và không cần biết đúng hay không đúng đến mức nào. Họ không cần biết trách nhiệm trong phát biểu của đại biểu quốc hội có thể ảnh hưởng đến dư luận như thế nào ?

Tại sao một người được cho là đại diện cho dân mà lại phát biểu không cần biết người dân nghĩ gì ?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, một nhà ngôn ngữ học đang giảng dạy tại Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, khi trả lời RFA hôm 2/4, nhận định :

"Họ đề nghị như thế, hay họ đề nghị những chuyện quái đản hơn nữa thì tôi không lấy làm lạ. Tại vì cái đề nghị đó không liên quan gì đến chuyện họ có trúng cử hay không. Hãy tưởng tượng trong một xã hội được tổ chức sao cho một Đại biểu quốc hội nói năng làm trò cười cho thiên hạ, thì ngay sau đó họ nhận ngay hậu quả, không bao giờ người dân bỏ phiếu cho họ được, thì tự nhiên các đại biểu quốc hội sẽ trở nên thông minh hơn, dè dặt hơn, và trước khi nói gì họ phải uốn lưỡi bảy tám lần. Nhưng bây giờ tất cả do một người nào đó không phải người dân quyết định số phận của họ. Cho nên họ chỉ cần được lòng người kia, chứ không cần biết họ giỏi hay dốt. Vì vậy họ nói như thế hay điên rồ hơn gấp 10 lần cũng không lạ".

Anh Quang, một người dân miền Trung, khi trả lời RFA hôm 2/4, cho rằng, Quốc hội là nơi hoạt động lập pháp, giám sát các hoạt động hành pháp và tư pháp trong việc thực hiện các nghị quyết do Quốc hội đề ra. Ngoài ra, Quốc hội còn là nơi đề xuất, thảo luận các vấn đề mang tầm vĩ mô về kinh tế-xã hội, quốc kế dân sinh... Nói như thế để thấy rằng, các đại biểu khi họp Quốc hội không được sa vào bàn luận những tiểu tiết hay quá cụ thể vì những công việc này sẽ do chính phủ quy định cụ thể theo đặc thù từng ngành. Anh Quang cho biết tiếp :

"Riêng đề nghị ra luật để nam giới cũng phải mặc áo dài truyền thống của Đại biểu quốc hội Trần Thị Quốc Khánh, tôi thấy bà này không những quá sa vào cái cụ thể, chi tiết mà còn thiếu hiểu biết về tính đặc thù của từng ngành, từng dân tộc (Việt Nam có 54 dân tộc), đó là mỗi ngành, mỗi dân tộc đều có những quy định riêng về trang phục công sở theo đúng tính chất công việc của ngành đó, dân tộc đó. Chẳng hạn, ngành tòa án, kiểm sát, hải quan, kiểm lâm, thuế vụ, thanh tra... đều có quy định riêng về trang phục của ngành mình ! Hãy tưởng tượng thử xem, cán bộ hải quan hay cán bộ kiểm lâm mà mặc áo dài truyền thống khi làm việc thì có thấy phản cảm không ? !"

Theo anh Quang, Quốc hội không phải là nơi để bàn về quần áo, váy dài, váy ngắn hay ăn mặc như thế nào vì vấn đề này đã được Chính phủ quy định rồi. Cụ thể, tại Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước. Anh Quang cho rằng :

"Tóm lại, việc đề xuất như bà Đại biểu quốc hội Trần Thị Quốc Khánh như nói trên là vô bổ, làm mất thời giờ họp Quốc hội mà không mang lại một chút hiệu quả nào. Họp Quốc hội mà không phát biểu gì thì cũng dở và sẽ bị cử tri cho là dốt nên nhiều Đại biểu quốc hội cứ phát biểu đại, trúng đâu thì trúng ! Nhà văn Mark Twain từng nói : ‘Thà không nói để người ta tưởng mình ngu còn hơn nói ra để người ta không còn nghi ngờ gì về điều đó nữa !’ Khi phát biểu ‘Đề nghị ra luật...’, bà Đại biểu quốc hội này đã ứng với câu nói đó !"

Mới đây, tại buổi thảo luận ở Quốc hội hôm 26/3/2021, Đại biểu quốc hội Ngô Sách Thực - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, kiến nghị để phát huy các hình thức giám sát, nhiệm kỳ tới cần xây dựng Luật về hoạt động giám sát của nhân dân.

Trả lời RFA khi đó, Blogger Tuấn Khanh cho rằng, tất cả những gì thuộc về Nhân dân nó đã có luật, không cần một luật chi tiết. Và nếu như có thì rõ ràng đây là một sự cựa quậy mang tính tuyệt vọng của các nhà lập pháp trong bối cảnh người dân ngày càng bị gò ép và hoàn toàn không còn quyền gì nữa trong một xã hội.

Hay vào tháng 11 năm 2019, dư luận trên mạng xã hội bày tỏ sự ngán ngẩm khi Đại biểu quốc hội Nguyễn Ngọc Phương đề xuất quy định ‘không để xe ở hầm chúng cư vì… sợ cháy.’ Theo bà Phương, mỗi xe có thùng xăng nên đậu xe hơi, xe máy dưới tầng hầm chung cư sẽ biến nơi đây thành những kho xăng, khi cháy sẽ không thể cứu chữa.

Hay trước đó vào tháng 6 năm 2019, Đại biểu quốc hội Nguyễn Quốc Hưng cũng đưa ra một đề nghị gây bàn tán khi đề xuất ‘thu phí chia tay từ 3USD đến 5USD mỗi người, đối với mỗi công dân khi xuất cảnh.

Trả lời RFA từ Sài Gòn hôm 2/4, nhà hoạt động Trần Bang, nhận xét :

"Ở Việt Nam thì những tầng lớp đòi hỏi phải có năng lực nhất như Đại biểu quốc hội chẳng hạn... thì phải nêu các vấn đề quan trọng, cấp thiết với người dân. Nhưng Đại biểu quốc hội lại đề xuất luật nam giới mặc áo dài chẳng hạn, hay Đại biểu quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh thì nói để khắc phục nước lụt thì mỗi nhà sắm vài cái lu... Trước kia cũng có nhiều đề xuất ngớ ngẩn, thể hiện chất lượng của những người đáng lẽ ra phải ưu tú trong 100 triệu dân. Thì những người đó chỉ là những người được chọn để bợ đỡ, họ không thấy bức xúc của dân, cũng không có năng lực để tìm ra cái gì tốt đẹp cho dân, để đề xuất với Quốc hội. Ví dụ sao không đề xuất Luật biểu tình, hay vì sao không đề xuất cải cách tư pháp để tư pháp độc lập... Điều này cho thấy sự phi lý, vì Đại biểu quốc hội không phải do dân chọn mà do đảng sắp đặt, để đảng nói là họ nghe, và ca tụng".

Theo nhà hoạt động Trần Bang, các Đại biểu quốc hội vì không thể nói gì hay hơn, mà chả lẽ trong năm năm lại không nói gì, nên phải nói, nhưng nói toàn điều ngớ ngẩn, và đúng là nghị gật theo nghĩa đen chứ không phải nghĩa bóng nữa.

Vào tháng 7 năm 2019, khi nói về nạn ngập lụt tại Sài Gòn khi mưa, bà Phan Thị Hồng Xuân - Đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra giải pháp ‘người Sài Gòn nên dùng lu chống ngập theo kinh nghiệm dân gian’.

Cụ thể, theo bà Xuân : "Mỗi nhà ở nông thôn, trước sân có lu nước rất to để đựng nước, trong đó có tính năng lưu trữ nước mưa. Đây là ứng dụng từ giá trị văn hóa bản địa. Có thể trang bị cho mỗi nhà một lu nước to để hứng nước mưa".

***********************

Cải cách tư pháp và chính sách đất đai : hai đề xuất căn bản cho Quốc hội

RFA, 01/04/2021

Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng vào ngày 30/3 vừa qua đã gửi một thư ngỏ đến Quốc hội khóa XIV với đề nghị cải cách tư pháp và chính sách sở hữu đất đai. Vì sao cần phải có những cải cách vừa nêu ?

quochoi2

Họp Quốc hội ngày 24 tháng 3 năm 2021.AFP

Bức thư gửi đến Quốc hội Việt Nam khóa XIV có dẫn nội dung Điều 69 Hiến pháp 2013 nêu rõ : "Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước".

Do đó, Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng cho rằng kỳ họp thứ 11 của Quốc hội Khóa XIV có ý nghĩa quan trọng mà mọi tầng lớp nhân dân trong cả nước đều hy vọng sẽ có sự đổi mới gì đó đáng gọi đổi mới và mang tính thực chất.

Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng khẳng định rằng, nếu đường lối chính sách căn bản vẫn không thay đổi và mang tính đột phá cách mạng thì mọi thứ cũng sẽ đi vào bế tắc.

Trao đổi với RFA tối 1/4, ông Lê Thân, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng nói rõ thêm mục đích bức thư gửi cho Quốc hội :

"Cả hàng trăm, hàng ngàn chuyện phải giải quyết chứ không phải một, hai chuyện, nhưng bây giờ đi vào bắt đầu giải quyết cái gì mà có thể từ đó làm thay đổi từng bước xã hội Việt Nam và thể chế Việt Nam thì đi vào hai vấn đề cấp bách nhất là cải cách tư pháp và chính sách ruộng đất".

Phân tích rõ hơn về từng vấn đề vừa nêu, ông Lê Thân cho rằng Tư pháp Việt Nam hiện nay nằm trên một ý chí của một nhóm người hay một cá nhân chứ không dựa trên luật pháp đã được ban hành. Do đó :

"Nếu không cải cách tư pháp thì chuyện oan sai cứ diễn ra suốt, nếu không có cải cách tư pháp thì tất cả cán bộ nhà nước, những người đảng viên tiếp tục là những ông vua trên từng mảng của mình. Cho nên bắt buộc phải cải cách tư pháp, không thể để theo kiểu hiện nay được.

Chắc ai cũng biết rằng một bản án dựa trên những chứng cứ điều tra nhưng điều tra có sai sót thì ông đứng đầu ngành tư pháp cho rằng điều tra có sai sót nhưng bản chất vụ án không thay đổi. Khi nói như thế là đạp đổ ngành tư pháp".

Thư gửi Quốc hội của Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng cũng nhắc đến tình trạng nhiều vụ án oan, nhiều "vụ án bỏ túi"…, nhất là những vụ có liên quan chính trị hoặc kinh tế mà trong đó có sự tranh chấp quyền lực giữa các phe phái.

Bên cạnh đó, theo ông Lê Thân, tình trạng tư pháp không công bằng còn thể hiện qua việc khi luật sư ra cãi nhưng quan tòa cũng làm việc theo nghị quyết về một bản án có sẵn.

"Vai trò luật sư không có, tức là vấn đề làm minh bạch bản án không có điều kiện thì làm sao xử án tốt. Ở Việt Nam bây giờ vai trò luật sư suy cho cùng cũng chỉ là tô điểm cho chế độ".

Từ Sài Gòn, nhà hoạt động xã hội dân sự Trần Bang cho rằng nếu muốn có tư pháp độc lập, Việt Nam cần thay đổi :

"Tư pháp đó không thể dưới một đảng mà đảng đó đang nắm chính quyền. Bởi vì trong tranh chấp, mâu thuẫn xã hội giữa cá nhân người dân và tổ chức hay giữa người dân với chính quyền thì có thể người dân đúng, chính quyền sai nhưng ông tòa án lại là cấp dưới của chính quyền về mặt đảng và phải là đảng viên mới được là thẩm phán thì làm sao họ xét xử vượt mặt cấp trên trong đảng bộ ?"

Tổng kết của các cơ quan chức năng được Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng trích dẫn cho hay, có đến 80% các cuộc khiếu kiện của dân đều liên quan đến đất đai.

Theo quan sát của Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, từ thực tế cũng cho thấy, có khoảng 80% vụ việc bị xử lý kỷ luật đều dính tới quan chức các cấp từ địa phương đến trung ương, kể cả cấp thượng tướng, cấp ủy viên bộ chính trị, mà chức càng lớn, quy mô tham nhũng đất đai càng nhiều, càng phức tạp khó xử.

Từ đó cho thấy rõ ràng từ chính sách vô lý về đất đai, đã làm mất lòng dân, làm tha hóa hỏng bét bộ máy nhà nước với mức độ vô phương cứu chữa.

Ông Lê Thân nhận định rằng ruộng đất là nguồn gốc của tất cả mọi tham nhũng và là nguồn gốc của mọi bất công, nên muốn xã hội tốt hơn cần phải giải quyết vấn đề chính sách ruộng đất.

"Hiện giờ luật đất đai là luật cướp đất, không phải là luật đất đai. Nếu không sửa luật đất đai thì ngày càng tham nhũng tràn lan, từ thấp đến cao, đâu cũng tham nhũng và người nông dân nói riêng, người dân nói chung luôn luôn bị thiệt thòi, bị cướp đất".

Với thực tế vừa nêu, ông Lê Thân khẳng định do chính sách đất đai hiện nay đã dẫn đến hệ quả là tạo điều kiện cho tham nhũng ngày càng gia tăng, không bao giờ chấm dứt bởi vì theo ông, hiện giờ tham nhũng dễ nhất là tham nhũng đất đai.

Nhà hoạt động Trần Bang nêu ra nguyên nhân vì sao đất đai trở thành vấn đề nóng trong hàng chục năm qua :

"Khi kinh tế phát triển thì đất có giá trị. Lúc đó luật đất đai cũng như quy định đất đai là sở hữu toàn dân trong Hiến pháp không còn phù hợp, thích ứng với nền kinh tế thị trường, vì với nền kinh tế thị trường thì tất cả mọi thứ đều là hàng hóa và phải có chủ sở hữu.

Nếu vẫn để tình trạng sở hữu toàn dân thì khi nhà nước quy hoạch làm dự án gì đó thì nhà nước dùng sức mạnh của nhà nước, công an, quân đội, tòa án, tư pháp, chính quyền để cưỡng chế đất, giải phóng mặt bằng. Điều đó quá rõ ràng là một hình thức tước đoạt tài sản hợp pháp của một cá nhân hoặc tổ chức".

Bên cạnh việc cần cải cách tư pháp và chính sách sở hữu đất đai, Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng bày tỏ rằng Quốc hội cũng là cơ quan cần phải có sự thay đổi trong hoạt động, cụ thể là việc bầu cử.

Theo đó, Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng đề xuất rằng Quốc hội nên đề nghị mỗi chức danh được đưa ra bầu cử thì phải có từ hai người trở lên để Quốc hội lựa chọn biểu quyết bằng phương thức bỏ phiếu kín.

Ông Lê Thân giải thích về vấn đề này như sau :

"Ra bầu chỉ có một người, ví dụ đưa ông Huệ ra bầu Chủ tịch quốc hội một mình ông thì không bầu ông cũng trúng cử vậy bầu làm gì ?

Đòi hỏi cái tốt hơn thì không có nên họ phân hóa chuyện bầu cử đó nhưng ít nhất cho hai người để còn gọi là bầu. Hai người đó ít nhất khi người nào bầu được trúng thì họ thấy họ trúng là được bầu nên họ có trách nhiệm".

Quốc hội Việt Nam bắt đầu quy trình kiện toàn nhân sự cho nội các mới từ ngày 30/3 đến 8/4. Trong đó, chức Chủ tịch quốc hội thuộc về ông Vương Đình Huệ. Ông Huệ cũng đã có buổi lễ tuyên thệ vào sáng 31/3.

Đến chiều ngày 1/4, Quốc hội nghe Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đọc tờ trình, đề nghị miễn nhiệm chức vụ Thủ tướng đối với ông Nguyễn Xuân Phúc. Quyết định này sẽ được thực hiện vào sáng 2/4.

Truyền thông trong nước trước đó dẫn lời Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc được giới thiệu để bầu làm Chủ tịch nước.

Đây được nói là lần đầu tiên Quốc hội bầu một đương kim Thủ tướng làm Chủ tịch nước.

Nguồn : RFA, 01/04/2021

*****************

Sở hữu toàn dân về đất đai chỉ làm thiệt hại cho Đảng và Nhà nước

RFA, 31/03/2021

Cổng thông tin điện tử Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mới đây đã cho đăng bài cho rằng những ý kiến kêu gọi nên thừa nhận sở hữu tư nhân về đất đai hoặc thừa nhận chế độ đa sở hữu đất đai giống như nhiều nước khác ‘là sai lầm’.

quochoi3

Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội tháng 8/2020. AFP PHOTO

Trong khi một số chuyên gia phê phán chế độ sở hữu toàn dân về đất đai là ‘mù mờ về mặt pháp lý’, vì không xác định được ai là chủ sở hữu trong các quan hệ đất đai, nhất là khi xảy ra tranh chấp... , cơ quan này cho rằng nếu tư hữu về đất đai sẽ có nhiều điều kiện bất lợi cho Việt Nam ngay cả khi chưa xét đến yêu cầu định hướng xã hội chủ nghĩa. Tư hữu cũng sẽ làm xáo trộn quan hệ sở hữu, sử dụng đất đai hiện tại mà không đem lại lợi ích cho người sử dụng đất cũng như quốc gia.

Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ, khi trả lời RFA từ Na Uy hôm 31/3, bày tỏ không đồng tình với giải thích của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam :

"Về vấn đề sở hữu đất đai và tài sản trên đất thì chính quyền nên cho phép đa dạng các hình thức sở hữu. Làm như vậy nó sẽ giúp làm dễ dàng các giao dịch trong thị trường bất động sản, giúp thị trường phát triển dễ dàng. Việc có các sự đa dạng trong sở hữu và nhà nước bảo vệ bằng pháp luật nó còn giúp các nhà đầu tư yên tâm bỏ tiền vào phát triển thị trường địa ốc. Sự phát triển của thị trường địa ốc lúc này sẽ có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư khác nhau và thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế".

Ngược lại, Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ cho rằng, việc duy trì hình thức sở hữu toàn dân, tức nhà nước nắm quyền sở hữu như hiện nay, thì đất đai nghiễm nhiên trở thành tài sản của nhà nước. Nhà nước có quyền tiếp tục cấp pháp, duy trì quyền sử dụng cho nhiều người đáng lẽ là chủ đất và tài sản trên đất. Điều này chỉ khiến cho giới đầu tư bất an rằng việc đầu tư vào đất đai là có một rủi ro về mặt hành chính. Và khi mà có rủi ro thì tất dẫn đến chi phí để xử lý, bảo hộ khỏi rủi ro, và những chi phí đó rơi vào chỗ tham nhũng. Ông Vũ giải thích thêm :

"Nhà nước nắm quyền sở hữu đất đai nhưng nhà nước là một thực thể rất lớn, và khi quá lớn thì lại mất kiểm soát. Sự mất kiểm soát dẫn đến quá trình quản lý đất đai do đó trở thành cơ hội kiếm chác của giới quan chức địa phương. Từ đó dẫn đến vô số vụ chiếm đất, cưỡng đoạt đất đai, xử lý đất đai không đúng với pháp luật, nhưng người bị hại không thể kêu oan vì họ phải đối chọi lại giới quan chức địa phương.

Nói như vậy để thấy rằng việc tiếp tục chính sách sở hữu toàn dân chỉ làm thiệt hại cho chính Nhà nước và hình ảnh của Đảng Cộng sản. Các cấp dưới ở địa phương họ muốn duy trì vì đây là cơ hội kiếm chác của họ. Chính quyền trung ương trong một thời gian dài ngó lơ vì muốn nhận được sự ủng hộ của địa phương".

Theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, đã đến lúc chính quyền trung ương phải cải tổ lại chính sách này nếu họ muốn vực dậy nền kinh tế, vì thị trường phát triển bất động sản ở mọi quốc gia luôn là một nhánh kinh tế đem lại nhiều thâm dụng lao động, cung cấp một sức bậc cho sự phát triển quốc gia.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, chế độ sở hữu toàn dân về đất đai không phủ nhận quyền sử dụng đất của các pháp nhân, chỉ yêu cầu các pháp nhân này sử dụng đất đúng mục đích được giao cũng như bảo hộ lợi ích của chủ sử dụng đối với tài sản của họ là quyền sử dụng đất.

Khi trả lời RFA từ Hà Nội hôm 31/3, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, cho rằng, cần phải quy định rõ hơn về vấn đề này :

"Sở hữu đất đai là đặc biệt, không bao giờ tư nhân hay công hữu một cách đầy đủ, nhằm phát triển... đó là nói trong hoàn cảnh chấp nhận kinh tế thị trường và có đầu tư phát triển, như Bắc Hàn thì tôi không bàn tới. Đối với những nước có như cầu phát triển, ngay cả những nước chấp nhận sở hữu tư nhân thì người nắm giữ đất cũng không có quyền toàn bộ. Hiện nay Việt Nam cứ loay hoay với việc nên chấp nhận chế độ sở hữu nào, dưới góc độ sở hữu đồ vật cụ thể, chính vì vậy nó cứ quẩn quanh chuyện này".

Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, chấp nhận chế độ sở hữu đất đai toàn dân hay cho tư nhân sở hữu đất đai cũng đều được, vì đó chỉ là một thuật ngữ. Tuy nhiên ông nói tiếp :

"Điều quan trọng là luật phải quy định rõ, Nhà nước quyền đến đâu, được làm gì, người giữ đất được có những quyền nào và được làm gì... Câu chuyện nằm ở đó thôi, đó là sở hữu đất đai đích thực phù hợp với cơ chế thị trường, thì Việt Nam có thể đi từ chế độ công hữu mở rộng đi lại từ bên phải... Hoặc chấp nhận chế độ sở hữu tư nhân hạn chế đi từ bên trái. Còn thuận ngữ sở hữu gì chỉ mang tính biểu tượng, chứ không phải là nội dung cụ thể. Luật đất đai lần này sử phải làm rõ được nhà nước quyền đến đâu, tư nhân quyền đến đâu... trong tất cả các trường hợp khác nhau về người sử dụng, người nắm giữ, cũng như thể loại đất. Đừng lấy cái lý sở hữu đồ vật để nói về sở hữu đất đai".

Không chỉ phê phán ý kiến nên thừa nhận sở hữu tư nhân về đất đai, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam còn cho rằng sở hữu tư nhân về đất đai trong điều kiện kinh tế thị trường là điều bất lợi, vì sẽ dẫn đến tình trạng phân hóa giàu nghèo khiến người sở hữu quá nhiều đất, người không có tấc đất cắm dùi, nhất là tình trạng đầu cơ đất nông nghiệp của người giàu.

Liên quan vấn đề này, Giáo sư Đặng Hùng Võ cho biết ý kiến của mình :

"Muốn hay không muốn thì đất đai có yếu tố được thụ hưởng toàn dân. Vậy thì nó nằm ở sắc thuế như thế nào để toàn bộ người dân được thụ hưởng về đất đai. Tôi cho rằng người càng có nhiều đất mà sử dụng hiệu quả thì càng nên khuyến khích. Đừng nhìn vào đó để tị nạnh, có những người không có đất nông nghiệp thì sao ? Phải có hệ thống kiểm soát hiệu quả sử dụng đất như thế nào ? Sử dụng tốt có thể động viên nhận chuyển nhượng thêm, có thêm đất để phát triển. Nếu sắc thuế phù hợp thì người sử dụng đất không hiệu quả sẽ tự tìm cách chuyển nhượng đi".

Luật Đất đai nước Cộng Hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định rõ, đất đai là sở hữu toàn dân. Tuy nhiên người dân thực chất không có quyền sở hữu, mà khi mua đất hay đất do ông bà cha mẹ để lại... thì sẽ được nhà nước cấp cho giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Trả lời RFA từ Hà Nội hôm 31/3, ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương, nói :

"Họ đã đánh tráo khái niệm, làm tù mù vấn đề bằng những nhận thức hồ đồ. Bởi vì lịch sử tiến hóa của nhân loại do một bộ tộc, gia đình nào đấy chiếm đoạt, tức là họ đi đến cư trú khai thác làm ăn... Ban đầu là của chung của bộ tộc ấy, từ từ khi lực lượng sản xuất phát triển thì từng gia đình có quyền sống riêng lẻ... Và mặc nhiên họ có quyền sở hữu đất đai, ở vùng mà họ khai thác được. Từ xưa đến giờ người ta vẫn công nhận như vậy, và công nhận có quyền sở hữu tư nhân của đất đai. Trừ những người cộng sản tạo ra nhận thức có vẻ có lý, nhưng thật ra là phi lý để đánh lừa nhân dân, từ đó cướp đoạt đất đai cho dễ".

Ông Nguyễn Khắc Mai cho rằng, Luật đất đai phải sửa để công nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai. Đó là lẽ công bằng mà nhân loại đã thiết lập được cho đến hôm nay. Theo ông Mai, nếu xử lý vấn đề này có văn hóa, có đạo lý... thì xã hội sẽ ổn định và sẽ không có những vụ việc tranh chấp đất đai giữa chính quyền và người dân như Đồng Tâm, Thủ Thiêm hay Lộc Hưng gieo rắc đau đớn cho con người. Vì vậy, để tiến tới, ông Nguyễn Khắc Mai khuyên những nhà chính trị lãnh đạo Đảng, Quốc hội mới tại Việt Nam cần nghiên cứu để có những bước tiến mới nhằm xử lý vấn đề đất đai cho tốt.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 580 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)