Ân Xá Quốc Tế : Việt Nam mở đợt đàn áp mới trước ngày bầu cử Quốc hội
Thanh Phương, RFI, 02/04/2021
Trong một thông cáo đề ngày 01/04/2021, tổ chức Ân Xá Quốc Tế tố cáo chính quyền Việt Nam tiến hành đợt đàn áp mới trước ngày bầu cử Quốc hội 23/05 tới, với việc bắt giữ và truy tố các ứng cử viên độc lập.
Thông cáo của Ân Xá Quốc Tế cho biết trong những tuần qua, chính quyền Hà Nội đã bắt giữ và truy tố 2 ứng cử viên độc lập cùng với một bác sĩ với tội danh "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam", chiếu theo điều 117 của Bộ Luật Hình sự Việt Nam. Với tội danh đó, họ có thể lãnh án tù từ 5 đến 20 năm.
Cụ thể, hôm 27/03, chính quyền ở Hà Nội đã bắt giữ nhà báo công dân Lê Trọng Hùng, vì ông đã nộp đơn tự ứng cử đại biểu Quốc hội ở thành phố Hà Nội. Trước đó, ngày 10/03, chính quyền ở tỉnh Ninh Bình đã bắt giữ và truy tố ông Trần Quốc Khanh, người cũng đã có ý định ra ứng cử Quốc hội với tư cách ứng cử viên độc lập.
Trong khi đó, vào ngày 22/03, công an tỉnh Nghệ An đã bắt giữ bác sĩ Nguyễn Duy Hướng, vì vị bác sĩ này đã đăng tải trên Facebook nhiều nội dung bị xem là "xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân" ; đăng các bài viết và hình ảnh "có nội dung nói xấu chính quyền, bôi nhọ, xúc phạm hoạt động của cơ quan công quyền, xúc phạm người thực thi nhiệm vụ".
Ân Xá Quốc Tế cũng đã nhận được nhiều thông tin đáng tin cậy về trường hợp những người bị công an sách nhiễu và hăm dọa do họ tham gia bầu cử và phê phán các chính sách của chính phủ. Theo Ân Xá Quốc Tế, xu hướng "đáng lo ngại" này sẽ càng xấu đi thêm càng gần đến ngày bầu cử Quốc hội.
Trong bản thông cáo, bà Emerlynne Gil, phó giám đốc khu vực về nghiên cứu của Ân Xá Quốc Tế, kêu gọi chính quyền Hà Nội chấm dứt chiến dịch đàn áp này và để cho mọi người dân ở Việt Nam "được tự do hành xử các quyền con người mà không sợ bị trừng phạt". Bà Emerlynne Gil nhấn mạnh : "Trong lúc Việt Nam đang ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, chính quyền lại có những hành động vi phạm nhân quyền trắng trợn và phổ biến trong nước".
Thanh Phương
***********************
Nhà báo chuyên viết bài chống tiêu cực bị khởi tố và bắt giam
RFA, 03/04/2021
Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an thành phố Hồ Chí Minh (Thành phố Hồ Chí Minh) hôm 2/4 đã bắt giam một nhà báo để điều tra tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự 2015". Truyền thông Nhà nước Việt Nam loan tin này vào ngày 3/4.
Nhà báo Nguyễn Hoài Nam - Facebook Nguyễn Hoài Nam
Báo Người Lao Động trích nguồn tin giấu tên cho biết, nhà báo Nguyễn Hoài Nam (sinh năm 1973) bị tạm giam 3 tháng để điều tra những hành vi liên quan theo lệnh bắt và các quyết định khác đã được Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phê chuẩn.
Ông Nguyễn Hoài Nam đã từng làm việc cho nhiều báo bao gồm Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Thanh Niên, và VTV. Ông Nguyễn Hoài Nam vừa nghỉ báo Pháp Luật Việt Nam vào tháng 12/2020.
Trước khi bị bắt giam, trên trang Facebook cá nhân, ông Nam đã đăng hàng loạt bài viết trong các vụ sai phạm xảy ra tại Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam. Ngoài ra, cũng trên trang Facebook cá nhân, ông Nam còn đăng một số bài viết liên quan đến một số cá nhân đang công tác tại một số cơ quan tố tụng. Trong một bài viết đăng trên Facebook của mình hôm 23/3, ông Nguyễn Hoài Nam đã viết cho ông Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao vào ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội thứ 11, khoá XIV. Trong bức thư ngỏ này, ông Nam tố cáo '"sự bắt tay" giữa công an và Viện Kiểm sát trong một số vụ án gây tình trạng bỏ lọt tội phạm, mà cụ thể là những tiêu cực (tham nhũng) ở Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam.
Theo Người Lao Động, vào tháng 2 năm nay, ông Nguyễn Hoài Nam đã từng được Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh gửi thư mời để làm việc theo đơn của 2 cá nhân tố cáo ông có hành vi vu khống.
Từ đầu năm đến nay, công an Việt Nam đã bắt giam ít nhất 7 người vì các cáo buộc liên quan đến an ninh, trong số này có 3 nhà báo bao gồm trường hợp mới nhất là ông Nguyễn Hoài Nam.
********************
Việt Nam bắt giữ nhà báo chuyên điều tra tham nhũng Nguyễn Hoài Nam
VOA, 04/04/2021
Một nhà báo chuyên điều tra tham nhũng bị nhà chức trách Việt Nam bắt giữ ngày thứ Bảy sau khi ông đăng những cáo buộc hành vi sai trái nhắm vào các quan chức điều tra hàng đầu của Bộ Công an trên mạng xã hội, truyền thông trong nước đưa tin.
Nhà báo Nguyễn Hoài Nam, gần đây nhất là phóng viên báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, gây chú ý với loạt phóng sự điều tra vào năm 2018 với loạt phóng sự điều tra nghi vấn "quỹ đen" ở Cục Đường thủy nội địa Việt Nam. (Facebook Nguyễn Hoài Nam)
Đây là vụ bắt giữ mới nhất nhắm vào các nhà báo chính thống lẫn độc lập ở Việt Nam trong khi nước này tăng cường trấn áp những tiếng nói chỉ trích chính phủ và các nhà lãnh đạo.
Các bản tin dẫn các nguồn không xác định danh tính cho biết ông Nguyễn Hoài Nam, gần đây nhất là phóng viên báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, bị Công an Thành phố. Hồ Chí Minh bắt tạm giam và khởi tố về tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân", một cáo buộc thường được đưa ra trong các vụ việc tương tự.
Ông Nam sẽ bị tạm giam ba tháng trong một quyết định đã được Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố. Hồ Chí Minh phê chuẩn, theo báo Công an nhân dân. Báo này nói thông tin sơ khởi cho biết ông đã sử dụng tài khoản mạng xã hội đăng tải những thông tin được cho là không đúng sự thật, vu khống một số cá nhân.
Ông Nam từng gây chú ý vào năm 2018 với loạtphóng sự điều tra nghi vấn "quỹ đen" ở Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, phản ánh sự dàn xếp chia chác giữa cơ quan này với những công ty trúng thầu thi công những công trình mà cơ quan này làm chủ đầu tư. Ba quan chức lãnh đạo tại cơ quan này sau đó bị truy tố về tội "lợi dụng chức vụ quyền hạn".
Không dừng lại ở đó, ông quyết liệt theo sát vụ án và trở thành một nhà hoạt động đấu tranh chống tham nhũng, tích cựccung cấp những thứ mà ông nói là bằng chứng cho nhà chức trách. Ông còn gửi đơn đề nghị khởi tố những người mà ông nói là đối tượng đưa hối lộ bị "bỏ lọt" và cáo buộc các lãnh đạo điều tra của Bộ Công an "có hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án".
Trên các trang Facebook cá nhân, ông công bố những hình ảnh chụp các đơn từ và biên bản làm việc với nhà chức trách về các cáo buộc của mình. Mộthình ảnh chụp giấy mời của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố. Hồ Chí Minh đề ngày 22 tháng 2 năm 2021 cho thấy ông được yêu cầu đến văn phòng của cơ quan để trả lời về "hành vi vu khống", điều mà ôngbác bỏ.
Mộtbài đăng trên Facebook vào đầu năm khẳng định quyết tâm của ông không thỏa hiệp với những hành vi mà ông xem là sai trái, lập luận rằng không tố giác tội phạm là một tội theo luật hình sự.
"Nếu đã lên tiếng mà cơ quan hay cá nhân nào không cầu thị lắng nghe, vẫn bảo kê cho sai phạm, lúc đó tôi mới phải cương quyết đấu tranh", ông viết. "Và tôi đã cương quyết thì không có gì cản trở được, bởi điều 390 Bộ luật hình sự đang chờ".
Ông Nam là nhà báo mới nhất với xuất thân từ một cơ quan truyền thông chính thống bị bắt giam về cáo buộc "lợi dụng các quyền tự do dân chủ". Trước đó trong tháng Hai, nhà báo Phan Bùi Bảo Thy, trưởng văn phòng đại diện báo Giáo dục và Thời đại, bị công an tỉnh Quảng Trị bắt giam về những bài viết trên Facebook bị nói là bôi nhọ lãnh đạo.
Việt Nam bị đánh giá là một trong những nước có tự do báo chí kém nhất thế giới, xếp hạng 175 trong số 180 quốc gia về Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm 2020 của tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF).