Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

08/04/2021

Khu kinh tế hay đặc khu kinh tế : bài toán chính sách

RFA tiếng Việt

Khu kinh tế Vân Phong

Thông tấn xã Việt Nam vào ngày 6/4 vừa qua đưa tin cho hay tỉnh ven biển miền Trung Khánh Hòa sẽ phát triển Vân Phong thành Khu kinh tế ven biển, tập trung phát triển đa ngành, trở thành động lực kinh tế của tỉnh và khu vực Nam Trung bộ vào năm 2025.

dackhu1

Hình minh hoạ. Khu vực Bắc Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa - FB Bắc Vân Phong

Hãng tin dẫn nội dung Chương trình hành động về phát triển Khu kinh tế Vân Phong giai đoạn 2021/2025 cho biết, khu kinh tế này dự kiến ​​thu hút vn đầu tư ti thiu 150 nghìn t đồng, gii ngân ít nhất 75 nghìn tỷ đồng, đóng góp khoảng Nộp ngân sách Nhà nước địa phương 30 - 40%.

Trước đó, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 24/6/2020 đã có quyết định tạm dừng triển khai Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong cho đến khi Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt được Quốc hội thông qua, theo đề nghị của UBND tỉnh Khánh Hòa và các bộ có liên quan.

Trao đổi với RFA tối 7/4, nhà báo độc lập Võ Văn Tạo, đang sinh sống tại Khánh Hòa, cho hay, Vân Phong có thể làm du lịch sinh thái, trung tâm nghỉ mát dưỡng bệnh, mặt nước tốt có thể nuôi trồng thủy sản ; tuy nhiên đến nay vẫn chưa được khai thác tiềm năng :

"Vào khoảng năm 2009, Chính phủ Việt Nam có định làm cảng phi trường quốc tế, đã khởi công rồi và giao cho Vinalines nhưng doanh nghiệp không có tiền nên làm bôi bác, đóng cọc xong rồi bỏ đến giờ.

Nếu để nguyên hoang sơ thì sẽ lãng phí nhưng làm thế nào một cách khéo léo để có thể phát huy được tiềm năng Vịnh Vân Phong nhưng vẫn đảm bảo được an ninh quốc phòng vững chắc là vấn đề đòi hỏi chính phủ Việt Nam hết sức lưu ý.

Chúng ta đều biết những khu vực miền núi, hải đảo biên giới, trong đó có Vân Phong là những khu vực khá nhạy cảm về an ninh quốc phòng".

Theo bản tin Thông tấn xã Việt Nam loan tải ngày 6/4, Khu kinh tế biển Vân Phong sẽ có giá trị công nghiệp - xây dựng chiếm gần 40% tổng sản phẩm trong vùng của tỉnh, đồng thời tạo ra khoảng 10.000 việc làm.

Bên cạnh đó, tỉnh Khánh Hòa sẽ tập trung điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế Vân Phong, thực hiện có hiệu quả các chính sách xúc tiến đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư, huy động vốn đầu tư cơ sở hạ tầng trọng điểm phục vụ các lĩnh vực chức năng, cải cách thủ tục hành chính, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh quốc gia.

Khu kinh tế hay đặc khu kinh tế ?

Chính phủ Hà Nội năm 2018 đã chỉ đạo soạn thảo dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đối với Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, gọi tắt là Dự luật đặc khu để trình Quốc hội xem xét.

Khắp cả nước vào mùa hè năm đó đã diễn ra nhiều cuộc biểu tình chống Dự luật đặc khu. Nhiều người dân và chuyên gia ở Việt Nam lo ngại điều khoản thuế, chính sách nhập cảnh, và quan trọng hơn hết là việc cho người nước ngoài thuê đất lên đến 99 năm trong dự luật có thể khiến người Trung Quốc vào chiếm đất của Việt Nam, nhất là ở những vị trí địa lý quan trọng là ba vùng đặc khu kể trên.

Dưới sức ép từ phía dư luận, chính phủ Hà Nội quyết định dời lại việc bàn thảo về Dự luật này, đến nay vẫn chưa thông qua.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh vào ngày 15/5/2020 đã tổ chức Lễ công bố Nghị quyết số 102 của Chính phủ về việc thí điểm thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn trực thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh.

Đến tháng 1/2021, trong bài phỏng vấn với Thông tấn xã Việt Nam, ông Huỳnh Quang Hưng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Phú Quốc, có nhắc đến nội dung xây dựng thành phố đảo thông qua mô hình ‘Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt’.

Nay thêm việc Vân Phong cũng được nói sẽ phát triển thành Khu kinh tế biển, nhiều ý kiến cho rằng Chính phủ Hà Nội đang dùng biện pháp để lách luật đặc khu bằng cách đưa Vân Phong, Vân Đồn và Phú Quốc thành khu kinh tế.

Không đồng ý với quan điểm vừa nêu, Nhà báo Võ Văn Tạo nhận định :

"Theo tôi nghĩ thì không hoàn toàn như vậy vì Luật Đặc khu kia có nội dung hơi khác một chút.

Cùng là để phát triển kinh tế nhưng mà dự thảo trong Luật Đặc khu rất nguy hiểm. Bây giờ họ không phải đưa vào từng đặc khu, không gọi là đặc khu nữa mà chỉ là khu kinh tế thì nội dung cũng khác, nhất là thời hạn cho thuê đất.

Chắc chắn tôi cho rằng trong chuyện chọn lựa nhà đầu tư nước ngoài, nhà nước Việt Nam cũng phải lưu ý yếu tố an ninh từ phía Trung Quốc.

Tôi nghĩ nếu làm tốt vẫn có thể được chứ không hoàn toàn là lách chuyện lùm xùm về Luật Đặc khu mấy năm trước".

Từng trao đổi với RFA về vấn đề liên quan, luật sư Đặng Đình Mạnh từ Sài Gòn nói rõ rằng Khu kinh tế là một khu vực dành cho các hoạt động kinh tế, mà nếu doanh nghiệp hoạt động trong đó sẽ được hưởng nhiều quyền lợi ưu đãi hơn so với hoạt động bên ngoài.

Trong khi đó, Đặc khu kinh tế tương tự như khu kinh tế nhưng ưu đãi đặc biệt hơn, như thời gian thuê đất dài hạn hơn, thậm chí có quyền tài phán riêng biệt...

Từ Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng độc lập nêu lên quan điểm của ông :

"Vấn đề không phải là mình gọi là đặc khu kinh tế, khu công nghiệp hoặc trung tâm gì đó, vấn đề không phải tên mà vấn đề là có những đặc quyền gì cho các nhà đầu tư nước ngoài. Mình sẽ có những chế tài gì, những quy định gì, những ưu đãi gì cho các nhà đầu tư nước ngoài, đó mới là quan trọng".

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nêu ví dụ điển hình về việc một số người đã phản đối Chính phủ về đặc khu Bắc Vân Phong trước đây vì họ cho rằng Chính phủ Hà Nội có ưu đãi quá nhiều cho các công ty Trung Quốc trong đặc khu đó, bao gồm cả việc cho phép đồng Nhân dân tệ lưu hành trong địa bàn. Ông nói tiếp :

"Việc mời gọi nhà đầu tư nước ngoài là quan trọng nhưng để cho phép các nhà đầu tư lưu hành đồng tiền của họ trên lãnh thổ Việt Nam thì nó xâm phạm đến chủ quyền tiền tệ Việt Nam. Điều đó chính tôi cũng không đồng ý".

Thêm vào đó, theo nhà báo Võ Văn Tạo, không chỉ riêng những đặc khu giờ thành ba khu kinh tế mà kể cả những khu khác trong nội địa, thực tế đã chứng minh nhiều lúc Chính phủ Việt Nam có những sơ hở rất khủng khiếp.

"Chẳng hạn cho những doanh nghiệp Trung Quốc thuê rừng thời gian rất dài và người ta phá rừng phòng hộ đầu nguồn, đến lúc báo chí và những người dân quan tâm la làng lên thì nhà nước mới giật mình".

Tuy vậy, Nhà báo Võ Văn Tạo vẫn cho rằng việc thành lập những khu kinh tế là điều nên làm, có chăng :

"Tôi nghĩ cần phải phát triển kinh tế vì đất nước chúng ta không thể nào dậm chân tại chỗ mãi được, nhưng phát triển kinh tế thế nào, trong điều kiện ràng buộc nào đối với đầu tư nước ngoài, lựa những ngành nghề gì, đi theo hướng nào. Đấy là điều quan trọng".

Đồng quan điểm vừa nêu, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho hay ông hoan nghênh những khu kinh tế biển, nhưng phải ở trong chừng mức kiểm soát được.

"Vấn đề là phải có những quy định chặt chẽ để không tạo điều kiện cho những thiệt hại, chẳng hạn như thiệt hại về môi trường. Những khu công nghiệp như thế thường có tác hại về môi trường. Thứ hai nữa là các nhà đầu tư có đặc quyền gì".

Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, việc thành lập những khu kinh tế biển là điều tốt cho sự phát triển của vùng biển vì Việt Nam có hàng nghìn cây số bờ biển, nếu có những khu kinh tế ven biển sẽ rất thuận lợi cho vấn đề giao thông hàng hải vì tiếp cận mặt biển, tận dụng, khai thác được biển, cũng là nơi hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang vào ngày 2/4 vừa qua đã tổ chức lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, sau 12 năm thực hiện các chính sách thí điểm.

Đây là khu kinh tế cửa khẩu duy nhất của tỉnh Kiên Giang, có diện tích 1.600 ha và được nói đã thu hút được 35 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 4.400 tỷ đồng, với hơn 3.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, hơn 80 doanh nghiệp tham gia xuất – nhập khẩu.

Nguồn : RFA, 08/04/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 597 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)