Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

29/04/2021

Nạn đạo văn tràn lan : phát hiện & xử lý tới đâu ?

RFA tiếng Việt

Nhà xuất bản Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh mới đây đã thu hồi sách "Báo chí và Truyền thông : Những thách thức và giải pháp trong xu thế phát triển hiện đại".

daovan1

Bìa cuốn sách có bài viết bị tố vi phạm bản quyền. plo.vn

Nguyên nhân được nói do bài viết ‘Mối quan hệ giữa chuyên viên PR và nhà báo – dưới góc nhìn đạo đức truyền thông’ trong sách bị tố vi phạm bản quyền khi dịch bài từ tác giả Jim Macnamara nhưng lại không xin phép và không đề tên tác giả Jim Macnamara.

Chính Giáo sư Jim Macnamara đã gửi thư đến hai trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn và Đại học Văn Lang cho biết bài viết của Nhà xuất bản Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh đã sao chép hơn 85% nội dung bài báo của ông đăng trên Tạp chí quốc tế Journalism & Mass Communication Quarterly năm 2016.

Hai tác giả của bài viết vừa nêu là Hoàng Xuân Phương và Vũ Mộng Lân cùng đại diện Ban biên tập sau đó đã xin lỗi tác giả Jim Macnamara.

Nhận xét về vụ việc vừa nêu, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, thuộc trường Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh nói với RFA tối 29/4 như sau :

"Việc nhà xuất bản thu hồi sách khi có một bài đạo văn là một việc làm rất đáng hoan nghênh, tuy nhiên xét trên toàn cục thì còn phải cố gắng nhiều vì nhiều lý do.

Lý do vì đạo văn ở Việt Nam là câu chuyện liên quan đến cả một văn hóa. Ngày xưa trong khuôn khổ nền văn học trung đại, việc đưa được ý tưởng của người đi trước, mà càng nổi tiếng càng hay vào văn chương của mình được coi là giỏi giang, uyên bác".

Nói rõ hơn, Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng dẫn chứng câu thơ cụ Nguyễn Du dùng trong Truyện Kiều được nhiều khen tụng là ‘Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông’, nhưng thực chất lại dẫn câu ‘Đào hoa y cựu tiếu đông phong’ của Thôi Lỗ.

Tuy nhiên, Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng khẳng định rằng do khác nhau về văn hóa xưa và nay nên không thể nói cụ Nguyễn Du đạo văn. Dù vậy, ngày nay, việc sử dụng, trích dẫn những nội dung của tác giả khác trong bài viết của mình đều được yêu cầu phải có sự đồng ý và phải ghi rõ nguồn.

Truyền thông nhà nước Việt Nam trong ngày 28/4 dẫn lời đại diện lãnh đạo Trường Đại học Văn Lang cho biết, trường đã yêu cầu hai tác giả làm báo cáo, đồng thời cũng đang chờ để làm tờ trình, sau đó lãnh đạo trường sẽ họp bàn để thống nhất phương án xử lí.

Tuy nhiên, theo lời người đại diện, vấn đề xảy ra liên quan đến Trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn do bà Hoàng Xuân Phương khi viết sách vẫn đang là Trưởng bộ môn Truyền thông ứng dụng, Khoa Báo chí và Truyền thông, chứ không phải là giảng viên tại Trường Văn Lang.

Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng, việc giảng viên, Thạc sĩ, Tiến sĩ tại Việt Nam đạo văn không phải chuyện mới đây mà trước đó đã từng có những vụ đạo văn từ chính các lãnh đạo trong bộ máy nhà nước gây xôn xao dư luận nhưng vẫn không được nhà chức trách quan tâm. Ông nêu những điển hình :

"Ông Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đức Tùng đạo văn hơn 30 lần mà vẫn về hưu, hạ cánh an toàn, không ai nói gì, ông là Viện trưởng Viện ngôn ngữ học, to hơn rất nhiều hai tác giả đạo văn (vụ thu hồi sách). Ông này nằm trong Hội đồng chức danh giáo sư ngành ngôn ngữ học.

Dẫn chứng thứ hai là vụ ông nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phùng Xuân Nhạ mà bây giờ là đương kim Phó Ban Tuyên giáo của Đảng đạo văn. Điều này đã được Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng ở Đại học Toulouse (Pháp) chứng minh không thể nào rõ ràng hơn và vài báo nước ngoài BBC chẳng hạn đều đăng công khai.

(Ông Nhạ) đạo văn nhiều lần, trong đó có một lần đồng tác giả là ông Lê Quân, cựu Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau. Hai tác giả này đã đạo văn được ông Nguyễn Tiến Dũng chứng minh rất rõ. Đến nay hai vị này cũng không suy suyển về thanh danh".

Mới đây nhất, ông Bùi Văn Cường- Bí thư tỉnh ủy Đăk Lăk, người bị giảng viên trường Đại học Tôn Đức Thắng Phạm Đình Quý tố đạo nhái luận án tiến sĩ, được Quốc hội Việt Nam bầu giữ chức Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khóa XV hôm 7/4.

Nhiều ý kiến cho rằng chính vì những lãnh đạo cấp cao bị tố đạo văn nhưng không bị kỷ luật, thậm chí còn được thăng chức cao hơn đã khiến cho tình trạng đạo văn ngày càng tăng chóng mặt.

Từ Hà Nội, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mạc Văn Trang, người từng có hơn 30 năm công tác ở Viện Khoa học Giáo dục cho biết việc quản lý, kiểm soát xem có đạo văn hay không hiện nay dựa vào phần mềm. Ông nói :

"Tôi có ngồi ở hội đồng chấm luận văn tiến sĩ của Viện Khoa học – Giáo dục và Viện Tâm lý học, trước khi bảo vệ, bên phòng quản lý khoa học đều có báo cáo đã kiểm tra phần trích dẫn, phần nội dung luận án đã trích dẫn bao nhiêu phần trăm và có địa chỉ, nguồn trích dẫn hẳn hoi. Như vậy có thể loại được chuyện đạo văn.

Hiện nay cái quản lý không biết về mặt quốc gia thì các cơ quan bảo vệ quyền sánh chế thế nào nhưng từng đơn vị một người ta có phần mềm kiểm tra".

Tại các cấp thấp hơn, Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng dẫn công trình nghiên cứu của một nhóm tác giả công bố khảo sát các luận văn tốt nghiệp của sinh viên ở một số trường đại học ở thành phố Hồ Chí Minh cho biết một số trường có trang bị phần mềm xét đạo văn thì tỉ lệ đạo văn chừng hơn 60%, trong khi đó trường không trang bị phần mềm thì tỉ lệ đạo văn hơn 90%.

Trao đổi qua Facebook Messenger, một cô giáo cấp hai không muốn nêu tên bày tỏ cảm nghĩ :

"Chị nghĩ chính cách giáo dục của hệ thống đã tạo cho người ta biết đạo văn từ nhỏ thông qua việc thầy cô viết trên bảng bắt học sinh học thuộc lòng. Lớn hơn, giáo viên dạy văn khuyến khích học sinh tham khảo sách văn mẫu nhưng hầu hết học sinh học thuộc lòng rồi viết vào bài kiểm tra nhưng vẫn được điểm cao. Một thói quen đã được hình thành từ nhỏ như vậy rất khó để chữa sau này nếu không có các đường hướng đúng đắn".

Do đó, Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng khẳng định :

"Chuyện đạo văn là lỗi của từng cá nhân một nhưng việc không xử lý đạo văn, để chuyện đạo văn ngày càng phát triển thì đó là lỗi của thể chế, khó lòng đổ cho cá nhân được.

Ngày nào Việt Nam không ý thức được đạo văn phá hoại đạo đức, phá hoại nền tảng khoa học thì ngày ấy chuyện xử lý như chuyện Nhà xuất bản Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh thu hồi sách chỉ là chuyện cỏn con, bắt cá bé chứ không dám đụng đến cá lớn, vấn đề chắc chắn sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn".

Đây không phải lần đầu Tiến sĩ Hoàng Xuân Phương bị tố sử dụng tài liệu không xin phép và không ghi nguồn. Trước đó, cuốn sách ‘PR từ chưa biết tới chuyên gia’ của bà Phương cũng từng bị tố đạo văn từ sách nước ngoài của Giáo sư Larry Litwin.

Tình trạng đạo văn ở mọi cấp, từ học sinh, sinh viên tới lãnh đạo, những người có học vị cao như Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ được đánh giá là vấn đề đang gây nhức nhối tại Việt Nam hiện nay nhưng mãi vẫn chưa tìm được lối thoát.

Nguồn : RFA, 29/04/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 599 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)