Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

24/04/2021

Khó chối cãi : Việt Nam trấn áp quyền tự do báo chí và phát biểu

Trần Hoàng - BBC - RFA

Thù dai, "Tiến sĩ chân vịt" Bùi Văn Cường giáng thêm đòn đau vào nhóm Trương Châu Hữu Danh ?

Ở xã hội Việt Nam nói sự thật về lãnh đạo là một công việc nguy hiểm. Từ ngày 12/4/2016, ông Bùi Văn Cường được trung ương phân công giữ chức Bí thư Đảng đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

tudo1

Ông Bùi Văn Cường – "Tiến sĩ chân vịt"

Ngày 14/4/2016, theo thủ tục ông Cường được Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam bầu giữ chức Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với số phiếu 100%, tại đại hội XII Công đoàn Việt Nam (tháng 9 năm 2018) ông được đại hội bầu (bằng phiếu kín) tái cử Ban Chấp hành với số phiếu 99,98% và được Ban Chấp hành bầu tái cử UV Đoàn Chủ tịch và chức danh Chủ tịch với số phiếu 100%.

Được biết, vào khoảng tháng Tám, 2020, ông Bùi Văn Cường bị tố cáo là đã đạo văn cho luận văn tiến sĩ của mình. Người tố cáo ông Bùi Văn Cường đạo văn là Võ Sư – Tiến Sĩ Phạm Đình Quý, cựu giảng viên trường Đại Học Tôn Đức Thắng.

Bị chọc vào đúng "tử huyệt", ngày 25/9/2020 ông Bùi Văn Cường lức đó là bí thư tỉnh ủy Đắk Lắk lại cho công an tỉnh này xuống tận Thành phố Hồ Chí Minh bắt cóc ông Phạm Đình Quý về Đắk Lắk xử lí. Việc làm này cho thấy ông Bùi Văn Cường trắng trợn chà đạp lên Luật Tố tụng Hình sự Việt Nam. Ông Quý bị cáo buộc đã có hành vi "phát tán tài liệu nhằm hạ thấp uy tín, xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự người khác", phạm tội vu khống quy định tại điều 156 bộ luật Hình sự.

Quyền lực của ông Bùi Văn Cường rất lớn, để bịt miệng những người lên tiếng, thì không biết bằng cách nào, sau đó công an Thành Phố Cần Thơ đã bắt giữ nhà báo Nhà báo Trương Châu Hữu Danh vì đã dám lên tiếng ủng hộ Tiến Sĩ Phạm Đình Quý trong việc tố cáo ông Bùi Văn Cường. Nhà báo Trương Châu Hữu Danh cũng đã bị Công An Cần Thơ bắt giữ với cáo buộc tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân'.

Ngoài những hành động trái luật trên ông Bùi Văn cường còn chỉ đạo báo Đắk Lăk khẳng định ông Bùi Văn Cường không có đạo văn. Nói chung, ông Bùi Văn Cường đã dùng cái lí của kẻ mạnh để đè bẹp tất cả.

Càng tiêu cực càng lên chức

Chiều 19/7/2019, tại trụ sở làm việc Tỉnh ủy Đắk Lắk, ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã trao Quyết định điều động, chỉ định của Bộ Chính trị đối với Bùi Văn Cường – Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam từ nay giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Tỉnh Đắk Lắk.

Ngày 13, 14, 15/10/2020 tại đại hội Đảng bộ Tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII, Ông Bùi Văn Cường được đại hội bầu tái đắc cử chức danh Bí thư Tỉnh ủy với số phiếu tuyệt đối 100%.

Ngày 30 tháng 01 năm 2021, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ông được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá XIII.

tudo2

Dám tố cáo ông Bùi Văn Cường đạo văn, ông Phạm Đình Quý bị ông Cường bắt

Chiều 6/4/2021, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với ông Bùi Văn Cường. Sau đó sáng 7/4/2021 ông Bùi Văn Cường được Quốc hội bầu làm Tổng thư ký Quốc hội kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Đấy! Càng tiêu cực, ông Cường càng lên chức, điều đó chứng tỏ thế lực ở Trung Ương hỗ trợ cho ông Cường rất mạnh. Lộng hành tới mức ông ta ở Đắk Lắk mà đem người xuống Thành phố Hồ Chí Minh bắt người. Thế lực trùm khắp đến mức ở Đắk Lắk mà nhờ bàn tay công an Cần Thơ bắt người. Vậy nên, khi phanh phui những tiêu cực của ông Bùi Văn Cường thì khó thoát. Ông ta cho hốt hết, bất kể ai.

Không biết nhà báo Trương Châu Hữu Danh có lường hết được sức mạnh bao trùm của ông Bùi Văn Cường hay không? Có lẽ là không nên mới bị bắt. Chỉ có một bí thư tỉnh nhỏ nhoi mà lộng hành rộng khắp thì có thể nói thật là khó tin.

Liên Đoàn Lao Động Việt Nam là một cơ quan không mấy nổi trội, lãnh đạo liên đoàn này mấy đời trước không thấy có quyền lực gì lớn nhưng đến thời ông Bùi Văn Cường thì rất khác.

"Ai tố tao, tao bắt"

Ông Phạm Đình Quý và ông Hoàng Mạnh Tuấn – hai người đều là giảng viên tố cáo ông Bùi Văn Cường "đạo văn, gian dối học thuật" – bị Công an tỉnh Đắk Lắk… "mời làm việc" bằng cách… tổ chức vây bắt, áp giải đến Buôn Ma Thuột.

Tạp chí Môi trường và Xã hội, nơi đăng tố cáo của ông Phạm Đình Quý đã bị đình bản hai tháng, phạt 50 triệu đồng vì thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng trong bài viết : "Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk bị tố ‘đạo’ luận án, gian dối học thuật ?" ở số đặc biệt 16/2020.

Không biết ông Bùi Văn Cường tác động thế nào mà Cục Báo chí thuộc Bộ Thông tin và truyền thông xử phạt Tạp chí Môi trường và Xã hội rồi.

Trương Châu Hữu Danh – một Facebooker phát giác : "Luận văn của ông Cường về đề tài "Nghiên cứu tác động của tổ hợp chân vịt bánh lái đến điều khiển hướng đi tàu thủy trên tuyến luồng Hải Phòngđã được rút ra khỏi trang web của Đại học Hàng Hải (nơi ông Cường nghiên cứu và đạt được học vị Tiến sĩ về An toàn hàng hải)". Danh cho biết : Tôi đã lập vi bằng đối với luận văn gốc của ông Cường, nếu luận văn bị thủ tiêu hoặc bị chỉnh sửa, không giống với luận văn gốc, tôi sẽ tố cáo ! Tương tự, bài mà ông Lương Công Nhớ, Bí thư Đảng ủy Đại học Hàng hải, viết để bênh vực cho ông Cường cũng đã được rút khỏi trang web của Viện Đào tạo sau đại học của trường này. Thế là Trương Châu Hữu Danh bị bắt.

Đến nay, ông Cường được ghi nhận là người thường xuyên lên tiếng ca tụng ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư kiêm chủ tịch nước.

Báo VietNamNet hồi trung tuần tháng Chín dẫn phát ngôn của ông Cường : "Có thể nói trong nhiệm kỳ này, tổng bí thư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đặc biệt là Ban Tổ chức Trung ương đã có nhiều đổi mới trong công tác cán bộ và những động thái ấy đã có tác động rất tích cực trong toàn hệ thống. Với những đổi mới này, chúng ta sẽ có lực lượng cán bộ đáp ứng được yêu cầu trong thời kỳ mới".

Ông Cường nói thêm là đã làm theo lời chỉ đạo của ông Trọng bằng cách "kiên quyết không bố trí vào cấp ủy những người có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, để người thân, vợ con lợi dụng chức vụ để trục lợi".

Lên chức, Bùi Văn Cường truy quét vây cánh của Trương Châu Hữu Danh

Ngày 20/04/2021, báo Tuổi Trẻ có đăng bài "Vụ Trương Châu Hữu Danh : Bắt thêm Đoàn Kiên Giang, Nguyễn Thanh Nhã, Nguyễn Phước Trung Bảo".

Bài báo cho biết, chiều 20/4, Cơ quan an ninh điều tra Công an thành phố Cần Thơ cho biết đã mở rộng vụ án lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân'.

Vụ án xảy ra tại thành phố Cần Thơ và một số tỉnh, thành do Trương Châu Hữu Danh và một số người thực hiện.

Cơ quan an ninh điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam 3 bị can, gm Nguyễn Thanh Nhã (sinh năm 1980, cư trú tại chung cư Flora Anh Đào, phường Phước Long B, thành phố Thủ Đức), Đoàn Kiên Giang (sinh năm 1985, cư trú tại chung cư 241/1/25 đường Nguyễn Văn Luông, phường 11, quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh), Nguyễn Phước Trung Bảo (sinh năm 1982, cư trú tại phường Khuê Trung, quận Cm Lệ, thành phố Đà Nẵng).

tudo3

Nhiều người trong nhóm Trương Châu Hữu Danh bị bắt

Những người này bị bắt để điều tra về hành vi "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền lợi, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" được quy định tại điều 331 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Các quyết định khởi tố, bắt tạm giam trên đều được Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ phê chuẩn. Quá trình khám xét nơi ở của các bị can, Cơ quan an ninh điều tra đã thu giữ nhiều đồ vật, tài liệu có liên quan đến vụ án. Cơ quan an ninh điều tra Công an thành phố Cn Thơ tiếp tục điu tra làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.

Được biết, sau đại hội 13, và mới đây ông Bùi Văn Cường được bầu giữ chức ủy viên trung ương đảng thêm một nhiệm kỳ nữa. Ngày 19/4, tại Nhà Quốc hội, ông Huỳnh Tấn Việt, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, đã trao Quyết định chỉ định Bí thư Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội cho Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường. Lên chức, quyền lớn, ông Cường xử lý sát ván đối với nhóm của Trương Châu Hữu Danh.

Trần Hoàng (tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 24/04/2021

**********************

Việt Nam : Bao nhiêu người bị xử tội ‘lợi dụng tự do dân chủ’ từ đầu năm 2021 ?

BBC, 23/04/2021

Hôm 22/4, Tòa án nhân dân quận Bình Thủy (thành phố Cần Thơ) xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bà Lê Thị Bình (sinh năm 1976, trú phường An Thới, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ) 2 năm tù về tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước ; quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".

Đây là trường hợp mới nhất bị đưa ra xử, theo quy định tại điều 331 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) của Việt Nam.

tudo4

Nhà báo Trương Châu Hữu Danh

Điều 331 Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017, có hiệu lực thi hành ngày 01/01/2018 quy định về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân như sau :

"1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm".

Lên Facebook 'nói xấu'

Theo cáo trạng, bà Lê Thị Bình tham gia mạng xã hội Facebook với các tài khoản sử dụng là "Binh Lê", sau đó đổi tên thành "Lê Ngoclan Ct", "Ngoc Lan CT", "Ngoc CT Le", "Anna Nguyen".

Trong thời gian từ tháng 10/2019 đến tháng 11/2020, bà Bình bị nói là thường xuyên sử dụng các tài khoản Facebook này bằng điện thoại di động có kết nối Internet để phát trực tiếp (livestream), đăng tải và chia sẻ các bài viết có nội dung "nói xấu, xúc phạm, xuyên tạc, phỉ báng đối với tổ chức Đảng, Nhà nước và cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước".

Mới ngày 20/4, cơ quan An ninh điều tra, Công an thành phố Cần Thơ đã khởi tố, bắt tạm giam 3 bị can, gồm : Nguyễn Thanh Nhã (sinh năm 1980 ; cư trú tại căn hộ 3.01 chung cư Flora Anh Đào, phường Phước Long B, thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh) ; Đoàn Kiên Giang (sinh năm 1985 ; cư trú tại căn hộ 5.04 tầng 6, chung cư 241/1/25C, đường Nguyễn Văn Luông, phường 11, quận 6, thành phố Hồ Chí Minh) ; Nguyễn Phước Trung Bảo (sinh năm 1982 ; cư trú tại 172 Hà Huy Giáp, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng).

Họ bị bắt để điều tra về hành vi "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" được quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Công an thành phố Cần Thơ nói ba người này liên quan vụ án "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân", xảy ra tại thành phố Cần Thơ và một số tỉnh, thành do bị can Trương Châu Hữu Danh và đồng bọn thực hiện.

Trước đó, ngày 17/12/2020, cơ quan An ninh điều tra, Công an thành phố Cần Thơ đã khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt đối với ông Trương Châu Hữu Danh (sinh năm 1982 ; tại ấp Vĩnh Hòa, xã An Vĩnh Ngãi, thành phố Tân An, tỉnh Long An) cũng theo điều 331.

Vụ Quách Duy

Còn tại thành phố Hồ Chí Minh, ngày 15/4, Tòa án nhân dân quận Tân Phú (Thành phố Hồ Chí Minh) xử bị cáo Quách Duy (nguyên công chức Văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh) và tuyên phạt 4 năm 6 tháng tù theo điều 331.

Theo nội dung vụ án, bị cáo Quách Duy đã đăng tải nhiều bài viết, hình ảnh trên Facebook, trong đó 3 bài viết "xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín của nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước ; xuyên tạc, vu khống, xúc phạm lãnh đạo của thành phố".

Ngày 13/4, tại Thanh Hóa, xảy ra vụ khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Hồ Đình Tùng, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng nhân dân Thị xã Nghi Sơn về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".

Vào ngày 3/4, công an thành phố Hồ Chí Minh khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam ông Nguyễn Hoài Nam, sinh năm 1973, ngụ Thành phố Hồ Chí Minh, để điều tra tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, theo Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015.

Trước khi bị khởi tố, tạm giam, ông Nguyễn Hoài Nam đã đăng nhiều bài viết trong vụ sai phạm xảy ra tại Cục Đường thủy nội địa Việt Nam ; một số bài viết liên quan một số cá nhân đang công tác tại một số cơ quan tố tụng trên Facebook.

Ngày 30/3, tòa án tỉnh Bình Định phạt 4 năm tù với ông Lê Văn Hải, 54 tuổi.

Cáo trạng nói, bị thu hồi đất nhưng không được bồi thường theo ý của mình, ông Lê Văn Hải lên mạng xã hội nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định.

Ngày 10/2, công an Quảng Trị bắt tạm giam ông Phan Bùi Bảo Thy, sinh năm 1971, Trưởng Văn phòng đại diện miền Trung - Tây Nguyên của báo Giáo dục & Thời đại tại Đà Nẵng.

Ông Thy bị bắt tạm giam vì hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân quy định tại Điều 331, theo thông báo.

Nguồn : BBC, 23/04/2021

*******************

Việt Nam có thật sự hợp tác với các tổ chức nhân quyền quốc tế ?

RFA, 22/04/2021

Cục trưởng Cục Đối ngoại Bộ Công an - Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Nhân quyền Chính phủ, Trung tướng Nguyễn Thanh Sơn mới đây khẳng Việt Nam chủ động hợp tác với các cơ quan, cơ chế nhân quyền Liên Hiệp Quốc.

tudo5

Hình ảnh một số nhà hoạt động đang bị chính quyền Việt Nam giam giữ. Courtesy The Project 88

Theo Bộ Công an, thời gian qua Việt Nam cũng thường tuyên truyền về nhân quyền, đồng thời trên các diễn đàn quốc tế Ha Nội cũng phản bác cáo buộc mà những tổ chức nhân quyền quốc tế hay Bộ ngoại giao nước khác nêu ra.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS đã tự giải thể, khi trả lời RFA từ Hà Nội hôm 22/4, nhận định :

"Họ (chính quyền) nói dối một cách lem lẻm như vậy thì thật sự cũng không có gì là lạ, từ xưa đến nay họ vẫn thế... Họ nói bậy như thế nào... những việc họ làm bậy như thế xong lại chối leo lẻo... nhưng xong lại nói rất là tốt, hợp tác rất ngon lành... Thì tôi nghĩ các tổ chức nhân quyền phải phản bác lại".

Đơn cử hôm 11/3/2020, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố Báo cáo xác định các vi phạm của Chính quyền Việt Nam trong các vấn đề bao gồm : bắt cóc, bắt giam người tùy tiện, tra tấn người bị bắt tạm giam, tình trạng đối xử bất công đối với các tù chính trị. Hạn chế nghiêm trọng nhất ở Việt Nam theo báo cáo chính là hạn chế các quyền tự do bao gồm tự do biểu đạt, tự do báo chí, tự do internet, và tự do tôn giáo. Hoa Kỳ cáo buộc chính quyền Việt Nam đã bắt giữ tùy tiện những người dám lên tiếng chỉ trích Chính phủ.

Khi đó Chính quyền Việt Nam lập tức cho rằng báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ sai sự thật, không thực tế...

Theo thống kê của Tổ chức The Project 88, một tổ chức phi lợi nhuận nhằm hỗ trợ và khuyến khích tự do ngôn luận ở Việt Nam, tính đến ngày 22/04/2021, tại Việt Nam đang có 256 nhà hoạt động có nguy cơ gặp rủi ro từ phía chính quyền.

Ngoài ra, có 239 nhà hoạt động đang bị giam giữ trong tù, trong đó có 83 nhà hoạt động là nữ giới và 64 nhà hoạt động dân tộc thiểu số... Những nhà hoạt động này bị bắt và kết án theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự 2015 với tội danh bị quy là "tuyên truyền chống nhà nước" hoặc Điều 331 Bộ Luật Hình sự 2015 về tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ".

tudo6

Ảnh minh họa chụp ngày 15/12/2020 cho thấy nhà văn Việt Nam Trần Đức Thạch trong phiên tòa xét xử tại tỉnh Nghệ An của Việt Nam, khi ông bị kết án 12 năm tù về tội âm mưu lật đổ chính quyền. AFP.

Trở lại với cam kết hợp tác với các Tổ chức nhân quyền quốc tế của Bộ công an Việt Nam, Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, một cựu tù nhân quyền, nhận định với RFA hôm 22/4 từ Sài Gòn :

"Về các cam kết của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam thì tôi cho rằng nó chỉ có tính hình thức. Còn thực trạng thì quyền con người đã bị hình sự hóa trong Bộ luật hình sự bằng những điều 109, 117, 331... Những điều này dẫn đến mâu thuẫn với những điều trong Bộ Luật Hình sự như điều 160 (tội xâm phạm quyền bầu cử ứng cử của người dân) ; điều 163 (xâm phạm quyền hội họp, lập hội) ; điều 167 (xâm phạm quyền tự do ngôn luận, biểu tình)... Đó là thực trạng thứ nhất".

Thực trạng thứ hai theo Nhà báo Nguyễn Ngọc Già là các tổ chức quốc tế lên tiếng không có sự ảnh hưởng mang tính chi phối, nên không có tính can thiệp vì chỉ là những tổ chức xã hội dân sự. Còn các tổ chức nhà nước Âu Mỹ thì quyền con người xảy ra xung đột với chủ quyền quốc gia, đồng thời nó gây ra bế tắc về đối ngoại. Tức là quốc gia này không được can thiệp nội bộ quốc gia khác. Vì vậy, những báo cáo từ Hoa Kỳ, Châu Âu chỉ có tính chất khuyến cáo, khuyến nghị. Do đó, theo Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, nó không mang tính chi phối hay quyết định để giảm bớt tình hình đàn áp nhân quyền ở Việt Nam hiện nay. Ông nói tiếp :

"Về hình thức thì nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam luôn nói tuân thủ hợp tác, đối thoại với Liên Hiệp Quốc, các tổ chức phi chính phủ, nhà nước khác trên thế giới để cải thiện nhân quyền... Nhưng tôi cho rằng chỉ là hình thức thôi, còn thực chất thì họ không muốn tạo tiền lệ cho người dân, dù bất cứ hình thức nào, họ không muốn người dân ‘lờn mặt’. Do đó việc mở rộng hay thu hẹp quyền con người ở Việt Nam thì nó là một ý đồ chính trị theo trào lưu và thời cuộc thôi. Thời cuộc hiện nay thì rõ ràng những ngày qua tình trạng bắt bớ, xâm phạm quyền con người rất nghiêm trọng. Qua thông điệp của nhà cầm quyền, thì tôi cho rằng thời cuộc hiện nay là khá phức tạp về đối nội đối ngoại... và có lẽ Bộ chính trị đang cần tập trung ứng phó, nên việc bắt bớ gia tăng... là dường như họ muốn cho nhẹ đầu hơn, để đối phó với những quốc đề quan trọng khác".

Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (Human Rights Committee), một cơ quan trực thuộc Liên Hiệp Quốc, trong báo cáo năm 2020 về việc thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của Việt Nam, đã cáo buộc Hà Nội "vi phạm công ước" khi nói về các đạo luật và thực hành liên quan đến tự do biểu đạt. Ủy ban cũng đã yêu cầu Việt Nam khẩn cấp thực hiện các biện pháp để thay đổi tình trạng này. Tương tự, Việt Nam lại phản bác lại cáo buộc này.

Ông Vũ Minh Trí, cựu quân nhân cấp tá, trước đây từng công tác tại Tổng cục 2, khi trả lời RFA hôm 22/4 từ Việt Nam, cho rằng thực tế đã chứng tỏ tất cả, rất nhiều người hoạt động nhân quyền ở Việt Nam không có vi phạm gì, chỉ đi đòi những quyền lợi chính đáng ví dụ như phản đối thu phí BOT trái quy định, chống tham nhũng... chứ không đòi thay đổi chế độ gì... mà bị bắt đưa vào tù.

Theo ông Trí, tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam tương đối phổ biến và đã kéo dài nhiều năm nay. Thế nên, những ý kiến của các tổ chức quốc tế rất xác đáng. Còn với phản hồi của Bộ Công an thì theo ông Trí, có thể coi là hết sức trơ tráo. Tuy nhiên ông Trí cho rằng cũng có mặt có chuyển biến tốt hơn :

"Tôi nghĩ tình hình đang diễn biến ngày càng tốt hơn, ví dụ như trường hợp của tôi, các vị lão thành nói nếu cách nay 20 năm thì có lẽ tôi đã bị bỏ tù hoặc bị giết... nhưng đến bây giờ tôi vẫn có thể trả lời đài... Như vậy có nghĩa rằng là cách đây 20 năm ở Việt Nam con người luôn bị kềm kẹp trong trạng thái sợ hãi. Như ở cơ quan tôi làm về tình báo, thì các cụ thường nói ‘sợ ta hơn cả sợ địch’... vì ‘địch’ bắt cùng lắm là chết, còn ‘ta’ mà nghi ngờ thì thật sự cực nhục không chỉ bản thân mà cả gia đình. Thế nhưng qua thời gian, số người dám cất tiếng nói, dám đấu tranh ngày càng nhiều, và hoạt động ngày càng mạnh dạn, quyết liệt, sáng tạo, hiệu quả hơn, dẫn dắt được nhiều người hơn... thì tôi nghĩ đó là chỉ dấu tốt hơn. Kể cả việc số người bị bắt vào tù ngày càng nhiều cũng cho thấy cuộc đấu tranh vì tự do, vì nhân quyền ở Việt Nam đang phát triển".

Ông Vũ Minh Trí cho biết ông rất nể phục những người dù bị sách nhiễu, đánh đập, nhưng vẫn tiếp tục đứng lên đấu tranh, không chỉ đấu tranh cho bản thân họ mà còn cho mọi người. Theo ông Trí, tự do nhân quyền đã là xu thế chung của thế giới, mọi người đều hướng tới, kẻ nào đi ngược xu thế đấy, thì càng chóng bị đào thải.

Nguồn : RFA, 22/04/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trần Hoàng, BBC tiếng Việt, RFA tiếng Việt
Read 779 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)