Đối tượng giúp 52 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép ở Vĩnh Phúc khai gì ?
Vì lợi ích kinh tế, Hạnh đã lén lút đón 52 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam rồi hướng dẫn họ tới lưu trú tại những căn nhà đã thuê sẵn ở thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Đối tượng Hạnh (áo vàng) tại Cơ quan điều tra. Ảnh : Công an
Liên quan đến đường dây đưa 52 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, Cơ quan Cảnh sát điều tra điều tra Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thị Hồng Hạnh (SN 1985, trú ở phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) về tội "Tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép" theo điều 348 Bộ luật hình sự.
Theo kết quả điều tra bước đầu, Công an tỉnh Vĩnh Phúc xác định trong khoảng thời gian từ đầu tháng 4 tới nay, đối tượng Nguyễn Thị Hồng Hạnh đã thuê 5 căn nhà trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên với giá từ 15 - 18 triệu đồng/tháng.
Tại Cơ quan Công an Hạnh khai nhận, trong thời gian đi xuất khẩu lao động tại Trung Quốc (từ 2009-2012), Hạnh có quen một người dân bản địa. Tới tháng 4/2021, người này liên hệ với Hạnh qua mạng xã hội đặt vấn đề nhờ thuê nhà cho người từ Trung Quốc sang ở. Từ ngày 22/4 đến ngày 2/5, người này liên lạc với Hạnh để đón những người Trung Quốc nhập cảnh trái phép đến ở trọ. Hạnh hướng dẫn chỉ đường cho nhóm người Trung Quốc đến các địa điểm đã chuẩn bị sẵn để lưu trú theo giá thỏa thuận từ trước.
Do biết rõ nhóm người Trung Quốc nhập cảnh trái phép nên Hạnh không thực hiện đăng ký tạm trú. Nhằm qua mặt cơ quan chức năng, Hạnh dặn dò những người Trung Quốc không ra khỏi nhà trọ, bản thân Hạnh trực tiếp cung cấp thực phẩm và các nhu yếu phẩm sinh hoạt hàng ngày, qua đó Hạnh cũng kiếm lời.
Trước đó, vào đêm 3/5, 39 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép bị phát hiện khi cư trú tại các phường Khai Quang và Liên Bảo (thuộc thành phố Vĩnh Yên). Tới sáng hôm sau (4/5), cơ quan chức năng tiếp tục phát hiện thêm 13 người Trung Quốc khác tại phường Liên Bảo.
C.Lê
*******************
Người Trung Quốc tiếp tục trốn sang Việt Nam vào mùa dịch Covid-19
RFA, 04/05/2021
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát ở Việt Nam vào đầu năm 2020 đến nay, cơ quan chức năng nước này liên tục phát hiện nhiều trường hợp nhập cảnh trái phép từ các nước láng giềng. Theo truyền thông trong nước, những người này chủ yếu là người Trung Quốc ‘nhập cảnh bất hợp pháp, trốn cách ly’ bằng đường bộ qua các tỉnh giáp biên giới, nhiều nhất là biên giới phía bắc.
Những người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam bị phát hiện. Courtesy Ministry of Public Security
Mới nhất là vào ngày 3/5, công an đã bắt giữ 52 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam và cư trú bất hợp pháp tại thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Ngay trong ngày 4/5, công an tỉnh Vĩnh Phúc đã bắt và khởi tố bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh về tội tổ chức môi giới cho người khác nhập cảnh vào Việt Nam trái phép. Còn 52 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép được đưa đi cách ly chờ trục xuất.
Trước đó, vào ngày 2/5, công an Hà Nội đã phát hiện 46 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép, thuê phòng ở chung cư thuộc quận Nam Từ Liêm. Cùng ngày, Công an quận Cầu Giấy cũng phát hiện 4 trường hợp người Trung Quốc nhập cảnh trái phép lưu trú tại phường Trung Hòa.
Thiếu tướng Tô Ân Xô – Chánh Văn phòng Bộ Công an cho báo chí nhà nước biết, các đối tượng người Trung Quốc nhập cảnh Việt Nam vì một số nguyên nhân như, tìm việc ở một số địa phương Việt Nam, đi du lịch và theo ông Xô đa số vào Việt Nam để sang Campuchia đánh bài.
Tin cho biết, sau khi những người Trung Quốc nhập cảnh trái phép hết thời hạn cách ly tập trung, Phòng quản lý xuất nhập cảnh tỉnh thành phố sẽ tiến hành trao trả những người Trung Quốc này cho phía biên phòng Trung Quốc.
Mới nhất là vào ngày 15/4/2021, lãnh đạo Phòng quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh Hải Dương cho báo chí biết vừa phối hợp với lực lượng chức năng tại Lạng Sơn bàn giao 6 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam cho phía Trung Quốc tiếp quản.
Liệu việc xử lý như vậy có đủ sức răn đe trong bối cảnh nguy cơ bùng phát lan rộng dịch Covid-19 tại Việt Nam ? Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, khi trả lời RFA hôm 4/5 từ Hà Nội cho biết ý kiến của mình :
"Đối với người các nước nhập cảnh vào cũng cần có hình thức xử phạt để mang tính răn đe, người tiếp theo không còn làm hành vi đó nữa. Kể cả việc xử phạt tù trong một phạm vi nhất định, trong một khung pháp luật nhất định, thì cũng là cần thiết để đảm bảo tính an ninh trước tình hình Covid có thể nặng như kiểu ở Ấn Độ, có thể là thảm họa quốc gia".
Tại Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương diễn ra vào ngày 29/12/2020, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, trong năm 2020 có khoảng 14.000 người Việt Nam xuất, nhập cảnh bất hợp pháp. Còn theo Thiếu tướng Tô Ân Xô – Chánh Văn phòng Bộ Công an, hiện có 27/63 tỉnh thành của Việt Nam có người Trung Quốc nhập cảnh trái phép.
Để tìm hiểu thêm về mặt pháp luật, RFA hôm 4/5 liên lạc Luật sư Đặng Đình Mạnh, thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, và được ông giải thích về vấn đề này :
"Hiện tại, luật pháp Việt Nam chế tài đối với người có hành vi tổ chức, môi giới xuất nhập cảnh trái phép rất nghiêm khắc. Hình phạt cao nhất có thể lên đến 15 năm tù và phạt tiền đến 50 triệu đồng (điều 348 Bộ luật Hình sự). Thế nhưng, với hành vi nhập cảnh trái phép thì sự chế tài lại khá nhẹ nhàng. Hình phạt cao nhất chỉ đến 3 năm tù hoặc phạt tiền 50 triệu đồng mà thôi (điều 347 Bộ luật Hình sự).
Trong khá nhiều trường hợp xử lý người nhập cảnh trái phép, thì chính quyền thường chọn hình thức chế tài bằng phạt tiền rồi trục xuất. Rõ ràng, với cách thức chế tài như vậy không đủ sức răn đe đối với người có ý định nhập cảnh trái phép vào Việt Nam trong hoàn cảnh dịch cúm Covid-19 đang lan mạnh ở các nước có chung đường biên giới với Việt Nam.
Thế nên, với hành vi phạm pháp luật này, tôi nghĩ đã đến lúc chính quyền phải có cách thức xử lý "mạnh tay" hơn để bảo đảm có đủ sức răn đe. Mặt khác, để bảo vệ hữu hiệu sức khỏe người dân trong nước".
Chưa kể số người Trung Quốc nhập cảnh trái phép mà công an Việt Nam chưa phát hiện, tình trạng người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam và bỏ trốn tại khu cách ly vào khi Việt Nam đang ghi nhận nhiều ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng khiến việc kiểm soát dịch gặp nhiều khó khăn. Nhiều địa phương khác như Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh trong ngày 3/5 cũng đã thông báo truy tìm những người Trung Quốc bỏ trốn khỏi khu cách ly.
Ông Trần Bang, một người bất đồng chính kiến khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, liên quan vấn đề này tỏ vẻ nghi ngờ việc người Trung Quốc nhập cảnh trái phép sẽ bị xử phạt nặng để răn đe :
"Có khởi tố hay không thì mình cũng chịu, cái đấy là do chủ quan của nhà nước cộng sản Việt Nam, và mối quan hệ với cộng sản Trung Quốc. Như trước đây có vụ bắt mấy chục người Trung Quốc ở Hải Phòng, thì họ lại trả về Trung Quốc, các vụ khác cũng vậy... Không có mấy khi mà họ xét xử hay truy tố tại Việt Nam".
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp vào năm 2020, nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 2/8/2020 có đưa ra yêu cầu khởi tố tất cả trường hợp nhập cảnh và lưu trú trái phép tại Việt Nam. Dẫn ý kiến của các chuyên gia về khả năng đợt bùng phát dịch khi đó do yếu tố lây nhiễm từ bên ngoài Việt Nam, ông Phúc yêu cầu các Bộ Y tế, Quốc phòng, Công an... và các địa phương tăng cường quản lý khu vực biên giới, quản lý chặt chẽ việc nhập cảnh trái phép qua các đường mòn, lối mở.
Tuy nhiên nhiều chuyên gia pháp luật khi đó cho rằng, yêu cầu này của ông Phúc vừa đúng lại vừa sai. Đúng vì yêu cầu này là hết sức cần thiết, nhất là trong giai đoạn bùng phát lại dịch Covid-19 như khi đó. Nhưng ở góc độ pháp lý, yêu cầu này sai về thẩm quyền và mức độ xử lý. Bởi lẽ, Thủ tướng, người đứng đầu các cơ quan hành pháp không có thẩm quyền yêu cầu xử lý hình sự, vì thẩm quyền xử lý hình sự thuộc về các cơ quan tư pháp mà cụ thể là các cơ quan tiến hành tố tụng như cảnh sát điều tra, viện kiểm sát và tòa án...
Giáo sư Đặng Hùng Võ cho biết thêm ý kiến của mình :
"Cách xử lý đối với người trong nước và người nước ngoài nhập cảnh trái phép thì nên được xem xét thật chi tiết tại Quốc hội. Và Quốc hội có thể ban hành một Nghị quyết để xử lý các trường hợp này cho bảo đảm tính thống nhất. Chứ hiện nay thì căn cứ pháp lý để xử lý thì vẫn cứ vận dụng vào góc này góc kia của luật này luật khác, nên cách xử lý vẫn chưa được tốt. Người Trung Quốc thì từ phía bắc, còn hiện nay việc bùng nổ Covid tại Lào và Campuchia... nhất là tình trạng nhập cảnh trái phép giữa Campuchia với phần phía nam của Việt Nam... thì theo tôi là nguy cơ Covid bùng phát ở Việt Nam, có thể mang lại hậu quả khó kiểm soát hơn".
Do đó, Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng, Quốc hội cần ra một Nghị quyết riêng về vấn đề này, nhưng không chỉ đối với người Trung Quốc hay nhập cảnh trái phép với nhóm lớn, mà Quốc hội còn phải nhắm đến nguy cơ dịch bệnh đối với người Việt và người Campuchia nhập cảnh trái phép. Đây là vấn đề theo Giáo sư Đặng Hùng Võ là cấp bách cần xem xét xử lý.