Hội Nhà báo Việt Nam siết chặt quy định sử dụng mạng xã hội với nhà báo (RFA, 25/12/2018)
Ngày 25/12, Hội Nhà báo Việt Nam đã công bố Quy tắc sử dụng mạng xã hội của nhà báo với những quy định siết chặt việc sử dụng mạng xã hội để đưa các thông tin bị cho là trái với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi phát biểu tại Họp báo công bố Quy tắc sử dụng mạng xã hội ở Hà Nội hôm 25/12/2018 - Photo : RFA
Bộ Quy tắc gồm 3 chương, 7 điều còn cấm một số các hành vi khác như cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng trái các quy định về bảo mật dữ liệu, tài liệu, bảo vệ bí mật thông tin riêng ; bình luận, nhận xét, chia sẻ các thông tin có mục đích kích động, lôi kéo người khác phản ứng tiêu cực về các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại… có yếu tố phức tạp, nhạy cảm… ; thông tin các vụ việc chưa được kiểm chứng, gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ…
Phát biểu tại buổi công bố bộ Quy tắc, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cho biết, sau khi hội ban hành 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, nhiều nhà báo đánh giá cao nội dung đưa ra trong quy định. Tuy nhiên có ý kiến quan tâm đến điều 5 của Quy định về chuẩn mực và trách nhiệm tham gia mạng xã hội. Ông Lợi nói nhiều nhà báo - hội viên đã bị chi phối bởi áp lực tin bài, áp lực thời gian, đã bỏ qua khâu xác thực thông tin, gây hệ luỵ khôn gnhor tới sự ổn định của xã hội, làm suy giảm lòng tin với báo chí và đạo đức nhà báo.
Hồi năm 2016, Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành 10 điều quy định về đạo đức nhà báo trong đó ngoài điều 5 nói vắn tắt về việc nhà báo phải có trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội, điều 1 của quy định này còn yêu cầu nhà báo phải trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam.
Ông Nguyễn Ngọc Vinh, Thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ và tờ Thông báo kỷ luật của Tuổi Trẻ, cơ quan truyền thông trực thuộc Thành đoàn Thành Phố Hồ Chí Minh. RFA edit
Thời gian qua, một số nhà báo ở Việt Nam đã bị kỷ luật vì liên quan đến các bài viết hoặc nội dung đăng trên mạng xã hội Facebook. Điển hình nhất gần đây là trường hợp của nhà báo Nguyễn Ngọc Vinh, Thư ký toà soạn báo Tuổi Trẻ. Hôm 12/8/2018, ông Vinh viết trên trang Facebook cá nhân là ông bị tờ báo này "Xem xét kỷ luật vì các bài đăng trên Facebook". Ông Vinh cho biết ông bị cáo buộc đưa "thông tin không đúng sự thật, đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức danh dự và nhân phẩm của cá nhân". Bên cạnh đó, bài viết của ông trên mạng xã hội về Tổng Bí thư đảng Cộng sản bị cho là có "dấu hiệu đưa thông tin gây chia rẽ vùng miền, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc".
Nói với Đài ACTD sau đó ông Vinh cho biết những cáo buộc này là quy chụp, thiếu chứng cứ, và việc cáo buộc ông vi phạm 10 điều đạo đức của nhà báo là thiếu thuyết phục.
Trước đó, vào năm 2015, một nhà báo khác là nàh báo Đỗ Hùng, Phó tổng thư ký toà soạn báo Thanh Niên Online, đã bị thu hồi thẻ nhà báo vì một dòng trạng thái viết trên Facebook toàn dấu sắc nhân ngày Quốc khánh 2/9, bị coi là đả kích và xuyên tạc về ngày này, giễu cợt các lãnh tụ là Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến tháng 7 năm 2018, Việt Nam đã cấp thẻ nhà báo cho khoảng hơn 19.000 nhà báo, bao gồm cả cấp mới và cấp lại. Số lượng cơ quan báo chí được cấp phép hoạt động là hơn 900.
Dù các toà báo đều có Tổng biên tập, nhung tất cả các cơ quan báo chí được cấp phép đều phải chịu sự kiểm duyệt về nội dung của Ban Tuyên giáo Trung ương.
Báo cáo thường niên về tự do báo chí toàn cầu công bố hồi tháng 4/2018 của Tổ chức Phóng viên Không Biên giới xếp Việt Nam vào hạng 175 trên tổng số 180 quốc gia, tức là không có tự do báo chí.
********************
Phát hiện sai phạm ở dự án đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, Phó trưởng ban đi nước ngoài không phép (RFA, 25/12/2018)
Thông tin 52/173 cán bộ Ban Quản lý đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh (MAUR) đã nghỉ, nộp đơn nghỉ việc cùng với ông Hoàng Như Cương, Phó trưởng ban này tự ý ra nước ngoài không xin phép gây xôn xao dư luận những ngày qua.
Tuyến Metro 1 Bến Thành - Suối Tiên ở TP Hồ Chí Minh - Courtesy Zing.vn, RFA edit
Mạng báo Thanh Niên ngày 25/12 dẫn thông tin từ cơ quan có trách nhiệm cho biết, ông Hoàng Như Cương là Phó trưởng MAUR được xác định "đã đi nước ngoài việc riêng khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép" vào khoảng giữa tháng 12/2018, đến nay chưa về.
Trước khi đột ngột đi nước ngoài, ông Cương có đơn xin nghỉ việc.
Theo quy định của UBND Thành phố Hồ Chí Minh, công chức, viên chức đi nước ngoài, cán bộ lãnh đạo hàng giám đốc, phó giám đốc sở, người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu các cơ quan ngang Sở do UBND Thành phố Hồ Chí Minh quản lý theo thẩm quyền, nếu muốn đi nước ngoài (kể cả việc công và việc riêng), phải làm hồ sơ trình Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh xem xét, quyết định.
Sáng 25/12, Kiểm toán nhà nước cũng công bố báo cáo kiểm toán dự án Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, trong đó chỉ rõ sai phạm của ông Hoàng Như Cương - phó trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị - khi phê duyệt điều chỉnh dự án là trái thẩm quyền.
Bởi ông Cương chỉ là cấp phó, không có thẩm quyền điều chỉnh tổng mức đầu tư và quy mô của dự án quan trọng quốc gia.
Còn theo báo Tuổi trẻ online, từ tháng 7/2016 đến tháng 11/2018 có tới 45 người trên tổng số 173 người ban này nghỉ việc. Trong số đó có 5 lãnh đạo phòng ban, 37 chuyên viên và thêm 3 người nghỉ do tinh giản biên chế.
Cùng với đó, một số lãnh đạo khác của MAUR đã nộp đơn xin nghỉ việc nhưng chưa được chấp thuận như ông Lê Nguyễn Minh Quang - trưởng ban Ban Quản lý đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh - cũng đã 2 lần xin nghỉ việc.
Ban Quản lý đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh được xem là "siêu ban" khi được giao quản lý, đầu tư 8 tuyến đường sắt đô thị của Thành phố Hồ Chí Minh với tổng vốn hàng trăm ngàn tỉ đồng. Trong đó chỉ riêng tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đã có vốn đầu tư hơn 47.000 tỉ đồng.
Hồi cuối tháng 11/2018, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam - ông Umeda Kunio gửi thư tới Thủ tướng, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo các bộ, ngành liên quan bày tỏ quan ngại về tiến độ triển khai, cấp vốn cho dự án tuyến metro số 1.
Trong lá thư, Đại sứ Kunio cho biết hiện số tiền chậm thanh toán cho nhà thầu thi công và nhà thầu tư vấn tại dự án đã lên đến hơn 100 triệu USD (tính đến ngày 16/11).
Ông cho rằng áp lực lên các nhà thầu cũng đã đến mức giới hạn, đồng thời nêu quan ngại rằng nếu đến cuối tháng 12 mà các vấn đề này không được giải quyết, dự án sẽ buộc phải ngừng thi công.