Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

17/03/2017

Liên Hiệp Quốc : Đặc biệt lo ngại về nạn xâm hại trẻ em ở Việt Nam

BBC tiếng Việt

Liên Hiệp Quốc ra thông cáo bày tỏ lo ngại 'nghiêm trọng' trước 'cường độ' của các vụ xâm hại trẻ em ở Việt Nam.

Trong thông cáo ra hôm 17/03, Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh : "Mọi trẻ em có quyền sống mà không chịu bạo lực, lạm dụng và bị bóc lột".

"Tuy hoan nghênh động thái của Chính phủ Việt Nam trong việc điều tra các vụ việc liên quan đến lạm dụng tình dục trẻ em gần đây, Liên Hiệp Quốc vẫn hết sức lo ngại rằng lạm dụng trẻ em xảy ra trên diện rộng và đa số các vụ việc không được báo cáo hoặc không được chính quyền xử lý một cách đầy đủ ngay cả khi đã được báo cáo".

Liên Hiệp Quốc ước tính cứ bốn trẻ ở Việt Nam thì có một em là nạn nhân của tình trạng lạm dụng và có ít nhất 1.300 trường hợp được báo cáo mỗi năm, tuy nhiên, trên thực tế con số còn lớn hơn nhiều và vì nhiều nguyên do, hiện vẫn không có con số chính thức.

Một trong những lý do, theo chuyên gia bảo vệ trẻ em của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) nói trong Bàn tròn thứ Năm của BBC Tiếng Việt, là văn hóa, nhận thức và sự lo ngại không nhận được sự hỗ trợ.

lhq1

Trẻ em Việt Nam 'cần được bảo vệ' và có 'quyền sống mà không chịu bạo lực, lạm dụng và bị bóc lột', theo Liên Hiệp Quốc

"Nhiều người không muốn báo cáo, thừa nhận xâm hại tình dục ở trẻ em do văn hóa, do gia đình còn e ngại, sợ bị chỉ trích, kỳ thị, xấu hổ, nghĩ rằng có báo thì cũng không nhận được sự hỗ trợ hay đáp ứng cần thiết, vì vậy báo cáo số liệu chưa đầy đủ".

Ngoài ra, Luật bảo vệ trẻ em mới sẽ có hiệu lực vào tháng 6/2017, nhưng các văn bản hướng dẫn, nghị định, thông tư, vẫn đang được xây dựng, "nên một số cơ quan tổ chức có chức năng nhiệm vụ bảo vệ trẻ em nói rằng họ vẫn lúng túng trong việc cụ thể nhiệm vụ là gì, thực hiện như thế nào, quy trình là gì" bà Nguyễn Thị Y Duyên từ UNICEF nói.

Áp lực dư luận

lhq2

Ảnh minh họa - HOANG DINH NAM/AFP/GETTY IMAGES

Phản hồi ý kiến của độc giả theo dõi chương trình thảo luận trực tuyến của BBC Tiếng về áp lực dư luận khiến một số vụ việc gần đây được các quan chức cấp cao chỉ đạo giải quyết, Luật sư Lê Thành Kính cho rằng luật đã có, và các cơ quan điều tra ở cấp quận, huyện đã có thẩm quyền và chức năng để thực hiện điều tra và giải quyết, không cần phải chờ cho tới khi có chỉ đạo của chính phủ.

Ông Lê Thành Kính, trưởng Văn phòng Luật Lê Nguyễn từ thành phố Hồ Chí Minh, là luật sư bảo vệ cho cựu ca sỹ người Anh Gary Glitter, người từng bị kết án tù ở Việt Nam năm 2006 do có hành vi dâm ô với trẻ em.

So sánh với Pháp, nơi chuyên gia tâm lý lâm sàng Demenet-Trần Nhi đang sống và làm việc, chị cho biết, "hiếm khi cần tới tận Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xử lý một vụ việc mang tính chất pháp luật mà đã có pháp luật quy định rõ ràng".

"Với một số trường hợp xâm hại trẻ em nhạy cảm hơn như liên quan tới yếu tố tôn giáo thì có sự can thiệp của các cơ quan chức năng liên quan tới tôn giáo để giúp điều tra và đẩy xa hơn quá trình xử lý".

Luật sư Lê Thành Kính nhận xét rằng tình trạng xâm hại trẻ em ở Việt Nam rất "đáng báo động", và đã được nhắc đến từ nhiều năm nay, nhưng các cơ quan xử lý "rất chậm".

Bên cạnh đó, tuy mức hình phạt quy định trong luật khá nặng, nhưng khi xét xử, "việc trừng phạt chưa đủ sức răn đe với những người có ý định hay có hành vi phải sợ".

Trả lời câu hỏi của khán giả theo dõi chương trình Bàn tròn thứ Năm về việc người báo cáo trường hợp xâm hại cảm thấy 'bị bỏ rơi, không ai giúp đỡ', Luật sư Kính cho đây là ý thức của những người có trách nhiệm trong giải quyết vấn đề.

"Nhiều khi chúng ta gọi đến không có người nghe máy, họ bắt làm bản tường trình, hỏi có chứng cứ gì không. Đây là việc mà nhất là ở những vùng nông thôn rất khó để giải thích được một cách rõ ràng vấn đề mà con cái họ bị xâm hại tình dục thì họ đòi phải có chứng cứ.

"Việc tìm ra nhân chứng, vật chứng đối với loại tội phạm này không dễ nên nếu chậm một ngày nào thì việc xử lý gặp khó khăn rất nhiều, thì đây là ý thức của những người xử lý vấn đề này".

'Cơ thể trẻ là của trẻ'

lhq3

Ảnh minh họa - HOANG DINH NAM/AFP/GETTY IMAGES

Để ngăn ngừa xảy ra tình trạng xâm hại, chuyên gia tâm lý học lâm sàng từ Paris cho rằng, trước tiên phải đầu từ gia đình, và bắt đầu từ rất sớm và hàng ngày.

"Chúng ta không thể đấu tranh công bằng cho trẻ khi trẻ đã là nạn nhân rồi mà cha mẹ và nhà trường cần giúp trẻ hiểu quyền của mình, biết bảo vệ mình khi cần thiết, thậm chí là lên tiếng cho người khác, và không xâm hại trẻ khác".

"Phương châm chính mà gia đình và nhà trường cần truyền tải cho trẻ trong trường hợp này là trẻ cần hiểu được cơ thể của trẻ thuộc về trẻ, cha mẹ có thể giúp chăm sóc và phát triển cơ thể này lành mạnh nhất thôi, chứ cha mẹ hay người lớn không có quyền năng, quyền lực lớn hơn trẻ".

"Phải bắt đầu bằng cách chính cha mẹ tôn trọng cơ thể của con trong cách chăm sóc con cái hàng ngày từ tấm bé, luôn phải giải thích trước cho trẻ trước khi chạm vào vùng kín, cả bác sỹ, nhà trường, thầy cô giáo cũng vậy".

"Cha mẹ cũng cần tôn trọng cơ thể của cha mẹ, và để trẻ hiểu khái niệm về riêng tư thì cha mẹ cũng phải tôn trọng khái niệm riêng tư".

Một yếu tố đặc biệt quan trọng nữa, là việc xây dựng lòng tin của trẻ thông qua việc tôn trọng lời nói, để khi có vấn đề xảy ra thì trẻ có thể chia sẻ và kêu cứu, chuyên gia tâm lý Demenet-Trần Nhi nói trong thảo luận.

Thông cáo của Liên Hiệp Quốc về tình trạng xâm hại trẻ em ở Việt Nam nhấn mạnh : "Củng cố hệ thống để bảo vệ trẻ em ở Việt Nam quan trọng sống còn để bảo vệ trẻ em khỏi mọi hình thức bạo lực, lạm dụng và bị khai thác, trong đó có cả việc đào tạo cho nhân viên xã hội ở mọi cấp, cũng như đảm bảo khả năng được hưởng công lý một cách dễ dàng và có những biện pháp hiệu quả và hỗ trợ đặc biệt cho nạn nhân, chứ không chỉ là phản ứng trước các trường hợp sau khi đã xảy ra xâm hại, mà là ngăn chặn trước khi nó xảy ra".

Liên Hiệp Quốc khuyến khích bất kỳ ai là nạn nhân hay nhân chứng liên hệ tới Đường dây nóng bảo vệ trẻ em ở Việt Nam : 1800 1567 để được hỗ trợ.

Nguồn : BBC tiếng Việt, 17/03/2017

**************************

Việt Nam tăng cường biện pháp bảo vệ trẻ em (RFA, 17/03/2017)

lhq4

Các bé mẫu giáo vui Tết Trung Thu tại một lễ hội ở Hà Nội hôm 23/9/2015. AFP photo

Bộ Giáo dục-Đào tạo Việt Nam được chỉ đạo tăng cường các giải pháp phòng, chống bạo lực và xâm hại trẻ em.

Văn phòng Chính phủ trong ngày 17 tháng 3 có văn bản truyền đạt yêu cầu trên của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Đồng thời ông Vũ Đức Đam cũng yêu cầu Bộ Giáo dục-Đào tạo cần phải hướng dẫn kỹ năng và có các biện pháp giúp trẻ em cùng học sinh nhận thức để tránh bị xâm hại.

Chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mới ban hành trong bối cảnh tệ trạng trẻ em Việt Nam bị xâm hại tình dục được cho là ở mức báo động đỏ.

Theo báo cáo vừa công bố của Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó Bạo lực Giới tại Việt Nam (GBVNet), mỗi năm khoảng 1000 em nhỏ bị xâm hại tình dục ở Việt Nam.

Hồi 2015, báo cáo của Tổ chức Nhân đạo Quốc tế cũng viết rằng trong số 10 em nhỏ tại Hà Nội, có 8 em từng là nạn nhân của các vụ xâm hại.

Trong những ngày qua, dư luận phẫn nộ xoay quanh 3 vụ trẻ em bị xâm hại tình dục ở Vũng Tàu, Sài Gòn và Hà Nội. Thông tin mới nhất mà chúng tôi ghi nhận được, nghi phạm Cao Mạnh Hùng vừa bị bắt trong vụ xâm hại tình dục trẻ tại Hà Nội và Cơ quan Cảnh sát Điều tra thành phố Vũng Tàu khởi tố ông Nguyễn Khắc Thủy về tội "dâm ô trẻ em".

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: BBC tiếng Việt
Read 801 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)