I. "Con trai có gì mà sợ"
Không có thống kê cụ thể, nhưng theo báo cáo từ các tổ chức hỗ trợ cộng đồng sống chung với HIV thì trẻ em trai bị xâm hại tình dục nhiều hơn những gì được biết trên truyền thông đại chúng rất nhiều. Đặc biệt, nó tập trung ở nhóm trẻ LGBT.
AFP
Trong các diễn đàn chung hay các hội nghị tổng kết hoạt động phòng chống HIV, rất nhiều nhóm hỗ trợ cộng đồng trên cả nước đã phải kêu lên xót xa về tình trạng nhiễm HIV ngày càng trẻ hóa.
Khoảng bốn năm trước, những trường hợp phát hiện có HIV khi chỉ mới 15 tuổi còn là hiếm hoi. Nhưng đến năm ngoái, với vụ con quỷ ấu dâm Huỳnh Đắc Cường ở Quảng Nam bị bắt vì chuyên dụ dỗ trẻ em trai để quan hệ tình dục hoặc cưỡng hiếp, dư luận được biết có những bé trai đã có quan hệ tình dục lần đầu khi mới 12, 13 tuổi. Thậm chí có thể nhỏ hơn.
Nhưng không ít cha mẹ vẫn thờ ơ với tình trạng này vì quan niệm"con trai thì mất gì mà sợ".
Hươu muốn chạy, không phải lỗi tại hươu
Trẻ em trai thuộc nhóm LGBT nhỏ tuổi thường bị xâm hại tình dục ở độ tuổi cấp hai (tuổi dậy thì) và bắt đầu có tò mò, khám phá về cơ thể. Người xâm hại các em, như trong nhiều vụ án trong quá khứ - có thể là thầy giáo trong trường vì những người này thường xuyên tiếp xúc và hiểu rõ về tâm lý, xu hướng tính dục của các em. Nhưng phổ biến hơn cả là những bạn tình mà các em chỉ gặp một vài lần trên con đường tìm hiểu bản dạng giới và xu hướng tính dục trong khi không có sự hướng dẫn đúng đắn.
Nếu một bé gái mười mấy tuổi theo đàn ông vào nhà nghỉ khách sạn, ít nhiều thế nào cũng có người lưu ý, để tâm quan sát và tìm hiểu mối quan hệ. Nhưng ông chú dắt vài chú bé về nhà, vào khách sạn, ra công viên, hồ bơi, phòng tập gym, sauna, rạp chiếu phim, hay thậm chí WC công cộng trong các trung tâm thương mại lớn… thì hầu như không ai để ý cả. Thế mà đó lại chính là cách thức mà hoạt động này diễn ra.
Các chú bé lưng vẫn đeo cặp sách, mặc đồng phục học sinh rõ bảng tên trường đang theo sau một người đàn ông tuổi chú bác bước ra khỏi trung tâm thương mại có thể chính là đang rời đi sau một vụ xâm hại tình dục chớp nhoáng.
Cho dù có sự đồng thuận từ phía trẻ em (người dưới 16 tuổi) trong những mối quan hệ tình dục này thì với tính chất đặc biệt của tội phạm đối với trẻ em, đó vẫn là xâm hại tình dục trẻ em và phải bị trừng phạt.
Nhưng do đặc điểm của cộng đồng LGBT giấu rất kín các mối quan hệ như vậy với người ngoài cộng đồng (đặc biệt giấu kín với cha mẹ, người thân) cộng với sự đồng tình của chính nạn nhân nên thường nó không bị phát hiện sớm. Thậm chí tỷ lệ phản kháng và tố cáo khi hành vi xâm hại đi kèm với bạo lực cũng thấp hơn hẳn so với nhóm các bé gái bị xâm hại.
Do pháp luật Việt Nam chưa thực sự thừa nhận quyền của người LGBT, cùng với thói quen kỳ thị bắt nguồn từ sự thiếu kiến thức- đặc biệt ở các vùng quê, nhiều nạn nhân nhỏ tuổi khi bị xâm hại tình dục đã tìm mọi cách giấu kín. Các em sợ bị nhận ra là có xu hướng tính dục đồng giới, bị chế nhạo, chửi rủa "hư sớm", "con nít mới nứt mắt đã làm chuyện quan hệ bậy bạ". Nhất là khi các em lại còn tham gia quan hệ tình dục tập thể. Các em sợ sệt cho bản thân, cho gia đình, cho cả họ hàng. Ở quê, nơi các mối quan hệ thường đóng kín trong chòm xóm, họ hàng… dư luận rất nặng. Cha mẹ có thể đuổi con cái LGBT ra khỏi nhà vì cho rằng đó là lối sống biến thái, bệnh hoạn.
Các em học sinh thắp nến tại một chương trình vận động hiểu biết về HIV/AIDS ở Hà Nội hôm 27/11/2011 (minh họa). Reuters
Những miếng mồi thối rữa phủ mật
Cạnh đó, nhóm LGBT thường không muốn các vấn đề của cộng đồng mình bị đem ra công khai trong xã hội, mà như đã nói - mà hệ thống pháp luật vẫn thiên về các vấn đề của nhóm dị tính. Họ sợ cộng đồng mình vốn đã bị kỳ thị nên nếu xã hội biết rõ về những tệ nạn xảy ra trong giới thì sẽ còn bị kỳ thị hơn.
Nhưng nhu cầu tìm hiểu và thực hành tính dục lại là bản năng của con người. Với sự hỗ trợ của công nghệ, việc tìm và thỏa mãn nhu cầu tình dục với lứa tuổi dậy thì dễ dàng gấp bội lần so với các thế hệ trước.
Chỉ cần đăng nhập vào một ứng dụng kết bạn (thực chất là tìm bạn tình) dành riêng cho cộng đồng LGBT, các chú bé đã có thể được rất nhiều người đồng giới lớn tuổi vây quanh.
Ứng dụng cho phép ẩn danh và sử dụng hình ảnh tùy ý nên nhiều người không sợ bị phát hiện hành vi này.
Trên ứng dụng này cũng có rất nhiều tư vấn viên của các tổ chức hỗ trợ cộng đồng chống HIV. Vì công việc, họ cố tập tành để có thể hình đẹp, gìn giữ ngoại hình bắt mắt để thu hút các em trai trẻ và nhỏ chú ý đến mình, từ đó tiếp cận làm quen và tư vấn phòng/điều trị bệnh. Nhưng các con quỷ ấu dâm cũng dùng cách này, và nhiều kẻ dùng hình ảnh giả, lý lịch giả mạo toàn bộ.
Con quỷ ấu dâm Huỳnh Đắc Cường ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam bị phát hiện đã dụ dỗ, cưỡng hiếp và cố tình lây nhiễm HIV cho sáu trẻ LGBT bằng các hoạt động trên ứng dụng này. Các nạn nhân nhỏ nhất mới 12, 13 tuổi, lớn nhất chỉ 15 tuổi. Cường dùng các hình ảnh trai đẹp, sáu múi, lối sống giàu có… để tiếp cận và tỏ ra đồng cảm với những bé trai đang lần đầu dùng mạng xã hội. Hắn hứa hẹn làm anh em kết nghĩa, tri âm tri kỷ, chở đi chơi bằng xe hơi riêng, hứa cho tiền, card điện thoại, tiền ăn, tiền mua sắm… Sau khi con mồi đồng ý gặp, hắn dụ vào nhà nghỉ dùng Popper hít để kích thích và khóa trái cửa cưỡng ép, hãm hiếp.
Huỳnh Đắc Cường đã bị bắt vì các hành vi trên. Nhưng nếu người xâm hại không dùng bạo lực, không lây nhiễm HIV và các bệnh lây qua quan hệ tình dục khác (bằng cách dùng bao cao su) mà chỉ dụ dỗ sử dụng chất kích thích, đồng thời rất chiều chuộng và khiến các bé cảm thấy "an toàn" thì vụ việc sẽ gần như không bao giờ bị lộ. Đặc biệt nếu thủ phạm có ngoại hình dễ nhìn và bề ngoài sạch sẽ.
Trong cộng đồng người đồng tính nam từng lan truyền khá nhiều cái tên đồng tính nam đẹp trai, có nghề nghiệp ổn định, thậm chí "sang trọng", bề ngoài rất lịch lãm trí thức, nhưng lại cố tình lây nhiễm HIV cho nhiều người kể cả trẻ em, qua quan hệ tình dục.
Với nhóm trẻ em đường phố, do kiến thức và thực tế cuộc sống vỉa hè nên nhiều em vốn đã xem bán thân là một nghề nghiệp để kiếm tiền. Quan niệm này không phụ thuộc vào việc em có thuộc nhóm LGBT hay không.
Nhiều năm trước, một tổ chức phi chính phủ chuyên cứu giúp trẻ em gái bị xâm hại tình dục đã trực tiếp điều tra và phát hiện các đường dây môi giới mại dâm với trẻ em trai. Một người trong tổ chức này thủ vai "thương gia đứng giàu có, người Singapore gốc Việt" đã rất dễ dàng bắt được mối, thậm chí có thể rủ hẳn một đám trẻ em trai bán dâm tập thể ngay trong khách sạn, nhà nghỉ.
Ngày càng nhiều người nước ngoài đến du lịch, sinh sống (ngắn hoặc dài hạn) ở Việt Nam. Họ thuê nhà riêng hoặc chung cư, có khi treo bảng dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em. Nhưng việc làm tốt này cũng đã từng bị sử dụng làm vỏ bọc cho hoạt động xâm hại tình dục với trẻ.
So với bé gái, bé trai bị xâm hại cũng khó phát hiện hơn do các tổn thương thường dễ che giấu hơn.
Vì thế, xác định nạn nhân bị xâm hại tình dục là trẻ em trai khó khăn hơn gấp bội so với các vụ án tương tự mà nạn nhân là trẻ em gái.
Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, chỉ riêng trong 10 tháng đầu năm 2022 đã phát hiện hơn 9.000 ca nhiễm HIV mới. Đường lây chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn và trở thành đường lây chính qua các năm. Hiện tỷ lệ này lên tới 80%. Tỷ lệ người nhiễm HIV ở nhóm người dưới 30 tuổi ngày càng tăng, hiện đã chiếm hơn 50%.
Con số trên còn thấp hơn thực tế. Vì đó chỉ là thống kê được khi trẻ đã chịu đi xét nghiệm. Còn số trẻ đã quan hệ tình dục với người có HIV sau đó giấu biệt nhân thân và tung tích thì không thể tính được. Qua tư vấn cộng đồng, các nhóm hỗ trợ đều biết điều này. Nhưng ngoài việc cố sức tìm, an ủi, động viên các em đi xét nghiệm để điều trị bệnh… họ cũng không thể làm gì khác.
AFP
II. "Sóng ở đáy sông"
Trường phổ thông cơ sở tổ chức buổi tư vấn với giáo viên tâm lý. Chủ yếu tư vấn các vấn đề tâm lý lứa tuổi học trò, đặc biệt các dạng kéo bè kéo đảng đánh bạn vì ghen tị bạn xinh hơn mình/vì người iu của bạn lại là crush của mình/nên tìm đến bạn bè thầy cô cha mẹ khi gặp bế tắc, đừng nghĩ quẩn tự tử vân vân. Các dạng bạo lực học đường này hầu như đứa học trò nào cũng từng chứng kiến. Dự phòng tình hình vậy thôi với lại phải tuân thủ chương trình ngoại khóa của Phòng giáo dục, chứ mấy năm nay trường cũng yên lành, không có gì xảy ra.
Cuối buổi, một con nhóc lớp tám viết giấy xin gặp riêng thầy tâm lý.
Chuyện cũng chẳng có gì. Con bé đang quen một anh bạn trai kia. Lớn rồi, làm công nhân. "Ảnh cũng thương con lắm thầy".
Nhưng, "Ảnh đòi con mua điện thoại. Con phải gom hết tiền để dành, mượn thêm bạn nữa. Xong ảnh lại đòi con cho ảnh tiền. Mấy triệu lận. Con không có tiền á thầy. Giờ sao thầy ?".
Đến đây thì theo kinh nghiệm, thầy thấy có chuyện rồi. Mà còn là chuyện lớn.
"Ảnh nói nếu không mua điện thoại thì ảnh bắn clip đó lên face trường. Mà con mua điện thoại rồi ảnh kêu con đưa tiền tiếp đó thầy. Mấy triệu lận. Mà con hết tiền rồi thầy".
Nghe con bé thật thà kể hết xong thầy vẫn giữ nụ cười động viên trên miệng nhưng trong lòng đã nguyền rủa một ngàn lần. Clip bị dọa đưa lên trang fanpage của trường là clip quay cảnh làm tình giữa bé với "bạn trai", anh bạn qúy hóa trời đánh đó đó.
Chưa hết !
- Trong trường con còn có hai bạn nữa cũng vậy á thầy. Hai bạn quen ảnh chung với con luôn. Ảnh cũng quay clip lại hết á thầy ! Mấy bạn cũng đang bị ảnh đòi tiền á !
Tức khắc, các chứng cứ thu thập được từ ba đứa bé gái được chuyển ngay sang công an. Ngay chiều hôm đó, anh bạn trai bị bắt vì tội xâm hại tình dục trẻ em.
Sóng dữ
Cách đây độ năm năm, xã hội Việt Nam bàng hoàng lên với vô số thông tin dồn dập khui lộ thực trạng rất nhiều trẻ em bị xâm hại tình dục. Ngành nào cũng "lập tức vào cuộc". Cha mẹ hốt hoảng dắt con đi học các khóa dạy cách tự bảo vệ, cách nhận biết môi trường và con người có nguy cơ. Trường học liên tiếp mời các chuyên gia tâm lý về nói chuyện với học sinh, thậm chí mời cả công an hình sự đến thị phạm các thế võ dễ học nhằm ngăn chặn hoặc bỏ chạy khỏi kẻ có hành vi nguy cơ.
Ôi là sôi sùng sục một bầu không khí khẩn trương từ trung ương đến địa phương, từ ngành ngang đến ngành dọc, già trẻ gái trai ai ai cũng thuộc lòng quy tắc năm ngón tay chống xâm hại tình dục.
Sau đợt cao điểm cả nước chống xâm hại tình dục trẻ em ấy chắc bọn trẻ hiểu hết về quyền đối với cơ thể của chúng rồi nhỉ ? Chắc chả còn mấy đứa trẻ bị vụ này đâu nhỉ ? Nếu có chắc cũng ở xa xôi hẻo lánh người dân ít hiểu biết thôi nhỉ ?
Ấy… Dạ thưa không.
Mặc dù đã có thêm rất nhiều người hiểu biết kiến thức chống xâm hại tình dục trẻ em, nhưng so với nhiều năm trước, tình trạng này không những vẫn còn, mà ở một số nơi, nó còn tăng. Chỉ là do các tổ chức phi chính phủ đã kết thúc dự án về chống xâm hại tình dục trẻ em ở Việt Nam nên báo chí không lên tiếng ồ ạt tập trung về nó, khiến tình hình dường như có vẻ như đã tốt hơn rất nhiều.
Nhưng bên dưới bề mặt có vẻ tĩnh lặng, thực ra sóng dữ đã đổ tràn. Thực trạng xâm hại tình dục trẻ em bây giờ khó phát hiện, khó triệt nguyên nhân hơn trước kia.
Với chi phí internet thấp và điện thoại thông minh giá rẻ phủ sóng khắp nơi, thành phố hay thôn quê giờ đã không khác nhau nhiều về mặt thông tin. Sự bùng nổ của các mạng xã hội cung cấp tất cả mọi thứ cho những đứa trẻ đang tò mò nhưng thiếu hướng dẫn. Mạng xã hội khiến chúng dễ dàng che giấu cha mẹ hay người lớn để thực hiện các giao tiếp nguy hiểm. Những lời khen tấm tắc, sự trầm trồ ao ước không biết giả hay thật dành cho các cô gái trẻ xinh đẹp không rõ làm nghề gì nhưng luôn khoe cuộc sống giàu sang sung sướng, mặc đồ hiệu, ăn nhà hàng, check in các điểm du lịch đắt tiền… góp phần trực tiếp gây méo mó nhận thức của trẻ.
Nạn nhân vẫn là trẻ em, nhưng sự thay đổi bước ngoặt về nguyên nhân và bối cảnh của tội phạm đòi hỏi phụ huynh phải dốc lòng sát sao với con và tìm mọi cách bước vào thế giới của con-gồm bạn bè, sở thích, ham muốn, những mối quan tâm, những người mà con thần tượng hoặc có thể có quan hệ, cách con sử dụng và thể hiện mình trên mạng xã hội...
Dường như xã hội bây giờ nguy hiểm hơn thời xưa hơn rất nhiều. Làm phụ huynh không chỉ phải nuôi dưỡng con đầy đủ, làm gương và dạy dỗ con mà còn phải thật sự làm bạn với con. Điều này hết sức khó, không chỉ vì khoảng cách thế hệ mà còn vì quỹ thời gian ít ỏi bị chia cho quá nhiều trách nhiệm và sở thích của người lớn.
Nhưng nếu không làm bạn với con, làm sao bạn có thể biết một bé gái mới 11, 12 tuổi đã có quan hệ tình dục tự nguyện thường xuyên và lâu dài với cả ba thanh niên (17, 19 và 27 tuổi) trong cùng khoảng thời gian, tại cùng một địa điểm là một quán cà phê võng ? Thậm chí khi bé mang thai, gia đình cũng không hề biết. Tận khi bé vào bệnh viện để sinh con thì mọi việc mới vỡ lở.
Bệnh viện chuyển hồ sơ của bà mẹ 13 tuổi về Công an địa phương. Bé khai tuốt tuột nhưng qua giám định AND, tòa chỉ xử thanh niên là cha của đứa trẻ về tội giao cấu với trẻ em dưới 13 tuổi.
Một buổi dạy về tình dục ở trường trung học Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) hôm 26/5/2020 (minh họa). AFP
"Con iu ảnh mà"
Một bé gái khác cũng đang học lớp 6, 12 tuổi. Mẹ làm công nhân, cha chạy xe tải đường dài. Như hầu hết những đứa trẻ ở thành thị bây giờ, bé có điện thoại để cha mẹ tiện liên lạc. Cũng chơi Facebook như nhiều đứa trẻ khác.
Mạng xã hội có chức năng quét tìm những người đang ở gần. Bé được thủ phạm tìm ra trong một lần quét như vậy. Add Facebook, nói chuyện qua lại rồi thân quen. Tuy chỉ nói chuyện và video call với nhau trên mạng chứ chưa gặp trực tiếp bao giờ, nhưng họ vẫn thành "người iu".
"Người iu" của bé đã trưởng thành, làm nghề tự do. Với các trò giả vờ yêu đương nhung nhớ, hắn dễ dàng dụ cô bé tự nguyện khỏa thân thực hiện các động tác hắn yêu cầu trong phòng riêng và quay video lại.
Kết bài y như nhau : "Người iu" đòi bé cho quan hệ tình dục, nếu không sẽ up video này lên fanpage của trường.
Ở một vụ khác, "người iu" dụ bé gái thủ dâm chat video. Hắn giữ lại video này rồi up lên các trang web sex.
Một vụ khác nữa : em gái 15 tuổi, học lớp 11 viết thư tố cáo bị một người đàn ông đã có vợ con xâm hại tình dục. Khi vụ án được khởi tố, công an điều tra thì mới té ngửa sự thật khác hẳn. Bé gái và người đàn ông kia là "người iu" của nhau. Người kia giấu việc đã có vợ con. Bé gái tự nguyện yêu đương và quan hệ tình dục. Đến khi phát hiện "người iu" đã có vợ con và không bỏ vợ, bé gái cảm thấy bị lừa dối và tức giận đi tố cáo.
Ở tuổi 11, 12, nhiều bé gái đã thích xưng hô vk vk ck ck (vợ vợ chồng chồng) khi nói chuyện với bạn trai, dù thực tâm chẳng hiểu gì. Chúng nói hết sức ngây thơ khi trở thành bà mẹ ở tuổi 13 : "Tại con iu ảnh nên con cho ảnh thôi".
Và những diễn biến khác.
Những mối quan hệ sugar baby, sugar daddy không bị coi là vi phạm pháp luật.
Nhưng thật sự kinh hoàng khi có những em gái đang học phổ thông trung học, lớp 10, 11 đã tự nguyện làm sugar baby cho cùng lúc hai ông chú giàu có, có vợ con đàng hoàng và kinh doanh có máu mặt trong vùng. "Baby" thừa biết thóp của các "daddy" nên chỉ cần ngúng nguẩy kêu hết tiền là hai chú phải lập tức cung phụng. Nửa đêm, chú cũng phải chạy xe ra ngoại ô đến điểm hẹn để đưa tiền mặt cho cháu.
III. Bẫy xâm hại tình dục trẻ em
Sau một thời gian không còn là tiêu điểm dư luận, vấn đề xâm hại tình dục trẻ em chìm khá sâu trong sự quan tâm của các phụ huynh. Nhiều người yên tâm với những kiến thức đã trang bị cho con cái và chính mình từ năm, bảy năm trước ; họ không ngờ rằng nay đã khác xưa. Những kẻ tội phạm bây giờ biết kiềm chế để không sử dụng bạo lực, thay vào đó chúng dụ dỗ với rất nhiều mánh khóe "ngọt ngào" để con mồi tự sập bẫy.
AFP
Một sự thật khác là có những người có sở thích quan hệ tình dục với trẻ em một cách tự nhiên. Đó có thể bất kể là ai : người thân, người hướng dẫn như thầy giáo, thậm chí tu sĩ… Là nhu cầu bản năng nên nếu có điều kiện thuận lợi (như tiếp xúc gần với nhiều trẻ em, trẻ em bị phụ thuộc vào mình…), nó rất dễ bùng phát, bất chấp vị trí xã hội, trình độ văn hóa và hiểu biết về pháp luật của người ấy. Người vi phạm biết rõ hành vi của mình là sai với pháp luật và đạo đức, biết rõ sẽ đối mặt với nhục nhã và án tù nếu bị phát hiện, hơn thế cả gia đình của mình đều có thể bị chỉ trỏ, chế giễu, cô lập… nhưng trong không ít trường hợp, họ không thể dừng hành vi của mình lại.
Cách đây khoảng năm bảy năm, một thầy giáo cấp hai bị bắt vì có hành vi mơn trớn cơ thể của một số học sinh nam trong trường. Thầy giáo này đã tính đến chuyện tự tử vì mất hết danh dự. Nhưng điều đáng suy nghĩ là thầy giáo này rất được phụ huynh và học sinh yêu mến, vì dạy giỏi và rất giàu trách nhiệm.
Có lẽ vì hành vi tính dục mang tính bản năng cực kỳ mạnh mẽ, và những ai có sở thích tính dục lạ thường, thậm chí gây hại cho cộng đồng thì càng không có điều kiện để thỏa mãn nhu cầu tính dục của mình. Do đó, càng bị đè nén, giấu kín thì nó càng khao khát và chực chờ trỗi dậy.
Thủ phạm ấu dâm không phải là con quái vật
Nhưng đã đến lúc cần chấm dứt lối suy nghĩ một chiều rằng những người xâm hại tình dục trẻ em đều là những con quái vật. Khoa học và thực tế đã chứng minh rằng có vô số sở thích tính dục trên đời này chứ không chỉ là nam với nữ/nam với nam/ nữ với nữ … như một số nhóm đã trở thành phổ biến, hoặc ít nhất là được thừa nhận. Những sở thích tính dục cho dù cực kỳ đặc biệt đi nữa nhưng không gây hại cho cộng đồng sẽ chỉ là chuyện riêng của người trong cuộc. Còn những sở thích gây hại như ấu dâm thì phải bị bài trừ. Nhưng ngoại trừ khía cạnh đó, kẻ từng có xu hướng hoặc hành vi ấu dâm vẫn có thể là một người rất tốt, thậm chí nêu gương cho cộng đồng ở những mặt khác.
Chúng tôi từng làm khảo sát giấu tên với một nhóm người bộc lộ rằng họ từng có hành vi/quan hệ tính dục với trẻ em. Không ít người trong đó cho biết họ không thể hiểu nổi chính mình khi thực hiện những hành vi đó, và sau khi tỉnh ra, họ vô cùng tự khinh bỉ và căm ghét bản thân.
Các yếu tố sinh lý và tâm lý đặc biệt ở người có xu hướng ấu dâm cần được nghiên cứu và xem xét một cách khoa học và khách quan. Từ đó mới có thể có các biện pháp phòng ngừa và trừng phạt phù hợp, thích đáng nhưng không cực đoan.
Ở Việt Nam, cho đến nay tuy báo chí từng lên tiếng rất nhiều về nạn ấu dâm, nhưng vẫn chưa có nghiên cứu nào về sinh lý, tâm lý, hoàn cảnh sống, môi trường, v.v của họ. Vì vậy việc chống xâm hại tình dục vẫn rất thô sơ và phiến diện.
Truyền thông và phụ huynh ra sức dọa dẫm, tô vẽ kẻ ấu dâm như những con quỷ kinh khủng. Nhưng con quỷ rất dễ nhận ra vì có sừng và đi đến đâu phun khói đến đó, còn trên thực tế, kẻ ấu dâm có thể rất đáng tin cậy. Họ có thể là bất cứ ai : ông nội, ông ngoại, cha đẻ, bố dượng, chú bác, cậu, bạn bè, người quen, hàng xóm của gia đình, anh em họ, thầy giáo, huấn luyện viên, thậm chí tu sĩ các tôn giáo. Như đã nói, thủ phạm thường dùng sự quen biết, tin cậy và tình cảm sẵn có, cộng thêm lời hứa hẹn giúp đỡ, tặng quà, thậm chí dùng thuốc kích dục để lừa trẻ em "tự nguyện" đồng tình tham gia vào hành vi tình dục. Làm sao một đứa trẻ có đủ kiến thức và sự tỉnh táo để nhận ra nguy cơ trong những sự âu yếm, chiều chuộng ?
Trẻ sống trong gia đình thường hay bị dụ dỗ kiểu này. Do tin cậy, chúng đã bị tước đi khả năng phòng ngừa từ xa.
Những cái bẫy vô tình từ chính nạn nhân
Mà việc phòng ngừa mới là quan trọng nhất. Phòng ngừa cả từ người có nguy cơ là thủ phạm do sở hữu xu hướng thích quan hệ tình dục với trẻ em bằng cách ngăn chặn các môi trường, hoàn cảnh có thể gây kích thích. Ví dụ không để trẻ tiếp xúc một mình với người lớn khác giới ; luôn phải có mặt người khác. Với trẻ trong lứa tuổi dậy thì, ngoài việc trang bị kiến thức nhận biết và tự bảo vệ khi có nguy cơ, cần phải dạy trẻ cách ăn mặc kín đáo và cẩn trọng trong hành vi.
Ông bà xưa lấy vợ lấy chồng rất sớm, nhưng luôn nghiêm khắc trong quan hệ cha mẹ-con cái, bao gồm các thói quen trong sinh hoạt hàng ngày. Người Trung Quốc có câu "Con gái tránh cha, con trai tránh mẹ". Người Việt cổ có câu "Con gái 13 tuổi không ngủ với cha, con trai 13 tuổi không ngủ với mẹ". Đó là để tránh những sự gần gũi thái quá khi con cái bắt đầu dậy thì, bắt đầu tò mò về tính dục nhưng chưa đủ kiến thức để hiểu. Cũng là để không điều kiện cho các phản ứng tính dục nhiều khi hoàn toàn thuộc về bản năng. Nhất là khi người đàn ông đã say mèm.
Với điều kiện dinh dưỡng hiện nay, trẻ gái 12-13 tuổi đã bắt đầu nảy nở về cơ thể. Nhưng chúng tôi gặp nhiều cha mẹ thoải mái cho con mặc quần short ngắn bó sát vừa chấm mông, áo thun cũng bó sát cổ rộng, sinh hoạt chung với cha mẹ, anh em trai, người thân là đàn ông ở trong nhà cũng như ra đường. Cơ thể bé gái gần như hiện lên lồ lộ trong những bộ đồ như vậy. Có lần chúng tôi chứng kiến một bé gái 14 tuổi mặc bộ đồ kiểu này sau khi tắm, người vẫn còn ướt nước, áo quần dính sát vào người rồi đi ra đường mua quà. Bé đi qua một đám thanh niên choai choai tụ tập trong quán bên đường, lập tức một tràng tiếng huýt sáo và nhiều ánh mắt ngắm nghía từ đầu đến chân đuổi theo. Chúng tôi lưu ý điều này với mẹ bé. Bà chỉ cười xòa, nói "Đâu có gì, ở đây đứa nào cũng mặc vậy cho mát. Nó con nít mà !".
Cha mẹ thường chủ quan cho rằng con mình còn trẻ con nên không thể gợi lên cảm xúc tính dục nơi người khác. Nhưng đó là một phần nguyên nhân khiến nhiều đứa trẻ bị xâm hại tình dục trong thời gian dài mà cha mẹ không hề hay biết.
Chưa kể trong bối cảnh xã hội hiện tại, sự tiếp xúc qua internet rất dễ dàng. Tiếp thu thông tin ồ ạt nhưng không chọn lọc, không có người hướng dẫn đã khiến không ít đứa trẻ nảy sinh tâm lý hưởng lạc và lối suy nghĩ sai lầm rằng tự mình trao đổi/bán thân xác của mình thì không có tội. Đây là một phần nguyên nhân khiến trẻ dễ bị dụ dỗ vào hành vi tình dục khi còn ở tuổi trẻ em.
Dựng hàng rào cộng đồng
Do tính chất phức tạp của tội phạm ấu dâm, từ lâu nhiều nước trên thế giới đã nghiên cứu nhiều hình thức trừng phạt người có sở thích ấu dâm trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng đặc điểm tâm sinh lý của họ. Ví dụ bắt họ đeo vòng điện tử ở chân ; vòng này sẽ phát tiếng kêu khi người đeo vòng đến gần trẻ em quá phạm vi cho phép. Ngoài ra còn có biện pháp thiến hóa học, áp dụng với những kẻ xâm hại tình dục trẻ em nhiều lần. Họ được cho uống hoặc tiêm thuốc để giảm nội tiết tố nam khiến không còn ham muốn tình dục.
Một nghiên cứu của Hàn Quốc năm 2013 trên 38 bệnh nhân (đều là tội phạm tình dục) cho thấy việc thiến hóa học dẫn đến giảm "tần suất và cường độ của những suy nghĩ về tình dục" và "tần suất thủ dâm". Tuy nhiên, vẫn chưa có kết luận liệu điều này có dẫn đến giảm tỷ lệ tái phạm hay không.
Tòa án và pháp luật hiện tại của Việt Nam chỉ đang xử lý được phần ngọn của tội phạm. Tức chỉ xét xử, bắt tù kẻ ấu dâm khi hành vi bị phát hiện. Nhưng nếu chính nạn nhân trẻ em lại đồng tình và giấu giếm vụ việc (nhiều vụ bị giấu trong tận vài năm), thì cực kỳ khó phát hiện. Thậm chí ở không ít trường hợp, việc phát hiện, bắt tù thủ phạm còn gây ra bức xúc phẫn nộ ở nạn nhân, vì đứa trẻ xem thủ phạm là người yêu.
Nhưng nói cho cùng, dẫu xã hội biến đổi đến mức nào thì phụ huynh vẫn là tấm gương và là người gần gũi nhất với con cháu. Chính phụ huynh là người có thể dạy dỗ và giám sát con cháu mình tốt nhất để tránh nạn xâm hại tình dục. Hãy tìm mọi cách gần gũi với con cháu, trang bị kiến thức đúng đắn để trò chuyện và dạy con, cũng như dành thời giờ thích đáng để quan sát và làm bạn với con.
Ngoài ra, có những biện pháp khác rất hiệu quả như tăng cường sự giám sát của cộng đồng. Các khu trọ, các tòa nhà chung cư ở thành phố hay các xóm làng ở ngoại ô, vùng nông thôn miền núi đều có thể lập ra các thỏa ước giám sát chung. Người lớn bất kể là ai đều có thể quan sát nhằm giúp đỡ trẻ khi chúng chơi ở nơi công cộng, khi chúng ở nhà một mình, hoặc cho chúng các biện pháp trợ giúp cần thiết. Hệ thống camera công cộng được giám sát thường xuyên cũng có thể khiến kẻ có ý đồ xấu chùn tay.
Nguyễn Lê Vi
Nguồn : RFA, 01/05/2023
Cách đây hai năm, có 3 người phụ nữ đến trước cửa trường Lương Thế Vinh, quận Thủ Đức tìm cách giơ khẩu hiệu để yêu cầu nhà trường phải có tiếng nói với vụ ấu dâm xảy ra một bé gái học lớp 1, mà nơi đó có những dấu hiệu bao che tội phạm.
Cách đây hai năm, có 3 người phụ nữ đến trước cửa trường Lương Thế Vinh, quận Thủ Đức tìm cách giơ khẩu hiệu để yêu cầu nhà trường phải có tiếng nói với vụ ấu dâm
Đó là ngày 16 tháng 3, năm 2017. Một ngày thật khó quên đối với 3 người phụ nữ là Nguyễn Thị Bích Ngà, Lê Thúy Bảo Nhi và Nguyễn Thanh Loan. Những người phụ nữ này không bao giờ tưởng tượng được rằng việc đòi hỏi sự thật và thực thi công lý cho một bé gái bị xâm hại, đã khiến công an phường Linh Đông - quận Thủ Đức dùng hàng chục an ninh thường phục, dân phòng và cả cảnh sát địa phương và giao thông chặn bắt và hành hung dã man. Một trong ba người phụ nữ đó phải đi cấp cứu vi chấn thương đầu.
Trong cuộc bắt bớ và điều tra rầm rộ đến man rợ đó, công an đã chất vấn những người phụ nữ này rằng "Đâu phải người thân của mày đâu mà mày phản ứng". Loại câu hỏi như vậy vẫn thường được thấy trong các vụ bắt giữ và điều tra khi người dân vì ý chí muốn lên tiếng cho cộng đồng, vì những giá trị chung.
Giống như kiểu nhà cầm quyền muốn tách từng chiếc đũa ra khỏi bó đũa nguyên khí Việt. Những chiếc đũa bị tách ra và âm mưu bẽ gãy, là những chiếc đũa đạo đức cá nhân, tình đồng bào và ý chí công dân trong một quốc gia. Những người phụ nữ ấy bị đàn áp bởi loại chủ trương muốn con người Việt co cụm và hèn nhát. Chủ trương âm mưu muốn con người Việt Nam sống chết mặc bây, dễ bảo. Và như vậy, đất nước và con người Việt Nam thật dễ kiểm soát.
Lần này, những việc thô bỉ như chặn bắt, điều tra đánh đập người phản ứng với nạn ấu dâm đã không thể diễn ra như hai năm trước được nữa.
Có thể âm mưu đó thành công trong một giai đoạn, vì có không ít người đã cảm thấy sợ hãi, và tự dặn mình rằng chuyện xã hội không còn là chuyện của mình. "Lo làm ăn đi", lời đe dọa quen thuộc này vang lên ở rất nhiều nơi. Người Việt được gợi ý rằng phần tự do nhất của họ hôm nay là "làm" và "ăn". Còn suy nghĩ là chuyện của người có quyền.
Năm 2018, một vụ ấu dâm điển hình khác ở chung cư Lakeside, Vũng Tàu, đã bị công luận gây áp lực đến mức thủ phạm bị xử 3 năm tù giam. Sự kiện này là một nấc thang mới về mặt dân quyền, khi dân chúng quá tức giận, sau vụ tình nghi bao che thủ phạm là người nhà "ai đó" ở Thủ Đức, thì đến nhân vật NKT ở Vũng Tàu bị tố cáo, là đảng viên lão thành và là cựu quan chức của bộ máy chính quyền.
Vấn đề được liên tục bàn tán trên các trang mạng, là chính quyền sẽ bao che đảng viên của mình như thế nào đây ? Vụ án xử NKT thật nhọc nhằn, dằng dai đến mức luật sư đại diện cho gia đình nạn nhân phải gửi thư kêu cứu lên thủ tướng và tổ chức Unicef tại Việt Nam. Cuối cùng khi có kết quả giơ cao đánh khẽ, thủ phạm đã tức giận đến mức đốt thẻ đảng của mình, như một lời trách cứ rằng vì sao có hồng bài ấy, mà đảng vẫn không cứu nỗi ông ta.
Có thể cũng có người muốn cứu ông ta, nhưng ý chí khát khao công lý của đám đông không chịu khuất phục trước mờ ám và công lý lụn bại đã dẫn đường đến một happy-end. Người mẹ trong vụ án đó cũng có một ý chí kiên cường, khi chấp nhận mọi thứ, để sau mình, không còn mây đen trên những mái đầu trẻ thơ, nơi bà đang sống.
Năm 2019, sự kiện đình đám là vụ ông Nguyễn Hữu Linh, Viện phó Viện kiểm sát Thành phố Đà Nẵng không chối được chứng cứ sàm sỡ bé gái trong thang máy ở chung cư Galaxy 9, quận 4, Sài Gòn. Nhưng có vẻ như một lần nữa, việc xử tội một đảng viên cao cấp – một giai cấp đặc biệt ở Việt Nam - là điều thật khó.
Lần này, những việc thô bỉ như chặn bắt, điều tra đánh đập người phản ứng với nạn ấu dâm đã không thể diễn ra như hai năm trước được nữa. Nhưng việc lần lữa, tìm phương cách "tốt nhất" cho vụ án này diễn ra không chỉ ở các tin tức giả được tổ chức trên mạng, bao gồm cả hành động trong giới cầm quyền và tư pháp.
Mới đây, một thẩm phán hiện đang làm việc cho nhà nước, đã từng khẳng định với tôi rằng "sẽ không thể bắt tội được Nguyễn Hữu Linh. Vì dù có hành động nhưng không có cách nào chứng minh được ý chí của Linh là ấu dâm, và đó chỉ là âu yếm trẻ em". Thậm chí ông ta còn nói rằng đã có những luật sư liên hệ với gia đình của ông Linh, tự tin rằng họ nắm chắc phần thắng trong vụ bảo vệ ông Linh, thậm chí sẽ kiện ngược gia đình nạn nhân.
Ý chí – phần mà khoa học A.I ở các quốc gia tiên tiến nhất vẫn chưa dám áp dụng để đưa vào nền tư pháp, nhưng ở Việt Nam, các tội danh "tuyên truyền để chống chế độ", "âm mưu lật đổ" vẫn sàm sỡ kết tội con người hàng ngày. Thậm chí, 12 bạn trẻ ở Biên Hòa bị 10 tháng tù do biểu tình chống Luật đặc khu, bởi bị xét về ý chí là họ muốn "gây rối trật tự công cộng".
Và trong vụ án của ông Linh, ý chí đã được nhắc đến như giải pháp có thể cứu nguy, giới thiệu sự trong trắng của một đảng viên cao cấp.
Sự va chạm ý chí vẫn đang diễn ra từng ngày. Sự va chạm nảy lửa giữa người dân Việt Nam khát khao một đất nước tốt đẹp hơn, ít đồi bại hơn, ít quyền lực bao che… như đang chất vấn nhà cầm quyền – một dấu hỏi về khả năng có còn xứng cho việc cầm quyền hay không.
Người ta vẫn nhắc nhau từng ngày về việc trì hoãn khởi tố thủ phạm Nguyễn Hữu Linh. Dân chúng có đủ mọi cách để nhắc : bằng các lời bình trên mạng, bằng cách đến trước cửa nhà thủ phạm để selfie và căng biểu ngữ tố cáo. Những cây bút của nhà nước được chỉ đạo phản ứng bằng cách lên giọng chỉ trích những hành động như vậy, là vô đạo đức.
Nhưng ngay cả trong hành động bị gọi là "vô đạo đức" ấy để nhằm nhắc về một thủ phạm ấu dâm đang bình yên bất thường trước các chứng cứ, những con người ấy đang chịu hy sinh phần mình, để bày tỏ một ý chí phế truất bộ mặt đạo đức giả của nhà cầm quyền, đang tỏ ra không quyết liệt trước tội ác.
Đó là ý chí của một dân tộc, đầy thông minh và không cam chịu trước bất công và cường quyền. Hãy nhớ, khi những công dân dám hy sinh những vấn đề cá nhân của mình cho ý nghĩa chung của xã hội, thì đó cũng là lúc một xã hội mới khỏe mạnh đang hình thành, vận động vì ý nghĩa của từng cá nhân.
Từ những người phụ nữ bị đánh đập hôm qua ở Thủ Đức, cho đến những bạn trẻ vô danh hôm nay hành động trước căn nhà số 30 ở Đà Nẳng, cho đến những chiếc áo lẻ loi phản đối, xuất hiện trên đường phố. Tất cả, tôi thấy mình mang ơn ý chí của các bạn.
Nguồn : RFA, 18/04/2019 (tuankhanh's blog)
Một năm 2017 giàu biến động và "dư giả" chuyện buồn. Có rất nhiều sự kiện lớn và rất đáng buồn như phản đối BOT, bắt hàng loạt quan chức tham ô, bà giết cháu, vợ giết chồng, chồng giết vợ, cha mẹ hành hạ con, bảo mẫu đánh trẻ em, các hoạt động gây ô nhiễm, ăn cướp và live stream,…
Đất nước nhiều chuyện buồn quá !
Bé gái 11 tuổi ở Vĩnh Long bị cha và ông nội xâm hại tình dục. Ảnh : internet
Trong đó, tôi chọn câu chuyện bố và ông nội cùng hiếp dâm bé gái 11 tuổi nhiều lần trong hơn 1 năm tại xã An Phước, huyện Măng Thít, tỉnh Vĩnh Long làm câu chuyện buồn nhất, tiêu biểu nhất tại Việt Nam !
Trong mối quan hệ ruột thịt ông- cháu, bố- con thì hành vi thú tính của người ông và người bố thực sự đã "giết" đứa trẻ ấy. Mẹ và bà của cháu vì sao cùng nhà mà câu chuyện độc ác vô luân ấy vẫn xảy ra một thời gian dài. Hàng xóm,thầy cô không, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, chính quyển địa phương,.v.v.. thấy biểu hiện tâm lý bất thường của một đứa trẻ bị xâm hại ư ?
Số liệu của Cục Cảnh sát hình sự cho thấy bình quân mỗi năm cả nước có khoảng 1.500 vụ xâm hại trẻ em với hơn 1.500 em bị xâm hại. Trong đó, 2/3 (khoảng 1.000 em) trẻ bị xâm hại tình dục. Trung bình mỗi 8 giờ trôi qua, một trẻ em Việt Nam lại bị xâm hại.
Theo CPS, có 1/9 bé gái và 1/53 bé trai bị người lớn tấn công hoặc lạm dụng tình dục. 82% số nạn nhân dưới 18 tuổi là nữ. 1/10 trẻ em bị lạm dụng tình dục trước 18 tuổi và 20% số vụ tấn công tình dục với trẻ em dưới 8 tuổi. 1/7 vụ án ấu dâm do trẻ vị thành niên gây ra tại trường học.
Và đây là những con số được công bố chứ những vụ xâm hại tình dục không được phát hiện có thể lớn hơn rất nhiều.
Ngay cả bản thân tôi cũng được nghe nhiều bạn nữ gặp riêng và chia sẻ về việc họ bị xâm hại tình dục. Sự tổn thương ấy theo họ 10 năm, 20 năm, 30 năm hay lâu hơn mà không phai mờ. Họ nghi kỵ người khác giới khi thấy họ bồng bế, nựng nịu những đứa trẻ. Họ sợ hãi chung đụng thể xác với người yêu hay vợ/chồng mình. Có một số trường hợp, tệ hơn, họ sống buông thả hoàn toàn để "trả thù đời".v.v..
Tâm lý của nạn nhân là giấu kín sự việc thay vì tìm đến cơ quan chức năng, bác sĩ tâm lý hay người thân để chia sẻ. Có trường hợp tôi biết thậm chí cha mẹ nạn nhân không cho con mình nói ra thủ phạm vì đó là người thân hay mối làm ăn của gia đình.
Trẻ em- đối tượng dễ tổn thương nhất- lại không được bảo vệ một cách an toàn chính là lỗi của người lớn chúng ta. Các cơ quan chức năng hãy thôi chúc tụng nhau và lừa mị bằng các báo cáo đẹp, cha mẹ hãy chú ý đến con mình. Tôi đặc biệt không thích cách nhiều cha mẹ chụp hình, quay clip, livestream khoe con vì đó là cách "mời gọi" yêu râu xanh đến tốt nhất.
Hãy học những kỹ năng bảo vệ con cái và dạy những đứa trẻ những kỹ năng cơ bản nhất để tự bảo vệ mình !
Và về luật, hãy học Indonesia ! Xâm hại trẻ em bằng bộ phận nào thì chặt rời bộ phận ấy, kể cả thiến. Cách ly tất cả các đối tượng xâm hại trẻ em khỏi cộng đồng.
Thật đáng tiếc, tôi thấy một đám đông chỉ biết đâm đầu kiếm tiền, xu phụ quyền thế và thiếu vắng kỹ năng để chống lại những kẻ ác "ẩn hình" lẫn "hiện hình" xung quanh.
Hãy hỏi nội tâm của bạn, bạn có nằm trong đám đông ấy không ? Nội tâm bản thân không biết nói dối đâu !
Và tôi sẽ không ngạc nhiên nếu những chuyện buồn Việt Nam lại cứ tiếp tục diễn ra trên đất nước này !
Mai Quốc Ấn
Nguồn : Tiếng Dân, 30/12/2017
Những bức ảnh luôn ẩn sau đó là những câu chuyện dài. Bức ảnh hôn lễ đơn giản được nhìn thấy vào tháng 10/2017 của cô gái Nguyễn Thanh Loan cũng vậy.
Bức ảnh hôn lễ đơn giản được nhìn thấy vào tháng 10/2017 của cô gái Nguyễn Thanh Loan
Ít ai biết rằng trước một đám cưới ấm áp và đơn sơ này tại một khuôn viên nhà thờ nhỏ ở Quận 11, Sài Gòn, Loan đã trãi qua biết bao sự kiện nhọc nhằn đến khó tin.
Vốn là thành viên của nhóm Vì môi trường, Loan luôn bị chính quyền địa phương gây khó khi trở thành người lên tiếng về các vụ ô nhiễm sông nước, chặt cây xanh... cuộc sống của cô giáo trẻ này không còn bình yên nữa. Cô không thể dạy trẻ được nữa nên quay về mở lớp kèm thêm ở nhà cho một vài gia đình quen biết.
Tháng 3/2017, sự kiện ấu dâm đầy tai tiếng và nhiều tình tiết mờ ám ở trường Lương Thế Vinh, Thủ Đức diễn ra. Ấu dâm cũng là một loại ô nhiễm của đời sống xã hội mà, nên Loan cùng vài người mẹ cùng đến giơ khẩu hiệu yêu cầu bảo vệ trẻ em trước cổng trường. Những người phụ nữ này bị công an Thủ Đức ập đến giải tán. Người thì bị bắt, người thì bị đánh và xé khẩu hiệu. Riêng Loan thì bị quẳng lên một chiếc xe tải nhỏ, bắt về đồn. Cú xô đẩy và ném thô bạo đến mức Loan bị đập đầu vào thành xe, hôn mê.
Ở đồn CA, khi lục túi, người ta tìm thấy một khẩu hiệu bằng giấy A4, in chữ Stop Formosa, công an đã thẩm vấn Loan trong nhiều giờ giữa tình trạng cô không còn đủ ý thức. Điều mà cô nhớ được và có lẽ mãi mãi không hiểu là hình ảnh viên công an giơ tờ khẩu hiệu trước mặt cô, nghiến răng quát "đm, mày phản bội tổ quốc à ?"
Loan chưa bao giờ tự vấn đủ về loại lý thuyết bảo vệ tổ quốc hay phản bội tổ quốc. Cô chỉ biết mình hành động như một người dân bình thường có đủ lương tri và tấm lòng cho cuộc đời chung quanh. Cô thương con cá chết oan ức do bị đầu độc, và cũng sợ con cá vào bữa ăn của gia đình nào đó. Cô thương hàng cây xanh và cuộc sống hiền lành như ước mơ của một cô giáo nhỏ muốn truyền dạy yêu thương đến bọn trẻ quanh mình. Vì vậy, cụm từ kinh khủng "đm mày, mày phản bội tổ quốc à ?" Là một điều cô không thể tưởng tượng nổi.
Loan phải nằm bệnh viện nhiều ngày sau cú quẳng thô bạo đó. Vì cô bị buồn nôn và hoa mắt liên tục nên bệnh viện giữ lại, theo dõi cú chấn thường đầu để xem có nguy hiểm đến tính mạnh không. Cô giáo trẻ vốn gầy guộc, lúc đó mỗi lúc lại càng tiều tuỵ đến xót xa.
Chuyện không dừng ở đó. Việc biểu tình chống ấu dâm của Loan khiến công an khu vực ở quê cô, tận phía Bắc xa xôi được lệnh đến nhà điều tra, khiến cả gia đình cô sợ hãi. Đã vậy, ở Sài Gòn, cô bị công an đến yêu cầu chủ nhà đuổi cô ra khỏi chỗ thuê. Thậm chí các công an thường phục còn chận đường phụ huynh chở con đến học thêm, ra lệnh không được đến nữa. Một lần rồi hai, ba lần như vậy. Người con gái miền Bắc vào Nam lập nghiệp bị đẩy xa dần thành phố, bị bức bách để không còn cách mưu sinh. Tứ cố vô thân là sự mô tả ý nghĩa nhất đối với Loan lúc này. Loan trở nên cô đơn và lạc lõng với những gì mà nhà trường và xã hội chủ nghĩa vẫn dạy và nhắc cô truyền lại với lớp trẻ rằng hãy sống và yêu thương, bảo vệ cuộc sống chung quanh. Cô đã sống và làm đúng như vậy, nhưng sao cô lại bị viên công an nhân dân cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam chỉ mặt "đm mày" ?
Điều mà tôi vùa sợ hãi và lo sợ, lại vừa kính trọng là ít lâu sau đó, trong thời gian nhắc lại một năm thảm họa Formosa, là tôi lại nhìn thấy Loan với khẩu hiệu Stop Formosa xuất hiện trên Facebook. Loan tươi cười nhưng gầy gò. Chiếc áo quen giờ trở nên quá rộng so với thể trạng của Loan.
Bất chấp mọi thứ trái ngang ập xuống thật tàn nhẫn, Loan vẫn vậy. Ngay khi người ta dần quên chuyện biển miền Trung chết hay vết đau bé gái bị ấu dâm ở trường Lương Thế Vinh đã thành sẹo trong tim của bé, cũng như chính cha mẹ bé, Loan - một người vô can nhưng không thể dửng dưng - vẫn tìm cách nhắc lại, vẫn muốn pháp luật, công lý là kim chỉ nam của xã hội.
Tháng 10/2017, không lâu sau đó, Loan nhắn tin vui mừng là đã vô tình tìm được người để cô có thể tựa vào, tìm được hơi ấm chia sẻ và yêu thương giữa cuộc sống mà cô bị từ chối quyền thể hiện lương tri của công dân, của một người phụ nữ muốn chia sớt khốn khó với cuộc sống quanh mình.
Nhưng Loan nói cô vẫn vậy, suy nghĩ và nhịp đập trong tim không thay đổi nên cô vẫn chân nguyên là mình. Nhưng hôm nay Loan mạnh hơn vì cô được yêu thương, vì có người chia sẻ.
Tôi ghi lại ở đây câu chuyện nhỏ này, như một cách góp chút yêu thương cho Loan, để cô mạnh hơn, tự tin hơn. Và cũng là một cách một mà tôi muốn bày tỏ suy nghĩ của mình với những con người mà mình từng được nhìn thấy qua ảnh - những bức ảnh chứa đằng sau đó vô số câu chuyện dài - mà họ trãi qua biết bao khốn khó và bị chà đạp, vẫn chân nguyên và đi tới. Đó là những thanh niên cô đơn với khẩu hiệu một mình trên những con đường, những người nông dân yếu đuối đứng lên đòi đất đai bị chiếm đoạt, những người từ bỏ vị trí đắc lợi để cất tiếng nói vì lương tri kêu gọi... Đất nước này cần họ, dẫu có vô danh, nhưng hàng ngày họ vẫn lấp lánh như những vì sao nho nhỏ trong đêm tối, lúc tất cả chúng ta đều đang giữa đêm đen ngóng chờ ánh sáng bình minh tới. Và rồi khi ban mai, có thể họ sẽ bị lãng quên.
Tuấn Khanh
Nguồn : RFA, 08/10/2017 (tuankhanh's blog)
Tham khảo thêm :
http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/goc-phu-huynh/be-7-tuoi-bi-nghi-xam-hai...
http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/nghi-an-be-gai-bi-xam-hai-tai-t...
Trong thời gian qua, dư luận Việt Nam đã rất phẫn nộ trước nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em, đặc biệt là những vụ đã bị tố cáo từ lâu nhưng cho tới nay thủ phạm vẫn chưa bị trừng trị. Thế nhưng, theo Liên Hiệp Quốc, các vụ được tố cáo chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm".
Ảnh minh họa
Theo số liệu thống kê của Bộ Lao Động, Thương Binh và Xã Hội, trung bình mỗi năm ở Việt Nam có hơn 1.200 trẻ em bị xâm hại tình dục, mỗi 8 giờ lại có thêm một trẻ bị xâm hại tình dục. 93% thủ phạm là người quen của nạn nhân, 47% thủ phạm là họ hàng, người trong gia đình. Độ tuổi của nạn nhân đang giảm dần, từ 13-18 tuổi nay có cả những vụ mà nạn nhân chỉ từ 5-13 tuổi. Điển hình là vụ Nguyễn Khắc Thủy.
Năm nay đã 77 tuổi, nguyên là Giám đốc chi nhánh Bà Rịa Vũng Tàu của Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam, ông Nguyễn Khắc Thủy vào tháng 06/2016 đã bị mẹ của một bé gái 6 tuổi ở Vũng Tàu tố cáo là đã nhiều lần có hành vi dâm ô đối với con gái chị. Nhưng theo công an Vũng Tàu, ngoài đơn tố cáo của chị Thủy, quá trình điều tra cho thấy 6 cháu bé khác cũng đã là nạn nhân của ông Thủy trong thời gian suốt từ 2012 đến 2016.
Mặc dù công an Vũng Tàu đã khởi tố vụ án từ tháng 08/2016, nhưng hơn 7 tháng sau đó vụ án vẫn dậm chân tại chỗ, thậm chí có dấu hiệu "chìm xuồng". Dư luận phẫn nộ đến mức mà ngày 12/03 vừa qua, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã phải lên tiếng yêu cầu lãnh đạo Bộ Công An và Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao chỉ đạo các cơ quan tư pháp "điều tra, sớm làm rõ và có kết luận về vụ việc". Cho nên, ngày 15/03, Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao mới vội ra thông báo yêu cầu khởi tố bị can Nguyễn Khắc Thủy và rà soát toàn bộ án dâm ô đối với trẻ em trên phạm vi cả nước.
Trước mắt có hai vụ khác cũng đang được dư luận quan tâm. Thứ nhất là vụ một bé gái 7 tuổi ở Thủ Đức bị một người đàn ông xâm hại ở trường tiểu học Lương Thế Vinh, theo tố cáo của người mẹ. Nhưng Phòng Giáo Dục quận Thủ Đức khẳng định không có vụ xâm hại tình dục học sinh diễn ra tại trường này. Có điều, dữ liệu của camera ở vị trí bé gái bị xâm hại thì lại bị mất đúng vào khoảng thời gian mà người đàn ông nói trên bị tố cáo xâm hại tình dục. Hiện vụ việc vẫn đang được công an quận Thủ Đức điều tra.
Một vụ khác đó là vụ một bé gái 8 tuổi ở Hà Nội bị hàng xóm xâm hại tình dục vào đầu tháng 1, theo tố cáo của người mẹ. Công an địa phương đã triệu tập nghi can lên, nhưng sau đó lại cho về. Và nghi can này đã cùng vợ con chuyển khỏi nơi cư trú. Chỉ sau khi có "chỉ đạo" của phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, ngày 16/03 vừa qua, công an Hà Nội mới cho biết đã ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam nghi can nói trên về tội "Dâm ô trẻ em".
Thế nhưng, theo Liên Hiệp Quốc, các vụ được tố cáo chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm" và không ai biết được mức độ thật sự của bạo lực tình dục đối với trẻ em trai và gái ở Việt Nam. Tình hình đã trầm trọng đến mức mà ngày 17/03 vừa qua, tổ chức Liên Hiệp Quốc ở Việt Nam đã ra thông cáo bày tỏ mối "quan ngại sâu sắc" về các vụ xâm hại tình dục trẻ em ngày càng lan rộng ở Việt Nam, mà phần lớn các vụ xâm hại này vẫn chưa được tố cáo hoặc chưa được chính quyền xử lý thỏa đáng.
Nhân đây chúng tôi xin mời quý vị nghe bài phỏng vấn với cô Nguyễn Thị Y Duyên, chuyên gia về bảo vệ trẻ em của UNICEF Việt Nam, để biết thêm quan điểm của Liên Hiệp Quốc về vấn đề này.
Chuyên gia Nguyễn Thị Y Duyên24/03/2017
RFI : Thưa chị Nguyễn Thị Y Duyên, Liên Hiệp Quốc nói chung và UNICEF nói riêng có nhận định gì về tầm mức của các vụ xâm hại tình dục trẻ em ở Việt Nam hiện nay ?
Nguyễn Thị Y Duyên : Trong tuyên bố ngày 17/03/2017, Liên Hiệp Quốc đã bày tỏ sự lo ngại sâu sắc về các vụ xâm hại trẻ em ngày càng lan rộng, mà phần lớn các vụ này vẫn chưa bị tố cáo hoặc chưa được chính quyền xử lý thỏa đáng. Vì vậy Liên Hiệp Quốc kêu gọi các cơ quan chính phủ liên quan, với tư cách là các cơ quan có trách nhiệm chính trong việc đảm bảo quyền của trẻ em được quy định tại Công ước Quốc tế về Quyền Trẻ Em (mà Việt Nam đã phê chuẩn năm 1990), bảo vệ tất cả mọi trẻ em khỏi các hình thức bạo lực và xâm hại.
Ở Việt Nam, theo báo cáo của Bộ Lao Động, Thương Binh và Xã Hội, cứ bốn trẻ em lại có một em là nạn nhân của xâm hại và có mỗi năm ít nhất là 1.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em bị tố cáo. Nhưng thực ra các số liệu đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm và chúng ta không biết được mức độ thật sự của bạo lực tình dục đối với trẻ em trai và gái ở Việt Nam, vì phần lớn các nạn nhân vẫn giữ yên lặng suốt đời. Mặc dù chưa có các số liệu chính thức, các con số ước tính đã liên tục cho thấy mức độ đáng báo động về tình trạng xâm hại trẻ em nói chung và xâm hại tình dục trẻ em nói riêng.
RFI : Theo Liên Hiệp Quốc, theo UNICEF, vì sao cho tới nay vẫn có ít thủ phạm xâm hại tình dục bị đưa ra trước pháp luật để xử lý ?
Nguyễn Thị Y Duyên : Thực ra thì số vụ xâm hại tình dục trẻ em bị tố cáo vẫn ít hơn thực tế, do các gia đình không dám tố cáo, vì họ sợ hãi, họ xấu hổ hoặc sợ bị cộng đồng chỉ trích phê phán, cũng như là họ sợ ảnh hưởng đến tương lai của con họ sau này, nhất là nếu đấy là con gái, vì họ sợ ảnh hưởng sau này đến việc có bạn trai, việc lập gia đình. Mặt khác, có những gia đình không tin là họ có thể được hỗ trợ, cho nên họ ít báo cáo. Số vụ được báo cáo ít như thế cũng dẫn đến việc những vụ được xử lý cũng ít.
Nguyên nhân thứ hai là ngay cả những vụ được báo cáo, thì việc báo cáo cũng bị muộn và cũng không những bằng chứng để kết án. Ở Việt Nam hiện nay, ngoài bằng chứng trên cơ thể nạn nhân, còn có những bằng chứng về việc ghi hình. Thực ra ở Việt Nam hiện nay có rất ít trường học hoặc gia đình lắp camera để theo dõi, giám sát. Đa số đều không có, đặc biệt là ở vùng nông thôn, những biện pháp theo dõi bằng ghi hình lại là hoàn toàn không có.
Do nhận thức của người dân còn chưa đầy đủ về tầm quan trọng của việc tố cáo bằng bằng chứng, nên khi sự việc xảy ra, mọi người chưa có ý thức là phải tố cáo ngay, để có thể thu thập những chứng cứ kịp thời. Khi không có chứng cứ thì thật khó khăn cho công tác điều tra và kết án.
Nguyên nhân thứ ba là sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan còn chưa hiệu quả. Hiện nay chưa có những quy định cụ thể, rõ ràng giữa các đơn vị liên quan về một vụ xâm hại trẻ em, giữa các cán bộ bảo vệ trẻ em, cán bộ hội phụ nữ, hoặc là công an. Thông thường đây là những người tiếp nhận những thông tin đầu tiên. Bên cạnh đó là kiểm sát và tòa án. Giữa các đơn vị này hiện vẫn chưa có những quy định rõ ràng về phối hợp, vì vậy dẫn đến những lúng túng trong việc xác minh, giám định, đánh giá, cũng như hoàn thiện hồ sơ và kết tội.
Một điểm nữa là hiện nay, các luật sư hầu như chưa được vào cuộc ngay từ đầu, vì vậy không có vai trò của họ trong việc bảo đảm tính khách quan, thu thập chứng cứ đầy đủ để kết tội, vì vậy việc kết án là cực kỳ khó khăn. Đặc biệt hiện nay cũng chưa có những quy định về giám định khẩn cấp đối với những vụ tố giác xâm hại tình dục, để đảm bảo là điều tra có chứng cứ.
Khi gia đình tố cáo vụ xâm hại tình dục của một bé thì đơn vị nhận được tố cáo đó, do không có quy định về giám định khẩn cấp, cho nên nếu nhận vào thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật, là họ lúng túng, không biết đưa đi đâu để có được giám định khẩn cấp đối với những vụ đó.
Một nguyên nhân cũng rất là quan trọng, đó là trình độ đội ngũ cán bộ giám định kỹ thuật hình sự không đồng đều. Hiện nay, Việt Nam đang thiếu các giám định viên giỏi, dày dặn kinh nghiệm để thực hiện giám định các vụ xâm hại tình dục, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em. Nhiều cơ quan điều tra thì không có những điều tra viên chuyên về các vụ án xâm hại tình dục trẻ em. Hiện nay cũng chưa có trình tự, thủ tục riêng cho các vụ án xâm hại tình dục trẻ em.
Thanh Phương
Nguồn : RFI, 27/03/2017
Liên Hiệp Quốc ra thông cáo bày tỏ lo ngại 'nghiêm trọng' trước 'cường độ' của các vụ xâm hại trẻ em ở Việt Nam.
Trong thông cáo ra hôm 17/03, Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh : "Mọi trẻ em có quyền sống mà không chịu bạo lực, lạm dụng và bị bóc lột".
"Tuy hoan nghênh động thái của Chính phủ Việt Nam trong việc điều tra các vụ việc liên quan đến lạm dụng tình dục trẻ em gần đây, Liên Hiệp Quốc vẫn hết sức lo ngại rằng lạm dụng trẻ em xảy ra trên diện rộng và đa số các vụ việc không được báo cáo hoặc không được chính quyền xử lý một cách đầy đủ ngay cả khi đã được báo cáo".
Liên Hiệp Quốc ước tính cứ bốn trẻ ở Việt Nam thì có một em là nạn nhân của tình trạng lạm dụng và có ít nhất 1.300 trường hợp được báo cáo mỗi năm, tuy nhiên, trên thực tế con số còn lớn hơn nhiều và vì nhiều nguyên do, hiện vẫn không có con số chính thức.
Một trong những lý do, theo chuyên gia bảo vệ trẻ em của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) nói trong Bàn tròn thứ Năm của BBC Tiếng Việt, là văn hóa, nhận thức và sự lo ngại không nhận được sự hỗ trợ.
Trẻ em Việt Nam 'cần được bảo vệ' và có 'quyền sống mà không chịu bạo lực, lạm dụng và bị bóc lột', theo Liên Hiệp Quốc
"Nhiều người không muốn báo cáo, thừa nhận xâm hại tình dục ở trẻ em do văn hóa, do gia đình còn e ngại, sợ bị chỉ trích, kỳ thị, xấu hổ, nghĩ rằng có báo thì cũng không nhận được sự hỗ trợ hay đáp ứng cần thiết, vì vậy báo cáo số liệu chưa đầy đủ".
Ngoài ra, Luật bảo vệ trẻ em mới sẽ có hiệu lực vào tháng 6/2017, nhưng các văn bản hướng dẫn, nghị định, thông tư, vẫn đang được xây dựng, "nên một số cơ quan tổ chức có chức năng nhiệm vụ bảo vệ trẻ em nói rằng họ vẫn lúng túng trong việc cụ thể nhiệm vụ là gì, thực hiện như thế nào, quy trình là gì" bà Nguyễn Thị Y Duyên từ UNICEF nói.
Áp lực dư luận
Ảnh minh họa - HOANG DINH NAM/AFP/GETTY IMAGES
Phản hồi ý kiến của độc giả theo dõi chương trình thảo luận trực tuyến của BBC Tiếng về áp lực dư luận khiến một số vụ việc gần đây được các quan chức cấp cao chỉ đạo giải quyết, Luật sư Lê Thành Kính cho rằng luật đã có, và các cơ quan điều tra ở cấp quận, huyện đã có thẩm quyền và chức năng để thực hiện điều tra và giải quyết, không cần phải chờ cho tới khi có chỉ đạo của chính phủ.
Ông Lê Thành Kính, trưởng Văn phòng Luật Lê Nguyễn từ thành phố Hồ Chí Minh, là luật sư bảo vệ cho cựu ca sỹ người Anh Gary Glitter, người từng bị kết án tù ở Việt Nam năm 2006 do có hành vi dâm ô với trẻ em.
So sánh với Pháp, nơi chuyên gia tâm lý lâm sàng Demenet-Trần Nhi đang sống và làm việc, chị cho biết, "hiếm khi cần tới tận Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xử lý một vụ việc mang tính chất pháp luật mà đã có pháp luật quy định rõ ràng".
"Với một số trường hợp xâm hại trẻ em nhạy cảm hơn như liên quan tới yếu tố tôn giáo thì có sự can thiệp của các cơ quan chức năng liên quan tới tôn giáo để giúp điều tra và đẩy xa hơn quá trình xử lý".
Luật sư Lê Thành Kính nhận xét rằng tình trạng xâm hại trẻ em ở Việt Nam rất "đáng báo động", và đã được nhắc đến từ nhiều năm nay, nhưng các cơ quan xử lý "rất chậm".
Bên cạnh đó, tuy mức hình phạt quy định trong luật khá nặng, nhưng khi xét xử, "việc trừng phạt chưa đủ sức răn đe với những người có ý định hay có hành vi phải sợ".
Trả lời câu hỏi của khán giả theo dõi chương trình Bàn tròn thứ Năm về việc người báo cáo trường hợp xâm hại cảm thấy 'bị bỏ rơi, không ai giúp đỡ', Luật sư Kính cho đây là ý thức của những người có trách nhiệm trong giải quyết vấn đề.
"Nhiều khi chúng ta gọi đến không có người nghe máy, họ bắt làm bản tường trình, hỏi có chứng cứ gì không. Đây là việc mà nhất là ở những vùng nông thôn rất khó để giải thích được một cách rõ ràng vấn đề mà con cái họ bị xâm hại tình dục thì họ đòi phải có chứng cứ.
"Việc tìm ra nhân chứng, vật chứng đối với loại tội phạm này không dễ nên nếu chậm một ngày nào thì việc xử lý gặp khó khăn rất nhiều, thì đây là ý thức của những người xử lý vấn đề này".
'Cơ thể trẻ là của trẻ'
Ảnh minh họa - HOANG DINH NAM/AFP/GETTY IMAGES
Để ngăn ngừa xảy ra tình trạng xâm hại, chuyên gia tâm lý học lâm sàng từ Paris cho rằng, trước tiên phải đầu từ gia đình, và bắt đầu từ rất sớm và hàng ngày.
"Chúng ta không thể đấu tranh công bằng cho trẻ khi trẻ đã là nạn nhân rồi mà cha mẹ và nhà trường cần giúp trẻ hiểu quyền của mình, biết bảo vệ mình khi cần thiết, thậm chí là lên tiếng cho người khác, và không xâm hại trẻ khác".
"Phương châm chính mà gia đình và nhà trường cần truyền tải cho trẻ trong trường hợp này là trẻ cần hiểu được cơ thể của trẻ thuộc về trẻ, cha mẹ có thể giúp chăm sóc và phát triển cơ thể này lành mạnh nhất thôi, chứ cha mẹ hay người lớn không có quyền năng, quyền lực lớn hơn trẻ".
"Phải bắt đầu bằng cách chính cha mẹ tôn trọng cơ thể của con trong cách chăm sóc con cái hàng ngày từ tấm bé, luôn phải giải thích trước cho trẻ trước khi chạm vào vùng kín, cả bác sỹ, nhà trường, thầy cô giáo cũng vậy".
"Cha mẹ cũng cần tôn trọng cơ thể của cha mẹ, và để trẻ hiểu khái niệm về riêng tư thì cha mẹ cũng phải tôn trọng khái niệm riêng tư".
Một yếu tố đặc biệt quan trọng nữa, là việc xây dựng lòng tin của trẻ thông qua việc tôn trọng lời nói, để khi có vấn đề xảy ra thì trẻ có thể chia sẻ và kêu cứu, chuyên gia tâm lý Demenet-Trần Nhi nói trong thảo luận.
Thông cáo của Liên Hiệp Quốc về tình trạng xâm hại trẻ em ở Việt Nam nhấn mạnh : "Củng cố hệ thống để bảo vệ trẻ em ở Việt Nam quan trọng sống còn để bảo vệ trẻ em khỏi mọi hình thức bạo lực, lạm dụng và bị khai thác, trong đó có cả việc đào tạo cho nhân viên xã hội ở mọi cấp, cũng như đảm bảo khả năng được hưởng công lý một cách dễ dàng và có những biện pháp hiệu quả và hỗ trợ đặc biệt cho nạn nhân, chứ không chỉ là phản ứng trước các trường hợp sau khi đã xảy ra xâm hại, mà là ngăn chặn trước khi nó xảy ra".
Liên Hiệp Quốc khuyến khích bất kỳ ai là nạn nhân hay nhân chứng liên hệ tới Đường dây nóng bảo vệ trẻ em ở Việt Nam : 1800 1567 để được hỗ trợ.
Nguồn : BBC tiếng Việt, 17/03/2017
**************************
Việt Nam tăng cường biện pháp bảo vệ trẻ em (RFA, 17/03/2017)
Các bé mẫu giáo vui Tết Trung Thu tại một lễ hội ở Hà Nội hôm 23/9/2015. AFP photo
Bộ Giáo dục-Đào tạo Việt Nam được chỉ đạo tăng cường các giải pháp phòng, chống bạo lực và xâm hại trẻ em.
Văn phòng Chính phủ trong ngày 17 tháng 3 có văn bản truyền đạt yêu cầu trên của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Đồng thời ông Vũ Đức Đam cũng yêu cầu Bộ Giáo dục-Đào tạo cần phải hướng dẫn kỹ năng và có các biện pháp giúp trẻ em cùng học sinh nhận thức để tránh bị xâm hại.
Chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mới ban hành trong bối cảnh tệ trạng trẻ em Việt Nam bị xâm hại tình dục được cho là ở mức báo động đỏ.
Theo báo cáo vừa công bố của Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó Bạo lực Giới tại Việt Nam (GBVNet), mỗi năm khoảng 1000 em nhỏ bị xâm hại tình dục ở Việt Nam.
Hồi 2015, báo cáo của Tổ chức Nhân đạo Quốc tế cũng viết rằng trong số 10 em nhỏ tại Hà Nội, có 8 em từng là nạn nhân của các vụ xâm hại.
Trong những ngày qua, dư luận phẫn nộ xoay quanh 3 vụ trẻ em bị xâm hại tình dục ở Vũng Tàu, Sài Gòn và Hà Nội. Thông tin mới nhất mà chúng tôi ghi nhận được, nghi phạm Cao Mạnh Hùng vừa bị bắt trong vụ xâm hại tình dục trẻ tại Hà Nội và Cơ quan Cảnh sát Điều tra thành phố Vũng Tàu khởi tố ông Nguyễn Khắc Thủy về tội "dâm ô trẻ em".
Trong blog của mình, tôi đã đề cập đến vấn đề lạm dụng trẻ em qua rất nhiều bài viết, đặc biệt trong khoảng thời gian có 2 sự kiện diễn ra song song, đó là vụ diễn viên hài Minh "béo" bị bắt giữ tại Mỹ do có hành vi ấu dâm với trẻ vị thành niên và một bé gái bị lạm dụng bởi ông Nguyễn Khắc Thủy (sinh năm 1940) tại Vũng Tàu.
Ảnh tư liệu.
Cho đến nay, khi mà vụ án Minh "béo" được giải quyết xong xuôi, phạm nhân đã mãn hạn tù và quay trở lại Việt Nam thì vụ tại Vũng Tàu vẫn lửng lơ, chưa có quyết định xét xử từ phía tòa án chính quyền dù rất nhiều bằng chứng đã được cung cấp, thậm chí có nguy cơ bị đình chỉ. Chỉ duy nhất một thông tin được biết thêm : đó là kẻ xâm hại cháu bé từng là giám đốc ngân hàng nhà nước chi nhánh Vũng Tàu, kiêm Đảng viên lâu năm. Chi tiết tưởng chừng cỏn con nhưng lại là lời giải đáp cho sự chìm xuồng đáng ngờ của vụ này.
Đầu năm 2017, liên tiếp 2 vụ ấu dâm khác xảy ra, tại Hà Nội và Sài Gòn. Tại Hà Nội, một bé gái 8 tuổi bị xâm hại ngay trong khu vực sinh sống của mình bởi nghi phạm Cao Mạnh Hùng, hàng xóm của gia đình bé. Sau khi bị tố cáo và bị công an địa phương bắt để xét xử nhưng được thả về ngay lập tức, nghi phạm cùng vợ con đã chuyển chỗ ở ngay trong ngày. Gây phẫn nộ nhất là hành vi không cảm thấy hổ thẹn của y, trái lại còn thách thức gia đình nạn nhân khi cậy mình có mối quan hệ rộng rãi. Tại một trường tiểu học ở quận Thủ Đức, Sài Gòn, một em học sinh 6 tuổi bị xâm hại ngay trong khuôn viên nhà trường. Nhưng khi được yêu cầu điều tra thì giáo viên trong trường lại khẳng định cháu nghịch chơi bị té ngã, chảy máu vùng kín. Camera an ninh tại thời điểm đó bỗng dưng bị hư hỏng, không lưu giữ được hình ảnh.
Tôi không hiểu sao đến thời điểm hiện tại, những bộ trưởng bộ giáo dục, bộ văn hóa hay bất cứ một ngài tai to mặt lớn nào có đủ thẩm quyền trên đất nước này vẫn im phăng phắc không một lần lên tiếng. Phải chăng sự thờ ơ, im lặng của các quan chức này là minh chứng rõ ràng cho một xã hội mà những kẻ có tiền là có quyền. Tại sao đến thế kỷ của văn minh, ánh sáng mà trong môi trường giáo dục, những lớp học kiến thức về tình dục, về tâm sinh lý của trẻ em vẫn không được dạy dỗ phổ biến ? Các buổi họp phụ huynh vẫn lu bu chuyện đóng các khoản phí phát sinh mà không phải là chia sẻ về cách bảo vệ con em mình ? Những buổi chào cờ đầu tuần kéo dài cả tiếng đồng hồ chỉ xoay quanh điểm thành tích, xếp hạng ? Tại sao không một ai trong chúng ta dám nói thẳng rằng những tên đồi bại kia là đáng tội nhưng chính chúng ta cũng đóng góp một phần không nhỏ tạo môi trường dễ dàng cho chúng lộng hành ?
Những câu chuyện về xâm hại trẻ em dạo gần đây cùng một lúc được biết đến rất nhiều và làn sóng phẫn nộ từ dư luận bùng lên nhưng dường như chỉ như bọt bong bóng xà phòng vụn vỡ khi mà báo chí chỉ đơn giản là kền kền đói tin mà nói viết nhăng cuội chứ không theo đuổi đến cùng. Gia đình bé gái ở Vũng Tàu đã từng ngỡ ngàng vì không ít phóng viên nhắn tin đòi thêm tiền để viết thêm về vụ việc. Tất cả chỉ như món mồi ngon để truyền thông lao vào cắn xé, những kẻ hiếu kỳ nhào nặn bóp méo câu chuyện, các nhà đạo đức học lên tiếng bảo vệ gay gắt… Mạng xã hội là một phương tiện chia sẻ mang tính lan truyền cao nhưng tồn tại ngắn hạn. Có thể ngày hôm nay đang "hot" đấy nhưng ngày mai lại im lìm ngay tức khắc. Tất cả những cái "like", "share" không đem trả lại được tuổi thơ yên bình cho các bé nạn nhân, và chắc chắn cũng không đảm bảo được môi trường trong sạch, an toàn cho trẻ em Việt. Việc cần làm là những hành động thiết thực như dán biển hiệu, băng rôn thông báo toàn khu dân cư sinh sống (các thanh niên hội Đoàn, Đảng, hội phụ nữ, tổ dân cư họp hàng tuần để làm gì ?), môi trường giáo dục như nhà trường lớp học cần có các buổi nói chuyện phổ biến về vấn đề xâm hại trẻ em cho phụ huynh và các em học sinh… Phản ứng, thái độ quyết liệt của chính mỗi cá thể trong cộng đồng này là một cái tát vào mặt những kẻ đã và đang có ý định đồi bại với trẻ nhỏ, chứ không phải những lời kêu gọi rỗng tuếch được truyền qua mạng ảo. Việt Nam với những tòa nhà được xây cao hơn, những khu sinh sống khang trang hơn, hiện đại hơn nhưng chỉ như lớp vỏ bọc hào nhoáng cho sự xuống cấp của giáo dục, của đạo đức đang lộng hành.
Hoàng Giang
Nguồn : VOA, 18/03/2017