Cầu ‘Vĩnh Biệt’ tồn tại ba thập kỷ qua ở Quảng Nam…
RFA, 08/06/2021
Cầu Máng bắc qua sông Tam Kỳ, nối hai xã Tam Tiến và Tam Xuân 1 tồn tại hơn ba thập kỷ qua đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân Quảng Nam do nơi đây đã có gần 20 người bỏ mạng.
– RFA
Hàng chục người đã "vĩnh biệt" cõi đời
Để kiểm chứng lời kể của nhiều người dân Quảng Nam về cây cầu có tên "Vĩnh biệt" hay còn được gọi là cầu "tử thần", một ngày đầu tháng 6/2021, chúng tôi đã có mặt tại huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam và gặp gỡ người dân ở hai bên đầu cầu thuộc thôn Phú Trung Đông, xã Tam Xuân 1 và xã Tam Tiến.
Hầu hết người dân chúng tôi gặp và hỏi chuyện đều không muốn nêu tên thật, do đó chúng tôi tạm gọi họ là người dân T, H, L (theo tên viết tắt).
Giải thích nguyên nhân tại sao cầu Máng gắn liền với tên cầu "Vĩnh biệt", cô L. cho biết :
"Đặt cầu Vĩnh Biệt vì cầu này nói chung (người-PV) rớt nhiều lắm, ban đêm có, ban ngày có. Nó (cây cầu-PV) nhỏ quá, chỗ họ dẫn nước hư, lúc ixe Honda dằn cái là rớt. Cô về đây mấy chục năm là mấy chục năm thấy rớt, rớt miết".
Tiếp lời cô L., người dân tên H. giải thích thêm :
"Tai nạn giao thông cầu này nhiều, có một giai đoạn chết nhiều vì tai nạn nhiều lắm. Ủy ban Nhân dân xã làm hai cái rào chắn nhưng họ vẫn trèo đi. Thành thử đập cây cầu cũ này đi".
Trong thực tế, theo thông tin được truyền thông Nhà nước đăng tải thì cầu Máng được xây dựng từ năm 1985, ban đầu chỉ là một mương dẫn nước vào những đồng ruộng ven sông thuộc các xã Tam Tiến, Tam Xuân 1 huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, sau nhiều năm, do lối đi qua cây cầu dẫn nước này ngắn hơn khi di chuyển giữa các xã với nhau nên người dân cảm thấy thuận tiện hơn, do đó họ thường xuyên chọn con đường đi qua cầu thay vì đi đường ngoài.
Một người dân sống lâu năm tại xã Tam Tiến cũng xác nhận :
"Đây không phải cầu, đây là cái máng trổ nước cho cánh đồng nhưng tạm thời ở đây là giải quyết giao thông người dân đi bộ".
Cầu cũ xuống cấp-dự án cầu mới vẫn ì ạch
Do từ những ngày đầu xây dựng cầu Máng không phải dành cho giao thông nên chu vi cầu nhỏ. Hơn 30 năm sử dụng sai mục đích đã khiến cầu xuống cấp trầm trọng. Người dân nơi đây cho biết, trước đây, có một mạnh thường quân bỏ tiền làm dây cáp giăng giữa các trụ cầu để người dân bám vào dây khi lưu thông vào lúc gió lớn, nhưng sau nhiều năm trôi qua, dây cáp cũng đã bị hư hỏng nên việc lưu thông qua cầu rất nguy hiểm.
"Đi qua đó, có gió rớt xuống là chết liền, không có đường nào sống được, ghe thuyền ở đó mà không dám cứu vì họ làm ăn nên cữ, ví dụ vớt lên ảnh hưởng tới họ, chết họ mới vớt", một người dân ở thôn Phú Trung Đông cho biết.
Cầu Máng bắc qua sông Tam Kỳ, nối hai xã Tam Tiến và Tam Xuân 1.
Cô K, ở xã Tam Xuân 1 cũng cho biết người dân ở hai đầu cầu đều biết đi qua cầu này rất nguy hiểm nhưng nhiều lúc đánh liều họ cũng phải đi, thậm chí còn chạy xe máy qua cầu mỗi ngày, cô nói tiếp :
"Đi qua thấy sợ là ít đi, mấy chục năm rồi mà cô không đi qua, cô đi một lần không dám qua luôn. Cô bị tim là không dám đi luôn.
"Quá sợ chứ vì tuổi già, sức yếu, đi qua run rẩy mà có sự cố gì ví dụ hai chiếc xe máy đi qua tôi phải dừng. Nói chung cái dây ràng chỉ hỗ trợ chứ không đảm bảo lắm, một phần tương đối".
Phần đông người dân sống tại khu vực này khi được hỏi đều nói, sống đâu quen đó, nên việc lưu thông qua cầu Máng mỗi ngày cũng là chuyện bình thường, xui rủi mới có chuyện xấu xảy ra, như người dân tên L. ở xã Tam Tiến cho biết :
"Cực khổ thì có rồi, tâm lý nguy hiểm cũng có nhưng mà gần. Chứ nếu tôi đi Quảng Nam thì xe tôi không đủ sức đi."
Theo như ông L., nếu cầu Máng được gia cố hoặc xây mới thì cuộc sống người dân nơi đây mới đỡ khó khăn. Đặc biệt, theo ông L, vào những ngày mưa bão hoặc nước sông dâng cao, việc đi lại ở hai xã rất chật vật, nếu không có cầu, người dân phải mất nhiều thời gian để chuyển hàng lên huyện và ngược lại.
Được biết, phương án xây dựng cây cầu mới đã được chính quyền huyện Núi Thành đề xuất từ cách đây hai năm, nhưng đến nay vẫn chưa thể động thổ xây dựng. Nguyên nhân được người dân nơi đây cho biết do chính quyền nói giá nguyên vật liệu tăng cao thời gian gần đây và liên quan đến việc giải tỏa đền bù…
"Họ kêu không có kinh phí, mình dân biết chỗ nào mà phản ảnh lên. Xã cũng bình thường, không nói thì mình cũng chịu chứ làm gì được".
Qua tâm sự với chúng tôi, mong muốn lớn nhất của người dân ở hai xã đầu cầu là chính quyền địa phương mau sớm xây dựng một cây cầu kiên cố để người dân lưu thông qua lại mà không phải nơm nớp lo sợ. Như tâm sự của hai người dân ở xã Tam Tiến :
"Bọn cô cũng mừng trong khi yêu cầu nhà nước chi kinh phí xây cầu cho dân mừng, để có đường cho dân đi qua đi lại, như quê cô Tam Tiến là cô mừng nhất".
"Cô mong muốn rằng có chi phí nhiều để họ xây cầu bự cho dân minh đi thỏa mãn.
Tháng 5-2019, UBND tỉnh Quảng Nam đã có quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cầu Tam Tiến và đường dẫn nằm gần cầu Máng với chiều dài cầu và đường dẫn là 4,18 km, diện tích đất sử dụng là 6ha. Tổng mức đầu tư cho dự án này 220 tỉ đồng, thời gian thực hiện đến năm 2022. Trong đó, cầu Tam Tiến gồm chín nhịp, chiều dài gần 360m.
Thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình cầu Tam Tiến đã được phê duyệt, kết quả lựa chọn nhà thầu cũng đã được phê duyệt từ tháng 10-2020.
*******************
Internet đi quốc tế của Việt Nam chập chờn do cáp quang biển gặp sự cố
RFA, 08/06/2021
Hai trong năm tuyến cáp quang biển kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế được cơ quan chức năng nói đang đang gặp sự cố hoặc đang sửa chữa nên ảnh hưởng đến các dịch vụ như tải nội dung, hình ảnh trên mạng xã hội Facebook, gửi gmail chậm hay xem YouTube bị giật, lag…
Ảnh minh họa. AFP
Báo Nhà nước Việt Nam dẫn thông tin từ các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam đưa tin ngày 8/6.
Tin cho biết, đơn vị quản lý đã phát hiện sự sụt giảm điện áp trên nhánh S1H của tuyến cáp quang biển Asia Africa Europe 1 (AAE-1) vào sáng ngày 26/5.
Đánh giá ban đầu cho thấy đã xảy ra lỗi gây đứt một phần sợi quang trên phân đoạn S1H.1 của tuyến cáp, nhưng các ISP tại Việt Nam hiện tại vẫn chưa nhận được kế hoạch sửa chữa, khắc phục sự cố trên tuyến cáp quang biển AAE-1.
Ngoài ra, tuyến cáp quang biển Asia Pacific Gateway- APG cũng đang bảo dưỡng từ 24g ngày 5/6 và dự kiến hoàn thành vào 22g ngày 10/6.
********************
Công an Thành phố Hồ Chí Minh phát hiện ‘kho’ vũ khí, bắt giam người tàng trữ
VOA, 08/06/2021
Công an Thành phố Hồ Chí Minh vừa bắt giam một người đàn ông được cho là tàng trữ và mua bán súng đạn ở Quận Phú Nhuận với số lượng mà truyền thông trong nước gọi là một "kho."
Một người đàn ông 28 tuổi có tên Lê Trọng Nghĩa bị công an Thành phố Hồ Chí Minh bắt giữ cùng số vũ khí mà họ tìm thấy tại nơi cư trú của anh ở Quận Phú Nhuận theo cáo buộc "tàng trữ và mua bán súng đạn trái phép" theo điều 304 Bộ luật hình sự.
Công an Quận Phú Nhuận hôm 7/6 cho biết đang tạm giữ một người đàn ông 28 tuổi có tên Lê Trọng Nghĩa để điều tra và làm rõ về "hành vi tàng trữ số lượng lớn súng đạn trái phép," theoCông an Thành Phố Hồ Chí Minh.
Tờ báo của Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết vụ việc được phát hiện khi Tổ hình sự đặc nhiệm Công an Quận Phú Nhuận tổ chức tuần tra, kiểm soát trên địa bàn và phát hiện người đàn ông này "có biểu hiện nghi vấn" nên tiến hành đeo bám vào ngày 4/6. Tuy nhiên tờ báo này không cho biết đó là những nghi vấn gì.
Theo VnExpress, Lê Trọng Nghĩa trong tình trạng dương tính với ma túy khi bị tổ đặc nhiệm kiểm tra hành chính.
Sau khi Lê Trọng Nghĩa không xuất trình được bằng lái xe, đội đặc nhiệm đã đưa người đàn ông này về đồn công an và tiến hành thẩm vấn trước khi khám xét nhà của đối tượng tại Quận Phú Nhuận.
Tại nơi ở của Lê Trọng Nghĩa, cơ quan công an phát hiện và thu giữ nhiều súng đạn cùng công cụ hỗ trợ, gồm 5 khẩu súng ngắn, 1 khẩu súng dài, 115 viên đạn cùng nhiều bình xịt hơi cay, dao kiếm các loại, theoTuổi Trẻ và báo Công An Thành phố Hồ Chí Minh.
Truyền thông trong nước cho biết Lê Trọng Nghĩa khai nhận đã mua những loại vũ khí này qua mạng xã hội về để "cải tiến" và "bán kiếm lời." Hiện công an đang điều tra nguồn gốc những loại vũ khí trên.
Người đàn ông này, theo VnExpress, từng bị Công an Bình Dương bắt về hành vi "Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự" theo Điều 304 Bộ luật Hình sự Việt Nam.
Hồ sơ của Lê Trọng Nghĩa được Tuổi Trẻ trích dẫn còn cho biết người đàn ông này từng bị công an quận 10 của Thành phố Hồ Chí Minh bắt giữ và đưa đi cai nghiện ma túy bắt buộc vào năm 2020. Sau vụ bắt giữ hôm 4/6, Lê Trọng Nghĩa lại một lần nữa được đưa đi cai nghiện và cảnh sát đang tiếp tục điều tra vụ việc.
Một sự việc tương tự xảy ra hồi tháng 10 năm ngoái tại Mỹ Tho khi công an thành phố này phối hợp với lực lượng an ninh tỉnh Tiền Giang "bất ngờ kiểm tra" nhà của một đối tượng bị nghi tàng trữ ma túy và phát hiện ra nhiều súng đạn cùng dụng cụ để sữa chữa súng, theo Tuổi Trẻ.
Việctàng trữ vũ khí trái phép ở Việt Nam có thể bị phạt hành chính từ 1 triệu đến 1 tỷ đồng hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cụ thể theo các điều khoản được áp dụng của Bộ luật hình sự.