Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

13/06/2021

Người Việt sinh sống quanh hồ Tonle Sap bị buộc phải rời đi trong 7 ngày

Trọng Nghĩa, Tiến Trình, Nhật Đăng

Cam Bốt giải tỏa khu nhà nổi có đông người Việt sinh sống trên sông Tonle Sap

Trọng Nghĩa, RFI, 13/06/2021

Chính quyền thủ đô Cam Bốt vào hôm 12/06/2021 đã bắt đầu giám sát chiến dịch tháo dỡ các ngôi "nhà nổi" dọc theo bờ sông Tonle Sap – Người Việt quen gọi là Biển Hồ - khúc chảy qua Phnom Penh, bất chấp sự phản đối của những cư dân sinh sống lâu đời tại đó.

bienho1

Một người Việt bên ngôi nhà nổi trên sông Tongle Sap bị chính quyền Cam Bốt tháo dỡ, ngày 12/06/2021. AP - Heng Sinith

Theo hãng tin Anh Reuters, chính quyền thủ đô Cam Bốt đã nhấn mạnh đến nhu cầu bảo đảm mỹ quan và vệ sinh để giải thích chiến dịch giải tỏa các ngôi nhà nổi bên sông.

Trả lời Reuters, ông Si Vutha, người đứng đầu văn phòng quản lý đất đai của quận Prek Pnov, nơi đã tiến hành công việc tháo dỡ các ngôi nhà nổi từ hôm 11/06, cho biết : "Có 316 ngôi nhà mà chúng tôi phải di dời hôm nay. Đây là vấn đề thực sự ảnh hưởng đến mỹ quan thành phố và môi trường. Đi thuyền ngang qua đây là thấy ngay mùi rất khó chịu".

Theo quan chức này, việc di dời nhằm làm sạch thủ đô trước khi Phnom Penh tổ chức Đông Nam Á Vận Hội 2023, vì sân vận động mới được xây chỉ cách đó vài km.

Nhân vật này nói tiếp : "Ở đây có hàng trăm con virus, cứ để du khách ngoại quốc đến thấy đất nước của chúng tôi như thế hay sao ?".

Theo Reuters, từ bao thế hệ nay, những ngôi nhà nổi bằng gỗ ở Phnom Penh vừa là nơi sinh sống vừa là phương thức mưu sinh của hầu hết các gia đình người gốc Việt. Người dân sống tại đấy cho rằng chiến dịch gải tỏa được tung ra quá sớm trong bối cảnh còn hơn một năm nữa SEA Games mới diễn ra.

Theo Reuters, ông Si Vutha không nói rõ lý do vì sao chính quyền lại cho tiến hành việc giải tỏa vào lúc này, trong lúc phát ngôn viên thành phố Phnom Penh chưa đưa ra bình luận vào hôm qua.

Trả lời Reuters, một cư dân 54 tuổi khẳng định : "Tổ tiên chúng tôi luôn ở đây". Đối với ông, lệnh của thành phố không cho gia đình ông đủ thời gian để di dời.

Một người khác, 57 tuổi, đã từ Việt Nam qua sinh sống tại Cam Bốt từ 20 năm nay, cho biết là gia đình anh kiếm sống bằng nghề nuôi cá trong bè, nhưng vì cá năm nay quá nhỏ nên không thể bán. Cư dân này rất lo lắng : "Tôi không biết phải đi đâu, tôi không có đất".

Trọng Nghĩa

********************

Người gốc Việt ở Campuchia bắt đầu di dời khỏi sông Tonle Sap

Tiến Trình, Tuổi Trẻ Online, 13/06/2021

Hàng chục ngàn người gốc Việt sinh sống lâu đời tại các làng bè trên sông Tonle Sap đang lao đao vì dịch bệnh, giờ càng khó khăn hơn khi chính quyền thành phố ban hành lệnh di dời khẩn cấp.

bienho2

Một gia đình gốc Việt sinh sống lâu đời trên sông Tonle Sap ở Phnom Penh - Ảnh : Tuấn Ngọc

Đã có thông tin chủ tịch Hội Khmer - Việt Nam và đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia sẽ phối hợp với các lực lượng chấp pháp của Phnom Penh đến hỗ trợ, giám sát việc di dời. 

Tuy nhiên chiều 11/6, cảnh sát Campuchia đã đến chặt dây, phá bè cá của nhiều hộ dân ở các quận Rusey Keo và Meanchey, sự việc khiến nhiều hộ dân khác hết sức lo lắng.

"Rời đi trong 7 ngày"

Sáng 12/6, nguồn tin của Tuổi Trẻ từ cộng đồng người gốc Việt ở thủ đô Phnom Penh (Campuchia) cho biết từ hừng đông, rất nhiều gia đình sống trong các nhà bè trên sông Tonle Sap (đoạn qua thành phố Phnom Penh, Campuchia) đã tản đi khắp nơi.

"Có gia đình đi về phía Việt Nam, có người đi hướng khác. Nhiều gia đình chỉ mới dỡ nhà chứ chưa có tiền di chuyển. Nhiều nhà tàu bè cũng mục nát rồi, muốn đi cũng không dễ..." - một người gốc Việt ở quận Rusey Keo nói với Tuổi Trẻ.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Sim Chy, chủ tịch Tổng hội Khmer - Việt Nam ở Campuchia, cho biết đã gọi điện trao đổi với đô trưởng Phnom Penh để kiến nghị không đưa lực lượng chấp pháp xuống cưỡng chế, gây thiệt hại và hoang mang cho bà con gốc Việt ở đây.

Trước đó ngày 2/6, giữa lúc dịch Covid-19 vẫn đang ảnh hưởng nặng nề, đô trưởng Phnom Penh, ông Khuong Sreng đã lệnh cho các hộ dân sống trên sông Tonle Sap, thuộc 6 quận (gồm Chrouy Changvar, Prek Pnov Chbar Ampov, Meanchey, Ruesey Keo, Daun Penh) phải tháo dỡ nhà hoặc rời khỏi sông Tonle Sap.

Mặc dù sắc lệnh không nhằm cụ thể vào cộng đồng nào nhưng ai cũng biết bị ảnh hưởng nặng nhất là những người gốc Việt. Bởi họ là những người không đất đai và có tập quán sinh sống lâu đời trong các xóm nổi trên sông.

bienho3

Dỡ bỏ nhà nổi của người gốc Việt ở quận Prek Pnov ngày 12/6 - Ảnh : Reuters

Hiện có trên 1.300 hộ dân với hơn 11.000 nhân khẩu đang sống trong các xóm nổi trên sông Tonle Sap. Người gốc Việt từ lâu đã sống tại các làng bè trên sông này, mưu sinh chủ yếu bằng nghề đánh bắt, nuôi cá. 

Tuy nhiên gần đây chính quyền Phnom Penh lại coi nhà ở, bè cá, xuồng ghe trên sông là "những công trình bất hợp pháp", không cho tiếp tục tồn tại. Họ nói việc xây cất nhà trên sông như vậy làm ảnh hưởng đến giao thông đường thủy, ảnh hưởng môi trường và nguồn cá của thành phố.

Chính quyền Phnom Penh trước mắt cho các hộ dân tự di dời. Nếu không tuân thủ sẽ bị pháp luật trừng phạt.

Ông Sim Chy cho biết bản thân ông và hàng ngàn người bị ảnh hưởng đã rất bất ngờ trước thông báo của chính quyền Phnom Penh. "Đối với phần lớn người gốc Việt, họ đã sinh sống lâu đời ở đây và cũng đã được nhà chức trách Campuchia công nhận" - ông Sim Chy nói.

Trước đó, Hội Khmer - Việt Nam cũng đã gửi văn bản kiến nghị chính quyền thành phố gia hạn thời gian di dời, cũng như quy hoạch nơi ở mới cho hàng ngàn hộ dân chịu ảnh hưởng.

bienho4

Các nhà nổi của người gốc Việt ở lòng hồ Tonle Sap thuộc quận Prek Pnov ngày 12/6 - Ảnh: Reuters

Sẽ có lộ trình cụ thể ?

Điều đáng nói, dù ra thời hạn di dời một lượng lớn dân cư nhưng chính quyền Phnom Penh lại không cho biết những người này sẽ dời đi đâu và tiếp tục cuộc sống thế nào.

Vậy nên khi nhận thông báo, nhiều người gốc Việt rất hoang mang, lo lắng.

Bà Srey Mau - một cư dân gốc Việt sống trên sông Tonle Sap thuộc quận Chroy Chongva - cho biết bà đã "bị dồn đến chân tường". Dịch giã hoành hành nhiều tháng đã khiến kinh tế gia đình bà cạn kiệt, nay buộc phải dời đi, bà không biết đi đâu.

"Chúng tôi là người gốc Việt nhưng chúng tôi sinh ra và đã ở Campuchia nhiều đời nay. Chúng tôi đã coi mình là người Campuchia. Hãy cho chúng tôi quyền được có chỗ ở và mưu sinh..." - một hộ dân gốc Việt chia sẻ với Tuổi Trẻ.

Tham tán Võ Tuấn Ngọc, trưởng phòng công tác cộng đồng thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia, cho biết đại sứ quán cùng Hội Khmer - Việt Nam đã và đang làm việc với các bên để có hướng giải quyết thấu đáo vấn đề.

Nguồn tin riêng của Tuổi Trẻ cho biết một giải pháp ổn thỏa đang được cân nhắc. Đó là tiến hành thực hiện sắc lệnh của chính quyền Phnom Penh theo lộ trình từng giai đoạn.

Theo đó, giai đoạn đầu từ ngày 12/6 sẽ di chuyển các nhà bè ở 2 quận Russey Keo và Prek Phnov và sắp xếp thành hai hàng từ khu vực cách cầu Pnek Phnov khoảng 3km.

Tiếp đó sẽ thống kê, phân loại cụ thể các hộ gia đình bị di dời để tính phương án tái định cư trên bờ, hỗ trợ chuyển đổi sinh kế. Vận động tới từng hộ dân, ai có nhà trên bờ rồi thì tự giác chuyển lên sớm.

Sang giai đoạn sau, chính quyền Phnom Penh, Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia, Hội Khmer - Việt Nam sẽ cùng bàn giải pháp hỗ trợ người dân chuyển đến khu tái định cư (không xa khu vực nhà bè hiện nay) theo hình thức cho thuê đất... Bà con cũng được khuyến khích chuyển đổi nghề và làm công việc khác như nuôi tôm, chăn nuôi, trồng rau để cung cấp rau cho thành phố Phnom Penh.

Theo ông Chy, các đơn vị liên quan đang nỗ lực tìm thêm các điểm mới giúp bà con có chỗ di dời, trước mắt sẽ tập trung ở tại khu vực chùa Chethaukdom thuộc phường Samrong, quận Prek Phnov ở Phnom Penh.

"Trước những khó khăn, áp lực mà các hộ gia đình trong diện di dời đang đối mặt, Hội Khmer - Việt Nam tại Campuchia động viên bà con bình tĩnh, tuân thủ luật pháp, tôn trọng quyết định của chính quyền địa phương và cùng tính toán các phương án di dời, có vấn đề gì trở ngại khó khăn hãy liên hệ với Hội Khmer - Việt Nam" - ông Sim Chy cho biết.

Tiến Trình

*********************

Việt Nam đã có ý kiến với Campuchia việc giải tỏa nhà nổi có đông người Việt sinh sống

Nhật Đăng, Tuổi Trẻ Online, 10/06/2021

Liên quan tới việc Campuchia ra lệnh giải tỏa, di dời nhà nổi nơi có người Việt sinh sống ở sông Tonle Sap (hoặc Biển Hồ), Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 10/6 cho biết đã nêu ý kiến với phía Campuchia.

bienho5

Nhà nổi ở sông Tonle Sap, gần Phnom Penh (Campuchia) - Ảnh: Reuters

Trước đó vào ngày 2/6, chính quyền thủ đô Phnom Penh thông báo việc giải tỏa nhà nổi, bè nuôi cá trên sông Tonle Sap, gần thủ đô Phnom Penh. Được biết lý do cho việc ban hành lệnh di dời này nằm ở lo ngại gián đoạn, ảnh hưởng nguồn nước, phá hủy hệ sinh thái, lượng cá suy giảm do đánh bắt…

Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia xác nhận có kế hoạch di dời này, và cho biết khu vực ảnh hưởng có cả các công trình của người gốc Việt.

Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 10/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết Việt Nam rất quan tâm tới thông tin này. Và ngày 7/6 vừa qua, tại cuộc gặp song phương giữa Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn với Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Vương quốc Campuchia Prak Sokhonn, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã đề nghị Campuchia tiếp tục quan tâm giải quyết vấn đề địa vị pháp lý cho người gốc Việt tại Campuchia.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng đề nghị các cơ quan chức năng của Campuchia trong quá trình triển khai chính sách, cần lưu ý có lộ trình hợp lý, bảo đảm quyền lợi và an sinh của người gốc Việt, tạo điều kiện cho những người bị ảnh hưởng sớm ổn định cuộc sống, duy trì hoặc chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp, và tiếp cận đầy đủ các dịch vụ thiết yếu.

Trước đó vào ngày 4/6, Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Vũ Quang Minh cũng trực tiếp tới thăm hỏi, động viên bà con gốc Việt tại khu vực bị di dời.

Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cũng như Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia đã có trao đổi với phía Campuchia, đề nghị tạo điều kiện thuận lợi, có các biện pháp hỗ trợ thiết thực cho bà con tái định cư, đảm bảo tính nhân đạo và quyền lợi chính đáng của người dân.

Theo người phát ngôn Thu Hằng, phía Campuchia đã ghi nhận các ý kiến của phía Việt Nam, khẳng định Chính phủ Campuchia sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho sinh viên, doanh nghiệp, những người Việt Nam học tập, làm ăn và người gốc Việt sinh sống ổn định tại Campuchia.

"Việt Nam thông hiểu chính sách phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ cảnh quan môi trường của Campuchia, đồng thời mong rằng việc di dời được triển khai theo lộ trình hợp lý, khả thi, có bố trí khu vực tái định cư với đầy đủ cơ sở hạ tầng thiết yếu, giúp người dân thuộc diện di dời sớm ổn định cuộc sống, bảo đảm an sinh xã hội", bà Thu Hằng nói.

Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng cho hay trong thời gian qua, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia cũng đã hỗ trợ hội Khmer Việt Nam tại Campuchia, giúp nhiều hộ dân người gốc Việt chuyển đến nơi ở mới theo chủ trương của chính quyền Campuchia. Và đến nay, cuộc sống của một số bà con đã di dời bước đầu đi vào ổn định, theo người phát ngôn Thu Hằng.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình triển khai kế hoạch di dời của Campuchia, và tình hình của cộng đồng người gốc Việt tại đây, phối hợp với Hội Khmer Việt Nam tại Campuchia để kịp thời có các biện pháp hỗ trợ cần thiết.

Tờ Khmer Times cho biết lệnh di dời này buộc người sống trên làng nhà nổi phải rời đi trong vòng 7 ngày. Thời hạn gấp rút này đẩy nhiều gia đình ngụ tại đây vào tình cảnh khó khăn.

Được biết khoảng 700 hộ gia đình nghèo đã chịu ảnh hưởng từ lệnh nêu trên, và đã kêu gọi sự giúp đỡ từ Thủ tướng Campuchia Hun Sen.

Trả lời Khmer Times, các hộ gia đình này nói rằng họ sẵn sàng tuân lệnh di dời, nếu chính quyền hoặc Thủ tướng Hun Sen tìm giải pháp tái định cư.

Sông Tonle Sap dài 120km, nối hồ Tonle Sap với sông Mekong. Đây là hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á.

Nhật Đăng

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Nghĩa, Tiến Trình, Nhật Đăng
Read 463 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)