Tướng Việt Nam kêu gọi ‘kiềm chế’ giữa căng thẳng ở Biển Đông
VOA, 15/06/2021
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang kêu gọi có các hành động "kiềm chế" và "tránh làm phức tạp tình hình" trong giải quyết tranh chấp trên Biển Đông khi gặp mặt các bộ trưởng khối ASEAN và Trung Quốc hôm 15/6.
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Thượng tướng Phan Văn Giang, cùng các quan chức phía Việt Nam dự cuộc họp với các bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và Trung Quốc qua hình thức trực tuyến từ Brunei hôm 15/6.
Ghi nhận về cuộc gặp không chính thức Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN-Trung Quốc qua hình thức trực tuyến do Brunei, chủ tịch luân phiên của khối các Quốc gia Đông Nam Á tổ chức,Thông Tấn Xã Việt Nam cho biết Thượng tướng Giang, đồng thời là trưởng đoàn Việt Nam, đề nghị các bên tạo môi trường thuận lợi cho việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), nhất là thông qua các biện pháp xây dựng lòng tin.
Cuộc họp diễn ra một ngày trước khi khối 10 quốc gia khu vực Đông Nam Á gặp mặt với các bộ trưởng Quốc phòng của 8 nước khác trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm Mỹ, Nhật và Ấn Độ.
Thượng tướng Giang được dẫn lời nói tại cuộc gặp không chính thức hôm 15/6 rằng phía Việt Nam đề nghị các bên "kiềm chế các hành động, tránh làm phức tạp tình hình, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982".
Trong một tuyên bố mà Singapore đưa ra sau cuộc gặp hôm 15/6 đượcNikkei Asia trích dẫn, các bộ trưởng của ASEAN nhấn mạnh "sự cần thiết phải duy trì và thúc đẩy một môi trường có lợi cho việc sớm ký kết một COC hiệu quả và thực chất theo luật pháp quốc tế", hàm ý nói tới bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông.
Trung Quốc có các tuyên bố chủ quyền chồng lấn với các nước thành viên ASEAN trên vùng Biển Đông giàu tài nguyên. Tại một cuộc gặp của các ngoại trưởng vào tuần trước, ASEAN và Trung Quốc nhất trí xúc tiến việc nối lại các cuộc đàm phán về bộ quy tắc ứng xử, vốn đã bị tạm dừng do đại dịch virus corona.
Biển Đông cũng là một chủ đề chính trong các cuộc họp của các bộ trưởng Quốc phòng ASEAN trước đây. Tuyên bố mới được đưa ra hôm 15/6 nhắc lại rằng các quốc gia cam kết đối với "sự duy trì và thúc đẩy hoà bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không trên Biển Nam Trung Hoa (tức Biển Đông)".
Các bộ trưởng cũng kêu gọi "tự kiềm chế trong các hành động" và thúc giục các bên "tránh các hành động có thể làm phức tạp hoặc leo thang tình hình", mà không nêu tên cụ thể nước nào, theo Nikkei Asia.
Căng thẳng trên Biển Đông tăng cao trong những tuần gần đây giữa các nước trong khu vực với Trung Quốc. Malaysia hồi đầu tháng nàyđưa chiến đấu cơ ra chặn 16 máy bay vận tải của Trung Quốc bay xuống Biển Đông mà nước này cho là có các "hoạt động đáng ngờ" gần không phận của họ. Trong khi đó Philippines trong thời gian quanhiều lần phản đối sự hiện diện "bất hợp pháp" và "đe doạ" của hàng trăm "dân quân hàng hải" Trung Quốc bên trong vùng đặc quyền kinh tế của họ. Còn Việt Nam được cho là đã mở rộnglực lượng dân quân biển để tăng cường tự vệ trước các thách thức của Trung Quốc trên Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Nguỵ Phượng Hoàng không được các báo trong nước trích dẫn nói tại cuộc họp nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam được TTXVN trích lời nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác ASEAN-Trung Quốc vì "hoà bình, ổn định khu vực" và "hưởng ứng việc thiết lập đường dây nóng giữa bộ trưởng của khối ASEAN và Trung Quốc.
Nguồn : VOA, 15/06/2021
**********************
Việt Nam đề nghị ‘giải pháp lâu dài’ về Biển Đông, Trung Quốc không đả động gì
VOA, 09/06/2021
Việt Nam vừa cho biết đã đề nghị với Trung Quốc về việc "tìm giải pháp cơ bản, lâu dài" cho vấn đề Biển Đông trong cuộc gặp giữa tân Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn với Ủy viên Quốc vụ viện – Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị vào ngày 8/6. Tuy nhiên, nội dung này hoàn toàn không được đề cập đến trong bản tin của Bộ Ngoại giao Trung Quốc về cuộc gặp trên.
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn (trái) gặp Ủy viên Quốc vụ viện – Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tại Trùng Khánh vào ngày 8/6/2021.
"Việt Nam đề nghị cùng Trung Quốc tiếp tục thực hiện nghiêm túc nhận thức chung cấp cao, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982 [Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển], phát huy vai trò của các cơ chế đàm phán, tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài cho vấn đề Biển Đông", báo Tuổi Trẻ đưa tin về nội dung của cuộc họp giữa hai bộ trưởng ngoại giao trong khuôn khổ Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao hợp tác Me Kong – Lan Thương tại Trùng Khánh, Trung Quốc.
Theo đó, hai bộ trưởng Việt – Trung cũng đồng ý duy trì trao đổi, hợp tác tại các diễn đàn đa phương để duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và cùng các nước ASEAN sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Tất cả các nội dung trên và những vấn đề về quan hệ song phương và quốc tế, khu vực mà cả hai cùng quan tâm đã được "trao đổi sâu rộng" và "trong một bầu không khí hữu nghị, chân thành", Bộ Ngoại giao Việt Nam được báo chí dẫn lời nói.
Trong khi đó, bản tin chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc khi thông tin về cuộc họp hoàn toàn không đề cập đến các nội dung trên, mà chủ yếu chỉ nói đến việc thúc đẩy quan hệ Trung – Việt.
"Trung Quốc sẵn sàng cùng Việt Nam tiếp tục xây dựng mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tăng cường tin cậy chiến lược lẫn nhau, hợp tác thực chất sâu rộng theo phương hướng mà lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước đã xác định", bản tin của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói, đồng thời thêm rằng "Đó là thuộc tính cơ bản và mục tiêu cốt lõi của quan hệ hai Đảng, hai nước nhằm giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản, đẩy mạnh sự nghiệp đi lên chủ nghĩa xã hội".
Về phần mình, ông Bùi Thanh Sơn nói "Việt Nam luôn coi việc phát triển quan hệ hai Đảng, hai nước là lựa chọn vững chắc và ưu tiên ngoại giao của mình", và Trung Quốc đã có nhiều cuộc tiếp xúc với Việt Nam hơn bất kỳ quốc gia nào khác kể từ sau Đại hội 13 của Đảng cộng sản Việt Nam. "Điều này thể hiện đầy đủ sự gần gũi và chiến lược của hai nước", vẫn theo trang tin của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Ngoài vấn đề Biển Đông, truyền thông Việt Nam cho biết ông Bùi Thanh Sơn cũng đề nghị Trung Quốc tạo thuận lợi cho nông sản, thực phẩm của Việt Nam xuất sang Trung Quốc, triển khai hiệu quả các khoản viện trợ Trung Quốc dành cho Việt Nam và sớm hoàn thành các dự án hợp tác còn vướng mắc.
Trong khi đó, phía Trung Quốc nói kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam trong 4 tháng đầu năm đã vượt 70 tỷ đô la Mỹ, với tốc độ tăng trưởng cả năm trên 40%, "thể hiện đầy đủ tiềm năng hợp tác to lớn của kinh tế thương mại song phương và phản ánh quan hệ láng giềng hữu nghị giữa hai nước ở mức cao". Trung Quốc nói thêm rằng "sẵn sàng mở rộng hợp tác cảng biển với Việt Nam và nhập khẩu nhiều nông sản từ Việt Nam hơn" nhưng hai bên cần "khai thác triệt để các thế mạnh" và "thúc đẩy tiến độ trong việc xây dựng Vành đai, Con đường và các khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới".
Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị nói thêm rằng Trung Quốc sẵn sàng tăng cường hợp tác với Việt Nam trong cuộc chiến chống lại Covid-19, đồng thời ủng hộ các doanh nghiệp dược phẩm Trung Quốc hợp tác với Việt Nam trong nghiên cứu và phát triển, sản xuất vắc xin.
Ông đề nghị hai bên tạo điều kiện thuận lợi cho công dân hai nước đi tiêm chủng ở hai quốc gia của nhau và tăng cường công tác phòng, chống chung ở biên giới chống lại đại dịch.
Nguồn : VOA, 09/06/2021
*********************
Việt Nam ‘chưa có thông tin’ về giàn khoan lớn nhất thế giới Trung Quốc sắp lắp đặt ở Biển Đông
VOA, 10/06/2021
Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 10/6 nói "chưa có thông tin cụ thể" về việc Trung Quốc đã lắp đặt xong giàn khoan lớn nhất thế giới và chuẩn bị đưa ra khu vực mỏ Lăng Thủy, phía nam đảo Hải Nam, thuộc Biển Đông, nơi Việt Nam và nhiều quốc gia khác có tuyên bố chủ quyền chồng chéo nhau.
Hình ảnh giàn khoan "Biển sâu số 1" lớn nhất thế giới được tờ Hoàn Cầu Thời Báo đăng lên vào ngày 31/5/2021 và cho biết sẽ bắt đầu hoạt động trong tháng 6.
"Tuy nhiên, cần nhắc lại lập trường rõ ràng và nhất quán của Việt Nam : Các bên liên quan cần tôn trọng đầy đủ các quyền và lợi ích hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam, đặc biệt là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác lập trên cơ sở UNCLOS 1982 cũng như các điều ước quốc tế song phương có liên quan", người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng được báo chí dẫn lời nói khi được hỏi về thông tin về "giàn khoan lớn nhất thế giới" mà Trung Quốc chuẩn bị kéo ra Biển Đông.
Trước đó, tờ Thời Báo Hoàn Cầu hôm 30/5 đưa tin Tổng công ty dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) nói đã lắp đặt xong các thiết bị lên giàn khoan có tên "Biển sâu số 1" vào ngày 29/5 và đây là giàn khai thác nửa chìm nửa nổi đầu tiên lớn nhất thế giới, với trọng lượng 100.000 tấn.
CNOOC cho biết thêm rằng giàn sẽ được kéo ra khu vực khí Lăng Thủy, ngoài khơi đảo Hải Nam, vào đầu tháng 6 và bắt đầu khai thác trong cùng tháng.
Khu vực Lăng Thủy gồm các lô dầu khí Lăng Thủy 17-2, Lăng Thủy 25-1, Lăng Thủy 18-1 và Lăng Thủy 18-2, nằm cách đảo Hải Nam khoảng 150 km.
Từ tháng 6/2020, CNOOC đã tiến hành khoan giếng khai thác đầu tiên trong tổng số 11 giếng tại lô Lăng Thủy 17-2. Ước tính sau khi đi vào hoạt động, lô Lăng Thủy 17-2 sẽ cung cấp 1/4 khí đốt hàng năm cho vùng Vịnh lớn Quảng Đông - Hong Kong - Macau, và sẽ trở thành một trung tâm năng lượng mới ở khu vực Biển Đông. Trong khi đó, riêng giàn khoan "Biển sâu số 1" được ước tính có thể khai thác đến 3 tỷ mét khối khí tự nhiên.
CNOOC là chủ sở hữu giàn khoan Hải Dương 981 từng xâm phạm vùng biển Việt Nam vào năm 2014, gây ra vụ đối đầu căng thẳng giữa Bắc Kinh và Hà Nội về chủ quyền trong khu vực. Nếu so về kích thước, giàn khoan "Biển sâu số 1" lớn gấp 3 lần giàn khoan HD-981.
Việc đưa giàn khoan ra thăm dò và khai thác dầu khí trên Biển Đông là một trong những hoạt động được Trung Quốc thúc đẩy mạnh trong những năm qua nhằm khẳng định yêu sách chủ quyền của mình trong khu vực biển tranh chấp.
Nguồn : VOA, 10/06/2021