Việt Nam lập hải đội dân quân ở phía nam để ‘bảo vệ chủ quyền biển đảo’
VOA, 16/06/2021
Quân đội Việt Nam vừa thành lập hải đội dân quân ở Kiên Giang có trang bị tàu thuyền và vũ khí chuyên dụng giữa lúc tình hình Biển Đông ngày càng căng thẳng.
Việt Nam thành lập hải đội dân quân ở Kiên Giang, ngày 9/6/2021. Photo SGGP
Truyền thông Việt Nam trong tuần qua cho biết Hải đội dân quân thường trực ở Kiên Giang là hải đội dân quân được thành lập đầu tiên ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, có nhiệm vụ "vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo, vừa tham gia khai thác hải sản".
Theo Bộ Tư lệnh Quân khu 9, Hải đội dân quân ở Kiên Giang có nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ các lực lượng như Hải quân, Cảnh sát biển, Biên phòng, Công an tỉnh Kiên Giang... trong việc "đấu tranh, giữ vững môi trường hòa bình, phòng, chống tội phạm, bảo vệ ngư dân, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc". Ngoài ra, Hải đội dân quân cũng sẽ khai thác hải sản phát triển kinh tế, tham gia cứu hộ cứu nạn, vẫn theo Bộ Tư lệnh Quân khu 9.
Trang VnExpress cho biết : "Hải đội dân quân ở Kiên Giang được tổ chức biên chế 9 tàu, 3 trung đội và 9 tiểu đội ; được trang bị vũ khí, thiết bị chuyên dụng, phương tiện kỹ thuật, công cụ hỗ trợ đồng bộ".
Hải đội dân quân ở Kiên Giang. Photo QDND
Vẫn theo trang VnExpress, nhiều người của hải đội dân quân được đào tạo về chỉ huy, chuyên môn kỹ thuật tại Học viện Hải quân, trường quân sự.
Trước đó, vào tháng 4, một hải đội dân quân thường trực ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng được thành lập.
Theo Báo Quân đội Nhân dân Việt Nam, việc thành lập hải đội dân quân thường trực nằm trong đề án có từ năm 2018 do Quân ủy Trung ương Bộ Quốc phòng Việt Nam xây dựng. Theo đó, Hải đội dân quân thường trực là bộ phận của lực lượng Dân quân tự vệ biển Việt Nam. Ngoài nhiệm vụ chung, Hải đội dân quân thường trực còn có nhiệm vụ tuần tra, quan sát, trinh sát, thu thập, xử lý thông tin trên không, trên biển ; khẳng định chủ quyền biển, đảo...
Trang Dân quân Tự vệ Online dẫn lời Thượng tướng Phan Văn Giang - Tổng tham mưu trưởng, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam, cho biết trong giai đoạn đầu, các hải đội dân quân sẽ được ưu tiên đầu tư xây dựng ở 6 tỉnh Nam Trung Bộ, sau đó mở rộng ra 14 tỉnh, trong bối cảnh tình hình khu vực và biển Đông "có những thời điểm diễn biến phức tạp".
Từ Thành phố Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Nguyễn Nhã, một nhà nghiên cứu Biển Đông, nói với VOA về ý nghĩa của việc thành lập hải đội dân quân ở Việt Nam :
"Đây là một sáng kiến hay vì Hải quân sẽ được hải đội dân quân tiếp sức. Kinh phí cho hải đội dân quân cũng nhẹ hơn so với hải quân chính quy. Từng địa phương phụ trách thì sự am tường địa phương cũng rất tốt. Đây là sáng kiến rất tốt để bảo vệ chủ quyền biển đảo của mình ở từng địa phương".
"Hiện nay tại Biển Đông, Việt Nam đang phải đối phó với sự vi phạm chủ quyền. Việc khai thác dầu cũng ngay trong vùng Đặc quyền kinh tế của Việt Nam, và nếu chúng ta sử dụng hải đội dân quân thì việc bảo vệ chủ quyền của chúng ta sẽ tốt hơn", Tiến sĩ Nguyễn Nhã nhận định.
Cũng từ Thành phố Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Hoàng Việt, chuyên gia luật quốc tế, nêu nhận định với VOA rằng việc thành lập các hải đội dân quân này phù hợp với chiến lược của Việt Nam về học thuyết Chiến tranh dân nhân trên biển :
"Điều này cho thấy Việt Nam từng bước sử dụng dân quân biển góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền trên các vùng biển của Việt Nam".
Khi so sánh dân quân biển của Việt Nam và Trung Quốc, Tiến sĩ Hoàng Việt nói rằng về tên gọi có thể giống nhau, nhưng về bản chất và quy mô, và mức độ trang bị thì rất khác nhau – "do dân quân Trung Quốc được trang bị bài bản từ lâu" và "đã hỗ trợ đắc lực cho lực lượng hải giám Trung Quốc".
Hôm 12/6, trang Nikkei Asia viết : "Trong nhiều năm, các chuyên gia Việt Nam cho biết Trung Quốc đã phát triển một ‘lực lượng dân quân biển’ hoạt động bất hợp pháp trong vùng biển Việt Nam và Philippines, và đụng độ với tàu đánh cá - những sự cố khiến nhiều người thiệt mạng".
***********************
Hải đội dân quân "chưa thể" đe dọa Trung Quốc ở Biển Đông…
RFA, 14/06/2021
Chỉ trong vòng ba tháng, Việt Nam đã thành lập hai Hải đội dân quân thường trực (Hải đội) tại Bà Rịa Vũng Tàu và Kiên Giang. Như vậy, kế hoạch xây dựng Hải đội ở 14 tỉnh- theo phát biểu của Thượng tướng Phan Văn Giang-đã và đang gấp rút triển khai, đặc biệt vào khi Biển Đông đang có những diễn biến phức tạp. Ý kiến của Nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương về động thái này của Việt Nam ra sao, RFA vừa có cuộc trò chuyện với ông xoay quanh chủ đề này.
Lễ ra mắt hải đội dân quân biển thường trực tại Bà Rịa - Vũng tàu và tại Kiên Giang - RFA edited
Mô hình Hải đội có gì mới ?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương, giảng viên Khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Kinh tế Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, Việt Nam đã có lực lượng dân quân-tự vệ biển từ nhiều năm nay.
Ông Phương nói thêm, dân quân biển (dân quân biển) của Việt Nam thường được tuyển dụng từ ngư dân, trước đây lực lượng này làm nhiệm vụ phòng thủ trên đất liền là chính hoặc trong một số trường hợp đi kèm theo tàu cá để bảo vệ ngư dân trên biển nhưng số lượng không đáng kể (mỗi tàu cá có khoảng một đến hai dân quân biển).
Đặc biệt, lực lượng này không được đầu tư, huấn luyện một cách bài bản, trong khi đó, mô hình hải đội đang được xây dựng ở Bà Rịa – Vũng Tàu và Kiên Giang hoàn toàn khác về vấn đề đầu tư trang thiết bị. Ngoài ra, trước khi chính thức thành lập, các chiến sĩ thuộc hải đội đã được đưa đi đào tạo bài bản tại Học viện Hải quân và Trường Cao đẳng Kỹ thuật hải quân từ 2-4 tháng hoặc lâu hơn tùy chương trình huấn luyện.
Do dó hải đội mang tính chuyên nghiệp hơn, có năng lực tốt hơn trong việc bảo vệ ngư dân, ngư trường và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Khái niệm "thường trực" theo ông Phương cũng có nghĩa là khi cơ cấu hải đội mới có thể làm các nhiệm vụ bám biển dài ngày hơn và được trợ cấp tốt hơn.
"Trước đây chưa bao giờ dân quân biển Việt Nam được tổ chức thành một hải đội lớn như thế này" – ông Phương khẳng định.
Ông Phương cũng cho biết việc cải thiện năng lực lực lượng chấp pháp trên biển mà dân quân biển là một bộ phận (cùng với cảnh sát biển và kiểm ngư) là một yêu cầu đặt ra từ nhiều năm nay nhưng do nhiều lý do khách quan, chính sách thành lập hải đội dân quân biển của Việt Nam mới chỉ được đưa ra vào năm 2018. Ba năm qua là thời gian Việt Nam chuẩn bị về nhân lực, tổ chức và quan trọng nhất là việc xây dựng đội tàu dân quân biển.
"Việc đầu tư cho dân quân biển là một bước đi hợp lý. Chính sách này là một trong những điểm Việt Nam đang đẩy mạnh để tăng cường khả năng bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông đặc biệt khi Trung Quốc đang tiến hành hàng loạt các biện pháp mà các nhà phân tích hay gọi là vùng xám" – ông Phương nhấn mạnh.
Khoảng 200 tàu cá dân quân biển Trung Quốc neo đậu ở khu vực Đá Ba Đầu hồi tháng 3 năm nay. Ảnh Maxar
Ông cho biết trong những năm gần đây, khi sử dụng chiến thuật vùng xám, Trung Quốc (TQ) không dùng quân sự mà thường huy động hàng trăm tàu cá của dân quân biển, có sự yểm trợ của lực lượng cảnh sát biển, để bao vây khu vực biển đảo mà họ muốn lấn chiếm.
Trung Quốc không đánh bắt cá nhưng cứ neo đậu ở đó trong một thời gian dài để "tạo quyền kiểm soát trên thực tế" đồng thời xua đuổi tàu thuyền các nước có tuyên bố chủ quyền trong khu vực. Đơn cử như vụ việc hơn 200 tàu cá neo đậu tại khu vực Đá Ba Đầu mà Philippines và Việt Nam tuyên bố chủ quyền diễn ra trong tháng 3 vừa qua.
"Khi họ dùng dân sự thì Việt Nam phải xài dân sự. Khi so sánh lực lượng, không thể nào lấy quân sự của mình đối đầu với dân sự của họ được vì như thế sẽ làm căng thẳng gia tăng" – ông Phương giải thích.
Ông Phương cũng cho rằng : Khi có xung đột xảy ra, cảnh sát biển và kiểm ngư thường là lực lượng đối đầu tại thực địa. dân quân biển Việt Nam chỉ là lực lượng hỗ trợ ngư dân, giám sát, theo dõi vụ việc đồng thời câu giờ để những lực lượng khác đến tiếp ứng.
Tương quan lực lượng giữa Việt Nam và Trung Quốc ra sao ?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương cho rằng để Việt Nam có được lực lượng chấp pháp trên biển tương đương với lực lượng của Trung Quốc "là điều không thể".
Những nỗ lực mà Việt Nam đang tiến hành chỉ giúp rút ngắn khoảng cách về mặt lực lượng trên thực địa với Trung Quốc và không có quốc gia nào trong khu vực ASEAN có thể có tương quan lực lượng với Trung Quốc, ông Phương cho biết.
Ông Phương đưa ra dẫn chứng, đối với lực lượng chấp pháp trên biển của Việt Nam bao gồm lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư và dân quân biển. Tuy nhiên, riêng lực lượng dân quân biển, số lượng tàu và nhân lực thuộc lực lượng này của Trung Quốc tại Biển Đông ước tính đã lớn gấp hai đến ba lần lực lượng của Việt Nam.
Về nhân lực, thành viên của các hải đội dân quân biển Trung Quốc thường là nhân viên ngư nghiệp của các doanh nghiệp nhà nước lớn trong lĩnh vực bắt hải sản và khai thác tài nguyên hoặc là binh lính chuyển ngành. Họ được huấn luyện chuyên nghiệp và hưởng lương. Trong khi đó, trừ các thành viên của hai hải đội dân quân biển mới được thành lập, dân quân biển của Việt Nam phần lớn là ngư dân bản địa, hàng ngày vẫn đi đánh cá, ít được huấn luyện, chỉ được hưởng phụ cấp, không có lương. Còn về đội tàu, ông Phương cho biết, hầu hết tàu cá của Việt Nam chỉ là tàu vỏ gỗ, chủ yếu đánh bắt gần bờ trong khi tàu dân quân biển Trung Quốc đều là tàu vỏ thép, được trang bị thiết bị vệ tinh, có thể đi xa bờ dài ngày và có khả năng chịu va chạm tốt.
"Có thể khẳng định có sự chênh lệch rất lớn cả về số lượng và chất lượng [giữa lực lượng dân quân biển của hai nước]. Điều đó không thể tranh cãi được" – ông Phương kết luận.
Phần lớn tàu cá của Việt Nam là tàu vỏ gỗ, chỉ có thể đánh bất gần bờ. Ảnh : AFP
Trả lời câu hỏi của RFA về việc liệu lực lượng dân quân biển của Việt Nam có thể "đe doạ" lực lượng thực thi pháp luật hàng hải và an ninh quốc phòng của Trung Quốc như chỉ trích của một số tờ báo nước này hồi tháng 4 vừa qua, ông Phương cho biết Việt Nam có khả năng cản trở Trung Quốc trong quá trình Bắc Kinh áp đặt kiểm soát của mình ở các khu vực tranh chấp và là nước có tranh chấp duy nhất ở Đông Nam Á có đủ nguồn lực để làm điều này, song để đe dọa được Trung Quốc thì "rõ ràng là chưa thể".
"Ở đây phải nói ngược lại, Trung Quốc mới chính là bên đe dọa lợi ích về chủ quyền của Việt Nam và các nước khác ở Biển Đông" – ông Phương khẳng định.
Phản ứng của Trung Quốc & cộng đồng quốc tế
Dù vậy, ông Phương nhận định, Trung Quốc sẽ có những chỉ trích mạnh mẽ về việc thành lập những hải đội dân quân biển chuyên nghiệp của Việt Nam.
"Phản ứng Trung Quốc chắc chắn sẽ là tiêu cực vì họ sẽ thấy việc kiểm soát trên biển của họ sẽ gặp nhiều trở ngại hơn khi lực lượng dân quân biển của Việt Nam bắt đầu được chuyên nghiệp hóa và nhân lên về số lượng" – ông Phương nói.
Ông cho rằng về phía Đảng và Chính phủ Trung Quốc có thể sẽ phản đối qua đường ngoại giao nhưng các học giả, viện nghiên cứu và báo chí Trung Quốc, đặc biệt là tờ Global Times thì chắc chắn sẽ lên tiếng chỉ trích Việt Nam.
"Một trong những cách thức Trung Quốc bảo vệ chủ quyền của họ là họ coi bản thân mình như một người bị hại và những bên còn lại là gây hại cho họ. Đó là tư duy điển hình của Trung Quốc từ trước đến giờ" – ông Phương cho biết.
Ông giải thích thêm rằng bản thân Trung Quốc đã cho rằng biển Đông là của mình nên các nước khác làm gì là họ sẽ lên tiếng cả về phía ngoại giao và truyền thông.
Tuy vậy, theo ông Phương, ngược với Trung Quốc, Mỹ và nhiều nước phương Tây sẽ có phản ứng tích cực trước việc thành lập các hải đội dân quân biển của Việt Nam, ông nói :
"Đối với Mỹ và phương Tây, đặc biệt là học giả Mỹ, họ chỉ coi việc Việt Nam cải thiện lực lượng dân quân biển là biện pháp mang tính phòng thủ và đối phó lại với sự hung hăng của Trung Quốc".
Ông Phương cũng đoán rằng các nước trong khu vực nhiều khả năng cũng có cùng cách nhìn nhận rằng Việt Nam cải thiện năng lực an ninh hàng hải không phải chống nước nào mà chỉ để tự vệ.
Nguồn : RFA, 14/06/2021