Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

25/06/2021

Xóa bỏ bạo lực gia đình : Cần cách tiếp cận từ góc độ văn hóa

RFA tiếng Việt

Gần 63% phụ nữ Việt Nam đã từng trải qua một hoặc hơn một hình thức bạo lực giới và tỷ lệ này đã không cải thiện kể từ năm 2010 khi Việt Nam tiến hành Điều tra quốc gia về Bạo lực đối với phụ nữ Việt Nam lần đầu tiên. Theo giới chuyên môn, các biện pháp xử lý và can thiệp đối với bạo lực gia đình của Việt Nam hiện mới giải quyết phần ngọn, chứ chưa tập trung vào nguyên nhân gốc rễ là vấn đề nam tính bá quyền đã vốn ăn sâu trong văn hóa của người Việt.

baoluc1

63% phụ nữ Việt Nam đã từng bị ít nhất một hình thức bạo hành trong đời - Ảnh : Reuters/RFA edited

Chồng là bề trên, bạo lực là công cụ thi hành kỷ luật

Tại cuộc tọa đàm "Nam tính và bạo lực với phụ nữ từ cách tiếp cận văn hóa" do Tổ chức Thúc đẩy bình đẳng giới (VGEM) tổ chức vào cuối tuần qua tại Hà Nội, Tiến sĩ nhân học Đào Thế Đức, người đã tiến hành một nghiên cứu về bạo lực gia đình (bạo lực gia đình) gần đây ở Huế và Phú Xuyên (Hà Nội) đã đưa ra khái niệm "nam tính bá quyền". Theo ông đây là đặc tính duy trì vị trí tối cao, thống trị của nam giới và vị thế lệ thuộc của nữ giới. Đặc trưng nam tính bá quyền ở Việt Nam (VN) là quan điểm cho rằng nam giới là trụ cột, là người đưa ra quyết định chính đồng thời là người giữ kỷ cương của gia đình.

"Chúng ta vẫn nghe câu ‘dạy con từ thủa còn thơ, dạy vợ từ thủa bơ vơ mới về’. Đây là câu ca thể hiện rất rõ nét đó nam tính bá quyền, quan điểm đàn ông là người dạy dỗ, giữ kỷ cương, là người có quyền lực thịnh hành ở VN"– ông Đức nói. 

Theo Tiến sĩ Đức, bạo lực, vì thế, được coi là biện pháp kỷ luật, chế tài trừng phạt để duy trì vị trí bề trên, sứ mệnh dạy dỗ vợ con, giữ gìn trật tự kỷ cương của nam giới trong gia đình. Các hành vi bạo lực đã được những người đàn ông "học hỏi" từ cha anh họ hay từ những trải nghiệm bạo lực ở trường học… Bằng việc chứng kiến và chịu đựng các hành vi bạo lực này, trẻ em nam đã hình thành quan điểm "có thể sử dụng bạo lực" để kiểm soát và duy trì quyền lực gia đình.

"Bạo lực tuy bị phê phán trong xã hội nhưng cái thực hành này nhiều khi được coi là chính đáng khi nó diễn ra trong bối cảnh gia đình. Có một sự hiểu ngầm là bạo lực vẫn luôn xảy ra dù ngày nay đàn ông vẫn hay nói rằng không ủng hộ vấn đề bạo lực tuy nhiên khi quyền lực này bị thách thức thì họ lại cho là bạo lực đối với phụ nữ là chính đáng" – ông nói và cho rằng theo cách này thì bạo lực của đàn ông được cho là cần thiết nếu phụ nữ không sống đúng theo vai trò giới đã xác định.

baoluc2

Bươn chải lo toan cuộc sống nhưng không ít phụ nữ Việt vẫn có vị thế thấp trong gia đình. Ảnh AFP chụp một phụ nữ tại chợ bán buôn rau tại Hà Nội ngày 7/6/2019

Cũng nói về quan niệm cho rằng việc sử dụng bạo lực nhiều khi là "chính đáng", Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Quỳnh Phương, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa cho rằng người Việt nhiều khi đã khoác cho bạo lực "tấm áo yêu thương" và sứ mệnh giúp người khác tiến bộ :

"Ở Việt Nam, bạo lực không phải là sự trút giận mà bạo lực ở đây được khoác cho một thứ gọi là tình yêu, bạo lực là phương pháp, phương tiện, là công cụ trong một mục đích được cho là tốt. Yêu cho roi cho vọt, họ [nam giới] đánh là vì yêu thương, đánh là vì quan tâm, đánh là vì trách nhiệm" - bà Phương nói.

Đi sâu phân tích, bà cho rằng việc ngăn chặn bạo lực của nam giới đối với phụ nữ diễn ra khó khăn ở Việt Nam vì vấn đề này có cội rễ và được hậu thuẫn bởi nền văn hóa và lịch sử hàng ngàn năm của Việt Nam. Theo bà, văn hóa phụ hệ của người Kinh, đặc biệt ở khu vực phía Bắc, đặt người đàn ông vào vị trí trung tâm do họ giữ vai trò hàng đầu trong các cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước, trong việc trị thủy, đắp đê hay trong việc thực hiện một số việc nặng trong gia đình. Đặc biệt, việc đàn ông cho mình là bề trên, có thể coi thường và dạy dỗ phụ nữ là do chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo.

"Nho giáo cho phép người đàn ông coi mình là một người chủ trong gia đình và đàn bà như một thứ tài sản, một sự lệ thuộc của mình. Nho giáo đã gắn những khuôn mẫu của gia pháp đòi hỏi phụ nữ phải phụ thuộc vào đàn ông theo đạo tam tòng, khiến cho sự sai khiến và phục tùng trở thành sự chuẩn mực. Nho giáo giao cho người đàn ông một cái quyền được coi là chính đáng để dạy những người trong gia đình phải tuân thủ phục tùng những thứ gia pháp" – bà nói.

Tiến sĩ Phương cũng cho rằng văn hóa Việt Nam với những khuôn mẫu giới "tràn ngập" đang dung túng và tiếp tay cho bạo lực gia đình. Bà đơn cử những khuôn mẫu giới về đặc tính của phụ nữ và nam giới :

"Văn hóa Việt Nam có mối quan hệ chặt chẽ giữa giữa tính cách và hành vi. Tính khí nóng nảy của đàn ông thường được giải thích đi liền với máu nóng. Nghĩa là năng lượng và sự mạnh mẽ của cơ thể đàn ông. Đàn ông mà nóng tính thì xã hội có thể chấp nhận được. Trong khi đó phụ nữ mà nóng, hung hăng thì dường như xã hội không chấp nhận được. Trông chờ của xã hội vào phụ nữ phải là tính cách mát mẻ. Phụ nữ được trông đợi phải chịu đựng, nhẫn nhịn khi đàn ông thể hiện sức mạnh thể chất của họ"- bà nói và cho rằng những khuôn mẫu giới này phần nào giúp lý giải vì sao cộng đồng có thể chấp nhận những hành vi bạo lực gia đình và trong gia đình thì người phụ nữ thường nhẫn nhịn, ít phản kháng. Bà cũng lưu ý trẻ em Việt Nam từ khi sinh ra đã sống và được dạy dỗ theo những khuôn mẫu giới đó, vì vậy, một cách vô thức đã bị ngấm tư tưởng trọng nam, khinh nữ do đó bạo lực gia đình tiếp diễn trong nhiều năm, nhiều thế hệ.

Bị bạo hành từ khi còn là bào thai đến khi đã trở thành ma

"Phong tục có thể là những yếu tố dẫn tới hành vi bạo lực. Tôi có làm 1 dự án vào năm 2013 ở vài huyện miền núi Nghệ An. Khi tôi đến vùng đó, tôi thấy có những chòi canh giống chuồng chim bồ câu. Tôi tìm hiểu thì biết rằng những chòi canh đó dùng để thờ bố mẹ của những người không sinh được con trai. Khi họ mất thì con gái họ mang di ảnh của họ ra đó thờ. Và cái chòi canh đó phải thấp hơn nền của nhà sàn. Những người phụ nữ tôi tiếp xúc ở đó không sinh được con trai thì họ bị bạo lực nhiều lần. Tiếp tục tìm hiểu ở khu vực đó, tôi nghe được 1 câu chuyện rất đau lòng : Một anh sinh được 4 con gái rồi, khi vợ mang bầu con thứ 5 rất sốt ruột, yêu cầu vợ đi siêu âm. Khi về biết lại mang bầu con gái thì đã liên tục đấm vào bụng vợ và hét lên tại sao, tạo sao lại là con gái. Sau đấy anh ấy bị lập biên bản và xử phạt 200.000 đồng. Trong những khu vực như vậy đã có những người phụ nữ đã bị bạo lực từ lúc còn là bào thai và khi trở thành ma cũng bị phân biệt đối xử" – Thạc sĩ Lê Xuân Đồng, Tổ chức Hỗ trợ phụ nữ và trẻ em Hagar Việt Nam. 

Can thiệp nhiều, mạng lưới rộng khắp nhưng chưa hiệu quả

Theo các chuyên gia tại tọa đàm, Việt Nam có hệ thống pháp luật và chính sách khá đầy đủ liên quan tới phòng chống bạo lực gia đình cũng như bạo lực giới đồng thời có hệ thống hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình từ TW đến địa phương tuy nhiên các biện pháp xử lý bạo lực và các giải pháp can thiệp đang triển khai còn có những bất cập.

Thạc sĩ Lê Xuân Đồng từ Tổ chức Hỗ trợ phụ nữ và trẻ em Hagar Việt Nam, cho biết, Việt Nam đang áp dụng bốn hình thức xử lý hành vi bạo lực bao gồm : Hòa giải, góp ý phê bình tại cộng đồng, xử phạt hành chính và xử lý hình sự. Trong bốn hình thức đó, hình thức phổ biến nhất là hòa giải nhưng theo ông, việc sử dụng hình thức này còn chưa hiệu quả vì kỹ năng người hòa giải nhiều khi chưa tốt hoặc bản thân người hòa giải còn mang định kiến giới. Ông cho biết người hòa giải thường khuyên phụ nữ chịu đựng, thông cảm với sự nóng nảy của đàn ông đồng thời không ít trường hợp đã tự đặt mục tiêu hòa giải là "không để xảy ra tình trạng ly hôn". Ông đơn cử trường hợp một chị phụ nữ mà ông tiếp xúc bị chồng dùng búa đánh vào đầu, bị thương rất nặng nhưng khi hồi phục thì được đại diện hội phụ nữ khuyên nhủ "bây giờ tình hình tốt rồi hay là em nên rút đơn đi" và "đàn ông nó nóng lên một chút thì cũng không nên kiện. Kiện thì sau lại khổ em, khổ con". Thạc sĩ Đồng cho rằng mặc dù biết rằng một trong những biện pháp chấm dứt bạo lực là chia tay, ly thân nhưng do ảnh hưởng văn hóa truyền thống cho rằng một gia đình phải có đầy đủ cha mẹ, con cái nên người hòa giải thường tư vấn làm sao để không xảy ra ly hôn.

Ông cho rằng hai hình thức góp ý phê bình tại cộng đồng và xử lý hành chính cũng chưa cho thấy nhiều kết quả. Trên thực tế, biện pháp góp ý phê bình tại cộng đồng, trong một số trường hợp đã khiến người bị góp ý cảm thấy xấu hổ và nhục nhã, từ đó kích hoạt sự tức giận và tìm cách trả thù người vợ. Với hình thức xử lý hành chính là phạt tiền, không ít trường hợp người chồng bị phạt nhưng vợ lại là người phải nộp tiền.

"Trong các thân chủ của chúng tôi, có trường hợp chồng bị phạt 500k, chồng không có tiền nên về nhà bắt vợ lên để nộp và ngày hôm đó mẹ con không có gì để ăn cả" – ông nói. Ông cũng cho biết đối với xử lý hình sự, hình thức xử lý cao nhất thì tỷ lệ áp dụng còn rất ít. Theo nghiên cứu quốc gia mới nhất về bạo lực gia đình năm 2019, có tới 90,4% số phụ nữ bị bạo lực gia đình không tìm đến với trợ giúp. Theo một nghiên cứu của UNODC, nghiên cứu về chất lượng tư pháp của các vụ việc bạo lực gia đình cách đây khoảng 7-8 năm thì chỉ 1% các vụ việc bạo lực gia đình được xử lý.

Tiến sĩ Đức cho rằng vì nguyên nhân sâu xa của bạo lực gia đình ở Việt Nam bắt nguồn từ văn hóa nên ngoài những cách xử lý bạo lực truyền thống theo quy định của pháp luật như ông Đồng đề cập, Việt Nam cần có những biện pháp can thiệp mới.

"Luật pháp dù rất quan trọng và cần thiết nhưng chỉ giải quyết được phần ngọn thôi. Nghĩa là khi sự việc xảy ra rồi thì mới sử dụng luật pháp để xử lý còn không thể sử dụng luật pháp để ngăn chặn hiện tượng bạo lực gia đình"– ông nói và cho biết khi ông làm khảo sát ở Phú Xuyên, hội phụ nữ ở đây nói dù biết một chị phụ nữ rất hay bị chồng đánh nhưng hội và UBND xã không thể can thiệp được vì hành vi bạo hành diễn ra trong nhà và chị vợ chịu đựng, không yêu cầu trợ giúp.

"Chỉ khi nào người phụ nữ đi báo cho xã, cho công an thì lúc đó công an và cán bộ phụ nữ mới can thiệp được" – ông nói.

Ông cũng cho rằng các biện pháp tuyên truyền vận động hiện cũng có hạn chế vì khi được hỏi, nam giới ở những nơi ông làm nghiên cứu hầu như không có người nào biết đến chương trình bình đẳng giới đang được thực hiện tại địa phương.

"Nhiều người nói có thấy mấy bà vợ đi họp chương trình bình đẳng giới nhưng chúng tôi không được mời, cũng không quan tâm và vì thế việc tuyên truyền vận động hầu như chỉ tiếp cận được với phụ nữ mà thôi" – ông Đức nói.

Nam tính bá quyền có thay đổi được không ?

Thạc sĩ Đồng khẳng định hành vi nam tính bá quyền - gốc rễ của căn bệnh bạo lực gia đình - là hoàn toàn có thể thay đổi được. Ông cho ví dụ một người đàn ông cũng bị bạo hành ngay khi còn trong bụng mẹ vì bố anh nghi ngờ anh không phải là con ruột của mình. Theo lời anh kể, sinh ra, anh bị bố đối xử hà khắc, đưa lên miền núi rồi cuối cùng đẩy anh ra đường, sống 10 năm ở đầu đường xó chợ, đi đến đâu cũng bị mọi người xa lánh. Cuối cùng anh ấy cũng lấy vợ, người cùng làm công nhân lò gạch. Đáng chú ý là trong cuộc sống vợ chồng, anh đã vô thức lặp lại hành vi bạo lực của bố mình. Bế tắc, anh tìm đến Câu lạc bộ dành cho nam giới tìm kiếm sự thay đổi của Hagar. Tại đây, được lắng nghe câu chuyện của những người khác, được phân tích và soi rọi vào câu chuyện của mình, anh mới nhận ra việc đánh vợ, dạy vợ mà từ trước đến nay anh cho là quyền và trách nhiệm là không đúng. Ngộ được rồi, anh đã quyết tâm thay đổi và từ đó vợ chồng sống êm ấm, sinh thêm được hai người con. Cá nhân anh, đã tình nguyện tham gia các cuộc triển lãm truyền thông về chống bạo lực gia đình và sẵn sàng chia sẻ câu chuyện về sự thay đổi của mình. Câu chuyện của anh sau đó đã được dựng thành phim và sau khi xem được trên truyền hình, chính bố và những người thân của anh đã gọi điện xin lỗi anh.

"Tôi nghĩ rằng là có những cơ hội để nam giới kiến tạo sự thay đổi. Nam giới vừa là nguyên nhân nhưng cũng vừa là sự kiến tạo. Hành vi nam tính bá quyền hoàn toàn có thể thay đổi được và chúng ta cần tạo điều kiện để họ có thể tham gia vào hành trình này" – ông Đồng nói.

Chia sẻ quan điểm với Thạc sĩ Đồng, bà Lê Phương, cán bộ tổ chức UN Women cũng khẳng định có thể thay đổi được hành vi nam tính bá quyền. Bà cho biết khác với Hagar, tổ chức của bà đang thử nghiệm thêm một cách tiếp cận khác đối với nam giới, đó là việc xây dựng mạng lưới nam giới có thiên hướng tích cực trong cộng đồng, trang bị kỹ năng kiến thức và khuyến khích họ đi tiên phong trong việc thực hiện bình đẳng giới.

baoluc4

Nam giới tham vào các hoạt động chống bất bình đẳng giới và bạo lực gia đình. Ảnh : UN Women Vietnam

"Một số nam giới nói với UN Women là họ bị bỏ lại phía sau do trong can thiệp về bình đẳng giới. Trong các chương trình truyền thông của phụ nữ, chúng tôi thấy chúng tôi bị chỉ trích, bị xem là xấu xa… vì thế UN Women đã tạo không gian riêng cho họ bằng cách can thiệp vào nam giới tích cực trong cộng đồng, tìm những người đi tiên phong, đã có nam tính tích cực để lan tỏa tinh thần đó" – bà Phương nói và cho biết dự án này đã trải qua chặng đường dài bảy năm và thực tế cho thấy việc tạo dựng thay đổi không phải là dễ dàng. Tuy nhiên, khi các thành viên trong mạng lưới thay đổi thì "rất mạnh mẽ, lan tỏa và truyền cảm hứng cho cộng đồng".

Tiến sĩ Phạm Quỳnh Phương cho rằng giải quyết vấn đề bạo lực gia đình là công việc khó khăn vì nó liên quan tới niềm tin, văn hóa, giáo dục…của con người do đó cần có giải pháp tổng thể, bao gồm cả những những can thiệp có tính chất tại chỗ, thực hành pháp luật cũng như những giải pháp mang tính dài hơi nhằm thay đổi sâu sắc, tận gốc rễ. Bà cho rằng mở rộng đối tượng can thiệp sang nam giới gây bạo lực hay việc xây dựng mạng lưới nam giới tích cực là những bước tiến đáng khích lệ. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần dành sự chú ý cho trẻ em, coi trẻ em như 1 đối tượng cần được trang bị kiến thức và khuyến khích thực hành bình đẳng giới ngay từ nhỏ, từ đó nuôi dưỡng những thế hệ tương lai có nam tính tích cực và tiến tới xóa bỏ nam tính bá quyền ra khỏi văn hóa của người Việt.

Nguồn : RFA, 25/06/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 503 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)