Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

28/06/2021

Covid : Việt Nam thí điểm cách ly tại nhà các "ca tiếp xúc trực tiếp"

RFI tiếng Việt

Dịch bệnh tiếp tục hoành hành tại thành phố Hồ Chí Minh. Theo Bộ Y tế Việt Nam, đã có thêm 146 ca nhiễm mới trong nước, tính đến trưa 28/06/2021, chủ yếu là ở thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương. Trước thực tế số "ca tiếp xúc trực tiếp" (F1) với người nhiễm virus ngày càng nhiều, chính quyền Việt Nam quyết định thí điểm cách ly "F1" tại nhà. 

cachly1

Một khu phố cách ly ngừa Covid tại thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh chụp ngày 01/06/2021. Reuters - Stringer.

Đề xuất của thủ tướng Phạm Minh Chính, được đưa ra chiều 27/06, dự kiến sẽ không chỉ áp dụng ở thành phố Hồ Chí Minh, mà có thể mở rộng ra nhiều tỉnh thành để giảm tải cho các khu cách ly tập trung, và cũng là những địa điểm dễ gây lây nhiễm chéo. Hiện tại, ở thành phố Hồ Chí Minh, có hơn 12.000 "ca tiếp xúc trực tiếp" đang ở trong các khu cách ly tập trung. 

Thành phố Hồ Chí Minh đang xem xét các quy định cách ly cụ thể đối với các "ca tiếp xúc trực tiếp" tại nhà trong 28 ngày, nếu có nhà riêng. Một trong các quy định là trước nhà phải treo biển cảnh báo "Địa điểm cách ly y tế phòng chống Covid-19". Cách ly tại nhà đối với những người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân Covid-19 là điều mà nhiều nước phương Tây áp dụng ngay từ đầu đại dịch, nhưng với thời gian ngắn hơn, và không có các quy định khiến người bị cách ly cảm thấy bị "kỳ thị phân biệt", như cáchtreo biển cảnh báo trước nhà nói trên.

Theo thông báo của sở Y Tế thành phố Hồ Chí Minh, được báo VnExpress trích dẫn, hiện tại có đến khoảng 80% người nhiễm virus gây bệnh Covid-19 ở thành phố Hồ Chí Minh không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, một thực tế được cho là khác hẳn với tình hình dịch khi mới bùng phát. Đối với giới chức phụ trách y tế thành phố Hồ Chí Minh, thực tế này gây khó khăn cho việc truy vết, tránh tiếp xúc với những người nhiễm virus, và ảnh hưởng đến khả năng khống chế dịch.

Nhưng mặt khác, theo đề xuất của ông Nguyễn Trí Dũng, giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh (HCDC), ngày 25/06, thực tế người nhiễm virus nhưng không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ chiếm đa số nói trên cũng đang buộc thành phố tính đến phương án "sống chung" với lũ dịch bệnh, tức chỉ tập trungtruytìm các ca nặng, có khả năng gây lây nhiễm caobên cạnh đó "ưu tiên bảo vệ những nhóm đối tượng có nguy cơ, có bệnh nền, ưu tiên tiêm vac-xin và áp dụng các biện pháp phòng ngừa".

Dịch bệnh được cho là còn tiếp tục căng thẳng tại thành phố Hồ Chí Minh, sau khi phát hiện nhiều ca nhiễm Covid-19 từ một số chợ đầu mối và buộc chính quyền phải tạm đóng cửa những khu vực này từ ngày 28/06 (chợ đầu mối Hóc Môn, chợ Sơn Kỳ, chợ Kim Biên, chợ Hòa Hưng…). Tỉnh Bình Dương phát hiện nhiều ca nhiễm mới liên quan đến khu chợ loại này. Bình Dương, theo số liệu của chính quyền, hiện là vùng dịch lớn thứ hai ở miền nam, sau thành phố Hồ Chí Minh.

Thu Hằng

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thu Hằng
Read 442 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)