Ngày 19/07/2021, Việt Nam và Mỹ đã đạt được một thỏa thuận liên quan đến hồ sơ "thao túng tiền tệ". Phía Việt Nam cam kết sẽ không cố tình giảm giá tiền "đồng" để được lợi về xuất khẩu và sẽ minh bạch hơn về chính sách tiền tệ và tỷ giá hối đoái.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen trong phiên điều trần trước một ủy ban của Thượng Viện Hoa Kỳ, Washington, ngày 23/06/2021. Reuters - Pool
Thông báo chung của bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, đăng trên trang mạng của Bộ Tài chính Hoa Kỳ, nhấn mạnh đến "những cuộc đàm phán mang tính xây dựng" trong những tháng gần đây.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho rằng những nỗ lực từ phía Việt Nam không chỉ đáp ứng các mối quan tâm của Hoa Kỳ mà còn giúp thúc đẩy hơn nữa "sự phát triển, cũng như nâng cao khả năng phục hồi tài chính và kinh tế vĩ mô của thị trường tài chính Việt Nam".
Về phần mình, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định, trọng tâm chính sách tiền tệ là "thúc đẩy ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát" và "không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại không công bằng trong thương mại quốc tế".
Thông cáo chung cũng khẳng định "Hoa Kỳ và Việt Nam là đối tác tin cậy với tình hữu nghị trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau". Phía Việt Nam "sẽ tiếp tục duy trì đối thoại mang tính xây dựng với Hoa Kỳ để giải quyết những vấn đề kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước", theo phát biểu trong buổi họp báo ngày 20/07 của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng.
Việt Nam nhiều lần bị cáo buộc "thao túng tiền tệ" và bán phá giá một số mặt hàng (cao su, gỗ…) dưới thời tổng thống Donald Trump. Trong báo cáo vào tháng 12/2020 tại Quốc hội, Bộ Tài chính Mỹ chính thức cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ "trên quy mô lớn, nhiều hơn so với các giai đoạn trước, để ngăn tăng giá tiền đồng". Đến tháng 04/2021, Việt Nam không còn nằm trong danh sách các nước "thao túng tiền tệ" nhưng vẫn bị cảnh cáo, cùng với Thụy Sĩ và Đài Loan, là vượt ngưỡng được phép chiểu theo một đạo luật năm 2015.
Thu Hằng