Việt Nam : Vac-xin Covid tự chế trong nước xin "cấp phép khẩn", chuyên gia dè dặt
Trọng Thành, RFI, 08/08/2021
Việt Nam đang đứng trước áp lực khẩn cấp có đủ vac-xin ngừa Covid nhằm hãm lại dịch bệnh có nguy cơ lan rộng. Sớm sản xuất vac-xin tự chế trong nước là điều nhiều người hy vọng. Hôm qua, 07/08/2021, Bộ Y tế họp khẩn để xem xét các kết quả thử nghiệm sơ bộ. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học hàng đầu dè dặt về "khả năng bảo vệ" thực sự của loại vac-xin này.
Vac-xin ngừa Covid-19 mang niềm hy vọng thoát khỏi dịch bệnh. Ảnh minh họa : Vac-xin Covaxin do hãng dược Ấn Độ Bharat Biotech sản xuất. AP - Anupam Nath
Theo thông tin của trang mạng Bộ Y tế Việt Nam, trong cuộc họp khẩn ngày hôm qua, Hội đồng Đạo đức trong Nghiên cứu Y sinh học Quốc gia của Bộ Y tế, đã "nghiệm thu kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vac-xin Nanocovax và giữa kỳ giai đoạn 2". Cuộc họp khẩn được tổ chức ngay sau khi công ty cổ phần Công nghệ Sinh học Nanogen - nơi sản xuất Nanocovax - gửi "công văn hỏa tốc" đến Bộ Y tế. Trước đó, ngày 29/07, chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Y tế xem xét, sớm cấp phép để sản xuất vac-xin Nanocovax và chính thức sử dụng.
Theo mang Vietnamnet đầu tháng 8, Khánh Hòa và Bình Dương là hai địa phương đầu tiên đề nghị tham gia thử nghiệm quy mô lớn. Tỉnh Bình Dương hy vọng vac-xin Nanocovax ngay trong giai đoạn thử nghiệm sẽ cho phép trực tiếp hạn chế các hậu quả của dịch bệnh, đúng vào lúc tỉnh này đang có xu thế trở thành một tâm dịch thứ hai, sau Sài Gòn. Việt Nam thiếu vac-xin trầm trọng. Cho đến nay cả nước mới tiêm được hơn 8 triệu liều trên tổng số hơn 96 triệu dân. Tính đến ngày 06/08, Việt Nam nhận được tổng cộng hơn 19 triệu liều từ nhiều nguồn khác nhau.
Đến thời điểm hiện tại, Nanocovax là vac-xin Covid-19 đầu tiên của Việt Nam bước sang giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ 3 (gồm tổng cộng ba pha a, b và c). Nhóm nghiên cứu đã hoàn thành pha 3a và đang hoàn tất tiêm mũi 2 cho 12.000 tình nguyện viên tham gia pha 3b (dự kiến hoàn tất trước ngày 15/08). Cùng với việc xin cấp phép "sử dụng khẩn cấp có điều kiện" đối với vac-xin Nanocovax, công ty Nanogen kiến nghị Bộ Y tế cho triển khai pha 3c với khoảng từ 500.000 đến 1 triệu người tham gia.
"Nhanh" nhưng phải "bảo đảm an toàn, hiệu quả và khách quan"
Trong buổi họp hôm qua, Hội đồng Đạo đức trong Nghiên cứu Y sinh học Quốc gia đã chính thức "cho phép triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3". Giáo sư Tiến sĩ Trương Việt Dũng, chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp, nêu nhận định : "thúc đẩy nghiên cứu nhanh nhưng phải đảm bảo an toàn, hiệu quả và khách quan". Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn – phụ trách nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng - đề nghị Hội đồng họp tiếp vào ngày 15/8, để đánh giá kết quả pha 3a, trước khi đưa ra khuyến nghị mới.
Trước cuộc họp của Hội đồng, Ủy ban Thường vụ của Quốc hội Việt Nam đã họp ngày 06/08, để góp ý về đề nghị "cấp phép lưu hành có điều kiện với vac-xin Covid-19 trong nước đang thử nghiệm lâm sàng" của chính phủ. Ủy ban này nhấn mạnh : "Để bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng cho người dân, cần đặc biệt lưu ý đến vấn đề cấp giấy lưu hành… vac-xin phòng Covid-19, kể cả khi được phê duyệt sử dụng khẩn cấp thì các bước quan trọng, các tiêu chí bắt buộc cũng không được bỏ qua".
Giáo sư Tiến sĩ Trần Tịnh Hiền, chuyên gia đầu ngành dịch tễ học tại Việt Nam theo dõi sát các diễn biến của việc thử nghiệm lâm sàng vac-xin tự chế đầu tiên của Việt Nam. Giáo sư Trần Tịnh Hiền nguyên là phó giám đốc bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới thành phố Hồ Chí Minh, giám đốc chuyên môn Vietnam Oucru, đơn vị nghiên cứu lâm sàng trực thuộc Đại Học Oxford Vương quốc Anh. Trên trang Facebook cá nhân hôm 27/7, Giáo sư Hiền đã hoan nghênh việc cơ sở chủ trì nghiên cứu công bố kết quả thử nghiệm vac-xin Nanocovax giai đoạn 1 và 2 trên tạp chí khoa học quốc tế Medrxiv. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng nhận xét là dựa trên kết quả sơ bộ nói trên "khó đánh giá tính sinh miễn dịch và tác dụng bảo vệ của vac-xin… ngoài ra cũng chưa có đánh giá được tác dụng của vac-xin với biến chủng Delta, là biến chủng chiếm gần như đa số hiện nay.."..
Số ca nhiễm chính thức trong ngày cao nhất từ đầu dịch
Theo Vietnamnet, trang web của bộ Thông Tin - Truyền Thông, hôm qua 07/08 là ngày ghi nhận 9.690 ca dương tính mới với virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, nhiều nhất từ trước đến nay. Hiện tại Việt Nam, theo số liệu chính thức, có tổng cộng hơn 200.000 người nhiễm tính từ đầu dịch. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, con số nêu trên chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, số lượng người nhiễm thật có thể cao hơn gấp vài lần, thậm chí hàng chục lần. Chỉ có điều tra dịch tễ học bằng các xét nghiệm kháng thể mới cho phép xác định được tương đối chính xác quy mô thực sự của dịch bệnh.
Kết quả cuộc điều tra dịch tễ quốc gia lần thứ tư tại Ấn Độ, do Indian Council of Medical Research (ICMR) thực hiện, công bố cuối tháng 7/2021, cho thấy khoảng 900 triệu dân Ấn đã nhiễm SARS-CoV-2, gấp khoảng 30 lần so với số ca nhiễm chính thức. Đầu tháng 7, điều tra do CDC Hoa Kỳ hỗ trợ tại vùng thủ đô Jakarta (Indonesia) với tét kháng thể cho thấy gần một nửa dân cư đô thị hơn 10 triệu dân này đã nhiễm virus, gấp hơn 5 lần so với số chính thức.
Theo số liệu chính thức, tại Việt Nam có hơn 3.300 người chết vì Covid-19. Từ hai tuần nay, số người chết được ghi nhận mỗi ngày liên tục vượt quá con số 100, thậm chí 200 người, đa số là tại Sài Gòn. Hệ thống y tế tại thành phố Hồ Chí Minh trong tình trạng quá tải, nhiều bệnh nhân chết do không kịp cấp cứu.
Trọng Thành
************************
Covid – Việt Nam : Y tế phía Nam quá tải, nhiều "F0" không cứu kịp
Trọng Thành, RFI, 07/08/2021
Dịch bệnh Covid-19 đang đẩy hệ thống bệnh viện tại thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương miền Nam vào tình trạng quá tải. Nhiều trường hợp trở nặng tử vong do không kịp cấp cứu.
Sài Gòn hoang vắng mùa đại dịch. Ảnh minh họa. © Wikimedia
Từ mươi ngày nay, số người tử vong do Covid tại Sài Gòn luôn vượt quá 100. Trong hai ngày liên tiếp 4 và 5/8/2021, số tử vong vượt 200 người. Theo Bộ Y tế Việt Nam, số người nhiễm virus (hay "F0" theo cách gọi ở Việt Nam) tại thành phố Hồ Chí Minh hiện đã vượt quá 100.000. Theo quy định mới, đa số các "F0" không triệu chứng tự cách ly và chăm sóc y tế tại nhà để giảm tải cho các cơ sở "thu dung" cũng như điều trị. Tuy nhiên, trong số "F0" này dự kiến khoảng 5% trường hợp diễn tiến nặng, cần được cấp cứu, chuyển tuyến kịp thời. Có những ca chuyển nặng rất nhanh, không được cấp cứu kịp, đã tử vong. Số người cần thở máy tăng gấp đôi trong mươi ngày vừa qua, từ hơn 700 người (ngày 28/07) thành hơn 1.300 người (ngày 05/08).
Theo chính sách mới của chính quyền Việt Nam, hệ thống chăm sóc và điều trị người nhiễm SARS-CoV-2 tại Sài Gòn chia thành 5 tầng. "Tầng một" tập trung đa số người nhiễm virus không có triệu chứng để cách ly, theo dõi (gọi là "cơ sở thu dung"). Trước tình trạng quá tải, nhiều cơ sở "thu dung" đã được điều chuyển thành cơ sở điều trị "tầng 2". Một bài viết trên trang mạng chính phủ Việt Nam hôm nay 07/08 cho biết "tình trạng quá tải các tầng điều trị của Thành phố Hồ Chí Minh làm nhiều bệnh nhân Covid nặng chậm được tiếp nhận, cấp cứu" khiến Quân khu 7 phải "quyết định chuyển đổi" khu thu dung "F0" không triệu chứng thành bệnh viện dã chiến chuyên điều trị, cấp cứu.
Sở Y tế : Các bệnh viện không được từ chối người cấp cứu
Hôm qua 05/08, giám đốc sở Y tế phải ra "công văn khẩn" yêu cầu tất cả trung tâm cấp cứu, các bệnh viện phải "mở cửa tiếp nhận người bệnh tự đến khám và cấp cứu 24/7, đặc biệt vào ban đêm". Tuyệt đối không được yêu cầu người bệnh phải có xét nghiệm nhanh hoặc PCR âm tính với Covid. Tuy nhiên, khả năng tiếp nhận của các bệnh viện là có hạn.
Trả lời báo Tuổi Trẻ hôm qua, giám đốc một bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid ở mức tương đối nặng (thuộc "tầng 3") quy mô 500 giường tại Sài Gòn cho biết, bệnh viện này lúc nào cũng trong tình trạng kín giường, do đó việc tiếp nhận được bệnh nhân nữa hay không còn tùy thuộc mức độ bệnh lý, "nếu bệnh nhân cấp cứu sẽ ráng cứu". Vị bác sĩ này cho biết thêm : "Bên cạnh các ca thở máy không xâm lấn được điều trị hồi phục tốt, có ngày 3-4 ca tử vong, chủ yếu tập trung vào nhóm lớn tuổi, có bệnh nền. Gần đây xuất hiện thêm ở nhóm trẻ tuổi bị béo phì".
Tình hình căng thẳng không chỉ tại Sài Gòn. Tỉnh Bình Dương láng giềng cũng là một điểm nóng khác. Số ca mới trong 10 ngày gần đây chiếm gần 70% tổng số ca từ đầu mùa dịch. Hiện vẫn còn gần 400 bệnh nhân có diễn biến nặng, đã có 144 người tử vong vì Covid. Có ngày, số ca mắc mới của Bình Dương vượt 2.000, bằng một nửa ca mới của Sài Gòn, dù dân số chỉ bằng một phần năm.
Theo trang mạng của Bộ Y tế Việt Nam hôm nay, bệnh viện Hồi Sức Covid-19 tại thành phố HCM hiện đang điều trị 522 bệnh nhân, trong đó 149 người trong tình trạng nguy kịch. Bệnh viện Hồi Sức Covid-19, được thành lập khẩn hồi tháng 7/2021, dự kiến có thể tiếp nhận tối đa 1.000 bệnh nhân rất nặng và nguy kịch (tức "tầng 5", tầng cao nhất theo hệ thống điều trị Covid tại Sài Gòn). Hiện tại bệnh viện chỉ đón nhận được một nửa số bệnh nhân theo mục tiêu thiết kế do thiếu phương tiện và nhân viên.
Nhìn chung, tình trạng thiếu máy trợ thở, thiết bị ECMO (tim phổi nhân tạo), máy thở oxy dòng cao, bồn chứa oxy, máy chụp X-quang di động…, cũng như thiếu y bác sĩ điều trị, cấp cứu, nhân viên điều dưỡng chuyên về Covid, là phổ biến. Tình hình dự kiến sẽ căng thẳng hơn trong những ngày tới.
Trọng Thành
*************************
Việt Nam trong nhóm các nước nhận viện trợ vaccine nhiều nhất từ Mỹ
VOA, 06/08/2021
Việt Nam nằm trong nhóm các nước đã nhận viện trợ vaccine chống Covid-19 nhiều nhất trong tổng số hơn 100 triệu liều vaccine mà chính phủ Mỹ hỗ trợ cho toàn cầu không kèm bất cứ điều kiện gì trong thời gian qua.
Một danh sách mới được Nhà Trắng công bố về việc phân bổ hơn 111,7 triệu liều vaccine tới hơn 60 quốc gia trên toàn thế giới, thông qua chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX, cho thấy Việt Nam đứng thứ 7 với 5 triệu liều vaccine.
Năm triệu liều Moderna do Mỹ tặng Việt Nam được chuyển tới quốc gia Đông Nam Á trong hai lần vào tháng trước, với 3 triệu liều được chuyển giao hôm 25/7, vài ngày trước khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tới thăm Hà Nội.
Indonesia, quốc gia đông dân nhất trong số các nước nhận viện trợ vaccine của chính phủ Mỹ, được phân bổ nhiều nhất với 8 triệu liều. Việt Nam đứng sau Philippines, nước nhận được 6,2 triệu liều vaccine, trong số các quốc gia Đông Nam Á trong danh sách phân bổ vaccine toàn cầu của Nhà Trắng.
Trả lời phóng viên trong nước về quan điểm của Việt Nam khi nằm trong nhóm các quốc gia nhận viện trợ vaccine nhiều nhất từ Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao ở Hà Nội, Lê Thị Thu Hằng, cho biết trong một cuộc họp báo thường kỳ hôm 5/8 rằng Việt Nam "trân trọng mọi sự hỗ trợ, đóng góp dù là nhỏ nhất" và "mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các nước, các đối tác và tổ chức quốc tế để tăng cường tiêm chủng trong nước, hướng tới miễn dịch cộng đồng".
Việt Nam nằm trong số các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất trong khu vực và nhắm mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng trong năm nay. Tuy nhiên, trước sự khan hiếm về nguồn vaccine trong khi đang trải qua đợt bùng phát dịch tồi tệ nhất, chính phủ Hà Nội sau đó đã giảm mục tiêu xuống là phấn đấu tiêm chủng đầy đủ cho 50% người trưởng thành đến cuối năm.
Bà Hằng cho biết rằng đến nay, Việt Nam đã nhận khoảng 18 triệu liều vaccine chống Covid-19 từ nhiều nước, đối tác và các tổ chức quốc tế. Ngoài Mỹ, những nước đã viện trợ vaccine cho Việt Nam trong những tháng gần đây còn gồm có Nhật Bản, Anh, Nga và Trung Quốc.
Ngoài 5 triệu liều vaccine Moderna, chính quyền Mỹ tới nay đã viện trợ cho Việt Nam hơn 20 triệu USD để chống dịch. Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, Hà Kim Ngọc, vào tháng trước cho biết Mỹ sẽ viện trợ thêm vaccine cho Việt Nam, quốc gia Đông Nam Á đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ với hai chuyến thăm liên tiếp trong vòng 1 tháng của Bộ trưởng Quốc phòng Austin cuối tháng trước và Phó Tổng thống Kamala Harris vào cuối tháng này.
Với tổng cộng 111,701 triệu liều vaccine gửi đến hơn 60 nước trên toàn cầu, chủ yếu gồm Châu Á, Châu Phi và một số nước Nam Mỹ, Nhà Trắng nói trong thông báo khi công bố danh sách này hôm 3/8 rằng đây là "một cột mốc quan trọng khẳng định Mỹ là nước dẫn đầu toàn cầu về tài trợ vaccine Covid-19". Theo Liên Hợp Quốc, con số này nhiều hơn lượng quyên góp của tất cả các quốc gia khác cộng lại và "phản ánh sự hào phóng của tinh thần Mỹ".
Tổng thống Biden vào tháng 6 cam kết hỗ trợ ít nhất 80 triệu liều vaccine từ nguồn cung của Mỹ tới các quốc gia trên toàn thế giới và hứa rằng sẽ tiếp tục chia sẻ chừng nào Mỹ có khả năng đồng thời nói rằng sự hỗ trợ của chính quyền ông không kèm theo bất kỳ điều kiện gì.
Nhà Trắng cũng cho biết từ cuối tháng này, Chính quyền Biden sẽ bắt đầu chuyển giao nửa tỷ liều vaccine Pfizer mà Mỹ đã cam kết mua để tặng cho 100 quốc gia có thu nhập thấp trên toàn thế giới đang cần vaccine để tiêm chủng cho người dân của họ.