Dù xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Quốc được ghi nhận chiếm tỷ trọng lớn, nhưng doanh nghiệp Việt Nam luôn phải chịu nhiều rủi ro.
Ảnh minh họa : Thương lái thu mua trái vải ở Bắc Giang. - AFP PHOTO
Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc năm 2020 đạt 8,1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 16,6 % trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này. Mặc dù lâu nay Trung Quốc vẫn là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nhưng khi xuất khẩu sang nước này, các doanh nghiệp, thương lái Việt Nam vẫn thường phải chấp nhận nhiều rủi ro, chưa kể giá bán cũng rẻ hơn khi xuất sang các quốc gia khác.
Dù mang về hàng tỷ USD, nhưng tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc hàng năm không ổn định. Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu nông sản thô nên giá trị gia tăng thấp. Xuất khẩu một khối lượng lớn nông sản nhưng hiệu quả thu được còn nhỏ khi so sánh với các nước khác như Thái Lan...
Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang, một chuyên gia nông nghiệp có bề dày kinh nghiệm nửa thế kỷ, khi trả lời RFA hôm 6/8, nhận định :
"Rất ít công ty Việt Nam qua Trung Quốc ký hợp đồng với các bạn hàng bên đó. Cho đến thời điểm này thì vẫn còn lệ thuộc thương lái bên mình và thương lái Trung Quốc, và bán qua ngả Lạng Sơn hoặc Cao Bằng... tức là mình giao thương với họ qua con đường tiểu ngạch, chứ có rất ít doanh nghiệp của mình xuất khẩu chính thức. Chính cái chỗ làm tiểu ngạch nên mình rất lệ thuộc vào thương lái Trung Quốc, họ qua họ rải ra mớ tiền rồi họ biểu thương lái của mình đi gom hàng cho họ, rồi họ chở về hoặc mình phải chở đến cửa khẩu làm thủ tục tiểu ngạch. Ông thương lái mình tất cả phải phụ thuộc thương lái bên kia".
Cũng theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, nông dân Việt Nam lại phụ thuộc thương lái, do đó ông Xuân cho rằng làm ăn kiểu này là phải luôn luôn gặp cảnh ‘giải cứu’. Ông nói tiếp :
"Trong cái nền kinh tế giải cứu này thì mình làm như thế. Cái chính là Nhà nước, mà cụ thể là Bộ Nông nghiệp và Bộ Công thương cứ để cho nông dân tự phát, họ muốn trồng gì họ trồng, họ muốn chặt gì họ chặt... nếu trúng mùa bán được thì nói là do chỉ đạo của Bộ, của Ngành... Nhưng mà nếu bán không được, hàng ế ẩm thì nói tại nông dân tự phát... rồi tội nghiệp nông dân thì phải tổ chức đi giải cứu".
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, chất lượng hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc hiện cũng chưa ổn định, tỷ trọng sản phẩm nông sản đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP còn rất thấp. Hiện chỉ có chín loại trái cây tươi của Việt Nam được phép xuất khẩu sang Trung Quốc qua đường chính ngạch, đó là thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, khi trả lời RFA hôm 6/8, nhận định :
"Trung Quốc thì hiện nay đang chuyển sang nhập khẩu chính ngạch, tức là họ đòi hỏi những thông tin khai báo chi tiết từ nguồn gốc, rồi điều kiện cây trồng và các thông tin khác. Xuất khẩu chính ngạch này thì giá cao hơn, và nếu đáp ứng được những tiêu chuẩn đó thì có thể ký được những hợp đồng ổn định. Nhưng tiếc rằng VN có những bước tiến nhưng chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của phía TQ. Còn xuất khẩu tiểu ngạch, tức là xuất khẩu trên cơ sở các điều kiện dễ dàng hơn, thì hiện nay phía TQ đã có giảm bớt, vì vậy xuất khẩu nông sản sang TQ hiện gặp khó khăn. Nhưng tôi hy vọng VN sẽ có những bước cải thiện trong thời gia tới, với ông Bộ trưởng Nông nghiệp Lương Minh Hoan, thì tôi hy vọng các nỗ lực đó sẽ đem lại kết quả tích cực trong sáu tháng cuối năm".
Mới đây, Việt Nam và Trung Quốc đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và mua bán trái cây, kỳ vọng tạo thuận lợi cho việc kinh doanh nông sản trong bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.
Biên bản ghi nhớ đã được Hiệp hội Rau quả Việt Nam và Hiệp hội Xúc tiến Thương mại Quảng Tây - ASEAN ký kết tại hội nghị trực tuyến tổ chức vào ngày 2 tháng 8 năm 2021, nhằm thúc đẩy giao thương trái cây giữa hai nước.
Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, nước này cũng đứng thứ hai trong số các nước nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sau Hội nghị này cũng cho biết đang mở đường cho các loại trái cây khác như sầu riêng, bưởi, chanh dây, bơ, dừa vào thị trường Trung Quốc... Nước này đồng thời đã tạm cấp phép nhập khẩu khoai lang và ớt của Việt Nam.
Hoạt động giao thương nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc phát triển mạnh trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, do tác động của đại dịch Covid-19, thương mại song phương hàng nông sản năm 2020 đã giảm hơn 4% so với cùng kỳ năm 2019 xuống còn hơn 14,3 tỷ USD.
Dù trong sáu tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc tăng 24,8%... Nhưng theo bài phân tích của Bloomberg hôm 6/8, cuộc khủng hoảng Covid-19 đang diễn ra theo vòng xoáy tại Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm, ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường chính bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan và Mỹ.
Bloomberg dẫn dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, xuất khẩu trái cây và rau quả sẽ giảm 30% trong nửa cuối năm so với một năm trước đó khi miền Nam Việt Nam, nơi sản xuất phần lớn sản lượng, phải đối mặt với đợt bùng phát đại dịch tồi tệ nhất.
Tuy nhiên Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng, nếu Chính phủ Việt Nam cố gắng giải quyết một số vấn đề, thì tình hình sẽ được cải thiện trong những tháng cuối năm :
"Xuất khẩu nông sản của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực trong sáu tháng đầu năm, có tăng lượng xuất khẩu sang thị trường EU nhờ Hiệp định thương mại tự do EVFTA và CPTPP. Nhưng sáu tháng cuối năm do bùng nổ của dịch bệnh, nên hiện nay thị trường Trung Quốc đã giảm nhập khẩu một số mặt hàng như thanh long và một số mặt hàng khác. Ngoài ra, Việt Nam cũng phải có những nỗ lực để giải quyết thẻ vàng về xuất khẩu thủy sản sang EU. Nếu như giải quyết được những việc đó thì tôi tin rằng xuất khẩu nông sản của Việt Nam sẽ được cải thiện và sẽ có những triển vọng tích cực".
Theo Bloomberg, lệnh cấm người dân rời khỏi nhà theo Chỉ thị 16 của Chính phủ để chống dịch Covid-19 áp dụng cho các tỉnh vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long... đã khiến các nhà chức trách ở Đồng bằng sông Cửu Long thậm chí còn tranh thủ sự giúp đỡ của quân đội để thu hoạch vụ lúa khi nông dân phải vật lộn để tìm nhân công do bị hạn chế.
Các biện pháp khắc nghiệt cũng đã gây thiệt hại cho ngành công nghiệp thủy sản của Việt Nam. Khoảng 70% các công ty ở miền Nam đã tạm ngừng hoạt động do họ không thể đáp ứng các yêu cầu của Chính phủ về việc bố trí cho nhân viên sống tại chỗ do chi phí cao hơn. Sản lượng thủy sản được cho biết đã giảm xuống khoảng 50% mức trước đại dịch và có thể giảm hơn nữa.
Trước tình hình này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang kêu gọi Chính phủ thúc đẩy việc tiêm phòng vắc-xin Covid-19 cho tất cả công nhân nông nghiệp ở miền Nam, để giảm thiểu gián đoạn nguồn cung nông thủy sản.
Việt Nam hiện đã tiêm hơn tám triệu liều vắc-xin Covid-19, nhưng chưa đến 1% dân số 98 triệu người được tiêm chủng đầy đủ hai mũi theo như yêu cầu hiện nay.