Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

15/05/2017

Võ Kim Cự mất chức, người Thượng tại Thái, Tổng Giám đốc mía đi tù

RFA tiếng Việt

Thôi nhiệm vụ đại biểu quốc hội với ông Võ Kim Cự (RFA, 15/05/2017)

Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam chiều ngày 15 tháng 5 đã bỏ phiếu đồng ý cho thôi nhiệm vụ đại biểu quốc hội với ông Võ Kim Cự, đoàn đại biểu tỉnh Hà Tĩnh, nguyên Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh.

vkc1

Ông Võ Kim Cự. Courtesy of tuoitre

Trước đó, hôm 25 tháng 4, ông Võ Kim Cự đã có đơn xin thôi đại biểu quốc hội vì lý do sức khỏe.

Ngày 21 tháng 4, Ban Bí Thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra quyết định kỷ luật ông Võ Kim Cự, cách chức ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy tỉnh Nghệ An nhiệm kỳ 2005 – 2010 và 2010 – 2015, bao gồm cả chức vụ Bí thư ban cán sự đảng ủy ban nhân dân tỉnh, Phó Bí thư tỉnh ủy, Bí thư tỉnh ủy Hà tĩnh.

Theo kết luận, ông Võ Kim Cự đã trực tiếp ký nhiều văn bản không đúng quy định và thiếu giám sát trong dự án Formosa.

Công ty gang thép Formosa Hà Tĩnh xả thải ra môi trường biển 4 tỉnh miền Trung Việt Nam vào tháng 4 năm ngoái khiến cá chết hàng loạt và làm ảnh hưởng đến đời sống của hàng trăm ngàn người. Công ty này sau đó đã chấp nhận bồi thường 500 triệu đô la cho các nạn nhân và khắc phục thảm họa môi trường.

Khi bị dư luận hỏi về trách nhiệm liên quan đến vụ Formosa, ông Cự đã nói rằng dự án nhà máy Formosa trước khi thẩm định đã có ý kiến của 12 bộ chuyên ngành, kể cả các cơ quan trong khối nội chính, quốc phòng, an ninh… ông cũng nói Chính phủ đã đồng ý để cho Hà Tĩnh được cấp phép.

****************

Đời sống của người Thượng Việt Nam ở Thái (RFA, 15/05/2017)

vkc2

Nhóm 18 người Thượng chạy trốn từ Việt Nam. Ảnh chụp tại tỉnh Ratanakiri, Campuchia hôm 29/1/2015. Photo courtesy of Adhoc

Những Thượng bị chính quyền Việt Nam đàn áp vì lý do tôn giáo, chính trị buộc họ phải trốn chạy qua Thái Lan để lánh nạn. Do bị từ chối chấp nhận quy chế tỵ nạn và sống bất hợp pháp, nên cuộc sống của họ hết sức khó khăn.

Người Thượng là dân tộc bản xứ ở Tây Nguyên, sau các biến động chính trị tại các tỉnh thuộc khu vực này trong các năm 2001 và 2004, xuất hiện làn sóng người Thượng bỏ quê hương, xứ sở đi tỵ nạn tại những quốc gia khác để tránh sự đàn áp và khủng bố từ phía nhà cầm quyền Việt Nam.

Tuy vậy, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Dự án Hỗ trợ Người Thượng cho biết, số người Thượng hiện đang tỵ nạn tại Thái Lan có khoảng 400 người.

Nói về lý do phải chạy sang Thái Lan tỵ nạn, ông B’Lei một người dân tộc Jarai, ở tỉnh Gia rai đến Thái Lan tỵ nạn vào năm 2011 cho biết :

"Người Thượng mình chạy sang đây tỵ nạn vì mình không có tự do tín ngưỡng về tôn giáo, còn về đất đai của mình thì chính quyền họ đã cướp đi. Họ còn đàn áp những người có niềm tin tôn giáo, có người bị bắt bỏ tù và cũng có người đã chết trong tù".

Dưới nhan đề "Người Thượng : trốn khỏi Việt Nam, vô quốc gia ở Thái Lan" đăng trên báo Al Jazeera News ngày 24/3/2017 cho biết, ngay giữa Bangkok, có một cộng đồng nhỏ người Thượng đã trốn khỏi sự đàn áp tôn giáo của chính quyền Việt Nam. Theo đó, ông Brik, một trong người già nhất trong cộng đồng người Thượng ở Bangkok, cho biết ông và gia đình đã bị kẹt ở lại Bangkok, và tương lai của ông và của cộng đồng người Thượng ở Thái Lan hiện nay đầy bất định.

Nói về cuộc sống hiện nay của cộng đồng người Thượng, bà Hồ Bích Khương, một tù nhân lương tâm đang tỵ nạn tại Thái Lan, người có điều kiện gần gũi và giúp đỡ cộng đồng người Thượng ở Thái Lan cho biết :

"Những người Thượng ở đây họ sống hết sức khó khăn, phần vì họ là dân tộc thiểu số, kiến thức ít, không có việc làm vì xin việc khó. Phần thì sống bất hợp pháp, họ luôn sống trong tâm trạng sợ hãi vì sợ cảnh sát bắt. Bây giờ họ bị từ chối chấp nhận quy chế tỵ nạn nên những người này rất tuyệt vọng. Bởi vì những người như họ bây giờ bị trở về Việt Nam thì chắc chắn họ sẽ chịu cảnh tù đày".

Ông Y Thoat người dân tộc M’Nông ở tỉnh Đaklac, một tín đồ Tin lành cho biết các khó khăn trong cuộc sống của cá nhân ông cùng gia đình, trong điều kiện sống bất hợp pháp tại Thái Lan. Theo ông, vì không có giấy tờ nên ông và những người đàn ông khác phải đi làm chui đủ các loại công việc. Mỗi ngày phải làm việc từ 10-14 tiếng đồng hồ, với đồng lương rẻ mạt và không có ngày nghỉ. Ông nói :

"Cuộc sống của chúng tôi rất mong manh, không biết sẽ đi đâu, về đâu khi mà Cao ủy LHQ đã bỏ rơi chúng tôi hoàn toàn. Phải chấp nhận làm nô lệ thôi. Với cuộc sống bơ vơ hiện tại thì không biết tin vào ai, không biết phải làm gì và không biết mình sẽ rơi vào tay ai. Đó còn chưa kể đến chuyện ốm đau, bệnh tật và biết bao các thứ chuyện khác".

Tác giả Athena Tacet của báo Al Jazeera News trong bài báo đã dẫn cho biết, khi được hỏi họ những người Thượng tỵ nạn có biết Thái Lan không công nhận người tị nạn hay không, thì những người Thượng được phỏng vấn trả lời là họ có biết. Thế nhưng điều này đã không ngăn cản họ bỏ đi khỏi đất nước của mình, vì họ nói rằng cơ hội tuy hiếm hoi nhưng vẫn tốt hơn cảnh bị đàn áp họ phải chịu ở quê nhà.

Trả lời câu hỏi, ông sẽ ở vĩnh viễn tại Thái Lan hay sẽ bắt đầu cuộc đời mới ở nơi khác và ông đã chuẩn bị gì cho cuộc sống bất hợp pháp lâu dài tại Thái Lan ?

Ông Y Thoat bày tỏ sự bất lực của của mình và gia đình trước một tương lai không mấy sáng sủa. Theo ông, trong tình trạng không còn cơ hội có thể đi định cư nước thứ 3 và không dám trở về Việt Nam vì sợ bị bỏ tù. Ông cho biết :

"Bây giờ cũng chả biết đi đâu hết vì trong tay cũng chẳng có cái chi cả. Tôi cũng chỉ mong muốn có một công việc lâu dài và ổn định. Chứ đến bây giờ tôi cũng chưa biết mình sẽ làm cái gì. Muốn làm thuê cho họ cũng không được, vì mình là người ngoại quốc, sống bất hợp pháp. Muốn mở cái nọ, bán cái kia cũng khó".

Theo thông tin từ Bộ Nội Vụ Thái Lan cho biết, Thái Lan không ký kết Công ước Liên Hiệp Quốc năm 1951 về Tư cách của Người Tị nạn hoặc Nghị định thư Liên Hiệp Quốc nă1967 về Tư cách của Người Tị nạn. Do đó họ không có quyền hoặc tư cách gì dù họ đã đăng ký với Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR).

Anh Vũ, thông tín viên RFA

******************

Nguyên tổng giám đốc Mía Đường Tây Ninh bị 10 năm tù (RFA, 15/05/2017)

vkc3

Ông Trần Cảnh Lạc, nguyên tổng giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn MTV Mía Đường Tây Ninh (giữa) tại phiên tòa. Courtesy of vietnammoi.vn

Tòa sơ thẩm Tây Ninh sáng nay 15 tháng Năm tuyên phạt 10 năm tù đối với ông Trần Cảnh Lạc, nguyên tổng giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn MTV Mía Đường Tây Ninh, về tội làm thất thoát hàng chục tỷ đồng trong thời gian làm lãnh đạo công ty.

Bên cạnh đó hội đồng xét xử cũng phán quyết 10 năm tù đối với ông Nguyễn Xuân Danh, nguyên trưởng phòng kinh doanh thương mại, 7 năm tù đối với nà Nguyễn Thị Phúc nguyên kế toán trưởng phòng kế toán tài chính của công ty. Cả hai người này đều bị buộc cùng tội danh như ông Trần Cảnh Lạc là cố ý làm trái các qui định về kinh tế của nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng.

Cáo trạng của Tòa Án Nhân Dân tỉnh Tây Ninh cho thấy trong quá trình giao dịch mua bán gạo và tinh bột sắn với phía Trung Quốc từ năm 2009 đến năm 2012, phía lãnh đạo công ty mía đường Tây Ninh đã gây thiệt hại cho nhà nước số tiền lên đến 70 tỷ Đồng.

Với tội trạng này, 2 bị cáo Trần Cảnh Lạc và Nguyễn Xuân Danh phải liên đới chịu trách nhiệm trong việc bồi thường trên 25 tỷ đồng, 3 bị cáo còn lại chia nhau chịu trách nhiệm bồi thưởng hơn 6 tỷ đồng thất thoát.

Ngoài ra hội đồng xét xử tòa án nhân dân Tây Ninh còn cái buộc công ty mía đường trong khi làm việc với 2 công ty đối tác Trung Quốc là đã không tuân thủ những qui định của pháp luật về việc thực hiện các hợp đồng kinh tế đã ký kết, việc khai báo với hải quan cũng như việc thanh toán chi trả.

Quay lại trang chủ
Read 573 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)