Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

26/08/2021

Điểm báo Pháp – Kamala Harris thăm Việt Nam

RFI tiếng Việt

Kamala Harris thăm Việt Nam : Hà Nội chưa muốn nâng cấp quan hệ đối tác

Tâm lý hoảng loạn tăng cao nơi kiều dân phương Tây và người Afghanistan cần lánh nạn chưa được di tản khỏi Kabul là đề tài được báo chí Pháp ra ngày 26/08/2021 chú ý nhiều nhất, bên cạnh các hoạt động chuẩn bị cho ngày làm việc trở lại sau tháng nghỉ hè. Đối với người Việt Nam, sự kiện đáng chú ý nhất có lẽ là chuyến công du Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, kết thúc vào hôm nay, của phó tổng thống Mỹ Kamala Harris.

kamala1

Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris gặp thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tại Văn phòng Chính phủ ở Hà Nội, Việt Nam, ngày 25/08/2021.  AP - Evelyn Hockstein

Le Monde là nhật báo hiếm hoi chú ý đến sự kiện này trong một bài viết ở trang quốc tế mang tựa đề "Kamala Harris công du Singapore và Việt Nam", ghi nhận rằng chuyến thăm của phó tổng thống Hoa Kỳ cho thấy tầm quan trọng chiến lược của hai quốc gia Đông Nam Á này trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ.

Tình hình Afghanistan khuấy động chuyến công du

Điều oái oăm được Le Monde ghi nhận là chuyến công du đầu tiên của phó tổng thống Mỹ đến Châu Á - và là chuyến công du quốc tế thứ hai sau vùng Trung Mỹ - lại diễn ra trong bối cảnh Mỹ rút lui khỏi Kabul trong hỗn loạn, khiến cho vấn đề Afghanistan khuấy động mục tiêu chính của chuyến đi.

Tại Singapore, theo Le Monde, phó tổng thống Mỹ đã phải phân trần trước các phóng viên rằng chính phủ Hoa Kỳ đã "tập trung đặc biệt" vào nỗ lực sơ tán Kabul, nhưng Washington vẫn có "cam kết về một mối quan hệ lâu dài, bền vững, với khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, với các nước Đông Nam Á và đặc biệt với Singapore".

Còn tại Hà Nội ngày 25/8, trước chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, bà Harris đã lập lại lời chỉ trích mà bà đã đưa ra trước đó một hôm ở Singapore về các hành vi coi thường Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển và các yêu sách chủ quyền biển quá đáng và phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông.

Bắc Kinh hôm 24/08 đã dùng ví dụ Afghanistan để phản pháo. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho rằng những gì đang xảy ra ở Afghanistan cho thấy rõ ràng định nghĩa của Mỹ về "luật lệ và trật tự", rằng "Hoa Kỳ có thể tự ý can thiệp quân sự vào một quốc gia mà không chịu trách nhiệm về những đau khổ gây ra cho người dân, và quyết định khi nào đến và khi nào rời đi mà không tham khảo ý kiến của cộng đồng quốc tế, hoặc thậm chí cả đồng minh của họ".

Việt Nam : Vị trí quan trọng trong chiến lược Mỹ 

Ngoài tầm quan trọng - đã được nói đến nhiều - của Singapore trong chiến lược Châu Á của Mỹ, Le Monde ghi nhận là Việt Nam đã nổi bật với quyết tâm mạnh mẽ chống lại Trung Quốc - bất chấp chế độ chính trị cộng sản và những ám ảnh từ cuộc Chiến tranh Việt Nam (tức là chống Mỹ) - và với vai trò nòng cốt trong việc định hình lại chuỗi cung ứng cho ngành công nghiệp điện tử Hoa Kỳ, thay vào chỗ của Trung Quốc.

Le Monde đã trích dẫn giáo sư Úc Carlyle Thayer nhận định rằng Hoa Kỳ có "quyết tâm lâu dài" trong việc chọn Singapore và Việt Nam để "đóng một vai trò xây dựng trong các vấn đề an ninh khu vực, phù hợp với lợi ích của Mỹ". Theo ông Thayer, mọi tài liệu chiến lược an ninh quốc gia của Hoa Kỳ kể từ thời Obama, kể cả tài liệu do chính quyền Trump công bố, đều "xác định Việt Nam là một đối tác an ninh tiềm tàng quan trọng của Hoa Kỳ". Một văn kiện chiến lược được chính quyền Biden công bố vào tháng 3 vừa qua đã liệt kê Singapore và Việt Nam là hai đối tác ưu tiên của Mỹ về an ninh ở Đông Nam Á.

Theo ghi nhận của tờ báo Pháp : Bà Harris không đến Hà Nội với hai bàn tay trắng, mà sẽ mang theo những lô vac-xin, đến một đất nước mà người dân còn ít được chích ngừa trong lúc ca lây nhiễm Covid-19 bùng phát do biến thể Delta. Việt Nam sẽ là nơi đặt một trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ phụ trách toàn khu vực.

Hà Nội dè dặt với Mỹ vì còn ngại Bắc Kinh

Điều được Le Monde nhấn mạnh tuy nhiên là thái độ còn thận trọng của Việt Nam trong quan hệ với Mỹ, và kế hoạch nâng cấp "quan hệ đối tác toàn diện" với Hoa Kỳ thành "đối tác chiến lược", như Việt Nam đã ký với Trung Quốc, vẫn chưa đến lúc thực hiện.

Lý do, theo Le Monde, là "chính quyền cộng sản Việt Nam, bị giằng co giữa một phe thân Trung Quốc và một phe thiên về chủ nghĩa dân tộc nhiều hơn và thân phương Tây, muốn tránh đối đầu trực diện với Bắc Kinh".

Afghanistan, một cái bẫy khổng lồ

Thảm họa nhân đạo được dự báo tại Kabul sau quyết định của Mỹ sẽ triệt thoái toàn bộ binh lính khỏi Afghanistan vào đúng thời hạn 31/08 tiếp tục được báo chí Pháp chú ý phân tích, đặc biệt là Libération với tựa lớn trang nhất ngắn gọn "Afghanistan - Cái bẫy", và một hồ sơ dài 5 trang.

Vài ngày trước khi Mỹ rút quân, chiến dịch hồi hương những người phương Tây và Afghanistan bị đe dọa tăng tốc trong hoảng loạn. Không phải tất cả sẽ được đi. Tại Pháp, một số thành phố như Strasbourg đang chuẩn bị đón người tị nạn.

Trong bài : "Sân bay Kabul : Nỗi kinh hoàng của những ngày cuối cùng", tờ báo Pháp nhắc lại rằng Hoa Kỳ đã chấm dứt những hy vọng cuối cùng khi khẳng định trong cuộc họp của nhóm G7 là sẽ không có binh sĩ Mỹ trên đất Afghanistan kể từ thứ Ba 31/08 tới đây, bất chấp những lời kêu gọi lùi ngày rút quân từ phía các đồng minh.

Ngay sau đó, chánh văn phòng của ngoại trưởng Pháp cho biết là Paris sẽ kết thúc các cuộc sơ tán ngay vào tối 27/08, một thông tin như đã bị bên quân đội cải chính khi một nguồn tin tại Bộ Quân lực Pháp cho rằng "chưa có ngày kết thúc hoạt động nào được đưa ra. Chúng tôi vẫn cố gắng hết sức khi còn có thể làm được". Quan chức này tuy nhiên cũng thừa nhận rằng Pháp phụ thuộc vào hoạt động của Hoa Kỳ.

Libération ghi nhận là trong 11 ngày qua, chính quyền Pháp tuyên bố đã sơ tán được hơn 2.500 người, trong đó có một trăm người Pháp và hơn 2.000 người Afghanistan. Khoảng 1.400 người đã được rút ra khỏi nước này kể từ khi chiến dịch của Pháp ở Afghanistan kết thúc năm 2014.

Số phận của những người khác là sẽ bị bỏ lại phía sau, ngay cả khi Pháp đã yêu cầu Taliban "duy trì một ngõ ra bên ngoài" sau ngày 31/8 đối với những người muốn ra đi.

Chạy đua với thời gian tại Kabul 

Nếu Libération nhìn thấy một cái bẫy tại Afghanistan đối với những người không được di tản, thì Le Figaro lại thấy ở đó "Một cuộc chạy đua với thời gian", tựa bài báo ở trang quốc tế.

Theo Le Figaro, công cuộc sơ tán đang tăng tốc trong bối cảnh hàng nghìn người Afghanistan đang chờ được di tản dời trước thời hạn 31/8. Nhịp độ các chuyến bay đang được gia tăng để đưa một số ít công dân nước ngoài vẫn còn hiện diện và những người Afghanistan cảm thấy bị đe dọa vì đã làm việc cho các nước NATO. Cầu không vận hoạt động hết tốc lực.

Riêng ngày thứ Ba 24/08 chẳng hạn, 19.000 người đã có thể rời Kabul trên máy bay của Mỹ hoặc đồng minh. Theo số liệu của Nhà Trắng, kể từ ngày 15/08 cho đến sáng 25/08, đã có 82.300 người được sơ tán. Đây quả là một thành tích, nhưng theo ngoại trưởng Anh Dominic Raab, "không phải là ai cũng có thể rời đi được".

Afghanistan, một vết nhơ cho Mỹ và Châu Âu 

Trong bài xã luận với tựa đề khô khốc "Nhục nhã", Libération không ngần ngại cho rằng "Tháng 8 này sẽ vẫn là một vết nhơ không thể xóa nhòa trong bảng tổng kết hoạt động quốc tế của Mỹ và Châu Âu. Nếu xét về cơ bản, việc phương Tây rời khỏi Afghanistan là điều logic thì về hình thức, chiến dịch triệt thoái rất đáng hổ thẹn".

Nhận định của Libération không khoan nhượng : Ít hoặc không hề có dự đoán trước về các tình huống, chuẩn bị kém cỏi từ phía Mỹ, phối hợp kém cỏi giữa các đồng minh, chiến dịch triệt thoái đã phơi bày trên toàn bộ hành tinh một hình ảnh tệ hại của phương Tây, một bức tranh biếm họa của chính mình : Dạy đời khi ở trong thế mạnh và "dũng cảm tháo chạy" khi mất lợi thế. Chưa kể đến những hậu quả địa chính trị có nguy cơ làm đảo lộn lâu dài tương quan lực lượng trong khu vực.

Tờ báo tự hỏi : Liệu Mỹ và Châu Âu giờ đây còn được những người dân gặp nạn tin tưởng nữa hay không, sau khi bỏ rơi một cách hèn nhát người Afghanistan cho số phận bi thảm của họ ? Bị mắc kẹt trong chính đất nước của họ ?

Đối với Libération, sau khi nuôi dưỡng nạn tham nhũng với hàng trăm tỷ đô la, không khuyến khích được giới lãnh đạo Afghanistan thiết lập một hệ thống giáo dục có khả năng thúc đẩy người dân nắm lấy tương lai của họ, và đặc biệt là không thành lập được một quân đội quốc gia xứng đáng với tên gọi, Mỹ đã thất bại một cách thảm hại khi rút đi, kéo theo trong nhục nhã các quốc gia Châu Âu bị choáng váng trước thực tế, mà không hề có phản ứng vùng lên dù nhỏ nhất.

Câu hỏi đặt ra là vùng lên để làm gì ? Nếu không có phép lạ, thật là quá muộn để tránh thảm họa nhân đạo đang rình rập, quá muộn để bảo vệ tất cả những người Afghanistan đang liều chết vì muốn được sống tự do và tất cả những phụ nữ Afghanistan sẽ bị chôn sống bên trong các bức tường.

Do vậy, Libération kết luận : Nếu đã quá muộn để hành động ở Afghanistan, thì ít nhất chúng ta có thể cố gắng đón người dân xứ đó một cách đàng hoàng ở đây

Các trang nhất khác 

Ngoài Afghanistan trên Libération, trang nhất các tờ báo Pháp chủ yếu tập trung vào tình hình Pháp, với Le Figaro lo ngại về ngày tựu trường sắp đến trong bối cảnh Covid-19 vẫn hoành hành, La Croix ghi nhận thái độ lạc quan tương đối của giới chủ nhân Pháp trước triển vọng của nền kinh tế, trong lúc Les Echos phấn khởi trước thành tích "đi sau, về trước" của Pháp trong lãnh vực tiêm chủng. Riêng Le Monde thì nhìn rộng ra Châu Âu, nêu bật tình trạng khan hiếm nhân công hiện nay.

Đặt cược trên một mùa tựu trường "bình thường" 

Trang nhất của Le Figaro chạy hàng tựa lớn : "Blanquer (tức là bộ trưởng giáo dục Pháp) đang đặt cược vào một ngày tựu trường ‘bình thường", khi 12 triệu học sinh Pháp sẽ trở lại lớp kể từ thứ Năm 02/09. 

Một tuần trước ngày khai giảng, ông đang cố gắng duy trì việc mở cửa trường học, bất chấp dịch Covid đang hoành hành. Kế hoạch nhập học "càng bình thường càng tốt" của ông sẽ thông qua việc thực hiện tiêm chủng ngừa dịch bệnh cho những học sinh trên 12 tuổi.

Lựa chọn này, theo Le Figaro, đã làm dấy lên, trong các công đoàn giáo viên, nỗi lo ngại về "những xáo trộn" mà những người bi quan nhất dự đoán trong những tuần tới : Mọi con mắt đều đổ dồn về vùng hải ngoại quần đảo Antilles, nơi cường độ của dịch bệnh đã buộc chính phủ phải đẩy lùi ngày khai trường thêm hai tuần nữa.

Giới chủ muốn lấy lại tự do

Cũng về nước Pháp, nhật báo công giáo La Croix chạy hàng tựa lớn trang nhất "Các ông chủ nhìn sự phục hồi như thế nào".

Tờ báo nêu bật sự kiện tổ chức của giới chủ tại Pháp MEDEF tổ chức trong hai ngày hôm qua và hôm nay cuộc hội thảo mang tên Cuộc gặp của các doanh nhân Pháp. Theo tờ báo, sau cuộc khủng hoảng kinh tế và y tế, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đang đặt vấn đề về quyền tự do kinh doanh, sau một thời kỳ dài phải chấp nhận tài trợ của Nhà nước.

"Vac-xin, thông hành y tế : Đà tăng tốc"

Trong lúc La Croix chú ý đến kinh tế, thì nhật báo kinh tế Les Echos lại chú ý đến lãnh vực y tế với hàng tít lớn trang nhất : "Vac-xin, thông hành y tế : Đà tăng tốc"

Tờ báo phấn khởi ghi nhận việc nước Pháp đã vươn lên đứng vào hàng ngũ những học trò giỏi nhất trong lãnh vực tiêm chủng. Chế độ chứng nhận y tế (hay thông hành y tế) sẽ được áp dụng kể từ thứ Hai tới đây cho mọi nhân viên có tiếp xúc với công chúng.

Những người chống lại chứng nhận y tế chỉ là thiểu số. Trên bình diện thế giới, nguyên tắc "không chích ngừa, không được làm việc", gọi theo tiếng Anh là "no jab, no job" đang ngày càng phổ biến.

Châu Âu bắt đầu thiếu nhân công nghiêm trọng

Nhìn trên bình diện toàn Châu Âu, Le Monde nêu bật trong hàng tựa : "Ở Châu Âu, tình trạng thiếu nhân công trầm trọng". Theo tờ báo, từ hậu cần, khách sạn, xây dựng, cho đến kỹ thuật số hoặc chăm sóc tại gia… tình trạng thiếu nhân lực có tay nghề đang được cảm nhận ở Pháp và ở Châu Âu

Tại Đan Mạch, 21% công ty lớn đã hủy đơn đặt hàng do thiếu nhân lực. Ở Thụy Điển, các nhà hàng đã sửa đổi thực đơn và giờ mở cửa.

Mối đe dọa này đối với sự phục hồi có thể kéo dài. "Chiến tranh và dịch bệnh là những cú sốc làm thay đổi một xã hội", nhà kinh tế học Nicolas Bouzou đã phân tích. 

Sự căng thẳng trên thị trường lao động khiến những ai muốn tuyển dụng phải xem xét lại mức lương và đưa ra các điều kiện làm việc tốt hơn. 

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Nghĩa
Read 481 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)