Vừa chia tay Phó Tổng thống Mỹ, cộng sản Việt Nam lập tức mở đợt đàn áp mới
Như Hồ, Saigonnhonews, 30/08/2021
Ngay sau khi chuyến kinh lý Việt Nam của bà Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris vừa kết thúc, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam lại mở thêm một đợt càn quét mới, để bù vào chỗ trống của hai tù nhân chính trị người Mỹ gốc Việt là James Han Nguyễn và Angel Phan vừa được trả tự do với mục đích vuốt ve Hoa Kỳ.
Quyết định khởi tố anh Bùi Văn Thuận
Ngay trong ngày 30 Tháng Tám, công an tỉnh Thanh Hóa đã ập vào nhà của anh Bùi Văn Thuận để khám xét và đọc lệnh khởi tố, sau đó dẫn đi.
Anh Bùi Văn Thuận, sinh năm 1981, bị cáo buộc vi phạm Điều 117-Bộ Luật Hình sự năm 2015 : "Tàng trữ tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước CHXHCN Việt Nam". Điều luật này đã bị các tổ chức theo dõi nhân quyền cho là mơ hồ, tùy tiện mà Nhà nước Việt Nam sử dụng nhằm dập tắt những tiếng nói bất đồng chính kiến, đàn áp quyền tự do biểu đạt.
Từ lâu nay, anh Thuận nổi bật trên các trang Facebook với lối điểm tin sắc sảo và hài hước về tình hình chính trị xã hội Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều bài phân tích của anh đã gây sự tức giận cho giới dư luận viên và phía công an bởi tính sâu cay và trực diện, không ngại gọi thẳng tên các quan chức cấp cao ở Việt Nam để quy trách nhiệm cho những sai lầm đang diễn ra. Dù đã được cảnh báo về nguy cơ sẽ bị bắt với thái độ bất đồng chính kiến, nhưng anh Thuận cho biết là sẵn sàng chấp nhận mọi thứ, nhưng không chịu đánh đổi chính kiến và nhân cách của mình.
Gần đây, các phân tích của anh Bùi Văn Thuận về sự thất bại trong chuyện chống dịch từ trung ương đến địa phương, đặc biệt sự rối rắm và yếu kém, dẫn đến chuyện có hơn hàng ngàn người chết ở Sài Gòn luôn có được sự hưởng ứng của đông đảo dân chúng. Và có lẽ đây là giọt nước làm tràn ly đối với phía công an, bởi không chịu đựng nổi tiếng nói thẳng thắn và mạnh mẽ của anh Thuận, ngày càng được số đông ủng hộ.
Việc anh Thuận bị bắt, chỉ sau vài ngày hai công dân Mỹ gốc Việt là James Han Nguyen (53 tuổi) và bà Angel Phan (64 tuổi) được phía cộng sản Việt Nam trả tự do, như món quà lấy lòng cho chuyến gặp mặt với bà Phó Tổng thống Hoa Kỳ. Việc trả tự do cho hai người này, công an cũng buộc phải cam kết không được trả lời phỏng vấn báo chí, hay tự nói gì trong một thời gian. Được biết ngày 26 Tháng Tám, cả hai người này đã đoàn tụ gia đình ở Massachusetts và California. Cả hai người đều bị án 14 năm tù, trong phiên xử vào Tháng Tám 2018, với cùng tội danh là "âm mưu lật đổ chính quyền".
Ngay khi cần lấp đầy các chỗ trống để chuẩn bị cho các cuộc đổi chác lợi ích ngoại giao trong tương lai, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam lại đẩy mạnh các chiến dịch sách nhiễu và tấn công vào những người có tên tuổi trên xã hội. Vụ bắt anh Bùi Văn Thuận được coi là cú đánh mở đầu cho chiến dịch này.
Một người khác hiện cũng bị sách nhiễu, gửi giấy mời làm việc với công an địa phương là Hòa thượng Thích Vĩnh Phước của chùa Phước Bửu, ở Xuyên Mộc, Bà Rịa-Vũng Tàu. Ông là người phụ trách về tài chính của Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, một tổ chức có từ năm 1964 tại miền Nam Việt Nam, nhưng đã bị chính quyền tìm mọi cách ngăn cấm hoạt động từ Tháng Tư 1975.
Giấy mời Hòa thượng Thích Vĩnh Phước của chùa Phước Bửu, ở Xuyên Mộc, Bà Rịa-Vũng Tàu ra trụ sở công an "làm việc".
Giấy mời của công an Xuyên Mộc ghi rõ là mời lần một vào ngày 30 Tháng Tám, "để làm rõ hành vi đăng tải, chia sẻ, tán phát thông tin sai lệch về dịch bệnh covid-19, có dấu hiệu vi phạm pháp luật trên không gian mạng". Tuy nhiên, trong cùng ngày, Hòa thượng Thích Vĩnh Phước đã bác bỏ thư mời này và không đi. Ông cho biết quyền nhận định về phê phán về đại dịch cũng như cách làm của chính quyền, là quyền tự do hợp hiến của công dân, nên việc "mời làm việc" bị coi là một loại sách nhiễu. Trước đó, công an cũng cho người đến dò la, điều tra mọi thứ về chùa Phước Bửu, kể cả truy tìm những người đã từng đến chùa lễ Phật trước khi có đại dịch, nhưng bị coi là thành phần có khuynh hướng bất đồng với chính quyền.
Một trong những tội trạng mà bất cứ người Việt Nam nào cũng có thể bị khởi tố đó là Điều 117 của Bộ Luật Hình Sự "Tàng trữ tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Giữ một di vật hay di ảnh nào liên quan đến chế độ Việt Nam Cộng Hòa, hoặc lưu giữ trên máy, trong nhà một bài viết, quyển sách…, có ý kiến không thuộc về quan điểm nhà nước cộng sản Việt Nam đều có thể bị coi là vi phạm tội này.
Người bị kết án vi phạm Điều 117 có thể phải đối diện mức án từ một năm đến 20 năm tù giam. Thống kê cho thấy từ đầu năm 2021 đến nay, công an Việt Nam đã bắt giữ ít nhất chín người theo cáo buộc vi phạm Điều 117, Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Như Hồ
Nguồn : Saigonnhonews, 30/08/2021
*********************
Vụ bắt giữ đầu tiên sau chuyến thăm 'đề cập đến nhân quyền' của phó tổng thống Mỹ
VOA, 30/08/2021
Chính quyền Việt Nam hôm 30/8 bắt giữ Facebooker Bùi Văn Thuận, người có nhiều các đăng tải chỉ trích lãnh đạo Đảng trên mạng xã hội, với cáo buộc "tuyên truyền chống phá nhà nước", chỉ vài ngày sau khi Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tới thăm và đề cập đến vấn đề nhân quyền với những người đứng đầu chính phủ ở Hà Nội.
Facebooker Bùi Văn Thuận bị bắt hôm 30/8 vì cáo buộc "tuyên truyền chống phá nhà nước" Việt Nam với những đăng tải chỉ trích lãnh đạo Đảng.
Ông Thuận, người có trang Facebook "Cha dà Dân tộc" với đăng tải mới nhất nêu ra sự đối chọi trong các phát ngôn của các lãnh đạo Việt Nam – trong đó có Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng – về cách chống dịch Covid-19, bị công an bắt tại nhà riêng ở huyện Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá, sáng ngày 30/8.
Bà Trịnh Nhung, vợ ông Thuận, xác nhận với VOA trong khi truyền thông nhà nước Việt Nam chưa đưa ra bất kỳ thông tin gì về vụ bắt giữ này.
Theo bà Nhung cho biết, gia đình bà bị bất ngờ khi các công an "giả dạng là nhân viên y tế đến để yêu cầu khai báo y tế" vào lúc 8g30 sáng sau đó khám xét nhà và đọc lệnh bắt giữ ông Thuận.
Quyết định của Công an tỉnh Thanh Hóa mà VOA được xem nói rằng ông Thuận bị khởi tố vì tội "Tàng trữ tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam" theo điều 117 của Bộ luật Hình sự, một điều luật thường được dùng để bắt giữ các tiếng nói bất đồng chính kiến ở Việt Nam.
Ông Thuận, một giáo viên dạy hóa trước khi trở thành một blogger có tiếng ở Việt Nam, từng được báoLos Angeles Time phỏng vấn vì bị Facebook chặn tài khoản cũng như xóa các bài viết chỉ trích chính quyền, gồm loạt đăng tải về vụ tranh chấp đất đai ở làng Đồng Tâm. Trong một đăng tải về vụ việc gây nhiều tranh cãi này hồi tháng 1 năm ngoái, ông Thuận gọi các lãnh đạo nhà nước là "những kẻ cướp đất" và viết rằng "Những tội ác của các ông sẽ hằn sâu trong tâm trí tôi", theo LA Times.
Một trong nhữngđăng tải gần đây nhất của ông Thuận đưa ra những phản ánh của người dân về việc "thiếu ăn, thiếu đói" trong lúc Thành phố Hồ Chí Minh phong toả vì đại dịch và cho rằng "99% người dân Sài Gòn đang dài cổ chờ bộ đội, cán bộ đi chợ hộ".
Bà Nhung cho biết chồng bà biết rằng sẽ có ngày bị bắt và gia đình đã chuẩn bị tâm lý cho việc này.
"Anh ấy biết rõ là sẽ gặp nguy hiểm vì đã lên tiếng đấu tranh thì không thể nào yên ổn được", bà Nhung nói và cho biết tôn trọng những việc làm của chồng mình. "Nhưng (vì) lương tâm không cho phép mình im lặng, sợ hãi hay mình bỏ cuộc nên anh ấy mới làm công việc đó".
Đây là vụ bắt giữ đầu tiên được biết tới ở Việt Nam sau khi Phó Tổng thống Mỹ kết thúc chuyến thăm Hà Nội hôm 26/8. Trong buổi họp báo cuối cùng, bà Harris cho biết bà đã nêu vấn đề vi phạm nhân quyền và hạn chế hoạt động chính trị của chính phủ Việt Nam khi gặp các lãnh đạo ở Hà Nội. Trước đó, các nhà lập pháp Mỹ và nhiều tổ chức nhân quyền thúc giục bà Harris kêu gọi trả tự do cho các tù nhân lương tâm khi thăm Hà Nội. Cùng thời gian chuyến thăm này, hai công dân Mỹ gốc Việt được Việt Nam trả tự do, được cho là do sức ép ngoại giao từ Washington.
Các cuộc trao đổi như thả tù nhân chính trị hoặc lương tâm thường được Việt Nam thực hiện trước hoặc trong các chuyến thăm của các lãnh đạo cấp cao của Mỹ tới Hà Nội. Các nhà hoạt động được thả thường được đưa sang Mỹ hoặc các nước Châu Âu để tị nạn, bao gồm blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh hiện đang tị nạn tại Texas.
Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam luôn nói rằng không có cái gọi là "tù nhân lương tâm" ở đây và nhà cầm quyền chỉ bắt giữ những ai vi phạm luật pháp.
Theo nhà hoạt động Phạm Minh Vũ, một người bạn của ông Thuận, Facebooker này trước khi bị bắt nói rằng ông sẽ "không nhận tội, không xin ân xá để hưởng khoan hồng hay trao đổi với nhà cầm quyền". Ông cũng cho biết rằng ông "không thuộc bất kỳ hội nhóm, phe phái hay tổ chức nào" và "không có nhu cầu đi tị nạn chính trị hay ra nước ngoài bằng việc trao đổi tù nhân lương tâm".
Bà Nhung cho biết công an không cho biết chồng bà sẽ được đưa đi đâu và sẽ bị giam giữ trong bao lâu.
Điều 117 BLHS Việt Nam quy định mức án tù lên đến 20 năm.
***********************
Tiếng nói chỉ trích Nhà nước, ông Bùi Văn Thuận bị bắt
RFA, 30/08/2021
Ông Bùi Văn Thuận, người thường có những bài viết chỉ trích mạnh đối với chế độ tại Việt Nam hiện này, vừa bị bắt trong ngày 30/8.
Facebooker Bùi Văn Thuận - Facebook
Quyết định khởi tố của Cơ quan An ninh Điều tra thuộc Công an Tỉnh Thanh Hóa ký ngày 29/8 được Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh này phê chuẩn trong ngày 30/8.
Cựu tù chính trị Phạm Thanh Nghiên vào tối ngày 30/8 cho RFA biết về thông tin ông Bùi Văn Thuận bị bắt như sau :
"Ông Thuận theo tôi biết là một người có những bình luận về chính trị, thời sự hội Việt Nam khá sắc bén được nhiều người ưa thích trên mạng xã hội. Trên bản tin ngắn tôi đưa, tôi có nhắc chỉ sau bốn ngày bà (Phó Tổng thống Hoa Kỳ) Harris rời Việt Nam đã diễn ra vụ bắt bớ. Tôi nhận định sau vụ bắt này sẽ còn có những vụ bắt bớ những tiếng nói chỉ trích khác.
Ngoài ông Bùi Văn Thuận bị bắt, tại Vũng Tàu, có Thầy Thích Vĩnh Phước (Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất - giáo hội không được chính quyền Việt Nam thừa nhận) bị mời đi làm việc sáng nay vì bị nói có những bài viết liên quan dịch Covid-19"
Ông Bùi Văn Thuận, sinh năm 1981, bị cáo buộc vi phạm Điều 117-Bộ luật hình sự năm 2015 : "Tàng trữ tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Điều luật này đã bị các tổ chức theo dõi nhân quyền cho là mơ hồ, tùy tiện mà Nhà nước Việt Nam sử dụng nhằm dập tắt những tiếng nói bất đồng chính kiến, đàn áp quyền tự do biểu đạt.
Người bị kết án vi phạm Điều 117 có thể phải đối diện mức án từ một năm đến 20 năm tù giam.
Thống kê cho thấy từ đầu năm 2021 đến nay, công an Việt Nam đã bắt giữ ít nhất chín người theo cáo buộc vi phạm Điều 117, Bộ Luật Hình sự Việt Nam.