Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

26/08/2021

Ngành xuất khẩu gạo của Việt Nam bị ‘bế tắc’ do dịch Covid-19

RFA tiếng Việt

Giá gạo xuất khẩu rớt giá thấp nhất trong hai năm

Truyền thông Nhà nước Việt Nam, vào ngày 25/8, dẫn nguồn từ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam bị rớt xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2020 và tiếp tục giảm trong tháng 8/2021.

gao1

Xuất khẩu gạo của Việt Nam được xếp thứ nhì thế giới năm 2020. AFP

Cụ thể, giá gạo 5% tấm của Việt Nam trong tháng 7/2021 ở mức 390 USD/tấn và tiếp tục giảm trong tháng tám, đặc biệt giảm xuống 385 USD/tấn trong phiên giao dịch ngày 19/8.

Giá gạo 5% tấm xuất khẩu vừa nêu được ghi nhận thấp hơn gần 100 USD/tấn so với cùng kỳ năm ngoái, ở mức trung bình 485 USD/tấn.

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết thêm rằng giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ và Thái Lan cũng bị giảm xuống. Nguyên nhân là do nhu cầu thị trường yếu.

Ông Phạm Mẫn, một người làm việc trong ngành xuất khẩu gạo nhiều năm, vào tối ngày 26/8 xác nhận với RFA lý do gạo xuất khẩu rớt giá là vì dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát mạnh tại một số nước xuất khẩu gạo ở khu vực Châu Á.

"Với tình hình này, các nước cũng đang bị như Philippines, Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan đều bị dịch bệnh thì đây là điều kiện bắt buộc họ đè giá xuống để giữ nguồn cung phân phối ở nước nhập khẩu có giá gạo không lên. Việc này cũng theo lý thuyết, chứ trên thực tế thì giá gạo cũng lên từ 15% đến 20%".

Theo ghi nhận của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan trong tuần qua tăng từ 5-7 USD/tấn so với tuần trước đó. Song, mặc dù có tăng lên nhưng giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Thái Lan vẫn ở mức thấp nhất trong vòng hai năm tại đất nước Chùa Vàng.

Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông Sản Việt Nam, công bố hồi hạ tuần tháng 7/2021, các nguyên nhân khiến giá gạo xuất khẩu thế giới giảm bao gồm tỷ giá đồng Baht của Thái Lan giảm về mức thấp nhất trong năm qua và đồng Rupee của Ấn Độ liên tục giảm giá cũng như kho dự trữ của chính phủ tiếp tục đưa hàng cứu trợ ra thị trường đã khiến cho giá giảm. Riêng Việt Nam, do phải cạnh tranh mạnh với Thái Lan và Ấn Độ nên đẩy giá đi xuống.

gao2

Gạo Ấn Độ với nhiều mức giá khác nhau được bày bán tại Mumbai hôm 26/11/2020. AFP

Chi phí tăng cao dù gạo xuất khẩu rớt giá

Mặc dù tình hình xuất khẩu gạo thế giới bị rớt giá, nhưng chi phí sản xuất, vận chuyển và giao hàng tại Việt Nam đều tăng vọt do biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt kéo dài suốt hơn hai tháng qua ở miền Nam.

Ông Nguyễn văn Mỹ, một doanh nhân kinh doanh vận chuyển gạo ở trong nước, vào tối ngày 26/8 lên tiếng với RFA :

"Khâu khó nhất là lưu thông, tức là lưu thông từ tỉnh này qua tỉnh khác. Trước đây thì không sau, nhưng thời gian gần đây thì tất cả các tỉnh ở Nam Bộ, vựa lúa của Việt Nam, bị giãn cách xã hội ‘ai ở đâu, ở đó’ cho nên khâu đi lại cực kỳ khó khăn.

Ví dụ như trước đây tôi lấy hàng từ Phan Thiết chở về thành phố bán, thời gian vận chuyển trung bình mất bốn giờ đồng hồ. Bởi vì qua các trạm kiểm soát. Mỗi lần qua trạm là phải test và khử khuẩn, cho nên làm đẩy thời gian và giá hàng lên. Dịch Covid-19 gây ra nhiều hệ lụy lắm. Tức là, nội địa đã khó rồi còn xuất khẩu thì thêm các thủ tục khác. Nhiều nước cũng đang bị dịch Covid-19 khắp nơi mà".

Một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại Việt Nam cho báo giới quốc nội biết hoạt động kinh doanh và xuất khẩu gạo đang gặp rất nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến nghiêm trọng ở khu vực miền Nam.

Biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt kéo dài đến hết tháng 8/2021 khiến cho nhiều công ty xuất khẩu gạo bị đình trệ trong việc giao hàng. Hậu quả là phải hoãn hoặc chấp nhận bỏ hợp đồng và gạo tồn kho tăng cao.

Hồi trung tuần tháng 8/2021, VNEpress.net ghi nhận nhiều doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo ở khu vực miền Tây Nam Bộ gặp khó khăn về khâu sản xuất bị năng xuất thấp, do thực hiện biện pháp "ba tại chỗ".

Điển hình như Công ty Cỏ May, ở Đồng Tháp cho 1.500 công nhân lưu trú lại làm việc. Tuy nhiên, do xuất hiện ca nhiễm và nhiều lao động không đồng ý tiếp tục ở lại nhà máy.

Liên quan vấn đề này, ông Phạm Mẫn tiếp lời với RFA :

"Doanh nghiệp xuất khẩu gạo hay bất cứ doanh nghiệp nào làm sao sống với con Covid-19 nỗi. Ví dụ trường hợp ông tài xế chạy giao hàng khắp nơi, rồi trở về công ty đang thực hiện ‘3 tại chỗ’, mà lỡ như ông tài xế là F0 thì vấn đề lây nhiễm bệnh xuất phát từ đây".

Một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở Việt Nam phản ánh rằng chi phí vận chuyển phát sinh tăng cao và giá gạo xuất khẩu thấp gây ra sự ảnh hưởng lên dòng tiền của các công ty xuất khẩu gạo.

"Những doanh nghiệp bị áp lực : thứ nhất là doanh nghiệp sử dụng vốn vay quá lớn mà không có tài sản dự phòng. Thứ hai, doanh nghiệp đã ký vào hợp đồng cung ứng xoay vòng, tức là chỉ có một hợp đồng nhưng dùng hợp đồng đó quay tour mà sử dụng đơn hàng với khối lượng và giá thời điểm cộng với thanh toán chứ không ký hợp đồng nữa thì doanh nghiệp này sẽ bị điều khoản phạt".

Đối với quan ngại về các hợp đồng gạo sẽ bị hủy hoặc mất khách hàng, nếu tình trạng dịch bệnh diễn biến phức tạp kéo dài, ông Phạm Mẫn nhận định :

"Đối với gạo là loại thực phẩm ăn xong thì phải mua nữa. Do đó, ai bán giá rẻ thì người đó sẽ được mua. Giới thương nhân về gạo quốc tế thì một khi họ muốn mua, họ thông báo và sẽ nhận được chào giá tấp nập. Họ sẽ chọn lựa và thương lượng đè giá xuống ; giá nào rẻ thì họ mua thôi. Và nếu như tình hình xuất khẩu gạo (của Việt Nam) thấp thì túi gạo cứu trợ được quân đội phân phối sẽ càng tốt cho người dân. Người dân Việt Nam có thể thiếu mì gói nhưng không bao giờ thiếu gạo. Cho dù tình huống xấu đến mức nào đi nữa, thì trước mắt không phải lo".

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, vào ngày 25/8 cho biết giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới có thể sẽ giảm vì nguồn cung nội địa dồi dào hơn sau vụ Đông Xuân.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở trong nước cho rằng tình hình xuất khẩu gạo đang bị bế tắc và vẫn chưa có đường hướng nào để cải thiện. Bởi vì, chỉ có cách duy nhất là phải chờ Chính phủ dập được dịch Covid-19 thì mới phục hồi được các hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu.

Việt Nam, hồi năm 2020, xếp vị trí thứ nhì xuất khẩu gạo trên thế giới, với tổng sản lượng xuất khẩu 6,25 triệu tấn gạo. Và Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 6,2 triệu tấn gạo trong năm 2021, với tổng trị giá hơn 3 tỷ USD.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 437 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)