Việt Nam xuất khẩu gạo với giá cao nhất từ 15 năm nay
Thu Hằng, RFI, 15/08/2023
Khoảng 500.000 tấn gạo Việt Nam sẽ được bán với giá cao hơn trong tháng 8 sau khi các nhà xuất khẩu Việt Nam thương lượng lại thành công. Thông tin được hai nguồn tin xác nhận với Reuters ngày 16/08/2023 trong bối cảnh giá gạo thế giới đạt đỉnh điểm từ 15 năm qua.
Thu hoạch lúa trên một cánh đồng ở Cần Thơ, ngày 28/02/2023. AFP – Nhac nguyen
Một nhân viên của một công ty giao dịch quốc tế cho Reuters biết "bên mua đã chấp nhận trả giá cao hơn đối với một số lô gạo được chuyển cho họ trong tháng 8". Cụ thể, khoảng 200.000 tấn gạo sẽ được giao trong tháng Tám, 300.000 tấn còn lại sẽ được chuyển đến các cảng của Việt Nam.
Các nước nhập khẩu, trong đó có Indonesia và Philippines, đã trả thêm từ 30 đến 80 đô la/tấn gạo thơm Việt Nam so với giá 550 đô la/tấn trước khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo trắng của nước này từ tháng 07. Như vậy, bên bán thu thêm được từ 15 đến 40 triệu đô la so với giá thỏa thuận trước các lệnh hạn chế của New Delhi.
Phát biểu trước Quốc Hội Việt Nam ngày 15/08, bộ trưởng Nông Nghiệp thẩm định Việt Nam có thể xuất khẩu từ 7-8 triệu tấn gạo trong năm 2023 sau khi đã bảo đảm được an ninh lương thực trong nước.
Giá gạo tăng ở mức kỷ lục từ 15 năm qua
Nhìn chung, giá gạo Châu Á đã tăng khoảng 20% từ tháng 07 năm nay. Gạo thơm Thái Lan cũng đã tăng thành 648 đô la/tấn vào đầu tháng 8. Đây là mức cao kỷ lục kể từ tháng 10/2008. Nhật báo kinh tế Pháp Les Echos phân tích hai lý do chính.
Thứ nhất là thiên tai do hiện tượng El Niño trở lại. Thái Lan phải đối mặt với nguy cơ hạn hán gia tăng. Trước tình trạng thiếu nước - đến 40% ở một số vùng nông nghiệp - chính quyền yêu cầu nông dân canh tác các giống cây cần ít nước hơn. Còn tại Trung Quốc, mưa lũ, nắng nóng, sâu bọ ở miền bắc đã khiến mùa màng thất thu, buộc chính quyền Bắc Kinh phải nhập khẩu gạo.
Thứ hai là do Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo trắng, trừ gạo basmati. Quyết đinh được đưa ra vào tháng 07 nhằm bình ổn giá thị trường trong nước trong bối cảnh Ấn Độ chuẩn bị tổ chức tổng tuyển cử. Ấn Độ là nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm 40% thị trường.
Thu Hằng
Nguồn : RFI, 16/08/2023
************************
Việt Nam chi hàng tỷ USD để nhập muối, nhập than
RFA, 15/08/2023
Việt Nam mỗi năm phải nhập khẩu khoảng 600.000 tấn muối với trị giá hàng tỷ USD ; trong khi nước này có bờ biển dài mấy ngàn kilomet.
Hình chụp hôm 22/4/2019 : công nhân thu hoạch muối từ cánh đồng muối ở Hòn Khói, Khánh Hòa. AFP
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí ngày 15/8 nêu chất vấn đối với Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển- Nông thôn vì cho rằng đó là một nghịch lý. Vị đại biểu này yêu cầu có những giải pháp để Việt Nam có đủ muối dùng, không còn nhập khẩu và diêm dân có thể sống bằng nghề của họ.
Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, Lê Minh Hoan, thừa nhận nghề muối truyền thống ở Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, diện tích ruộng muối thu hẹp, đời sống diêm dân khó khăn.
Ông Lê Minh Hoan cho biết hiện cả nước có hai vùng sản xuất muối lớn : vùng duyên hải miền Trung và khu vực tỉnh Thái Bình. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn có thể sẽ triển khai một số dự án thí điểm, phát triển ngành muối tại đó. Ông cũng kêu gọi doanh giới tham gia vào ngành sản xuất muối
Ngoài nghịch lý muối, Việt Nam còn đối mặt với hai nghịch lý khác là nước sản xuất lúa gạo mà vẫn nhập gạo từ Ấn Độ, Campuchia ; sản xuất than mà phải nhập than.
Truyền thông Nhà nước loan tin ngày 15/8 dẫn thống kê của Tổng Cục Hải quan cho thấy trong tháng 7/2023, Việt Nam phải nhập gần 30 triệu tấn than tăng hơn 10 triệu tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch nhập khẩu than hơn 4,3 tỷ USD.
Giá gạo xuất khẩu rớt giá thấp nhất trong hai năm
Truyền thông Nhà nước Việt Nam, vào ngày 25/8, dẫn nguồn từ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam bị rớt xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2020 và tiếp tục giảm trong tháng 8/2021.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam được xếp thứ nhì thế giới năm 2020. AFP
Cụ thể, giá gạo 5% tấm của Việt Nam trong tháng 7/2021 ở mức 390 USD/tấn và tiếp tục giảm trong tháng tám, đặc biệt giảm xuống 385 USD/tấn trong phiên giao dịch ngày 19/8.
Giá gạo 5% tấm xuất khẩu vừa nêu được ghi nhận thấp hơn gần 100 USD/tấn so với cùng kỳ năm ngoái, ở mức trung bình 485 USD/tấn.
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết thêm rằng giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ và Thái Lan cũng bị giảm xuống. Nguyên nhân là do nhu cầu thị trường yếu.
Ông Phạm Mẫn, một người làm việc trong ngành xuất khẩu gạo nhiều năm, vào tối ngày 26/8 xác nhận với RFA lý do gạo xuất khẩu rớt giá là vì dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát mạnh tại một số nước xuất khẩu gạo ở khu vực Châu Á.
"Với tình hình này, các nước cũng đang bị như Philippines, Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan đều bị dịch bệnh thì đây là điều kiện bắt buộc họ đè giá xuống để giữ nguồn cung phân phối ở nước nhập khẩu có giá gạo không lên. Việc này cũng theo lý thuyết, chứ trên thực tế thì giá gạo cũng lên từ 15% đến 20%".
Theo ghi nhận của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan trong tuần qua tăng từ 5-7 USD/tấn so với tuần trước đó. Song, mặc dù có tăng lên nhưng giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Thái Lan vẫn ở mức thấp nhất trong vòng hai năm tại đất nước Chùa Vàng.
Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông Sản Việt Nam, công bố hồi hạ tuần tháng 7/2021, các nguyên nhân khiến giá gạo xuất khẩu thế giới giảm bao gồm tỷ giá đồng Baht của Thái Lan giảm về mức thấp nhất trong năm qua và đồng Rupee của Ấn Độ liên tục giảm giá cũng như kho dự trữ của chính phủ tiếp tục đưa hàng cứu trợ ra thị trường đã khiến cho giá giảm. Riêng Việt Nam, do phải cạnh tranh mạnh với Thái Lan và Ấn Độ nên đẩy giá đi xuống.
Gạo Ấn Độ với nhiều mức giá khác nhau được bày bán tại Mumbai hôm 26/11/2020. AFP
Chi phí tăng cao dù gạo xuất khẩu rớt giá
Mặc dù tình hình xuất khẩu gạo thế giới bị rớt giá, nhưng chi phí sản xuất, vận chuyển và giao hàng tại Việt Nam đều tăng vọt do biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt kéo dài suốt hơn hai tháng qua ở miền Nam.
Ông Nguyễn văn Mỹ, một doanh nhân kinh doanh vận chuyển gạo ở trong nước, vào tối ngày 26/8 lên tiếng với RFA :
"Khâu khó nhất là lưu thông, tức là lưu thông từ tỉnh này qua tỉnh khác. Trước đây thì không sau, nhưng thời gian gần đây thì tất cả các tỉnh ở Nam Bộ, vựa lúa của Việt Nam, bị giãn cách xã hội ‘ai ở đâu, ở đó’ cho nên khâu đi lại cực kỳ khó khăn.
Ví dụ như trước đây tôi lấy hàng từ Phan Thiết chở về thành phố bán, thời gian vận chuyển trung bình mất bốn giờ đồng hồ. Bởi vì qua các trạm kiểm soát. Mỗi lần qua trạm là phải test và khử khuẩn, cho nên làm đẩy thời gian và giá hàng lên. Dịch Covid-19 gây ra nhiều hệ lụy lắm. Tức là, nội địa đã khó rồi còn xuất khẩu thì thêm các thủ tục khác. Nhiều nước cũng đang bị dịch Covid-19 khắp nơi mà".
Một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại Việt Nam cho báo giới quốc nội biết hoạt động kinh doanh và xuất khẩu gạo đang gặp rất nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến nghiêm trọng ở khu vực miền Nam.
Biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt kéo dài đến hết tháng 8/2021 khiến cho nhiều công ty xuất khẩu gạo bị đình trệ trong việc giao hàng. Hậu quả là phải hoãn hoặc chấp nhận bỏ hợp đồng và gạo tồn kho tăng cao.
Hồi trung tuần tháng 8/2021, VNEpress.net ghi nhận nhiều doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo ở khu vực miền Tây Nam Bộ gặp khó khăn về khâu sản xuất bị năng xuất thấp, do thực hiện biện pháp "ba tại chỗ".
Điển hình như Công ty Cỏ May, ở Đồng Tháp cho 1.500 công nhân lưu trú lại làm việc. Tuy nhiên, do xuất hiện ca nhiễm và nhiều lao động không đồng ý tiếp tục ở lại nhà máy.
Liên quan vấn đề này, ông Phạm Mẫn tiếp lời với RFA :
"Doanh nghiệp xuất khẩu gạo hay bất cứ doanh nghiệp nào làm sao sống với con Covid-19 nỗi. Ví dụ trường hợp ông tài xế chạy giao hàng khắp nơi, rồi trở về công ty đang thực hiện ‘3 tại chỗ’, mà lỡ như ông tài xế là F0 thì vấn đề lây nhiễm bệnh xuất phát từ đây".
Một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở Việt Nam phản ánh rằng chi phí vận chuyển phát sinh tăng cao và giá gạo xuất khẩu thấp gây ra sự ảnh hưởng lên dòng tiền của các công ty xuất khẩu gạo.
"Những doanh nghiệp bị áp lực : thứ nhất là doanh nghiệp sử dụng vốn vay quá lớn mà không có tài sản dự phòng. Thứ hai, doanh nghiệp đã ký vào hợp đồng cung ứng xoay vòng, tức là chỉ có một hợp đồng nhưng dùng hợp đồng đó quay tour mà sử dụng đơn hàng với khối lượng và giá thời điểm cộng với thanh toán chứ không ký hợp đồng nữa thì doanh nghiệp này sẽ bị điều khoản phạt".
Đối với quan ngại về các hợp đồng gạo sẽ bị hủy hoặc mất khách hàng, nếu tình trạng dịch bệnh diễn biến phức tạp kéo dài, ông Phạm Mẫn nhận định :
"Đối với gạo là loại thực phẩm ăn xong thì phải mua nữa. Do đó, ai bán giá rẻ thì người đó sẽ được mua. Giới thương nhân về gạo quốc tế thì một khi họ muốn mua, họ thông báo và sẽ nhận được chào giá tấp nập. Họ sẽ chọn lựa và thương lượng đè giá xuống ; giá nào rẻ thì họ mua thôi. Và nếu như tình hình xuất khẩu gạo (của Việt Nam) thấp thì túi gạo cứu trợ được quân đội phân phối sẽ càng tốt cho người dân. Người dân Việt Nam có thể thiếu mì gói nhưng không bao giờ thiếu gạo. Cho dù tình huống xấu đến mức nào đi nữa, thì trước mắt không phải lo".
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, vào ngày 25/8 cho biết giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới có thể sẽ giảm vì nguồn cung nội địa dồi dào hơn sau vụ Đông Xuân.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở trong nước cho rằng tình hình xuất khẩu gạo đang bị bế tắc và vẫn chưa có đường hướng nào để cải thiện. Bởi vì, chỉ có cách duy nhất là phải chờ Chính phủ dập được dịch Covid-19 thì mới phục hồi được các hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu.
Việt Nam, hồi năm 2020, xếp vị trí thứ nhì xuất khẩu gạo trên thế giới, với tổng sản lượng xuất khẩu 6,25 triệu tấn gạo. Và Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 6,2 triệu tấn gạo trong năm 2021, với tổng trị giá hơn 3 tỷ USD.
Dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện tại 60 tỉnh thành Việt Nam (RFA, 25/06/2019)
Bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện tại 60/63 tỉnh thành của Việt Nam với số lượng đàn heo tiêu hủy lên tới hơn 2 triệu 800 ngàn con, tính đến ngày 24/6/2018.
Dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện tại 60/63 tỉnh thành của Việt Nam - Ảnh minh họa. AFP
Truyền thông trong nước loan tin vào hôm 24/6 dẫn thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Lâm Đồng là địa phương mới nhất vừa xuất hiện dịch bệnh và chỉ còn lại 3 tỉnh chưa có báo cáo phát hiện dịch là Bến Tre, Ninh Thuận và Tây Ninh.
Ông Nguyễn Văn Long, trưởng phòng Dịch tễ Cục Thú y Việt Nam nói với báo giới rằng, 3 tỉnh thành còn lại chưa xuất hiện ổ dịch chỉ là vấn đề thời gian, vì đến nay dịch bệnh vẫn chưa có vắc xin điều trị và rất khó kiểm soát.
Ngoài ra, Ông Long còn khẳng định dịch đã xuất hiện tại một số trang trại chăn nuôi có quy mô lớn..
Về mặt hỗ trợ cho công tác tiêu hủy lợn mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi, tin cho biết Bộ Tài Chính Việt Nam vừa gửi văn bản cho các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Quảng Ninh về việc tạm cấp tổng kinh phí 1270 tỷ đồng cho những địa phương này để hỗ trợ tiêu hủy lợn mắc bệnh.
Công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi được chính phủ Việt Nam phát động mạnh trong thời gian qua. Thậm chí cơ quan chức năng còn cho biết huy động lực lượng quân đội tham gia phòng chống đợt dịch mà Bộ Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn của chính phủ Hà Nội nhận định là lớn nhất trong lịch sử ngành chăn nuôi Việt Nam.
******************
Xuất khẩu gạo Việt Nam giảm mạnh trong những tháng đầu năm 2019 (RFA, 24/06/2019)
Gạo xuất khẩu của Việt Nam trong những tháng đầu năm 2019 giảm cả về số lượng lẫn giá trị so với năm 2018, theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương.
Tại hội nghị sơ kết xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2019 diễn ra hôm 24/6 tại thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Công thương cho biết gạo xuất khẩu của Việt Nam đang gặp những bất lợi về thị trường mà nguyên nhân chính là do các thị trường nhập gạo lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Indonesia và Bangladesh đều đồng loạt giảm nhập khẩu với nhiều lý do như tồn kho hay khôi phục sản xuất...
Sự sụt giảm nhập khẩu cùng lúc của 3 thị trường này đã khiến thị trường xuất nhập khẩu gạo của 3 nước như Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam đều gặp nhiều khó khăn.
Số liệu của Bộ Công thương đưa ra cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2018 sản lượng xuất nhập khẩu gạo của Việt Nam sang 3 thị trường nói trên đạt gần 1.5 triệu tấn, nhưng đến năm 2019 chỉ còn 239.000 tấn, giá xuất khẩu gạo giảm rất mạnh chỉ còn khoảng hơn 427 USD/tấn, tức giảm gần 77 USD/tấn so với cùng kỳ.
Theo Bộ Công thương, trong những năm gần đây nhiều nước nhập khẩu gạo đã có những sự thay đổi sâu sắc về chính sách đối với mặt hàng lúa gạo như thuế hóa mặt hàng gạo, thay đổi phương thức nhập khẩu gạo, các nước nhập khẩu cũng nâng cao sản xuất trong nước để tự chủ về lương thực…
Năm nay tròn 30 năm Việt Nam trở lại thị trường gạo thế giới với tư cách là một nước xuất khẩu gạo (1989 - 2019). 30 năm trước, khi đang còn thiếu lương thực Việt Nam bắt đầu xuất khẩu gạo trở lại và đã xuất khẩu được gần 1,4 triệu tấn gạo.
Ảnh minh họa : Gạo xuất khẩu của Việt Nam - Courtesy VietNamExport
Nhân dịp này, Đài Á Châu Tự Do phỏng vấn Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn về những được mất qua 30 năm xuất khẩu gạo và những việc nên làm trong tượng lai.
Trước hết Tiến sĩ Đặng Kim Sơn có nhận định :
Đặng Kim Sơn : Đây là chặn đường vừa dài vừa ngắn, nó ngắn là vì sau hàng chục năm thiếu ăn, thường xuyên phải nhập khẩu gạo của quốc tế, thì cuối thời kỳ đổi mới Việt Nam bất ngờ bắt đầu chuyển sang xuất khẩu gạo. Và liên tục xuất khẩu gạo năm sau cao hơn năm trước trong vòng hàng chục năm.
Đây là điều bất ngờ và diễn ra nhanh chóng, tuy nhiên là từ đó đến nay, vấn đề đổi mới về thể chế, chính sách cũng không phải diễn ra một cách dễ dàng, vì thế cũng có những cái tương đối chậm. Cho đến năm 2000 thì chúng ta mới bỏ được vấn đề quota về xuất khẩu gạo, và cho đến năm ngoái chúng mới hoàn toàn đưa các doanh nghiệp tư nhân vào xuất khẩu gạo một cách tự do, bỏ bới các điều kiện của doanh nghiệp xuất khẩu gạo.
Cho nên có thể nói là quá trình 30 năm, vừa ngắn vừa dài, đưa Việt Nam từ một nền nông nghiệp đói ăn trở thành một nền nông nghiệp xuất khẩu. Gần đây lại đi một bước tiếp theo mạnh hơn, tức là từ một nền nông nghiệp chỉ có lúa gạo, bây giờ chuyển qua đa dạng hóa nông sản, xuất khẩu nhiều loại nông sản khác nhau.
Trung Khang : Dạ thưa, năm 1989, như tiến sĩ vừa nói, khi đó Việt Nam vẫn đang là nước thiếu lương thực, thì việc trở lại xuất khẩu gần 1,4 triệu tấn gạo có là thời điểm thích hợp không ạ ?
Đặng Kim Sơn : Có thể nói năm 1989 là một năm rất đặc biệt với Việt Nam, lúc đó Việt Nam đang vượt qua cơn khủng hoảng kinh tế rất trầm trọng. Nhìn lại năm tháng đó, có thể nói đây là một sự thần kỳ, chúng ta không có vốn để đầu tư vào nông nghiệp nên đầu tư vào nông nghiệp thấp hơn bình thường, khoa học công nghệ cũng không có gì đổi mới, cơ sở hạ tầng cũng không có gì đột phá. Thế thì sức lực ở đâu, tài nguyên ở đâu đổ ra để chuyển một đất nước đang nhập từ nửa triệu đến một triệu tấn lương thực mỗi năm sang thành xuất khẩu hơn một triệu tấn lương thực như thế. Thì điều kỳ diệu ấy đã xảy ra nhờ thay đổi về thể chế và chính sách nông nghiệp.
Năm đó có hai yếu tố đột phá xảy ra, thứ nhất là việc quản lý tổ chức, nắm giữ toàn bộ đất đai và cơ sở vật chất, máy móc trâu bò của các hợp tác xã được chuyển về các hộ nông dân. Người nông dân thật sự nắm giữ mảnh đất của mình, họ có thể quyết định trồng cái gì vào lúc nào, và nuôi con gì ra làm sao. Chuyện thứ hai là toàn bộ thị trường năm đó đang là do nhà nước nắm giữ, nghĩ là quy định giá cả, ai mua ai bán đều phải theo kế hoạch ; thì chuyển sang thị trường tự do, bỏ hết ngăn song cấm chợ, hoàn toàn là tự do hóa thương mại, giá cả là do thị trường quyết định.
Chính hai yếu tố đó đã tạo động lực mạnh mẽ để người dân nông thôn hang hái tổ chức sản xuất, bỏ hết công sức của mình, bỏ hết tiền bạc của mình, ngày đêm lăn lộn trên đồng ruộng, chính sự nhiệt tình đó đem lại sự đột phá trong khâu sản xuất. Bài học đó bây giờ vẫn còn nguyên giá trị, phải làm thế nào để người dân đem lại quyền lợi của chính mình, thì đấy là sức mạnh có thể tạo nên sức sản xuất to lớn.
Trung Khang : Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2012 Việt Nam xuất khẩu gạo đạt kỷ lục hơn 8 triệu tấn, nguyên nhân có phải do chính sách nông nghiệp của Việt Nam những năm trước đó đi đúng hướng không ạ ?
Phơi lúa sau thu hoạch ở Hậu Giang, Việt Nam. AFP
Đặng Kim Sơn : Những thành tựu như năm 2012 cho chúng ta biết năng lực của chúng ta rất mạnh, nhưng đấy không phải là định hướng để chúng ta đánh giá là tốt nhất hay là phải thay đổi. Trong những năm gần đây, chúng ta không coi sản lượng sản xuất hay xuất khẩu là tiêu chí trọng tâm của nền sản xuất nông nghiệp. Càng ngày chúng ta càng thấy thu nhập của nông dân quan trọng hơn, cái hiệu quả kinh tế đem lại cho đất nước quan trọng hơn.
Trung Khang : Mặc dù vẫn không thể phá vỡ kỷ lục năm 2012, nhưng đến năm 2018, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã đã đạt sản lượng cao nhất kể từ 2013, lên gần 7 triệu tấn, thành công này có phải nhờ những định hướng như Tiến sĩ vừa nói ?
Đặng Kim Sơn : Chính xác, Việt Nam hiện nay mội năm xuất khẩu từ 6 triệu tấn cho đến trung bình là 7 triệu tấn gạo là không có gì khó khăn. Điều đó giúp Việt Nam luôn đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước, và một đóng góp nữa là với vị trí xuất khẩu gạo đứng thứ hai trên thế giới đã góp phần rất lớn trong việc đảm bảo an ninh lương thực cho thế giới, Mặc khác nó cũng đảm bảo những vùng sản xuất lúa gạo có lợi thế nhất của Việt Nam tiếp tục phát triển được. Vá chúng ta tiếp tục trong tương lai đi theo hướng hạ giá thành, tăng chất lược, đẩy mạnh khâu bảo quản chế biến, để tăng thêm giá trị gia tăng. Để lúa gạo Việt Nam góp phần cùng những nông sản khác đưa nông nghiệp Việt Nam đi lên theo hướng tổng hợp hơn, hiệu quả hơn.
Trung Khang : Vừa qua tại Hội chợ Long An, thương hiệu gạo của Việt Nam được chính thức công bố, động thái này theo ông có giúp gì cho sản phẩm gạo của Việt Nam ?
Đặng Kim Sơn : Hiện nay gạo cũng như các nông sản chiến lược khác của Việt Nam mà Việt Nam có lợi thế như cà phê, hạt tiêu, hạt điều.v.v… Thì chính phủ, các doanh nghiệp, các địa phương bắt đầu nhắm đến xây dựng các chuỗi giá trị, hình thành các thương hiệu, trong đó có thương hiệu quốc gia. Đây là hướng chuyển rất quan trọng, nó cho thấy chúng ta không chỉ tập trung vào sản xuất nữa, mà lo bán được hàng, lo phát triển thị trường, đây có thể là một bước tiến rất quan trọng.
Trung Khang : Cuối cùng là những khuyến nghị gì mà tiến sĩ đưa ra cho ngành lúa gạo trong thời gian tới để có thể đạt hiệu quả cao, đủ sức cạnh tranh với các nước cùng tham gia xuất khẩu gạo, cũng như để người nông dân hưởng lợi thích đáng với công sức bỏ ra ?
Đặng Kim Sơn : Trong thời kỳ đổi mới cách đây 30 năm chúng ta đã tạo ra thành công mà ngay người Việt cũng kinh ngạc, đó là từ chỗ đói ăn thành nước xuất khẩu gạo. Sau đó chúng ta lại chuyển sang một bước đổi mới nữa là dành bớt diện tích lúa gạo, dành bớt tài nguyên, để mà chuyển sang đa dạng hóa nông nghiệp hướng về xuất khẩu, Nói như thế không phải là chúng ta không còn tiềm năng, ĐBSCL vẫn là vựa lúa quan trọng và tốt nhất so với thế giới. Việt Nam còn có thể giảm giá thành sản xuất lúa gạo, do mức nước, mức thuốc… vẫn còn thừa, có thể cắt giảm. Chất lượng lúa gạo có thể tăng thêm. Giá trị gia tăng thông qua chế biến và bảo quản có thể cải thiện rất lớn.
Như vậy, trong tương lai diện tích lúa gạo có thể giảm, biến đổi khí hậu có thể làm quy mô sản xuất giảm. Nhưng giá trị gia tăng, hiệu quả đem lại của sản xuất lúa gạo cũng sẽ tiếp tục gia tăng dài dài.
Muốn như vậy, chúng ta phải phát triển công nghệ, một lần nữa thay đồi tổ chức sản xuất, chúng ta sẽ trở lại hợp tác xã, nhưng hợp tác xã của thị trường, chứ không phải hợp tác xã kế hoạch. Đồng thời với liên kết của nông dân, các doanh nghiệp sẽ được thu hút mạnh hơn trong sản xuất lúa gạo. Chúng ta sẽ thấy xuất hiện trên vùng đất của Việt Nam các doanh nghiệp xuyên quốc gia, các đại gia lớn trong sản xuất đầu tư kinh doanh cũng bắt đầu đổ tiền vào đầu tư lúa gạo. Như vậy nền nông nghiệp Việt Nam trong tương lai sẽ là nền nông nghiệp sản xuất lớn, hàng hóa hiệu quả cao, vững bền với môi trường, và chắc chắn có giá trị gia tăng cao hướng về xuất khẩu.
Trung Khang : Xin cám ơn Tiến sĩ Đặng Kim Sơn đã dành cho Đài Á Châu Tự Do cuộc phỏng vấn ngày hôm nay.
Trung Khang
Nguồn : RFA, 08/02/2019
Giá lúa tại đồng bằng sông Cửu Long đã được đẩy lên trong nhiều tuần qua khiến giá gạo xuất khẩu cũng được đẩy lên. Những động thái đang và có thể còn tiếp tục bị "lạc nhịp" này so với tình hình chung của thị trường thế giới sẽ khiến chúng ta phải gánh chịu những hệ quả không mong muốn.
Trên quy mô toàn cầu, cán cân cung - cầu lúa gạo thế giới năm nay nghiêng hẳn về phía nhập khẩu, chứ hoàn toàn không nghiêng về phía xuất khẩu. Trong ảnh : Thu hoạch lúa ở đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh : LÊ HOÀNG VŨ
Sản lượng ta giảm nhưng sản lượng thế giới tăng rất nhiều
Tựu trung lại, những kiến giải về nguyên nhân đẩy giá lúa gạo lên nằm ở hai điểm : sản lượng lúa giảm và thị trường xuất khẩu gạo đang có nhu cầu. Thế nhưng, tương quan cung - cầu chung của thế giới lại không như vậy.
Theo thông tin của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) thì diện tích lúa của đồng bằng sông Cửu Long vụ đông xuân này sẽ giảm nhẹ 1,2%, còn năng suất sau khi đã thu hoạch được gần một nửa diện tích đã giảm 6,7% và hai yếu tố này cộng hưởng với nhau khiến sản lượng lúa ước giảm hơn 800.000 tấn (7,8%) so với vụ đông xuân trước. Hơn thế, đây là vụ thứ hai liên tiếp sản lượng của vựa lúa lớn nhất nước giảm - một hiện tượng chưa từng có ít nhất là trong hơn hai thập kỷ trở lại đây.
Mặc dù vậy, trên quy mô toàn cầu, dự báo tháng 3 này của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy, tổng sản lượng gạo của thế giới năm nay sẽ đạt kỷ lục mới với hơn 480 triệu tấn, tăng cao gấp 16 lần so với mức giảm của chúng ta.
Trong đó, điều rất đáng lưu ý là sản lượng gạo của hai đối thủ cạnh tranh lớn nhất của chúng ta là Thái Lan và Ấn Độ tăng gần 5 triệu tấn, gấp hơn 10 lần mức giảm của chúng ta.
Đặc biệt, đối thủ cạnh tranh lớn nhất của chúng ta là Thái Lan đang thật sự nỗ lực để đẩy càng sớm càng tốt 2,8 triệu tấn gạo tồn kho từ thời Chính phủ tiền nhiệm ra thị trường thế giới, bởi "tuổi thọ" ít nhất của chúng cũng đã 36 tháng, còn nhiều nhất là 66 tháng, chất lượng chắc chắn đang giảm sút rất nhanh. Việc khối lượng gạo không còn sử dụng làm lương thực được nữa tăng rất nhanh là bằng chứng rất rõ ràng.
Đồng thời, dự báo trên cho biết, tổng nhu cầu nhập khẩu gạo của thế giới năm nay chỉ nhúc nhích tăng 800.000 tấn, tức là chỉ bằng một phần mười mức tăng tổng sản lượng và cũng chưa bằng một phần ba khối lượng tồn kho quá lâu ngày của Thái Lan.
Tất cả những điều nói trên cho thấy trên quy mô toàn cầu, cán cân cung - cầu lúa gạo thế giới năm nay nghiêng hẳn về phía nhập khẩu, chứ hoàn toàn không nghiêng về phía xuất khẩu. Có nghĩa là, thị trường thế giới đang chi phối chúng ta, chứ chúng ta không thể chi phối thị trường thế giới, thậm chí cũng không thể ảnh hưởng đến thị trường thế giới.
Xu hướng giá của nước ta ngược với đối thủ cạnh tranh lớn nhất là Thái Lan
Trong điều kiện cán cân cung - cầu như vậy, việc giá lúa được đẩy lên dẫn đến giá gạo xuất khẩu cũng bị đẩy lên gần như chắc chắn đang khiến các nhà xuất khẩu gạo của chúng ta rơi vào tình thế khó giành được hợp đồng xuất khẩu.
Trước hết, theo các số liệu thống kê của Tổ chức Lương Nông Liên hiệp quốc (FAO) và thông tin của Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA), trong khi giá gạo xuất khẩu 5% tấm trong tháng 1 năm nay của Thái Lan là 377 đô la Mỹ/tấn và hiện giảm nhẹ xuống 368 đô la Mỹ/tấn thì của chúng ta lại tăng khá mạnh từ 335 đô la Mỹ/tấn lên 358 đô la Mỹ/tấn.
Có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, với phẩm chất vượt trội của gạo dài ngày và có thương hiệu đã được khẳng định từ lâu của Thái Lan so với gạo ngắn ngày mà lại "vô danh" của chúng ta, khoảng cách từ 42 đô la Mỹ/tấn bị thu hẹp xuống chỉ còn 8 đô la Mỹ/tấn như hiện nay đang ngày càng khiến các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Thái Lan thắng thế trên bàn đàm phán để giành các hợp đồng xuất khẩu cho mình.
Không chỉ có vậy, với việc Chính phủ Thái Lan vừa quyết định bán 1,35 triệu tấn gạo tồn kho với giá "bèo" (mức bình quân 276 đô la Mỹ/tấn) trong đầu tháng 3 này, nhiều khả năng xu thế giảm giá gạo xuất khẩu của nước này sẽ còn tiếp tục và giá gạo xuất khẩu gần như chắc chắn sẽ không tăng cho đến khi gần 1,5 triệu tấn gạo tồn kho cuối cùng được bán xong.
Vì vậy, có thể suy đoán rằng xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp nước ta đang và sẽ tiếp tục khó khăn ít nhất là đến khoảng đầu quí 3 tới.
Cho nên, việc chúng ta đẩy giá lúa lên do diện tích và sản lượng giảm, dẫn đến giá gạo xuất khẩu tăng là ngược lại với xu thế chung của thế giới, đặc biệt là xu hướng của đối thủ cạnh tranh lớn nhất Thái Lan, là tự ta làm khó mình trong xuất khẩu gạo.
Đây cũng là điều đã từng diễn ra trong cùng kỳ năm 2016, nhưng cán cân cung - cầu khi đó không quá nghiêng về các quốc gia nhập khẩu gạo như bây giờ, bởi tác động tiêu cực của El Nino còn đang bao trùm nhiều quốc gia Châu Á, trong đó chúng ta không phải là tâm điểm.
Xuất khẩu trong những tháng giữa năm sẽ giảm
Nếu những căn cứ nói trên là thỏa đáng, hệ quả chúng ta đương nhiên phải gánh chịu là khối lượng gạo xuất khẩu trong những tháng giữa năm nay sắp tới sẽ giảm.
Đây là kịch bản không lạ, nếu nhớ rằng sau khi chúng ta đẩy giá gạo trắng lên ngang bằng, thậm chí còn nhỉnh hơn so với của Thái Lan hồi đầu năm 2016, khối lượng gạo xuất khẩu của chúng ta những tháng sau đó đã "tụt dốc không phanh".
Các số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy, trong tổng khối lượng gạo xuất khẩu rất ít của ta (chỉ 965.000 tấn trong ba tháng 5, 6 và 7 hồi giữa năm ngoái), gạo nếp và gạo thơm chiếm tới 54,1%, còn gạo 5% tấm chỉ chiếm 24%, đặc biệt nhóm gạo từ 10-100% tấm tổng cộng chỉ đạt gần 150.000 tấn, nghĩa là bình quân mỗi tháng chúng ta chưa bán nổi 50.000 tấn.
Hệ quả tiếp theo đương nhiên sẽ là tồn kho tăng và muốn xuất khẩu được thì phải kéo giá xuống và điều này đương nhiên ảnh hưởng rất xấu tới lúa gạo vụ hè thu.
Nói tóm lại, trong điều kiện thị trường xuất khẩu gạo vẫn còn ảm đạm như hiện nay, đẩy giá lúa lên và đẩy giá gạo xuất khẩu lên tách biệt với xu thế chung của thế giới không phải là giải pháp phù hợp. Đáng tiếc kịch bản xấu trong năm ngoái đang có nguy cơ lặp lại !
Nguyễn Đình Bích
Nguồn : TBKTSG, 31/03/2017