Việt Nam xuất khẩu gạo với giá cao nhất từ 15 năm nay
Thu Hằng, RFI, 15/08/2023
Khoảng 500.000 tấn gạo Việt Nam sẽ được bán với giá cao hơn trong tháng 8 sau khi các nhà xuất khẩu Việt Nam thương lượng lại thành công. Thông tin được hai nguồn tin xác nhận với Reuters ngày 16/08/2023 trong bối cảnh giá gạo thế giới đạt đỉnh điểm từ 15 năm qua.
Thu hoạch lúa trên một cánh đồng ở Cần Thơ, ngày 28/02/2023. AFP – Nhac nguyen
Một nhân viên của một công ty giao dịch quốc tế cho Reuters biết "bên mua đã chấp nhận trả giá cao hơn đối với một số lô gạo được chuyển cho họ trong tháng 8". Cụ thể, khoảng 200.000 tấn gạo sẽ được giao trong tháng Tám, 300.000 tấn còn lại sẽ được chuyển đến các cảng của Việt Nam.
Các nước nhập khẩu, trong đó có Indonesia và Philippines, đã trả thêm từ 30 đến 80 đô la/tấn gạo thơm Việt Nam so với giá 550 đô la/tấn trước khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo trắng của nước này từ tháng 07. Như vậy, bên bán thu thêm được từ 15 đến 40 triệu đô la so với giá thỏa thuận trước các lệnh hạn chế của New Delhi.
Phát biểu trước Quốc Hội Việt Nam ngày 15/08, bộ trưởng Nông Nghiệp thẩm định Việt Nam có thể xuất khẩu từ 7-8 triệu tấn gạo trong năm 2023 sau khi đã bảo đảm được an ninh lương thực trong nước.
Giá gạo tăng ở mức kỷ lục từ 15 năm qua
Nhìn chung, giá gạo Châu Á đã tăng khoảng 20% từ tháng 07 năm nay. Gạo thơm Thái Lan cũng đã tăng thành 648 đô la/tấn vào đầu tháng 8. Đây là mức cao kỷ lục kể từ tháng 10/2008. Nhật báo kinh tế Pháp Les Echos phân tích hai lý do chính.
Thứ nhất là thiên tai do hiện tượng El Niño trở lại. Thái Lan phải đối mặt với nguy cơ hạn hán gia tăng. Trước tình trạng thiếu nước - đến 40% ở một số vùng nông nghiệp - chính quyền yêu cầu nông dân canh tác các giống cây cần ít nước hơn. Còn tại Trung Quốc, mưa lũ, nắng nóng, sâu bọ ở miền bắc đã khiến mùa màng thất thu, buộc chính quyền Bắc Kinh phải nhập khẩu gạo.
Thứ hai là do Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo trắng, trừ gạo basmati. Quyết đinh được đưa ra vào tháng 07 nhằm bình ổn giá thị trường trong nước trong bối cảnh Ấn Độ chuẩn bị tổ chức tổng tuyển cử. Ấn Độ là nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm 40% thị trường.
Thu Hằng
Nguồn : RFI, 16/08/2023
************************
Việt Nam chi hàng tỷ USD để nhập muối, nhập than
RFA, 15/08/2023
Việt Nam mỗi năm phải nhập khẩu khoảng 600.000 tấn muối với trị giá hàng tỷ USD ; trong khi nước này có bờ biển dài mấy ngàn kilomet.
Hình chụp hôm 22/4/2019 : công nhân thu hoạch muối từ cánh đồng muối ở Hòn Khói, Khánh Hòa. AFP
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí ngày 15/8 nêu chất vấn đối với Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển- Nông thôn vì cho rằng đó là một nghịch lý. Vị đại biểu này yêu cầu có những giải pháp để Việt Nam có đủ muối dùng, không còn nhập khẩu và diêm dân có thể sống bằng nghề của họ.
Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, Lê Minh Hoan, thừa nhận nghề muối truyền thống ở Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, diện tích ruộng muối thu hẹp, đời sống diêm dân khó khăn.
Ông Lê Minh Hoan cho biết hiện cả nước có hai vùng sản xuất muối lớn : vùng duyên hải miền Trung và khu vực tỉnh Thái Bình. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn có thể sẽ triển khai một số dự án thí điểm, phát triển ngành muối tại đó. Ông cũng kêu gọi doanh giới tham gia vào ngành sản xuất muối
Ngoài nghịch lý muối, Việt Nam còn đối mặt với hai nghịch lý khác là nước sản xuất lúa gạo mà vẫn nhập gạo từ Ấn Độ, Campuchia ; sản xuất than mà phải nhập than.
Truyền thông Nhà nước loan tin ngày 15/8 dẫn thống kê của Tổng Cục Hải quan cho thấy trong tháng 7/2023, Việt Nam phải nhập gần 30 triệu tấn than tăng hơn 10 triệu tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch nhập khẩu than hơn 4,3 tỷ USD.