Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

08/08/2023

Hơn 19.000 giáo viên nghỉ việc, nghỉ hưu và thăng hạng chức danh

RFA tiếng Việt

Thực tế giáo viên phải bỏ nghề, và có người khá giả nhờ dạy thêm !

RFA, 08/08/2023

Theo số liệu của Bộ Giáo dục và đào tạo, trong số 19.300 giáo viên rời khỏi ngành trong năm học vừa qua, thì có tới 9.295 giáo viên nghỉ việc, còn lại 10.094 thầy cô nghỉ hưu theo chế độ.

giaovien0

Ảnh minh họa : Một lớp học ở vùng sâu vùng xa Bắc Giang - Reuters

Giáo viên nghỉ việc thuộc cấp nào ? Liệu giáo viên nào có thể sống với nghề ở Việt Nam ? Ông Đinh Kim Phúc, nguyên giảng viên trường Đại học Cần Thơ, nguyên giảng viên trường Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh nhận định với RFA hôm 8/8 :

"Thông tin 9.000 giáo viên bỏ việc tôi cho là bình thường, chủ yếu tập trung ở giáo viên phổ thông, chứ khối đại học hiện nay giáo viên sống rất ổn. Nhìn giáo viên phổ thông chúng ta thấy rằng, đồng lương kể cả phụ cấp, rồi các chế độ của trường, của sở giáo dục dành cho giáo viên tuy nhiều, nhưng không giải quyết được cuộc sống để cho giáo viên toàn tâm toàn lực đầu tư vào sự việc dạy học của mình. Hiện nay nói về mặt phổ thông thì những giáo viên có dạy bộ môn thi đại học như toán, lý, hóa, văn… thì còn có cơ hội để dạy thêm, luyện thi đại học, tiết dạy nhiều hơn. Còn đối với những giáo viên thuộc khối khoa học xã hội như sử, địa, giáo dục công dân… thì họ không có cơ hội để làm giàu".

Theo ông Đinh Kim Phúc, hiện nay mức thu nhập của giáo viên phổ thông đã nâng lên rất nhiều so với thời gian trước, nhưng vẫn không đủ để trang trải cho cuộc sống :

"Một người đi dạy chúng ta đặt ra vấn đề là phải nuôi được cả gia đình. Ngược lại gia đình của người giáo viên đó ở nhà phải phụ hết tất cả việc nhà thì người giáo viên tối về mới rảnh tay đầu tư giáo án, đầu tư tham khảo tài liệu để nâng cao chất lượng bài học. Đằng này nếu như dạy xong phải làm thêm để tăng thêm thu nhập cho gia đình, thì rõ ràng chất lượng không thể nào đảm bảo. Ai cũng nói rằng mong giáo viên sống được bằng lương như ông Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân nói từ năm 2010, đến nay đã 13 năm không ai sống được bằng lương".

Do đó ông Đinh Kim Phúc cho rằng, đây là một vấn nạn cho việc cào bằng chỉ số lương của ngành giáo dục, cũng như ngành y tế so với những ngành nghề khác.

Trước đó, cũng theo Bộ Giáo dục và đào tạo, vào năm học 2021-2022, cũng đã có 16.265 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc ra khỏi ngành, trong đó có 10.407 người là giáo viên công lập và số giáo viên ngoài công lập nghỉ việc là 5.858 người. Lý do chính theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo - Nguyễn Kim Sơn, có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng này, nhưng chủ yếu là do lương thấp.

Một giáo viên tiểu học ở Sài Gòn không muốn nên tên vì lý do an toàn, cho RFA biết thực tế khó khăn của giáo viên :

"Giáo viên nghỉ việc thứ nhất là vấn đề tiền lương, vì lương giáo viên rất thấp, bên cạnh đó không được đãi ngộ và làm việc rất nhiều áp lực từ nhiều phía. Ví dụ như áp lực với đồng nghiệp, áp lực với phụ huynh, áp lực với học trò, áp lực từ ban giám hiệu và áp lực kể cả với dư luận xã hội…".

giaovien2

Ảnh minh họa : Một lớp học ở Hà Giang. Reuters.

Nhà Nghiên cứu Đinh Kim Phúc nhận định thêm về những bất cập khiến ngày càng nhiều giáo viên bỏ việc :

"Phong trào thi đua trong giáo dục đã triệt tiêu mọi khả năng sáng tạo của giáo viên. Rồi những loại sổ sách không ăn nhập đến quá trình dạy học của giáo viên nhưng vẫn phải duy trì, xã hội đã phê phán rất nhiều nhưng bộ giáo dục vẫn không sửa chữa. Người ta vẫn muốn có một thành tích nào đó. Nên trả lại việc giảng dạy, đào tạo thế hệ trẻ cho người giáo viên đứng lớp, đó không phải là việc của những người ngồi trong phòng lạnh thích lập thành tích để nâng chức, nâng lương… mà buộc giáo viên phải làm những chuyện không hề có tác dụng gì đối với quá trình dạy học".

Vào tháng 3/2023, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, hợp thức hóa việc dạy thêm, học thêm. Cụ thể sẽ đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, sau đó sẽ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm cho phù hợp thực tế. Dư luận cho rằng, liệu có phải hợp thức hóa dạy thêm do không thể tăng lương cho giáo viên ?

Giáo sư Mạc Văn Trang khi nói với RFA về vấn đề này vào 3/2023 cho rằng :

"Đi học thêm là phải tự nguyện và tổ chức ở ngoài nhà trường mà xã hội nào cũng có. Tức là nhà trường đã dạy rồi thì không phải học thêm nữa. Muốn học thêm thì ra các trung tâm ngoài xã hội, ngoài cộng đồng học các lớp dạy tiếng Anh, dạy võ, dạy toán lý hóa hay khoa học kỹ thuật, sáng tạo gì đó. Ai thích thì đi, học theo yêu thích, học theo năng khiếu, học theo sở trường thì học sinh mới say mê. Đằng này, hợp thức hóa dạy thêm thì dễ sinh tiêu cực, cả lớp phải đi học thêm thì nó rất vô lý, rất phản khoa học, phản giáo dục".

Theo Giáo sư Mạc Văn Trang, nếu giáo viên sống được nhờ lương thì đâu có ai muốn đi dạy thêm làm gì ? Ông Trang cho rằng, giáo viên ép học sinh học thêm để mình kiếm tiền sẽ rất xấu hổ với học sinh, xấu hổ với cha mẹ học sinh, xấu hổ với xã hội. Nhưng theo ông Trang, đáng buồn là những cái xấu hổ đó dần dần trở thành thói quen và trơ lỳ.

Nguồn : RFA, 08/08/2023

************************

Có nên buộc giáo viên thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp ?

RFA, 07/08/2023

Hàng loạt giáo viên ở Hà Nội vừa kiến nghị nên xét duyệt thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho các giáo viên đủ tiêu chuẩn thay vì buộc họ thi tuyển.

chucdanh1

Một lớp học thuộc trường Marie Curie ở Hà Nội. AFP Photo

Trong nội dung đơn kiến nghị của gần 2.500 giáo viên các cấp ở Hà Nội gởi đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố Hà Nội, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cùng Sở Nội vụ…, được truyền thông loan hôm cuối tuần qua, nêu rõ họ hoàn toàn phản đối việc thi tuyển thăng hạng chức danh nghề nghiệp và cho đó là việc làm không hợp lý.

Thăng hạng để tăng lương

Nhận định về phản ứng trên, thầy giáo Đỗ Việt Khoa, giáo viên trường Trung học Phổ thông Thường Tín - Hà Nội, nói với RFA hôm 7/8 :

"Tôi có chia sẻ cho tập thể giáo viên trường tôi về vấn đề bỏ ‘thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp’ mà chỉ xét thôi. Thực tế trong quy định của Bộ Giáo dục không có chỗ nào bắt buộc phải thi tuyển và Bộ cũng có văn bản chỉ đạo trước đây về xét tuyển. Nhiều giáo viên cũng cho rằng việc thi không hiệu quả vì toàn thi những môn không liên quan đến chuyên môn, làm lãng phí thời gian công sức của giáo viên. Ý kiến của nhiều người đồng tình là nên xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp".

Vẫn theo thầy Khoa, trên thực tế, hầu hết các suất thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp đều "bị" các lãnh đạo giành hết vì một khi thăng hạng, họ được tăng lương. Thầy Khoa dẫn ví dụ :

"Ví dụ như giáo viên bậc 3 là hạng thấp nhất của cấp Trung học phổ thông có hệ số lương cao nhất là 4,98, không thể tăng được nữa. Ví dụ như tôi gần 60 tuổi, chỉ dừng ở mức 4,98. Nhưng lên bậc 2 thì có thể lên tới gần 7,0 và nếu lên bậc 1 là mức lương tương đương chuyên gia. Cái lợi lớn nhất của thăng hạng chức danh nghề nghiệp là tăng lương, chứ còn thật ra không phục vụ gì cho việc dạy học, ai giỏi, ai dốt nó vẫn thế, chất lượng dạy học của người ta không tăng lên tí nào nếu người ta thi nâng hạng".

Vào tháng 5/2023, Bộ Nội vụ đưa ra đề xuất viên chức đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện của hạng cao hơn liền kề sẽ được xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp mà không phải thi thăng hạng.

Tuy nhiên vào ngày 18/7, Sở Nội vụ Hà Nội đã ban hành hướng dẫn cho biết, để được xét thăng hạng II, giáo viên tiểu học, Trung học cơ sở phải có thời gian giữ hạng III từ chín năm trở lên. Với chuẩn này, giáo viên mầm non phải có bằng cao đẳng, giáo viên tiểu học và Trung học cơ sở phải có bằng đại học, thay vì bằng trung cấp và cao đẳng như trước. Yêu cầu này cũng bị nhiều giáo viên cho là không hợp lý, bất công.

Một giáo viên tại một trường ở Hà Nội không muốn nêu tên vì lý do an toàn, cho rằng :

"Theo đợt xếp hạng mới này thì chúng tôi phải cần 5 năm nữa thì mới đủ điều kiện để xét thăng hạng. Như vậy là quá thiệt thòi cho chúng tôi, vì cũng đã công tác công hiến trong thời gian lâu rồi…"

Dù Bộ Nội vụ đã ban hành hướng dẫn như vừa nêu, nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo hôm 4/8 lại khẳng định với báo chí Nhà nước rằng giáo viên không cần giữ bằng đại học đủ chín năm mới được xét thăng hạng, tăng lương như hướng dẫn của một số địa phương.( ! ?)

chucdanh2

Giáo viên trường Chu Văn An tại Hà Nội tham gia khóa đào tạo học tập trực tuyến trong đợt dịch coronavirus. Reuters.

Lại câu chuyện "buộc học" để "giữ lương"

Không chỉ thăng hạng, giáo viên các cấp muốn đứng lớp sẽ phải có chứng chỉ đạt tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Đó là quy định trong một loạt Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có hiệu lực từ ngày 20/3/2021. Cụ thể, giáo viên có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp sẽ được bổ nhiệm vào hạng tương ứng và được tăng lương theo quy định.

Quy định đó đã "buộc" hàng loạt giáo viên khắp cả nước đổ xô học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Vì nếu không có chứng chỉ thì họ sẽ bị tụt hạng, giảm lương...

Một cô giáo dạy bậc Tiểu học không muốn nêu tên vì lý do an ninh, từng trả lời RFA từ Sài Gòn, liên quan vấn đề này :

"Việc thi chứng chỉ nghề giáo viên đã có từ thời gian trước, có từ khi ra thông tư một, hai, ba, bốn... thì tất cả giáo viên đùng đùng kéo nhau đi học chứng chỉ, tụi chị cũng có học. Tức là giáo viên có bằng sư phạm, làm việc lâu năm, là giáo viên tiểu học hạng hai, thì họ phải đi học chứng chỉ nghề đó mới giữ được hạng hai của mình. Còn nếu không đi học, thì sẽ bị xét cho lùi xuống hạng ba, do đó giáo viên nào cũng phải đi học".

Theo Thông tư Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành từ tháng 2 năm 2021, đối với cấp Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông có ba hạng chức danh nghề nghiệp gồm hạng III, hạng II và hạng I. Còn đối với cấp Tiểu học thì có bốn cấp. Dù là giáo viên mới ra trường với hạng thấp nhất là hạng III thì vẫn phải thi chứng chỉ mới được đứng lớp. Giáo viên lâu năm đang giữ hạng cao nếu không có chứng chỉ sẽ bị xuống hạng.

Trong khi theo thông tư cũ ban hành năm 2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chỉ có giáo viên muốn thăng hạng mới phải đi học và thi chứng chỉ tương ứng thứ hạng mình muốn tăng lên. Cô giáo Tiểu học ở Sài Gòn cho biết thêm :

"Tôi thấy có nhiều bất công trong việc tiếp cận, xếp ngạch giáo viên... Ví dụ như giáo viên mới ra trường, họ cũng học sư phạm, nhưng theo thông tư này họ sẽ không được xếp là giáo viên tiểu học hạng 2, mà bị xếp vào giáo viên tiểu học hạng 4, thì mức lương của họ thấp hơn dù ngành đào tạo của họ cũng là đại học giống như tụi tôi, bất công vậy đó. Chẳng hạn năm họ ra trường thì có thông tư chỉ chấp nhận giáo viên hạng 2 trở lên thì bất công cho họ. Còn như tụi tôi, giáo viên lâu năm mà bắt đi học chứng chỉ thì cũng bất cập trong việc xếp hạng như vậy".

Nhiều ý kiến của giáo viên cũng như những người quan tâm đến ngành giáo dục Việt Nam cho rằng nên bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp vì nó không thật sự cần thiết. Ngoài ra còn lấy mất thời gian và tiền bạc của giáo viên trong khi mức lương của họ không được cao như những ngành, nghề khác.

Đó là chưa kể, theo phân tích của một số chuyên gia, quy định về chứng chỉ hay còn gọi là ‘giấy phép con’ có thể sẽ tạo ra những hành vi tiêu cực, tạo cơ hội cho những ‘cò chứng chỉ’ mở rộng họat động của mình.

Nguồn : RFA, 07/08/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 326 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)