Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

14/08/2023

Sụt lún Đồng bằng sông Cửu Long : Chính phủ nói và làm !

RFA tiếng Việt

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và 13 tỉnh miền Tây về tình trạng sụt lún, sạt lở, ngập ở Đồng bằng sông Cửu Long vào ngày 12/8/2023 đã cảnh báo nguy cơ Đồng bằng sông Cửu Long chìm dần với tốc độ sụt lún đất cao gấp 3-4 lần, có nơi gấp tới 10 lần so với mực nước biển dâng.

sutlun1

Ảnh minh họa chụp tại tỉnh An Giang trước đây. AFP PHOTO

Cụ thể, ông Phạm Minh Chính dẫn chứng 50 năm qua diện tích rừng ngập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đã giảm khoảng 80%. Riêng giai đoạn 2011-2016 mỗi năm, mất 300-500 ha, hàng nghìn hộ dân ven biển, ven sông, kênh rạch bị ảnh hưởng…

Tổ chức Future Direct International của Úc vào ngày 18/7/2019 đã công bố phân tích cho thấy, sụt lún đất tại Đồng Bằng Sông Cửu Long đang đe dọa vựa lương thực của Việt Nam.

Trước đó, nhiều nhà khoa học cũng đã cảnh báo Đồng bằng sông Cửu Long đang sụt lún một cm mỗi năm, trong khi mực nước biển dâng là 3-5mm/năm. Trong đó, có một số địa phương tốc độ sụt lún trung bình lên tới 5,7cm/năm.

Chính phủ có quan tâm đúng mức vấn đề này khi các nhà khoa học cảnh báo nhiều năm trước ? Trao đổi với RFA hôm 14/8/2023, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện biến đổi khí hậu Đại học Cần Thơ, nhận định :

"Cái này nhiều nhà khoa học cũng đã cảnh báo, tình trạng sụt lún, sạt lở… có cả một dự án nghiên cứu về tình trạng này và các bài báo cảnh báo cũng khá nhiều… Nhưng tới bây giờ chưa có giải pháp chống đỡ gì cả, những cái thực hiện chỉ mang tính tạm thời, không có tính lâu dài. Càng ngày chúng ta thấy tình trạng càng nặng thêm, bây giờ Chính phủ mới quyết định phải đầu tư thêm các công trình chống sạt lở, nhưng tôi chưa thấy khả năng chống lún được, chỉ có thể giảm thiểu tác động ở những vùng xung yếu thôi".

Theo Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, ngân sách chỉ là một phần, cái khó nhất là bây giờ dòng chảy càng ngày càng thiếu phù sa, chắc chắn là sẽ tiếp tục xảy ra. Còn tiền để đổ vào những công trình chống sạt lở thì theo Tiến sĩ Lê Anh Tuấn chỉ mang tính nhất thời, không lâu dài. Ông nói tiếp :

"Chính sách thì cũng đã có, rồi hỗ trợ hoặc quy hoạch các vùng nguy cơ sạt lở, di dời người dân hoặc có cách hạn chế khai thác nước ngầm ở Đồng bằng sông Cửu Long, tạo thêm những hồ chứa để trữ nước để giảm bớt khó khăn trong mùa khô, nhất là vùng ven biển… Thật ra cũng có chính sách, cũng có cảnh báo, nhưng những giải pháp đó chưa phải là giải pháp lâu dài".

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long khi trao đổi với RFA về thực trạng sụt lún tại Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng, có hai nguyên nhân chính, một là do nén tự nhiên. Ông giải thích, vì đồng bằng nào cũng nén do phù sa. Còn nguyên nhân thứ hai, ông đưa ra là do sử dụng nước ngầm quá mức. Trong đó, nguyên nhân thứ hai, theo ông Nguyễn Hữu Thiện, là rất nguy hiểm.

Theo thông tin từ dự án ‘Quản trị sụt lún đất và quản lý nước ngầm tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long’ của Bộ Tài nguyên – Môi trường, tốc độ sụt lún ở Đồng bằng sông Cửu Long cao hơn mực nước biển dâng tuyệt đối. Điều này cho thấy tốc độ mực nước biển tương đối chủ yếu là do sụt lún đất. Nếu không khắc phục, phần lớn diện tích của đồng bằng có thể sẽ nằm dưới mực nước biển trung bình vào cuối thế kỷ 21.

Do sụt lún, tình trạng sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng nhiều hơn, Giáo sư Võ Tòng Xuân, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang, khi trả lời RFA hôm 14/8, nhận định :

"Bà con đang bị như thế thì chính quyền các địa phương cũng đang làm bờ kè ở những chỗ nào làm được, nhưng có nhiều chỗ không làm được. Hồi trước khi chúng tôi hợp tác với Hà Lan cũng có một số chuyên gia Hà Lan về lấn biển đi khảo sát dọc theo bờ sông thì họ nói ở đây khó có thể làm bờ kè như bên Hà Lan được vì nó sâu quá".

Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, sụt lún là do người dân khoan giếng, Nhà nước không có chủ trương khoan những giếng sâu. Nếu khai thác vỉ địa tầng ở dưới quá nhiều theo ông Xuân sẽ làm cho đất sụt xuống. Ông Xuân cho biết thêm :

"Ví dụ như dự án hợp tác với Hà Lan đưa đưa nuôi tôm vào ruộng lúa, họ biết nuôi tôm cần nước mưa, mà mùa nắng nước mặn quá thì tôm chịu không nổi, cho nên phải pha nước ngọt. Mà nước lấy từ sông Cửu Long về quá xa, nên người ta phải khoan giếng thậm chí tới 400m. Vấn đề này các chương trình nước ngoài rất kỹ, không ủng hộ, nhưng ở trong nước mình người dân họ cứ làm. Bây giờ kêu gọi những công ty, tổ chức phải có đánh giá môi trường… nhưng họ đánh giá rồi họ cũng lẳng lặng bơm nước để có thể hoạt động được trong mùa khô. Đây là hiểm họa rất lớn".

sutlun2

Bản đồ minh họa : Miền nam Việt Nam có thể bị ngập trong nước biển vào năm 2050. Courtesy Climate Central.

Theo Tổ chức Future Direct International của Úc, trong 20 năm qua, khai thác nước ngầm tại Đồng bằng sông Cửu Long đã tăng gấp bốn lần. Tốc độ khai thác đó đã khiến mực nước ngầm giảm tới 20 mét ở một số nơi, dẫn đến việc đất bị chìm đến 18 cm.

Giải pháp cấp bách hiện nay là gì và Chính phủ Việt Nam nên vào cuộc ra sao để đối phó với tình trạng khai thác nước ngầm tràn lan ? Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện khi trả lời RFA liên quan vấn đề này, nêu ý kiến :

"Chính phủ có ra nghị định 167 phân làm năm vùng hạn chế khai thác nước ngầm, giao cho từng tỉnh để thực hiện. Nhưng khi triển khai ở từng tỉnh thì có lắm vấn đề, tôi thấy 167 là nỗ lực ban đầu tốt, nhưng chắc cần phải sửa đổi. Vì thứ nhất là dữ liệu không có để cho các tỉnh nghiên cứu chi tiết sụt lún liên quan nước ngầm tại địa phương, chỉ có cấp đồng bằng, không đủ để lên bản đồ. Chuyện thứ hai là giá nước ngầm rất rẻ so với giá nước mặt, vì giá nước mặt quá ô nhiễm... nhiều phân bón thuốc trừ sâu nên xử lý rất tốn kém. Nên xài nước ngầm tiện lợi hơn, nhưng có hai mặt, nếu địa phương nào siết không cho sử dụng nước ngầm thì nhà đầu tư sẽ bỏ đi".

Ngoài ra, theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, do nền nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long quá thâm canh, nên sử dụng nước ngầm quá nhiều. Một khó khăn nữa của nghị định 167 theo ông Thiện là các tầng nước ngầm sâu liên tỉnh chứ không ở riêng một tỉnh, nên phân theo từng tỉnh để hạn chế thì chưa thực sự hiệu quả. Do đó cần phải có quy hoạch tổng thể cho nước ngầm. Ông Thiện cho biết thêm những hạn chế của nghị định 167 :

"Chính phủ lập bản đồ nước ngầm theo chiều ngang, mà có tới bảy tầng nước ngầm nhưng không phân vùng theo chiều đứng. Như vậy sẽ có tầng nước ngầm vẫn bị lạm dụng như thường, thiếu liên kết vùng, thiếu điều phối vùng, thiếu cơ chế chế tài để xử phạt nếu vi phạm nghị định 167. Bộ thì giao xuống tỉnh công việc để làm theo 167, nhưng không cấp kinh phí, tỉnh thì thiếu năng lực, thiếu kinh phí nên rất khó khăn khi thực hiện 167".

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện cho rằng, việc sử dụng nước ngầm như vậy nếu không có cách hạn chế thì "con tàu" Đồng bằng sông Cửu Long sẽ chìm nhanh hơn mực nước biển dâng. Điều này rất nguy hiểm, đe dọa sự tồn tại của đồng bằng. Chính phủ cần cải thiện Nghị định 167, cải cách nông nghiệp, quay lại sử dụng nước sông ngòi như cách đây mấy chục năm.

Nguồn : RFA, 14/08/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 198 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)