Lại chuyện ‘hạ cánh an toàn’ đối với quan chức, cán bộ sai phạm
RFA, 26/06/2023
Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam – Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị sơ kết một năm hoạt động của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực hôm 19/6/2023 cho biết, số cán bộ vi phạm bị phát hiện, xử lý nhiều hơn, không còn tình trạng ‘hạ cánh an toàn’ như trước.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Hà Nội vào ngày 20/10/2022 / AFP Photo - Ảnh minh họa
Cựu Trung tá quân đội Vũ Minh Trí, trước khi về hưu công tác tại Tổng cục II, hôm 26/6 nhận định :
"Ông Trọng nói như vậy là đã thừa nhận quá khứ có rất nhiều cán bộ mắc sai phạm nhưng đã được ‘hạ cánh an toàn’, nếu ví dụ thì nhiều lắm… Như bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên Huế - Hồ Xuân Mãn làm hồ sơ giả, ép thường vụ tỉnh ủy và các cấp để được phong danh hiệu anh hùng, dù đã bị tước danh hiệu nhưng là sai phạm không bị xử lý. Còn những cán bộ khác như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, bị kết án tử hình oan và đã truy tố Chánh án Phạm Tuấn Khiêm, nhưng sau đó ít lâu lại lấy lý do sức khỏe nên không bị truy tố nữa".
Tóm lại, theo cựu Trung tá quân đội Vũ Minh Trí, những trường hợp trong quá khứ như ông vừa nêu vẫn ‘hạ cánh an toàn’, vẫn thoát tội… Ông Trí cho rằng tình trạng cán bộ có nhiều sai phạm, gây thiệt hại lợi ích của nhà nước… nhưng không bị xử lý hiện vẫn rất phổ biến. Ông Trí nêu dẫn chứng :
"Mới đây nhất là Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, hai Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức đam rõ ràng ai cũng thấy có những sai phạm rất lớn trong lĩnh vực mình phụ trách, gây thiệt hại nhiều cho ngân sách nhà nước, rất nhiều cán bộ dưới quyền đã bị bắt đi tù, gây thiệt hại cho xã hội về tiền bạc rất lớn… Thế nhưng cả ba người đấy đều được nghỉ một cách gọi là ‘an toàn’… với lý do ‘nguyện vọng cá nhân’, một lý do từ xưa đến nay chưa hề có. Ví dụ như ông Trọng khi làm tiếp Tổng bí thư nhiệm kỳ thứ ba không đúng điều lệ đảng, đã nói nguyện vọng cá nhân là được nghỉ, nhưng vì đại hội đề nghị nên tôi làm… Đấy, nguyện vọng cá nhân có được tôn trọng đâu ?"
Vì vậy, ông Trí cho rằng, các vị lãnh đạo Việt Nam vẫn còn nợ nhân dân một câu trả lời cho rõ ràng rằng : "Những nhân vật đó sai phạm đến mức độ nào ?" Ông Trí cho biết thêm :
"Tôi tin chắc rằng, nếu mà công khai tất cả những sai phạm đấy ra, thì không có chuyện nghỉ theo nguyện vọng cá nhân, mà chắc chắn là tù ‘mọt gông’. Cho nên ông Trọng nói như vậy chẳng qua là để cho dư luận đỡ bức xúc thôi. Nhưng rồi tới đây có thể có nhiều cán bộ bị kỷ luật, bị xử lý, bị bắt bỏ tù… nhưng tôi nghĩ số vi phạm được ‘hạ cánh an toàn’ vẫn nhiều hơn số bị bắt bỏ tù, thậm chí nhiều hơn nhiều lần".
Còn nhà báo Nguyễn Vũ Bình khi trả lời RFA về việc này, cho rằng :
"Họ thấy số cán bộ ở Việt Nam bị xử lý nhiều quá có thể làm ảnh hưởng đến uy tín của đảng. Thay vì phải điều tra những vụ việc liên quan như vậy thì người ta sẽ loại đi bằng cách kêu gọi từ chức. Mình có thể hiểu là từ chức trước thì sẽ không bị điều tra những vụ việc họ gây ra nữa".
Tuy nhiên, nhà báo Nguyễn Vũ Bình cho rằng, nếu vụ án bị khởi tố và cán bộ đã từ chức có liên quan… thì chuyện từ chức sớm không có nghĩa sẽ ‘hạ cánh an toàn’.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khi tiếp xúc cử tri các quận Thanh Khê, Hải Châu, Sơn Trà thuộc thành phố Đà Nẵng hôm 27/4/2023 cũng đã cho rằng : "Nhà nước xử lý cán bộ tham nhũng cả khi đương chức, về hưu cũng không có chuyện hạ cánh an toàn".
"Kiên quyết, kiên trì và xử lý nghiêm cán bộ tham nhũng, tiêu cực, với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai".- Ông Võ Văn Thưởng nói thêm.
Luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài từ Đức quốc trả lời RFA khi đó, nói :
"Trong những năm vừa qua có rất nhiều những nhân vật mà dư luận xã hội và người dân cho rằng cộm cán trong vấn đề tham nhũng. Ví dụ như ông Lê Thanh Hải và cựu Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và ông Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân, liên quan rất nhiều những vụ án như Tân Hiệp Phát, Vạn Thịnh Phát nhưng trong suốt những năm qua, người dân chờ đợi hai người này bị xử lý, nhưng đến giây phút này họ vẫn hạ cánh an toàn".
Theo luật sư Nguyễn Văn Đài, ngay cả ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, từng nói là không có vùng cấm… Nhưng thực tế đã có rất nhiều những vùng cấm mà ông ta chưa dám đụng đến :
"Một nhân vật mà ai cũng biết là Tô Lâm, vi phạm rất nhiều từ vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thành, vụ ăn bò dát vàng, rồi vụ ổng ký hai công văn cho phép MobiFone mua AVG, rồi những vụ liên quan đến hộ chiếu, rồi việc tranh chấp quyền lực với Bộ Giao thông Vận tải… Rất nhiều vụ nhưng ông Lâm vẫn là cánh tay phải của ông Nguyễn Phú Trọng".
Theo luật sư Đài, việc những nhà lãnh đạo cấp cao của chính quyền cộng sản Việt Nam như Nguyễn Phú Trọng hay Võ Văn Thưởng, cho dù tuyên bố là không có vùng cấm, hay có hay không có quan chức nào được ‘hạ cánh an toàn’ kể cả về hưu thì đấy cũng chỉ là những tuyên bố để mị dân.
Nguồn : RFA, 26/06/2023
************************
"Gió đổi chiều" : chọn xuất khẩu lao động thay vì vào đại học
RFA, 26/06/2023
Hơn một triệu thí sinh bước vào kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông từ ngày 27 - 29/6. Trong số này, không ít thí sinh đã chọn sẵn cho bản thân con đường xuất khẩu lao động, mưu sinh nơi đất khách, thay vì bước vào giảng đường đại học.
Liệu có phải xu thế vào đại học bằng mọi giá đang đổi chiều ?
Thử làm con tính : Học phí trung bình mà sinh viên phải đóng khi ghi danh vào Đại học Việt Nam là 15.000.000 VND/năm – Lương trung bình của một lao động xuất khẩu trình độ tú tài sang Nhật là 30.000.000 VND/tháng
Học sinh không muốn vào đại học
Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam cho thấy số thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào đại học của năm 2022 giảm mạnh. Trong số hơn 900.000 thí sinh dự thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, chỉ có hơn 620.000 em có nộp nguyện vọng vào đại học, giảm 20% so với năm 2021.
Với kỳ thi năm 2023, một số trường đại học ghi nhận con số học sinh đăng ký xét tuyển vào đại học sớm bằng học bạ giảm kỷ lục, có nơi chỉ bằng 35 - 50% so với năm ngoái.
Một học sinh lớp 12 tên Tâm, hiện đang ở Hà Tĩnh nói với RFA rằng em không có ý định vào đại học vì hoàn cảnh gia đình :
"Em không đi học trường gì cả. Tại vì em mắc công việc gia đình và cũng không muốn. Em cũng chưa biết nên đi làm gì".
Xu hướng xuất khẩu lao động
Chi phí cơ bản cho bốn năm đại học của một sinh viên, bao gồm học phí, tiền thuê nhà trọ, đi lại cũng với các khoản tiền lặt vặt khác, tính ra mỗi tháng cũng tầm sáu triệu đồng. Trong khi đó sau khi tốt nghiệp, mức lương của tân sinh viên mới ra trường vào năm 2022 chỉ đạt tầm hơn 10 triệu đồng/tháng, và không có gì đảm bảo cho một công việc ổn định.
Trái lại, nếu theo con đường xuất khẩu lao động, mức lương mỗi tháng có thể đạt từ 30 đến 50 triệu đồng.
Với phép so sánh đơn giản như vậy, hiện nay, ở Việt Nam bắt đầu xuất hiện trào lưu học sinh vừa tốt nghiệp cấp ba là ngay lập tức làm hồ sơ đi lao động ở nước ngoài, như Nhật, Hàn hay Đài Loan…
Hà Nội, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh… thuộc top đầu các tỉnh - thành có tỉ lệ học sinh không xét tuyển đại học nhiều nhất cả nước trong năm qua.
Ông Thanh, một người dân Hà Tĩnh, cho biết đặc biệt trong hai năm sau đại dịch Covid, tình trạng kinh tế khó khăn, việc làm trong nước khan hiếm và bấp bênh nên người dân nơi ông sinh sống thường tìm cách đi xuất khẩu lao động. Nó trở thành xu hướng, ngay cả đối với học sinh, sinh viên :
"Đợt này thì nhu cầu tuyển việc của các khu công nghiệp cũng thấp hơn so với trước đây nên kể cả học sinh, sinh viên cũng xu hướng đi xuất khẩu lao động.
Có trường học cứ mỗi ba tháng một lần sẽ có các công ty tuyển dụng xuất khẩu lao động về trực tiếp làm việc với các trường đó, giáo viên trong trường nhiều khi đóng vai trò như một người môi giới lao động".
Theo tìm hiểu của RFA, một số trường Trung học phổ thông ở Hà Tĩnh đã chủ động giới thiệu, kết nối học sinh với các doanh nghiệp nước ngoài. Theo thông tin từ Tỉnh đoàn Hà Tĩnh, các trường Trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh này đã tiến hành phân luồng, khuyến khích các học sinh có năng lực trung bình yếu đi du học nghề hoặc xuất khẩu lao động.
Mất niềm tin vào giáo dục đại học
Cô T, một giảng viên hiện đang giảng dạy tại một trường đại học đầu ngành ở Hà Nội, thừa nhận rằng hiện ngày càng ít học sinh chọn học đại học ở Việt Nam. Các em có kinh tế khá giả thường đi du học, còn những em không có điều kiện cũng đi xuất khẩu lao động :
"Nó phản ánh niềm tin của người dân đối với thực trạng giáo dục bậc đại học ở Việt Nam. Hiện nay, giáo dục ở bậc đại học của mình không thực tế, tính ứng dụng của nó không cao.
Và thực tế thì sau khi sinh viên ra trường, kể cả các sinh viên thuộc các trường top đầu Việt Nam, hầu như các doanh nghiệp phải đào tạo lại thì mới có thể đáp ứng được nhu cầu cho việc làm".
Theo cô T, trong bốn năm đại học, sinh viên phải học quá nhiều các môn không cần thiết và không sát với tình hình xã hội hiện nay. Ví dụ như các môn về tư tưởng Hồ Chí Minh, Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam… Mặc dù không phải sinh viên nào cũng là Đảng viên, không phải sinh viên nào cũng muốn tham gia vào bộ máy chính quyền trong tương lai nhưng vẫn cứ phải học :
"Hay như môn Kinh tế Chính trị Mác-lênin thì nó không hề liên quan gì đến cách vận hành nền kinh tế thị trường hiện nay đang áp dụng.
Vì thế, sinh viên học một đằng mà thực tế cuộc sống là một kiểu khác, nó khiến tư duy và kiến thức của sinh viên không thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp và xã hội".
Đi xuất khẩu lao động là một trong những lựa chọn và không có gì sai trái. Tuy nhiên, nếu ngày càng nhiều người sang nước ngoài làm việc theo đúng nghĩa "bán sức lao động" thì lại là một thảm họa xã hội. Cô T, nhận định như vậy cho cho biết thêm rằng hiện giờ, người trẻ sang nước ngoài làm việc có thể mang tiền về góp phần vào ngân sách Nhà nước. Nhưng nếu những người này chỉ lo lao động kiếm tiền mà không trau dồi kiến thức, kỹ năng thì nó là một sự lãng phí tài nguyên trẻ của đất nước.
Nguồn : RFA, 26/06/2023