Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

09/02/2019

Xuất khẩu gạo của Việt Nam 30 năm nhìn lại

Đặng Kim Sơn

Năm nay tròn 30 năm Việt Nam trở lại thị trường gạo thế giới với tư cách là một nước xuất khẩu gạo (1989 - 2019). 30 năm trước, khi đang còn thiếu lương thực Việt Nam bắt đầu xuất khẩu gạo trở lại và đã xuất khẩu được gần 1,4 triệu tấn gạo.

gao1

Ảnh minh họa : Gạo xuất khẩu của Việt Nam - Courtesy VietNamExport

Nhân dịp này, Đài Á Châu Tự Do phỏng vấn Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn về những được mất qua 30 năm xuất khẩu gạo và những việc nên làm trong tượng lai.

Trước hết Tiến sĩ Đặng Kim Sơn có nhận định :

Đặng Kim Sơn : Đây là chặn đường vừa dài vừa ngắn, nó ngắn là vì sau hàng chục năm thiếu ăn, thường xuyên phải nhập khẩu gạo của quốc tế, thì cuối thời kỳ đổi mới Việt Nam bất ngờ bắt đầu chuyển sang xuất khẩu gạo. Và liên tục xuất khẩu gạo năm sau cao hơn năm trước trong vòng hàng chục năm.

Đây là điều bất ngờ và diễn ra nhanh chóng, tuy nhiên là từ đó đến nay, vấn đề đổi mới về thể chế, chính sách cũng không phải diễn ra một cách dễ dàng, vì thế cũng có những cái tương đối chậm. Cho đến năm 2000 thì chúng ta mới bỏ được vấn đề quota về xuất khẩu gạo, và cho đến năm ngoái chúng mới hoàn toàn đưa các doanh nghiệp tư nhân vào xuất khẩu gạo một cách tự do, bỏ bới các điều kiện của doanh nghiệp xuất khẩu gạo.

Cho nên có thể nói là quá trình 30 năm, vừa ngắn vừa dài, đưa Việt Nam từ một nền nông nghiệp đói ăn trở thành một nền nông nghiệp xuất khẩu. Gần đây lại đi một bước tiếp theo mạnh hơn, tức là từ một nền nông nghiệp chỉ có lúa gạo, bây giờ chuyển qua đa dạng hóa nông sản, xuất khẩu nhiều loại nông sản khác nhau.

Trung Khang : Dạ thưa, năm 1989, như tiến sĩ vừa nói, khi đó Việt Nam vẫn đang là nước thiếu lương thực, thì việc trở lại xuất khẩu gần 1,4 triệu tấn gạo có là thời điểm thích hợp không ạ ?

Đặng Kim Sơn : Có thể nói năm 1989 là một năm rất đặc biệt với Việt Nam, lúc đó Việt Nam đang vượt qua cơn khủng hoảng kinh tế rất trầm trọng. Nhìn lại năm tháng đó, có thể nói đây là một sự thần kỳ, chúng ta không có vốn để đầu tư vào nông nghiệp nên đầu tư vào nông nghiệp thấp hơn bình thường, khoa học công nghệ cũng không có gì đổi mới, cơ sở hạ tầng cũng không có gì đột phá. Thế thì sức lực ở đâu, tài nguyên ở đâu đổ ra để chuyển một đất nước đang nhập từ nửa triệu đến một triệu tấn lương thực mỗi năm sang thành xuất khẩu hơn một triệu tấn lương thực như thế. Thì điều kỳ diệu ấy đã xảy ra nhờ thay đổi về thể chế và chính sách nông nghiệp.

Năm đó có hai yếu tố đột phá xảy ra, thứ nhất là việc quản lý tổ chức, nắm giữ toàn bộ đất đai và cơ sở vật chất, máy móc trâu bò của các hợp tác xã được chuyển về các hộ nông dân. Người nông dân thật sự nắm giữ mảnh đất của mình, họ có thể quyết định trồng cái gì vào lúc nào, và nuôi con gì ra làm sao. Chuyện thứ hai là toàn bộ thị trường năm đó đang là do nhà nước nắm giữ, nghĩ là quy định giá cả, ai mua ai bán đều phải theo kế hoạch ; thì chuyển sang thị trường tự do, bỏ hết ngăn song cấm chợ, hoàn toàn là tự do hóa thương mại, giá cả là do thị trường quyết định.

Chính hai yếu tố đó đã tạo động lực mạnh mẽ để người dân nông thôn hang hái tổ chức sản xuất, bỏ hết công sức của mình, bỏ hết tiền bạc của mình, ngày đêm lăn lộn trên đồng ruộng, chính sự nhiệt tình đó đem lại sự đột phá trong khâu sản xuất. Bài học đó bây giờ vẫn còn nguyên giá trị, phải làm thế nào để người dân đem lại quyền lợi của chính mình, thì đấy là sức mạnh có thể tạo nên sức sản xuất to lớn.

Trung Khang : Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2012 Việt Nam xuất khẩu gạo đạt kỷ lục hơn 8 triệu tấn, nguyên nhân có phải do chính sách nông nghiệp của Việt Nam những năm trước đó đi đúng hướng không ạ ?

gao2

Phơi lúa sau thu hoạch ở Hậu Giang, Việt Nam. AFP

Đặng Kim Sơn : Những thành tựu như năm 2012 cho chúng ta biết năng lực của chúng ta rất mạnh, nhưng đấy không phải là định hướng để chúng ta đánh giá là tốt nhất hay là phải thay đổi. Trong những năm gần đây, chúng ta không coi sản lượng sản xuất hay xuất khẩu là tiêu chí trọng tâm của nền sản xuất nông nghiệp. Càng ngày chúng ta càng thấy thu nhập của nông dân quan trọng hơn, cái hiệu quả kinh tế đem lại cho đất nước quan trọng hơn.

Trung Khang : Mặc dù vẫn không thể phá vỡ kỷ lục năm 2012, nhưng đến năm 2018, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã đã đạt sản lượng cao nhất kể từ 2013, lên gần 7 triệu tấn, thành công này có phải nhờ những định hướng như Tiến sĩ vừa nói ?

Đặng Kim Sơn : Chính xác, Việt Nam hiện nay mội năm xuất khẩu từ 6 triệu tấn cho đến trung bình là 7 triệu tấn gạo là không có gì khó khăn. Điều đó giúp Việt Nam luôn đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước, và một đóng góp nữa là với vị trí xuất khẩu gạo đứng thứ hai trên thế giới đã góp phần rất lớn trong việc đảm bảo an ninh lương thực cho thế giới, Mặc khác nó cũng đảm bảo những vùng sản xuất lúa gạo có lợi thế nhất của Việt Nam tiếp tục phát triển được. Vá chúng ta tiếp tục trong tương lai đi theo hướng hạ giá thành, tăng chất lược, đẩy mạnh khâu bảo quản chế biến, để tăng thêm giá trị gia tăng. Để lúa gạo Việt Nam góp phần cùng những nông sản khác đưa nông nghiệp Việt Nam đi lên theo hướng tổng hợp hơn, hiệu quả hơn.

Trung Khang : Vừa qua tại Hội chợ Long An, thương hiệu gạo của Việt Nam được chính thức công bố, động thái này theo ông có giúp gì cho sản phẩm gạo của Việt Nam ?

Đặng Kim Sơn : Hiện nay gạo cũng như các nông sản chiến lược khác của Việt Nam mà Việt Nam có lợi thế như cà phê, hạt tiêu, hạt điều.v.v… Thì chính phủ, các doanh nghiệp, các địa phương bắt đầu nhắm đến xây dựng các chuỗi giá trị, hình thành các thương hiệu, trong đó có thương hiệu quốc gia. Đây là hướng chuyển rất quan trọng, nó cho thấy chúng ta không chỉ tập trung vào sản xuất nữa, mà lo bán được hàng, lo phát triển thị trường, đây có thể là một bước tiến rất quan trọng.

Trung Khang : Cuối cùng là những khuyến nghị gì mà tiến sĩ đưa ra cho ngành lúa gạo trong thời gian tới để có thể đạt hiệu quả cao, đủ sức cạnh tranh với các nước cùng tham gia xuất khẩu gạo, cũng như để người nông dân hưởng lợi thích đáng với công sức bỏ ra ?

Đặng Kim Sơn : Trong thời kỳ đổi mới cách đây 30 năm chúng ta đã tạo ra thành công mà ngay người Việt cũng kinh ngạc, đó là từ chỗ đói ăn thành nước xuất khẩu gạo. Sau đó chúng ta lại chuyển sang một bước đổi mới nữa là dành bớt diện tích lúa gạo, dành bớt tài nguyên, để mà chuyển sang đa dạng hóa nông nghiệp hướng về xuất khẩu, Nói như thế không phải là chúng ta không còn tiềm năng, ĐBSCL vẫn là vựa lúa quan trọng và tốt nhất so với thế giới. Việt Nam còn có thể giảm giá thành sản xuất lúa gạo, do mức nước, mức thuốc… vẫn còn thừa, có thể cắt giảm. Chất lượng lúa gạo có thể tăng thêm. Giá trị gia tăng thông qua chế biến và bảo quản có thể cải thiện rất lớn.

Như vậy, trong tương lai diện tích lúa gạo có thể giảm, biến đổi khí hậu có thể làm quy mô sản xuất giảm. Nhưng giá trị gia tăng, hiệu quả đem lại của sản xuất lúa gạo cũng sẽ tiếp tục gia tăng dài dài.

Muốn như vậy, chúng ta phải phát triển công nghệ, một lần nữa thay đồi tổ chức sản xuất, chúng ta sẽ trở lại hợp tác xã, nhưng hợp tác xã của thị trường, chứ không phải hợp tác xã kế hoạch. Đồng thời với liên kết của nông dân, các doanh nghiệp sẽ được thu hút mạnh hơn trong sản xuất lúa gạo. Chúng ta sẽ thấy xuất hiện trên vùng đất của Việt Nam các doanh nghiệp xuyên quốc gia, các đại gia lớn trong sản xuất đầu tư kinh doanh cũng bắt đầu đổ tiền vào đầu tư lúa gạo. Như vậy nền nông nghiệp Việt Nam trong tương lai sẽ là nền nông nghiệp sản xuất lớn, hàng hóa hiệu quả cao, vững bền với môi trường, và chắc chắn có giá trị gia tăng cao hướng về xuất khẩu.

Trung Khang : Xin cám ơn Tiến sĩ Đặng Kim Sơn đã dành cho Đài Á Châu Tự Do cuộc phỏng vấn ngày hôm nay.

Trung Khang

Nguồn : RFA, 08/02/2019

Quay lại trang chủ
Read 614 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)