Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

04/09/2021

Điểm tuần báo Pháp – Covid và kinh tế Việt Nam

RFI tiếng Việt

Việt Nam, nền kinh tế mà Covid không thể ngăn chặn được

The Economisttuần này có bài viết mang tựa đề "Việt Nam, nền kinh tế mà Covid không thể ngăn chặn được". Tuần báo Anh đặt câu hỏi : Thương mại và đầu tư nước ngoài đã giúp Việt Nam ra khỏi cảnh nghèo, và liệu có thể giúp quốc gia này trở nên giàu có ?

nganchan01

Thương mại và đầu tư nước ngoài đã giúp Việt Nam thoát khỏi cảnh nghèo cùng cực. Họ có thể làm cho nó trở nên giàu có ? Quinn Ryan Mattingly /NYT/ Redu/Eyevine

Việt Nam, một trong 5 nước tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong 30 năm qua

Sau khi gây ấn tượng với thế giới qua việc chế ngự được con virus từ Vũ Hán năm ngoái, nay Việt Nam đang trong đợt bùng phát dịch tồi tệ nhất từ trước đến nay. Một số địa phương bị phong tỏa nghiêm ngặt, và một loạt nhà máy, từ xưởng sản xuất giày cho nhãn hiệu Nike cho đến điện thoại thông minh cho Samsung, đều hoạt động chậm lại hoặc bị đóng cửa, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy vậy việc hội nhập vào nền sản xuất toàn cầu đã giúp kinh tế Việt Nam vẫn hoạt động được trong thời kỳ đại dịch. Năm 2020, GDP đã tăng 2,9% trong khi hầu hết các nước bị rơi vào suy thoái nặng nề, và mặc cho đợt dịch mới, năm nay Việt Nam vẫn có thể tăng trưởng cao hơn. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới ngày 24/08, mức tăng là 4,8% trong năm 2021. Thành tích này mới thực sự ấn tượng.

Nhờ mở cửa cho thương mại và đầu tư, một đất nước mà GDP tính trên đầu người chỉ có 2.800 đô la nay trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng. Và Việt Nam là một trong năm quốc gia tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong 30 năm qua, đánh bại các nước láng giềng. Kỷ lục này không phải nhất thời, mà là tăng trưởng ổn định. Chính phủ còn có tham vọng biến Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045, muốn vậy phải đạt tăng trưởng 7% một năm. Bí quyết thành công của Việt Nam là gì, và liệu có bền vững hay không ?

Khác biệt giữa Việt Nam và Trung Quốc

Việt Nam thường được so sánh với Trung Quốc trong những năm 1990 và đầu những năm 2000, và không phải là không có lý do. Cả hai đều là quốc gia cộng sản, được lãnh đạo bởi hệ thống chính trị độc đảng, đã chuyển sang tư bản và tập trung cho tăng trưởng dựa vào xuất khẩu. Tuy nhiên hai nước có những khác biệt lớn. Trước hết, xuất khẩu của Việt Nam vượt quá 200% GDP : có rất ít nền kinh tế, trừ những nước giàu tài nguyên nhất hay chủ yếu dựa vào thương mại hàng hải, mới xuất khẩu được nhiều hàng hóa như thế.

Việt Nam không chỉ khác với Trung Quốc ở tầm mức, mà cả về tính chất của các nhà xuất khẩu. Sự kết nối sâu rộng với chuỗi cung ứng toàn cầu và mức đầu tư nước ngoài cao khiến Việt Nam trông giống Singapore hơn. Kể từ 1990, Việt Nam nhận được dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có trị giá bình quân tương đương 6% GDP mỗi năm, gấp đôi mức thế giới và bỏ xa Trung Quốc hay Hàn Quốc – hai nước này chưa bao giờ đạt được trong một thời gian dài như vậy.

Trong khi tiền lương tăng lên tại phần còn lại ở Đông Á, các nhà sản xuất toàn cầu bị thu hút bởi giá lao động rẻ và tỉ giá hối đoái ổn định của Việt Nam, nhờ đó thúc đẩy bùng nổ xuất khẩu. Trong thập niên qua, xuất khẩu từ các doanh nghiệp trong nước tăng 137%, và công ty nước ngoài tăng 422%.

Tuy nhiên theo The Economist, mối đe dọa hiện nay là tăng trưởng của Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư và xuất khẩu của các doanh nghiệp vốn nước ngoài, trong khi đúng ra phải có lãnh vực dịch vụ hiệu quả. Khi mức sống tăng lên, Việt Nam có thể kém hấp dẫn hơn đối với các nhà sản xuất, và công nhân cần những cơ hội khác.

Quốc doanh cồng kềnh, tư nhân năng động

Một phần lực cản là từ doanh nghiệp nhà nước. Tầm quan trọng của khu vực quốc doanh đã giảm bớt, nhưng vẫn tác động lớn lên nền kinh tế nhờ được vay ưu đãi. Ngân hàng bù đắp lại bằng cách tăng lãi suất cho vay đối với các công ty trong nước. Trong khi các công ty ngoại quốc dễ dàng tiếp cận nguồn vốn ở nước ngoài, lãi suất vay trung và dài hạn bằng đồng Việt Nam lên đến 10,25% vào năm ngoái. Theo nghiên cứu của Trung tâm Hiệu năng Kinh tế thuộc Trường Kinh tế Luân Đôn, 5 năm sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007, năng suất lẽ ra còn cao hơn 40% nếu không có các công ty nhà nước.

Để thúc đẩy lãnh vực tư nhân, chính phủ muốn nuôi dưỡng các tập đoàn đa ngành theo kiểu chaebol của Hàn Quốc hay keiretsu của Nhật Bản. Chuyên gia Lê Hồng Hiệp nhận xét chính quyền "cố tạo ra các nhà vô địch quốc gia". Cụ thể nhất là tập đoàn Vingroup đang thống trị từ du lịch đến giáo dục, y tế với VinPearl, VinSchool, VinMec, còn nhánh địa ốc VinHomes là công ty tư nhân lớn nhất được niêm yết.

Nỗ lực sản xuất xe hơi nguyên chiếc của VinFast có thể trở thành quan trọng cho phát triển kinh tế của một nước thường được biết đến qua sản xuất trung gian. Tháng Bảy, mẫu xe Fadil dựa theo thiết kế của Opel đã trở thành kiểu xe bán chạy nhất, đánh bại Vios của Toyota. VinFast còn mở văn phòng ở Mỹ và Châu Âu, với ý định bán xe chạy bằng điện từ nay đến tháng 3/2022.

Tuy vậy, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước đồng thời mở cửa cho đầu tư không phải là điều dễ dàng. VinFast được giảm rất nhiều loại thuế, kể cả việc miễn thuế doanh nghiệp trong 15 năm đầu hoạt động. Tháng Tám, truyền thông nhà nước cho biết chính phủ đang cân nhắc việc lại giảm 50% thuế trước bạ cho xe hơi nội địa - quy định đã hết hạn từ năm ngoái.

Không thể giàu lên chỉ nhờ kiều hối và đầu tư nước ngoài

Nhưng Việt Nam là thành viên của CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) và một loạt các hiệp ước thương mại và đầu tư khác, có nghĩa là không thể chỉ ưu đãi các nhà sản xuất trong nước, mà phải hỗ trợ cả các công ty ngoại quốc sản xuất xe hơi tại Việt Nam.

Việt Nam cũng có thể hy vọng vào một nguồn tăng trưởng khác : bùng nổ kinh tế đã thúc đẩy cộng đồng Việt kiều rộng rãi đầu tư hoặc thậm chí về nước. Chẳng hạn Andy Ho của VinaCapital, công ty đầu tư có tài sản 3,7 tỉ đô la, đã từ Mỹ hồi hương cùng với gia đình năm 2004. Ông nói : "Nếu là người Hàn Quốc có thể tôi đã về nước trong thập niên 1980 còn nếu là người Trung Quốc thì trong những năm 2000". Việt Nam là một trong những nước nhận được kiều hối nhiều nhất thế giới, với 17 tỉ đô la trong năm ngoái, tương đương 6% GDP.

Gác sang một bên thách thức từ Covid, khó thể nhìn khác hơn màu hồng đối với một đất nước chừng như đang ở giai đoạn đầu của một phép lạ kinh tế Đông Á. Nhưng không quốc gia nào trở nên giàu có chỉ nhờ kiều hối. Khi Việt Nam phát triển hơn, việc duy trì tăng trưởng cao nhờ xuất khẩu của công ty nước ngoài sẽ ngày càng khó ; căng thẳng trong việc mở cửa cho đầu tư nước ngoài và ưu đãi công ty trong nước càng tăng lên. Thế nên việc cải cách khu vực tư nhân và hệ thống tài chính là vô cùng quan trọng. Nếu không, mục tiêu thịnh vượng nhanh chóng của chính phủ có thể trở thành ngoài tầm tay với.

Cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc

Cũng tại Châu Á, Le Monde số cuối tuần nói về "Cuộc chiến mới của Trung Quốc để tranh giành ảnh hưởng". Một nghiên cứu mà tờ báo tham khảo được cho thấy Trung Quốc đi theo cách của Nga, ngày càng thủ đoạn để mở rộng uy quyền, áp đặt mô hình của mình.

Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp (IRSEM) sắp công bố một công trình hoàn chỉnh lên đến 600 trang, mang tên "Các hoạt động gây ảnh hưởng của Trung Quốc". Các tác giả Paul Charon và Jean-Baptiste Jeangène Vilmer sau hai năm nghiên cứu đã kết luận "Đảng cộng sản Trung Quốc chừng như tin tưởng rằng làm người khác sợ hãi thì tốt hơn là được yêu mến".

Với việc buộc tất cả các công dân Trung Quốc "phải hợp tác với cơ quan tình báo", Bắc Kinh đã chuyển sang một giai đoạn mới hung hăng hơn, mà cuộc khủng hoảng Hồng Kông 2019 và đại dịch Covid 2020-2021 đóng vai trò gia tốc. Đài Loan và Hồng Kông trở thành thí điểm cho các phương pháp sẽ mở rộng ra toàn cầu.

Đảng cộng sản Trung Quốc ấn định mục tiêu và phương tiện, Đoàn Thanh niên cộng sản nhân rộng ra khắp nơi. Giải phóng quân Trung Quốc triển khai "ba cuộc chiến" : chiến tranh công luận trên mọi phương tiện truyền thông, chiến tranh tâm lý nhằm phá vỡ lòng tin của người dân với các chính phủ thù địch, và chiến tranh luật pháp. Theo IRSEM, Trung Quốc "quyến rũ và khuất phục" đồng thời "xâm nhập và cưỡng bức", theo một chiến lược từ thời cách mạng cộng sản Liên Xô : liên kết với các kẻ thù hạng hai để chống lại các kẻ thù hàng đầu, sử dụng các đồng minh tạm thời và đôi khi những "kẻ ngốc hữu dụng".

Mặt trận Tổ quốc trực thuộc Đảng cộng sản sở hữu 12 văn phòng phụ trách bấy nhiêu mục tiêu, bên cạnh đó là hàng ngàn tổ chức gồm những cơ cấu bình phong và các cá nhân làm việc cho các cơ quan đảng ở các think tank, báo chí, đại học, hiệp hội hữu nghị, nhà báo Trung Quốc ở nước ngoài.

Căn cứ 311 của quân đội chuyên về tâm lý chiến với Đài Loan

Tại số 77 đường Meizhu ở Phúc Châu (Fuzhou), thành phố đối diện với Đài Loan, ẩn giấu căn cứ 311 hay còn gọi là "đơn vị 61716", trực thuộc Lực lượng hỗ trợ chiến lược của quân đội, phụ trách cả lãnh vực không gian và chiến tranh điện tử, tập trung cho chiến tranh tâm lý để thu phục dân Đài Loan. Căn cứ 311 có đủ phương tiện trong tay, từ công ty bình phong trong truyền thông đến các đơn vị quân đội trực thuộc, các nền tảng phổ biến.

Hoạt động nhào nặn thông tin gần đây được công nghiệp hóa với việc thu thập dữ liệu, trí tuệ nhân tạo. Từ 2017, mỗi năm Bắc Kinh đã cho sản xuất đến 448 triệu lời bình trên các mạng xã hội. Infektion 2.0 là chiến dịch nhằm làm quên đi xuất xứ của con virus từ Vũ Hán, cố thuyết phục rằng SARS-CoV-2 là từ một căn cứ quân sự Mỹ.

Đài Loan là phòng thí nghiệm và mục tiêu hàng đầu của hoạt động bóp méo thông tin từ căn cứ 311. Ứng cử viên Quốc dân đảng Hàn Quốc Du (Han Kuo Yu), một người không được ai biết đến, bỗng có được một làn sóng ủng hộ mạnh mẽ trên các mạng xã hội khác nhau, giành được thành phố Cao Hùng, rồi sau đó trở thành đối thủ của bà Thái Anh Văn trong cuộc bầu cử tổng thống 2020.

Việc mua tập đoàn China Times năm 2008 đã mang lại cho Bắc Kinh ba nhật báo, ba tạp chí, ba kênh truyền hình và tám trang web thông tin. Sau đó các cơ quan này đổi giọng thân Trung Quốc, và nhiều biên tập viên nhìn nhận đã được chỉ đạo trực tiếp từ văn phòng kinh doanh của Bắc Kinh ở Đài Loan.

Tuy vậy theo IRSEM, cuộc chiến chính trị chống Đài Loan đã thất bại. Chính phủ Đài Bắc đáp trả bằng các biện pháp pháp lý cứng rắn, và việc đàn áp Hồng Kông đã khiến xã hội Đài Loan không thể tin được Bắc Kinh. Tuy vậy Trung Quốc tiếp tục giương oai diễu võ với các cuộc tập trận, nhằm đánh đòn cân não.

Có thể tránh được chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ?

L’Expressđặt câu hỏi, "Covid-19, Đài Loan… Bắc Kinh và Washington có tránh được một cuộc chiến ?". Theo chuyên gia Jean-Pierre Cabestan của CNRS, Đài Loan mang tính chiến lược hơn hẳn Afghanistan. Tại Biển Đông và eo biển Đài Loan, nguy cơ xung đột quân sự giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc chỉ có thể tăng lên trong những năm tới.

Về trung hạn, khó có khả năng Trung Quốc gây chiến vì với sự cam kết ngày càng tăng của Nhật Bản trong khu vực, một thăng bằng lực lượng mới được thiết lập, chưa kể sự thua kém về vũ khí nguyên tử khiến Bắc Kinh chưa dám tấn công Đài Loan. Hơn nữa, Hoa Kỳ rõ ràng sẵn sàng bảo vệ hòn đảo - là biểu tượng cho dân chủ, có vị trí chiến lược và là nơi sản xuất vật liệu bán dẫn - hơn là Afghanistan. Theo giáo sư Cabestan, chủ yếu Bắc Kinh sẽ gia tăng các hoạt động "vùng xám", tức dưới ngưỡng có thể gây ra xung đột, tránh các sự cố.

Mathieu Duchâtel, giám đốc Châu Á của Viện Montaigne tỏ ra bi quan hơn. Ông nói : "Bắc Kinh sẽ gây ra các khủng hoảng để lượng định quyết tâm của các đối thủ. Thế nhưng khi tạo ra khủng hoảng, nước này chấp nhận khả năng leo thang". Chuyên gia Duchâtel không loại trừ khả năng Trung Quốc chiếm các đảo nhỏ của Đài Loan như Đông Sa (Pratas). Hoàn Cầu Thời Báo mới đây đã kêu gọi chiến đấu cơ Trung Quốc bay ngang Đài Loan nếu tổng thống Thái Anh Văn tham dự "thượng đỉnh vì dân chủ" mà ông Joe Biden muốn tổ chức.

Jean-Pierre Cabestan nhìn nhận, nếu dân tộc chủ nghĩa vượt lên trên quyền lợi, Bắc Kinh có thể viện bất cứ cớ nào để xâm lược. Tuy nhiên chuyên gia này cho rằng một cuộc chiến tranh lạnh kiểu mới sẽ diễn ra giữa Bắc Kinh và Washington : gia tăng cạnh tranh kinh tế, công nghệ và ý thức hệ. Một thời gian tạm nghỉ ngơi có thể kéo dài từ 10 đến 20 năm…

Người tị nạn Afghanistan : Những cánh cửa đang đóng lại

Hồ sơ củaL’Obstuần này tập trung cho "Các vụ khủng bố ngày 13/11/2015 : Một phiên tòa đi vào lịch sử". Trang bìaL’Expressđăng hình vẽ một cái ống chích, thẳng thừng chạy tựa "Những người chống vac-xin hoàn toàn sai lầm". Le Pointđặt vấn đề liệu cánh hữu có thể đánh bại ông Macron trong kỳ bầu cử tổng thống tới. The Economistquan tâm đến "Mối đe dọa từ cánh tả phi tự do", còn Courrier Internationalnhận định "Những cánh cửa đóng lại với người tị nạn Afghanistan".

Tuần báo Pháp trích dịch New York Times, ước lượng có thể đến 250.000 người Afghanistan có đủ tiêu chuẩn xin visa đặc biệt (phiên dịch, cố vấn, cộng sự cũ cùng với gia đình) nhưng số người được may mắn di tản trong đợt vừa qua không bao nhiêu. Châu Âu không muốn thấy lại cuộc khủng hoảng di dân năm 2015, nước Mỹ không còn hào hiệp như với người tị nạn Việt Nam năm 1975. Úc đòi người xin tị nạn điền vào một bản khai dài đến 35 trang trên mạng, tại một đất nước mà internet truy cập khó khăn. Thổ Nhĩ Kỳ vội vã xây tường, Tadjikistan gia tăng kiểm soát biên giới, Iran gởi trả người tị nạn về Afghanistan, riêng Pakistan chỉ cho qua nhỏ giọt.

L’Express giải thích vì sao phương Tây chưa thể kết thúc với quốc gia này. Taliban nay làm chủ một đất nước yếu kém và chia rẽ, lại phải đối phó với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) – mối đe dọa cho họ cũng như cho Châu Âu. Tướng Mỹ McKenzie ước lượng ít nhất 2.000 quân thánh chiến IS đang hiện diện tại Afghanistan, trong đó có nhiều tên vừa được phóng thích. Chưa kể đến các thành viên Al Qaeda mà Taliban cam kết sẽ chế ngự.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 514 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)