Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

04/09/2021

Covid : Hà Nội siết phong tỏa chống dịch tại "nội đô" thêm hai tuần

RFI tiếng Việt

Thành phố Hà Nội, hôm 03/09/2021, thông báo một số biện pháp phòng chống dịch mới. Điểm đặc biệt được chú ý là chính quyền thủ đô sẽ áp dụng các biện pháp siết chặt phong tỏa ở mức cao hơn đối với toàn bộ vùng "nội đô". Việc chính quyền bất ngờ thông báo nhiều biện pháp mới, chỉ ít ngày trước thời điểm đợt "giãn cách" mới có hiệu lực, gây nhiều phản ứng trong xã hội.

hanoi1

Hà Nội phong tỏa chống Covid : Chùm ảnh của nhiếp ảnh gia Manan Vatsyayana từ ngày 29/08 đến ngày 31/08/2021. AFP – Manan Vatsyayana

Toàn bộ vùng nội đô, tức "vùng 1" (vùng được coi là có "nguy cơ rất cao") và một số quận huyện lân cận sẽ áp dụng các biện pháp "giãn cách xã hội" theo Chỉ thị 16 của thủ tướng, và một số biện pháp ở mức cao hơn, trong hai tuần tới (từ 06/09 đến 21/09). Khu vực "nội đô" bao gồm bao gồm toàn bộ 10 quận/huyện (Tây Hồ, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Trì) và một phần của 5 quận/huyện khác.

Tại cuộc họp thông tin về các giải pháp phòng chống dịch hôm qua, phó bí thư Thành ủy Hà Nội, ông Nguyễn Văn Phong, nhấn mạnh thành phố đã giao Công An thành phố "chủ trì việc cấp giấy đi đường". Theo trang Facebook của Chính phủ Việt Nam hôm nay 04/09/2021, về việc cấp giấy đi đường, sở Công An Hà Nội đã báo cáo với Ủy Ban thành phố về kế hoạch. Việc cấp giấy đi đường đối với người đi làm hay đi mua thực phẩm dự kiến đều hoặc do sở Công An, hoặc do cơ quan công an phường, thị trấn xác nhận.

Cần chuyên gia thảo luận rộng rãi trước

Hôm 10/08, chính quyền Hà Nội đã từng phải ra quyết định hủy bỏ quy định "giấy chứng nhận đi lại" phải có xác nhận của phường , thủ tục bị chỉ trích gây rất nhiều phiền hà, cũng như trái ngược với luật pháp hiện hành tại Việt Nam, ngay cả trong tình trạng được gọi là "khẩn cấp". Về việc chính quyền bất ngờ thông báo nhiều biện pháp mới, nhà hoạt động xã hội, kinh tế gia Nguyễn Quang A (Hà Nội) nhận định :

"Theo tôi, trong tình trạng khẩn cấp này, không thể ban hành rồi để hai tuần sau mới thực hiện, nhưng cũng cần báo trước 10 ngày để các chuyên gia, giới chuyên môn họ bàn với nhau, và bàn một cách chín chắn, để thấy được cái gì hay, cái gì dở, để chọn ra một phương pháp đỡ dở nhất. Rất đáng tiếc ! Cũng khó có thể trách họ được, vì trong sự gọi là "hoảng loạn" và "cập rập" này, nhiều khi người ta đưa ra những quyết định hơi vô lối. Tôi vẫn thấy phải quay lại với việc : Tình hình khác thì mục tiêu phải khác, cách làm phải khác ! 

Tôi đồng ý, có những nơi phải siết chặt, nhưng siết chặt ở một diện rộng như thế này, thì rất là tai họa. Nó tạo ra những bế tắc, ảnh hưởng đến tâm lý của người dân, đã trải qua một thời gian (phong tỏa) rất dài. Không lạ gì, khi một tờ báo Bỉ nói rằng Hà Nội "đang bị tù hết". Nói bỏ tù thì không đúng, nhưng thực sự là người dân bị giam lỏng trong một thời gian rất dài, mà sức người thì có hạn. Người ta cũng phải tính đến khía cạnh như thế nữa ! (cùng quy chế phong tỏa nghiêm ngặt, nhưng tại nhiều nước, việc người dân được phép ra ngoài tập thể dục hàng ngày, hay thăm nom người thân vẫn được coi là "các lý do ra ngoài chính đáng" - người phỏng vấn). 

Có lẽ với biến thể Delta, tình hình đã rất khác xưa. Các phương pháp tỏ ra rất hiệu quả một thời đã không còn như thế. Với tình hình đã thay đổi thế này, có lẽ các chiến lược, cũng như các biện pháp cụ thể cũng cần phải được xem xét lại một cách rất nghiêm túc. Những biện pháp rất kinh điển như 5K (như đeo khẩu trang, đứng cách xa nhau, rửa tay…) vẫn phải được thực hiện rất nghiêm túc. Nhưng chính sách loại trừ hẳn (Zero Covid) không khả thi nữa. Cho nên việc tìm mọi cách để cách ly tập trung tất cả những người bị nhiễm, gọi là "F0" ở Việt Nam, và những người tiếp xúc với người bị nhiễm hay "F1", và thậm chí "F2" nữa, là không ổn, vượt quá khả năng của tất cả xã hội. Việc tập trung "F1" vào một chỗ có thể gây ra tình trạng siêu lây nhiễm…".

Thành ủy bất ngờ ra quyết định siết chặt

Trước đó, ngày 28/08, thành phố Hà Nội thông báo sẽ tổ chức xét nghiệm 200 nghìn mẫu từ 27/08 đến 04/09. Và dựa trên kết quả này, thành phố sẽ lựa chọn 1 trong 2 kịch bản sau ngày 06/09 : chỉ phong tỏa một số quận nguy cơ cao hoặc phong tỏa toàn thành phố, giống như Sài Gòn (với đợt siết chặt phong tỏa từ ngày 23/08). Lộ trình rút cục đã không được thực hiện. Ngày 02/09, Thành ủy Hà Nội bất ngờ ra quyết định siết chặt phong tỏa tại "nội ô" chưa cần chờ kết quả nghiên cứu, như đã thông báo.

Theo số liệu của Bộ Y tế Việt Nam, trong 24 giờ qua, Hà Nội ghi nhận có thêm 52 ca nhiễm mới, trên tổng số gần 15.000 ca trên toàn quốc (trong đó Thành phố Hồ Chí Minh chiếm quá nửa). Nhiều người đặt câu hỏi : Vì sao chính quyền Thành phố Hà Nội lại áp đặt siết chặt phong tỏa đến mức như vậy trong lúc số lượng ca nhiễm được ghi nhận rất ít tại Hà Nội ? Liệu có phải Hà Nội kiên quyết đến cùng chủ trương "Zero Covid" ? Ngược lại, một số chuyên gia cũng cho rằng tại Hà Nội, dịch Covid trên thực tế đã lan sâu trong cộng đồng, việc tiến hành xét nghiệm phát hiện "F0" chỉ cho phép phát hiện phần nổi của tảng băng chìm, và biện pháp cách ly tập trung "F0" và "F1" như hiện nay không còn tác dụng, thậm chí phản tác dụng. Và để chủ động đối phó với dịch, Hà Nội cần sàng lọc các bài học từ kinh nghiệm Sài Gòn (như chấp nhận để "F0" được chăm sóc, theo dõi tại nhà, và có các hỗ trợ y tế để người có triệu chứng nhẹ được điều trị tại nhà), để không có những biện pháp chống dịch cực đoan gây tổn hại thái quá cho người dân, cho xã hội.

"Sống chung lâu dài" : Bước ngoặt chính sách ?

Theo một số nhà quan sát, dịch bệnh kéo dài tại Sài Gòn, với quy mô vượt quá dự kiến của chính quyền, cùng với cuộc "khủng hoảng dịch" tại Sài Gòn, với hệ quả nhiều mặt về tính mạng con người và an sinh xã hội, do dịch bệnh và đặc biệt do cách đối phó của chính quyền, dường như đang khiến chính phủ Việt Nam bắt đầu xem xét thay đổi chiến lược. Hôm 02/09, Bộ Thông tin và truyền thông khởi sự chiến dịch truyền thông với thông điệp chính "Bình tĩnh sống để chống dịch lâu dài".

Ngày 29/08, thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đưa ra nhận định : "cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp ; phòng là cơ bản, chiến lược lâu dài, chống là quan trọng, thường xuyên", "không thể sử dụng biện pháp cách ly, phong tỏa mãi được vì khó khăn cho nhân dân và nền kinh tế là rất lớn. Việc ứng dụng khoa học y khoa trong phòng chống dịch là chìa khóa cốt lõi của thành công, để chiến thắng dịch bệnh". Tuyên bố được nhiều phương tiện truyền thông trong nước đánh giá là một "bước ngoặt trong tư duy chống dịch Covid-19"

Chính sách siết chặt phong tỏa của Hà Nội có ngược với định hướng mới của chính phủ ? Chính quyền thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm đến đâu về các hệ quả y tế và xã hội của các biện pháp siết chặt phong tỏa tiếp thêm hai tuần tới tại Hà Nội, đặc biệt là chính sách "bóc tách F0" gây nhiều tranh cãi (mà Thành phố Hồ Chí Minh đã từ bỏ), và chính phủ Việt Nam chịu trách nhiệm đến đâu, là các câu hỏi mà nhiều người tại Việt Nam đặt ra.

Theo bảng xếp hạng của báo Nhật Nikkei Asia (Nikkei Covid-19 Recovery Index ) công bố hôm qua 03/09/2021, Việt Nam hiện xếp hạng chót trong bảng xếp hạng 121 nước, về việc kiểm soát dịch bệnh và khả năng trở lại với cuộc sống bình thường. 

Trọng Thành

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Thành
Read 613 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)