Hết ‘bộ đội đi chợ’ đến ‘vàng, cam, xanh’, Việt Nam đang rối bời trong khủng hoảng Covid ?
VOA, 05/09/2021
Sau nhiều tháng áp dụng các biện pháp cứng rắn theo kiểu thiết quân luật, tình hình dịch bệnh tại các tâm dịch ở Việt Nam vẫn không có dấu hiệu sẽ được sớm kiểm soát trong khi nhiều người dân ca thán vì tình trạng kiệt quệ tài chính, còn các nhà phân tích thì liên tục cảnh báo về nguy cơ sụp đổ nền kinh tế và các hệ luỵ xã hội khác.
Một xe bộ đội đi phân phối thực phẩm ở Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 24/8/2021.
Loanh quanh thử nghiệm
Bắt đầu từ một ngày giữa tháng 8, sau cuộc tháo chạy bất thành của hàng ngàn người lao động nhập cư ùn ùn kéo nhau rời khỏi Thành phố Hồ Chí Minh, "tâm dịch" lớn nhất nước, nhiều người dân Sài thành bất ngờ, nghi ngờ lẫn hoang mang với hình ảnh các chú bộ đội bồng súng và xe thiết giáp bỗng xuất hiện trên các con phố vắng lặng vì bị phong toả, với danh nghĩa hỗ trợ thành phố chống dịch.
"Chống dịch làm sao phải dùng đến xe thiết giáp, dùng súng, dùng nhiều bộ độ làm gì ? Chỉ cần nhân viên y tế và các cứu trợ xã hội thôi chứ", Tiến sĩ Mạc Văn Trang, một nhà quan sát thời sự đang cư ngụ tại Thành phố Hồ Chí Minh nói với VOA.
Theo ông, việc chính quyền điều quân vào thủ phủ của miền Nam có lẽ nhằm cả hai mục tiêu : Vừa giúp chống dịch, vừa đề phòng người dân bức xúc quá sẽ "nổi dậy".
"Thực ra là chính quyền đã quá lo ngại vì vừa qua thấy hàng vạn người dân họ ào ra đường chạy tán loạn về địa phương, rồi bắt họ quay trở lại. Tình hình dân đói, rồi ở trong môi trường mà thử tưởng tưởng chỉ có 9m2 mà có 3 người ở, mà nhốt trong đó mấy tháng trời thì bức xúc lắm. Cho nên chính quyền lo hãi rằng dân thì đó, dân bức xúc như thế thì có thể họ nổi loạn chăng ?", Tiến sĩ Mạc Văn Trang nhận định thêm.
Bất chấp hàng loạt bài viết, hình ảnh, video trên truyền thông tô vẽ hình ảnh đẹp đẽ của các chú bộ đội đến nhà dân phát các túi thực phẩm hay đi chợ giúp dân, mô hình "bộ đội đi chợ" ngay trong những ngày đầu tiên đã nhanh chóng lộ ra các khiếm khuyết, bất cập và bất lực trong việc đáp ứng nhu cầu an sinh xã hội tại địa phương.
"Mỗi anh bộ đội đi cầm gói quà phát vào nhà dân thì thường có hai người đi theo. Một người ghi chép xem nhà chủ tên gì và yêu cầu họ ký tên vào, đó là người của phường. Còn một người là của bên thanh niên hay gì đó dẫn đường. Tôi thấy nó buồn cười ! Một người lạ đi phát thì phải có hai người đi theo. Như vậy không biết hiệu quả nó thế nào ! ?", Tiến sĩ Mạc Văn Trang nói.
Một tuần sau khi đưa bộ đội vào thay vai trò của shippers, Thành phố Hồ Chí Minh hôm 30/8 đã phải cho lực lượng chuyển phát chuyên nghiệp này chính thức hoạt động trở lại giữa bối cảnh các đơn hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm bị ùn ứ tại các cửa hàng nhiều ngày vì không có người chuyển phát đến tay người dân.
Chỉ trong vòng vài ngày, số đơn hàng được giao đến các hộ dân đã đạt mức từ trên 90 đến 100%, với công suất lên đến gần 200.000 đơn hàng mỗi ngày, đến ngày 2/9 đã không có đơn hàng tồn đọng, theo tường thuật của Zing.
Thất bại của mô hình "bộ đội đi chợ" nối tiếp một "thử nghiệm" trước đó của chính quyền khi ra quy định buộc các doanh nghiệp phải thực hiện "ba tại chỗ" (ăn, ở và làm việc tại chỗ) để vừa chống dịch vừa bảo đảm sản xuất.
Mô hình này đã gây tiêu tốn nhiều tỉ đồng của các doanh nghiệp khi họ phải đầu tư cơi nới nhà máy, mua sắm, xây dựng cơ sở vật chất cho hàng ngàn công nhân lưu trú để bảo đảm hoàn thành các đơn hàng quan trọng. Nhưng mô hình này cũng nhanh chóng thất bại khi nhiều nhà máy vẫn phải dừng hoạt động vì không thể cáng đáng nổi mức chi phí quá tải khi thực hiện "ba tại chỗ" hoặc khi có ca nhiễm Covid-19 xuất hiện trong công nhân.
Mục tiêu vẫn bất thành
Ông Nguyễn Lân Thắng, một nhà hoạt động theo dõi sát tình hình thời sự Việt Nam, bày tỏ lo ngại với VOA về công tác phòng chống dịch sắp tới của Việt Nam trước tình trạng chính quyền đã tiêu tốn quá nhiều nguồn lực vào những biện pháp phòng chống dịch thiếu hiệu quả.
Ông nói : "Việt Nam đã mất quá nhiều nguồn lực trong việc truy tìm cũng như dồn những người bệnh thuộc dạng F0, F1 vào các khu cách ly rồi, giờ lại tung nốt nguồn lực cuối cùng là quân đội thì không hiểu nếu trong trường hợp một thời gian nữa, có thể là cuối tháng 9 hoặc tháng 10, mà bệnh dịch phát triển ồ ạt thì làm sao ? Lúc đó Việt Nam sẽ không còn một cửa lùi nào nữa trong việc phòng chống dịch".
Nhà hoạt động này cho rằng việc sử dụng nguồn lực như vậy là "rất nguy hiểm" giữa bối cảnh cơ sở hạ tầng, hệ thống y tế của Việt Nam rất thiếu thốn, tích trữ của người dân không cao, nguồn vốn ngân sách thì luôn bị thâm thủng vì những phung phí trong các dự án không hiệu quả và tình trạng tham nhũng.
Riêng với mô hình bộ đội đi chợ, phát thực phẩm cho dân được nói là để giúp người dân có thể an tâm ở nhà, thực hiện quy định "ai ở đâu ở yên đó" để giúp nhà nước kiểm soát và dập dịch. Tiếng là vậy, nhưng đại diện của một nhóm thiện nguyện tư nhân ở Thành phố Hồ Chí Minh, anh Trần Minh Vương, cho biết những người dân cần được giúp đỡ nhất là các công nhân, di dân sống trong các khu nhà trọ lại rất ít người nhận được trợ giúp.
Anh giải thích : "Quân đội hỗ trợ là họ đi mua đồ cho các hộ dân hoặc khu trọ, thì chỉ những người có tiền người ta mới nhờ mua. Còn những công nhân ở các khu nhà trọ thì bây giờ ngay cả tiền nhà trọ người ta còn chưa có để đóng nữa thì tiền đâu mà nhờ mua đồ ? !"
Chưa kể, theo lời anh Vương, có nhiều di dân chẳng thể có địa chỉ để khai báo với lãnh đạo khu phố để được nhận trợ cấp.
Anh cho biết : "Mấy anh đi làm công trình ở thành phố. Giờ thì các công trình ngưng rồi mà các anh không thể về quê được nên phải ở trong mấy cái lán. Mấy anh phải dựng mấy tấm bạt, kê tôn lên để ở thôi, chứ cũng không có nhà trọ để ở luôn".
Chính vì thực tế này mà những lời kêu cứu xin trợ giúp gửi đến các nhóm thiện nguyện tư nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn không hề giảm xuống sau khi có sự xuất hiện của quân đội, khiến các nhóm này luôn trong tình trạng quá tải.
Dừng ‘bế quan tỏa cảng’, xây dựng kế sách lâu dài
Tiến sĩ Mạc Văn Trang cho rằng các biện pháp trợ giúp của chính quyền hiện nay chỉ đáp ứng nhu cầu rất ngắn hạn trước mắt, không thể giải quyết được nan đề khủng hoảng an sinh xã hội.
Ông nói : "Nếu chính quyền thực sự giúp cho dân thì hiện nay công nhân, sinh viên họ đều có tài khoản, thì cứ như các nước, chỉ việc chuyển tiền vào tài khoản thôi. Mà quan trọng nhất là phải giúp cho người ta đủ sống, mức sống tối thiểu, chứ không phải chỉ giúp cho 10 kg gạo, mấy gói mì xong rồi thôi thì người ta sống thế nào được, quan trọng nhất là tiền".
Vào thời điểm hai thành phố lớn của Việt Nam là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh chuẩn bị kết thúc các lệnh phong toả hiện tại, nhiều trí thức và các nhà phân tích lên tiếng cảnh báo về những hệ luỵ khôn lường về kinh tế, xã hội và cả an ninh nếu Việt Nam tiếp tục áp dụng các biện pháp khắt khe theo kiểu "thiết quân luật" mà không có kế sách lâu dài, vì người dân nhiều nơi đã quá kiệt quệ về tài chính, không thể chịu đựng được tình trạng mất thu nhập lâu hơn.
"Tôi nghĩ rằng cho đến bây giờ thì rõ ràng biện pháp mà Việt Nam chống dịch là thất bại, nhưng nhà nước không thừa nhận điều đó trên truyền thông. Nhưng việc ông Phạm Minh Chính quyết định trở thành trưởng ban chống dịch của quốc gia thay cho ông Đam chứng tỏ bộ máy, bộ khung chống dịch này rõ ràng không đạt được kết quả như mong muốn", nhà hoạt đông Nguyễn Lân Thắng nêu nhận xét với VOA.
Ông Nguyễn Lân Thắng đề nghị thay vì loay hoay với những thử nghiệm biện pháp chống dịch thiếu hiệu quả, chính quyền Việt Nam nên có kế hoạch hợp tác với các nước trong các thoả thuận quốc tế đề được hỗ trợ tốt hơn về nguồn lực chống dịch, đặc biệt là các quốc gia có khả năng về vaccine Covid-19, để từng bước giải quyết khủng hoảng.
Hôm 2/9, Hà Nội thông báo tiếp tục sẽ áp dụng phân vùng "đỏ, cam, xanh" tuỳ theo mức độ nguy cơ và đặc điểm địa lý dân cư. Theo đó, lệnh giãn cách xã hội ở mức cao hơn Chỉ thị 16 sẽ tiếp tục được thực hiện trong vùng đỏ và các vùng cam, xanh sẽ được điều chỉnh các biện pháp phù hợp. Tuy nhiên, nhiều người dân đề nghị chính phủ nên từng bước mở cửa nền kinh tế, học tập các quốc gia đã thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh để xây dựng một kế hoạch sống chung với đại dịch một cách hiệu quả.
Hiện Việt Nam là một trong số các quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng thấp nhất trong khu vực, với chỉ khoảng 2,9% trong số 98 triệu dân được tiêm chủng đầy đủ. Theo nhận định của tờ Nikkei, từ vị trí một "ngôi sao" chống dịch hiệu quả vào thời kỳ đầu đại dịch, Việt Nam nay đã rơi xuống đáy bảng danh sách xếp hạng 120 quốc gia và vùng lãnh thổ về khả năng xử lý dịch bệnh, triển khai tiêm chủng và giải quyết các vấn đề xã hội.
********************
Hà Nội phân vùng ‘đỏ, cam, xanh’ trước nguy cơ ‘vỡ trận’
VOA, 02/09/2021
Hà Nội vừa thông báo sẽ phân vùng thành phố thành ba vùng "đỏ, cam, xanh" tùy theo mức độ nguy cơ và đặc điểm địa lý dân cư, ngay sau khi đợt giãn cách thứ 3 kết thúc vào ngày 6/9, giữa lúc một số trí thức và cư dân mạng bày tỏ lo ngại về khả năng "vỡ trận" do bùng phát dịch Covid-19 ở thủ đô.
Trẻ em Hà Nội bị "nhốt" trong nhà do lệnh phong toả đang được áp dụng vào ngày 8/11/2021.
Theo thông báo của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội được báo chí Việt Nam loan đi vào tối 2/9, "vùng đỏ" là khu vực có nguy cơ rất cao sẽ tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội ở mức cao hơn Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ với nguyên tắc "ai đâu ở đó" để khoanh vùng, truy vết, xử lý, dập dịch triệt để.
"Vùng cam" là khu vực có nguy cơ cao và "vùng xanh" là khu vực có nguy cơ thấp hơn sẽ được điều chỉnh các biện pháp cao hơn nguyên tắc Chỉ thị 15/TTg.
Thông báo của thành phố Hà Nội được đưa ra giữa bối cảnh dịch bệnh bùng phát mạnh tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành khác, khiến cho đời sống cư dân và nền kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Một số trí thức và các nhà phân tích đưa ra cảnh báo về khả năng "vỡ trận" nếu Việt Nam không có các đối sách phù hợp và kịp thời để đối phó với đại dịch.
Tiến sĩ toán học Nguyễn Ngọc Chu hôm 2/9 bày tỏ trên trang Facebook về lo ngại tình trạng phòng chống dịch Covid-19 ở Hà Nội "đang ẩn chứa nhiều mối nguy", trong đó ông cảnh báo nếu mức độ lây lan ở thủ đô mà lên đến mức tương tự như Thành phố Hồ Chí Minh thì "tình hình sẽ còn bi đát hơn".
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu kiến nghị Hà Nội nên thay đổi trong việc điều hành nhân sự để đáp ứng nhu cầu "phản ứng tức thời", thành lập một "tổng hành dinh" của chính phủ bên cạnh bộ máy lãnh đạo của Hà Nội, thành lập Hội đồng khoa học tham mưu chống dịch độc lập và rút kinh nghiệm thực tiễn chống dịch của Thành phố Hồ Chí Minh.
Một số chuyên gia y tế Việt Nam cũng bày tỏ lo ngại về một "sự trả giá quá lớn" nếu Hà Nội phải tiếp tục áp dụng lệnh giãn cách xã hội sau ngày 6/9, giữa bối cảnh người dân đã "quá mệt mỏi" và kinh tế kiệt quệ vì bị phong toả quá lâu.
"Những gia đình không có tiền tích lũy thì 45 ngày qua tôi cam đoan là thử thách quá lớn đối với họ", GS. Nguyễn Anh Trí - nguyên viện trưởng Viện Huyết học truyền máu trung ương – đưa ra nhận định với báo Tuổi Trẻ. Theo ông, "Nếu giãn cách xã hội quá lâu mà dịch cứ bùng phát thì tới một ngày nào đó người dân không chịu nổi thì họ cũng sẽ bung ra thôi".
Tính từ ngày 27/4 đến nay, Hà Nội có 3.841 ca nhiễm Covid-19, trong đó số ca mắc từ thời điểm thực hiện Chỉ thị 16 (24/7) là 2.633 ca.
***********************
Người dân Thành phố Hồ Chí Minh chỉ còn lựa chọn tiêm vắc-xin Trung Quốc ?
RFA, 04/09/2021
Những ngày qua, nhiều người dân thành phố Hồ Chí Minh cho biết họ nhận được tin nhắn, thông báo từ chính quyền địa phương, thúc giục họ đi tiêm vắc-xin Vero Cell của hãng Sinopharm (Trung Quốc) và dường như họ không còn lựa chọn nào khác ngoài loại vắc-xin này dù họ có muốn hay không.
Vắc-xin Vero Cell của hãng Sinopharm - Reuters
Một số người dân thành phố cho Đài Á Châu Tự Do biết họ nhận được nội dung thông báo và tin nhắn về tiêm vắc-xin, cụ thể là thành phố đang triển khai tiêm vắc-xin Vero Cell, tiêm mũi một cho người từ 18 tuổi trở lên (bao gồm cả người trên 65 tuổi và người có bệnh nền). Sau ngày 15/9/2021, khi các hoạt động kinh tế được mở cửa trở lại, thì chỉ có người được tiêm vắc-xin mới được đi làm.
Có thông báo ở địa phương thậm chí còn nói rõ là những người không tiêm vắc-xin sẽ phải tiếp tục thực hiện giãn cách tại nhà, nếu ra đường sẽ bị xử lý theo quy định.
Hiện thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện việc tăng cường giãn cách nghiêm ngặt với sự tham gia kiểm soát của quân đội từ ngày 23/8. Người dân thậm chí không thể đi chợ mà phải nhờ "đi chợ hộ" theo quy định của chính quyền.
Trong một bản đề xuất chiến lược đối phó với dịch bệnh của thành phố được hãng tin Reuters loan tải hôm 3/8, thành phố với khoảng chín triệu dân dự định sẽ mở cửa cho hoạt động kinh tế trở lại bình thường vào ngày 15/8 tới đây và chuyển chiến lược loại bỏ hoàn toàn các các F0 thành sống chung với vi-rút.
Để đạt được mục tiêu đề ra, thành phố đã thúc đẩy việc tiêm vắc-xin cho người dân. Theo thống kê của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, đến ngày 2/9, tổng số mũi vắc-xin đã được triển khai trên toàn thành phố là 6.268.327, trong đó hơn 5,8 triệu người đã tiêm mũi một và hơn 360.000 người đã tiêm đủ hai mũi.
Cũng theo báo cáo của Sở Y tế thành phố, tính đến ngày 3/9, thành phố đã nhận được 10.349/200 liều vắc-xin, trong đó có 4.456.490 liều vắc xin AstraZeneca, 571/200 liều vắc xin Moderna, 312.510 liều Pfizer và 5.009.000 liều Vero-cell.
Báo Tuổi Trẻ hôm 4/9 cho biết, thành phố đang hết vắc-xin Moderna (Mỹ) để tiêm mũi hai cho những người đã dùng vắc-xin này. Nhiều người được khuyên tiếp tục chờ. Cũng có đề nghị về khả năng tiêm trộn vắc-xin cho người dân.
Những người dân trả lời phỏng vấn của RFA cho biết họ không muốn tiêm vắc-xin Vero Cell vì lo ngại chất lượng và hiệu quả của vắc-xin này. Tuy nhiên, hiện tại họ đang chịu sức ép lớn phải tiêm vắc-xin Vero Cell để có thể quay lại đi làm.
Hồi tháng trước, chính quyền thành phố nói với báo chí rằng người dân được quyền lựa chọn tiêm hay không tiêm vắc-xin Trung Quốc. Nhưng giờ đây, dường như lựa chọn này là gần như không thể với nhiều người, nhất là những lao động ngoại tỉnh đang còn ở lại thành phố và đã mất việc nhiều tháng nay do dịch bệnh.
*********************
Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất chiến lược sống chung với vi-rút Covid-19, mở cửa trở lại từ ngày 15/9
RFA, 03/09/2021
Thành phố Hồ Chí Minh để xuất chuyển từ chiến lược ‘khống chế tuyệt đối’ sang sống chung với vi-rút và mở cửa kinh tế trở lại từ ngày 15 tháng 9 sau nhiều tuần phong toả.
Chính quyền trung ương điều quân đội Thành phố Hồ Chí Minh để hỗ trợ công tác kiểm soát dịch, thực hiện lệnh phong tỏa, cấm người dân rời khỏi nhà. Hình AFP
Hãng thông tấn Reuters đưa tin hôm 3 tháng 8, dẫn nguồn đề xuất dự thảo của chính quyền địa phương. Theo kế hoạch chưa được phê duyệt, trung tâm kinh tế của Việt Nam với chín triệu người đang nhắm đến mục tiêu nối lại các hoạt động kinh tế theo từng giai đoạn, và tiêm phòng cho hơn 70% dân số đến cuối năm nay.
Dự thảo đề xuất Thành phố Hồ Chí Minh chuyển qua chiến lược ‘sống với vi-rút, tập trung vào việc phục hồi nền kinh tế, đồng thời duy trì các quy trình nghiêm ngặt về sức khỏe. Doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch sẽ được cấp các khoản vay lãi suất thấp và cắt giảm thuế.
Chính quyền trung ương vào tháng trước đã điều quân đội Thành phố Hồ Chí Minh để hỗ trợ công tác kiểm soát dịch, thực hiện lệnh phong tỏa, cấm người dân rời khỏi nhà.
Tính cho đến lúc này, chưa đầy 3% dân số khoảng 98 triệu người Việt Nam đã được tiêm chủng đầy đủ hai mũi vắc-xin. Việt Nam đặt mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho khoảng 70% dân số trong năm nay.
Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm thứ tư cảnh báo rằng Việt Nam có thể phải đối mặt với một trận chiến kéo dài và không thể dựa vào việc đóng cửa và cách ly vô thời hạn. Người đứng đầu Chính phủ cũng thừa nhận khả năng Việt Nam sẽ phải sống chung với Covid-19.
******************
Thành phố Hồ Chí Minh : Gần 3.500 doanh nghiệp ký thư kêu cứu vì ảnh hưởng Covid-19
RFA, 03/09/2021
Tính đến ngày 3/9/2021, đã có gần 3.500 doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Thành phố Hồ Chí Minh ký vào thư trực tuyến "kêu cứu" gửi đến Chính phủ vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Một con đường ít nhộn nhịp ở Thành phố Hồ Chí Minh hôm 20/8/2021 vì ảnh hưởng phong tỏa Covid-19 - Reuters
Truyền thông Nhà nước loan tin vào cùng ngày và cho biết đó là kết quả chỉ sau một tuần phát động phong trào ký thư trực tuyến của các doanh nghiệp nhằm kêu gọi Chính phủ sớm ban hành các quyết định cứu doanh nghiệp.
Các kiến nghị của các doanh nghiệp được chia làm ba hạng mục : người lao động, chính sách thuế - chi phí và tài chính - ngân hàng.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đề nghị Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp trong vòng 24 tháng với nguồn vay từ quỹ Bảo hiểm Xã hội hiện có hoặc các nguồn do Chính phủ kiểm soát.
Các doanh nghiệp cũng đề nghị hỗ trợ gói ưu đãi lãi suất tối thiểu 4% từ ngày 1/8/2021 đến 12 tháng sau khi công bố hết dịch.
Thư kêu cứu cũng đề nghị Chính phủ khoanh nợ và giãn nợ gồm cả nợ gốc và lãi đối với các doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động hoặc gặp khó khăn, không có khả năng thanh toán vì Covid-19.
Trong tám tháng đầu năm 2021, Thành phố Hồ Chí Minh đã có hơn 24 ngàn doanh nghiệp dừng kinh doanh (chiếm 28% cả nước, tăng 6,6% cùng kỳ năm 2020).
Thống kê từ Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp mới cho thấy trong tháng 8 năm 2021, chỉ có 5.761 doanh nghiệp mới đăng ký với số vốn gần 68 tỷ đồng. Đây là số liệu đăng ký thành lập và vốn đăng ký thành lập thấp nhất trong vòng năm năm trở lại đây.
Cục Quản lý đăng ký kinh doanh nhận định tình hình dịch Covid-19 phức tạp là nguyên nhân chính.
**********************
Bắt Bộ đội đi chợ ‘hộ’ dân : nhiệm vụ bất khả thi !
RFA, 30/0/2021
Kể từ khi chính quyền Việt Nam đưa quân đội vào Thành phố Hồ Chí Minh vào đầu tuần trước, với lý do giúp địa phương này chống dịch và giúp người dân đi chợ trên mạng xã hội, ngày càng nhiều hình ảnh bộ độ tìm hàng trong siêu thị bị người dân chế giiễu, than phiền về việc này.
Bộ đội Việt Nam tại một trạm kiểm soát ở Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 23 tháng 8 năm 2021. AFP
Trước phản ảnh của người dân thì báo chí nhà nước lại cho rằng ‘xuyên tạc hình ảnh người lính giúp dân chống dịch là hành vi gây chia rẽ’.
Chị Huỳnh Hằng, khi trả lời RFA hôm 30/8 nhận định :
"Ngay lúc này giúp dân là tốt nhưng không phải bất cứ điều gì quân đội cũng sẽ thay thế được, vụ đưa hàng là một quyết sách sai, đường phố Sài Gòn thì chằng chịt ngóc ngách chỉ dân Sài Gòn mới nắm được, nhận một đơn hàng không phải là chuyện dễ, phần thì ngôn ngữ vùng miền, hoàn toàn không đưa đến kết quả mong muốn.
Hôm nay lại đưa bộ đội đi giao báo đến cho dân, dân đang khát cơm, đang đói chứ không phải là báo, quân đội chỉ có thể giúp dân vòng ngoài, họ hỗ trợ những chuyến xe thực phẩm từ nơi khác về. Thứ nữa việc chuyển quân đội từ ngoài vào không khả thi, vì tốn kém và Sài Gòn lại nhận thêm một lượng lớn con người mà đáng ra cần phải giãn dân, tại sao không sử dụng lực lượng tại chỗ để giúp dân, xin đừng làm xấu đi hình ảnh của người lính nữa, mọi thứ đã không đạt được kết quả mong muốn. Trách nhiệm của quân đội là ở sa trường chứ không phải là xó chợ".
Sở dĩ có chuyện bộ đội đi chợ là do kể từ ngày 23/8/2021, Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu thực hiện lệnh phong tỏa ‘ai ở đâu, ở yêu đó’, các xã, phường, thị trấn đều phải cách ly với nhau chống dịch. Do đó, các shipper bị cấm hoạt động tại tám quận, huyện ở Sài Gòn và thành phố Thủ Đức.
Trả lời RFA từ Sài Gòn hôm 30/8, ông Trần Bang, một người dân ở Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết ý kiến của mình :
"Theo tôi, bộ đội mà đi giao nhu yếu phẩm cho 10 triệu người dân Thành phố Hồ Chí Minh là điều không thể. Nhưng không hiểu tại sao họ cứ đưa ra mà người khác lại không phản biện. Theo kinh nghiệm của tôi từng đi thi công, từng đi bộ đội thì cứ 25 người thì cần một người nấu ăn mà đơn vị là sống rất đơn giản đó, chứ không phức tạp như người dân Sài Gòn. Người thì hết thuốc tiêu chảy, người thì thuốc nhức đầu, người ăn kiêng món này món kia Như tôi mua thịt mấy siêu thị không có, thế thì sao bộ đội có thể đáp ứng được".
Ông Trần Bang khẳng định, chưa bao giờ bộ đội nuôi được dân, mà chỉ có thể dân nuôi bộ đội được thôi, từ trước đến nay đều như thế. Ông nói thêm :
"Còn bộ đội có thể giúp dân trong cao điểm, ví dụ giúp trong mùa gặt để tăng khí thế chỉ giúp được 10%, 20% là cùng, nhưng chủ yếu tạo ra tình quân dân, chứ không bảo đảm được nhu cầu của người dân. 10 triệu dân Thành phố Hồ Chí Minh thì cần bao nhiêu người đi chợ ? Mà người đi chợ lại không thông thạo, không chủ động nhận truyền đạt xong phải đi tìm, mà tìm ở nơi không rành, kể cả người của quân đoàn 4 và quân khu 7. Nhiệm vụ mà họ được huấn luyện là để sẵn sàng chiến đấu, để chống bạo động, chống ngoại xâm, bảo vệ dân".
Quân đội đưa thực phẩm đến nhà người dân ở Thành phố Hồ Chí Minh hôm 24/8/2021. Reuters.
Anh Thiệu, hiện đang sinh sống tại Sài Gòn, khi trả lời RFA hôm 30/8 cho rằng, khi xã hội có thảm họa thì đưa quân đội vào hỗ trợ cũng là hợp lý. Nhưng trong mùa dịch này, đưa quân đội vô đi chợ, làm shipper như báo chí tuyên truyền thì thật sự cũng có, nhưng đạt hiệu quả rất thấp. Anh nói tiếp :
"Mặc dù các em bộ đội đó thì mình cũng phải ghi nhận là nhiệt tình, gắng sức, nhưng thật sự rất lúng túng, không đạt hiệu quả, tốn kém Bởi vì các em không quen việc, không thông thạo địa bàn Sài Gòn Ngoài ra, những gói combo thực phẩm thì cao và bất hợp lý, nên đại đa số người dân không đồng tình, họ mong muốn rằng cứ để quân đội hỗ trợ những việc khác, ví dụ như lập bệnh việc dã chiến, tải thương, chở oxy chẳng hạn vô số việc để quân đội hỗ trợ. Còn việc đi chợ nên để shipper, vì họ làm chuyên nghiệp bao nhiêu năm nay rồi, rất hiệu quả".
Thực trạng vừa nêu cho thấy việc đảm bảo các nhu cầu thiết yếu cho người dân trước khi ban bố lệnh phong tỏa rõ ràng đã bộc lộ quá nhiều vấn đề, hiệu quả kém Rõ ràng chính quyền các cấp không thấy được trong dịch bệnh thì nhu cầu về cuộc sống hàng ngày chắc chắn dù có giảm nhưng cũng vẫn phải phải đảm bảo. Vậy thì tại sao lại không chuẩn bị trước ?
Tuy nhiên ông Trần Bang cũng nhìn nhận có những việc bộ độ giúp dân cũng hiệu quả, cần tiếp tục :
"Ví dụ như bộ đội giúp dân trong vấn đề thiêu xác, hay vận chuyển hài cốt một việc đấy đã là khó khăn lắm rồi Còn việc bao cấp đi chợ cho dân, nói ra là đã thấy không được, vì đó là người chưa có kinh nghiệp quản trị đơn vị nhỏ, chứ đừng nói đến đơn vị lớn. Chuyện này đã thất bại ngay từ đầu, tôi đã từng viết trên status ‘Để đáp ứng được nhu cầu đa dạng phong phú của 10 triệu người dân thì bao nhiêu người có thể đi chợ thay ? Các ông đã tính chưa ? Liệu những người này có thông thạo để đi chợ thay ?’ Chính vì thế mà người dân không tin, trước khi tăng cường giãn cách, người ta ồ ạt đến siêu thị vét hàng, dù đó vẫn là ngày giãn cách. Dẫn đến chuyện tụ tập quá đông người chỉ vì tin bộ đội vào thành phố để mua hàng. Theo tôi một tháng nữa sẽ có kết quả về lây nhiễm từ vụ đấy".
Cho đến tối ngày 29/8, Ủỷ ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh mới ban hành văn bản cho phép các shipper công nghệ sẽ được phép hoạt động tại tám khu vực vùng đỏ tại Sài Gòn gồm thành phố Thủ Đức, quận 8, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, Bình Chánh và Hóc Môn kề từ ngày 30/8.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, khi trả lời RFA hôm 30/8 cũng nhìn nhận nên để lực lượng shipper giao hàng cho dân :
"Shipper thì chuyên nghiệp bao lâu nay, người ta biết đường xá, biết chỗ giao hàng, người ta hiểu rõ về hàng hóa nên để shipper làm thì thuận lợi hơn nhiều so với những anh em khác, nhất là anh em bộ đội, họ không được đào tạo, và cũng không quen các hàng hóa này. Tôi rất mừng Thành phố Hồ Chí Minh đã kịp thời điều chỉnh và quyết định này (cho một số shipper hoạt động trở lại".
Theo nội dung văn bản UBND Thành phố Hồ Chí Minh mới ban hành, đối với shipper hoạt động ở tám khu vực vùng đỏ phải được tiêm ngừa ít nhất một mũi vắc-xin và phải xét nghiệm nhanh một ngày/lần theo mẫu gộp ba người, thời gian xét nghiệm hàng ngày vào lúc 5 – 6h sáng