Các hãng tư vấn đánh giá vụ Đinh La Thăng (BBC, 16/05/2017)
Hai cơ quan tư vấn kinh doanh quốc tế đặt tại Anh đưa ra nhận định ban đầu về sự kiện Đảng Cộng sản Việt Nam cảnh cáo ông Đinh La Thăng và buộc ông ra khỏi Bộ chính trị.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (trái) nói việc kỷ luật ông Đinh La Thăng mới chỉ 'về mặt Đảng'
IHS Global Insight hôm 15/5 nhận định tương lai chính trị của ông Đinh La Thăng "vẫn là dấu hỏi vì nhiều vụ điều tra hình sự PetroVietnam còn đang diễn ra". Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nói : "Đây mới là xử lý theo kết quả kiểm tra dấu hiệu vi phạm về mặt Đảng, còn về hình sự thì cơ quan chức năng đang làm, các vụ khác cũng đang làm".
'Quyết tâm của Đảng'
Hãng này cho rằng việc giáng chức ông Thăng "thể hiện quyết tâm của Đảng có hành động với quan chức đảng cao cấp và là sự cải thiện trong cuộc chiến chống tham nhũng".
Hãng này đã giảm bớt 0,1 trong điểm tham ô của Việt Nam xuống còn 3,2, đặt Việt Nam ngang với mức rủi ro như Thái Lan và Philippines.
Tuy vậy, IHS cũng cho rằng việc giáng chức ông Thăng, cũng như việc buộc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nghỉ hưu đầu năm 2016, "có lẽ cũng thể hiện nỗ lực chống tham nhũng có liên hệ đấu đá trong đảng, ở đó phe bảo thủ nhắm vào phe đổi mới thân thị trường, vì vậy nỗ lực này không phải là chống tham nhũng triệt để không phân biệt".
Ngoài ra, IHS nói "không có dấu hiệu nhà nước định giải quyết các vấn đề cấu trúc mà sẽ giúp cải thiện đáng kể hiệu quả chống tham nhũng về lâu dài".
Cụ thể, các vấn đề này là sự kiểm soát của Đảng với tòa án và công an, thiếu tự do truyền thông.
IHS cũng chỉ ra Ban phòng, chống tham nhũng trước đây do Thủ tướng đứng đầu, nhưng sau được chuyển từ Chính phủ sang Đảng chỉ đạo.
"Không có dấu hiệu là ban này sẽ được chuyển thành một cơ quan độc lập mà sẽ giúp tăng khả năng chống tham nhũng của Việt Nam", theo IHS.
'Cảnh cáo mạnh mẽ'
Trong khi đó, Economist Intelligence Unit (EIU), thuộc tạp chí The Economist, hôm 9/5 cho rằng việc Đảng kỷ luật ông Thăng "trên thực tế chấm dứt sự nghiệp chính trị hứa hẹn" của ông.
EIU nói : "Về ngắn hạn, có rủi ro là các nhân vật to khác sẽ là đối tượng bị điều tra và kỷ luật trong khi ông Nguyễn Phú Trọng cố gắng phục hồi uy tín và đạo đức của Đảng".
"Tuy vậy, nói chung, EIU không cho rằng đây sẽ khởi đầu một cuộc thanh lọc lớn hơn, mà chỉ là cú cảnh cáo mạnh mẽ cho những đối thủ chính trị của ông Trọng".
Trong một dự báo khác công bố hôm 12/5, EIU nói Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ "dẫn dắt một giai đoạn tiếp tục giải phóng về kinh tế".
"Nhịp độ của các nỗ lực này sẽ được cân đo để tránh lặp lại những bất cân đối trong kinh tế vĩ mô trong những năm theo sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-09".
EIU chỉ ra vai trò của các hiệp định thương mại quốc tế
Việc thực hiện thỏa thuận Cộng đồng Kinh tế Asean (AEC), hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc, Cộng đồng kinh tế Á Âu và hiệp định với EU sẽ diễn ra trong 4, 5 năm tới.
Những hiệp định này sẽ càng quan trọng cho Việt Nam sau khi TPP thất bại với việc Mỹ rút ra.
**********************
Thành lập đoàn kiểm tra luân chuyển cán bộ đảng (RFA, 16/05/2017)
Bộ chính trị vừa công bố quyết định thành lập 5 đoàn kiểm tra về quy hoạch và luân chuyển cán sự đảng.
Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (thứ hai, phải), Nông Đức Mạnh (thứ nhất, trái) tại Hà Nội vào ngày 20 háng 1 năm 2016. AFP photo
Tin Việt Nam ngày 16/5 cho biết các đoàn này cũng sẽ kiểm tra việc thực hiện quy chế bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử. Theo đó 12 tổ chức đảng sẽ được kiểm tra.
Bản tin trích dẫn lời Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết việc quy hoạch và luân chuyển cán bộ trong thời gian qua đã đạt được những bước tiến nhất định.
Tuy nhiên vẫn còn nhiều khuyết điểm cần khắc phục chẳng hạn như việc quy hoạch chưa xuất phát từ năng lực thực tiễn của người cán bộ, việc luân chuyển cán bộ chưa dựa trên đánh giá hay việc giới thiệu cán bộ ứng cử còn mắc nhiều sai phạm.
Được biết, các đoàn này sẽ kiểm tra 10 tỉnh và 5 bộ, ngành Trung ương.
*****************
Sau Bộ Công Thương, đến lượt Bộ Xây Dựng ? (RFA, 16/05/2017)
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí trước đây. File photo
Bộ chính trị Ban chấp hành trung ương đảng cộng sản Việt Nam đã quyết định lập đoàn kiểm tra công tác cán bộ tại Bộ Xây Dựng, sau khi có những thông tin về tình trạng bổ nhiệm cán bộ tại cơ quan nhà nước này.
Theo tin của thông tấn xã Việt Nam, sáng thứ Ba 16/5 Bộ chính trị đã công bố quyết định thành lập đoàn kiểm tra mang bí số 471 do Ủy viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm trưởng đoàn. Bộ chính trị nhấn mạnh yêu cầu làm rõ quy chế dân chủ và công khai trong công tác quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ tại Bộ Xây Dựng trong thời gian qua.
Phát biểu với báo chí về nội dung kiểm tra, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết : Thời gian qua, công tác luân chuyển cán bộ đã được Trung ương và các địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Tuy nhiên, thực trạng dễ dãi, thiếu chặt chẽ trong quy hoạch, đề bạt, luân chuyển cán bộ thời gian qua, qua kiểm tra cho thấy một số vụ việc sai phạm nghiêm trọng kể cả ở Trung ương, địa phương đã gióng lên hồi chuông báo động.
Ông Vương Đình Huệ yêu cầu việc kiểm tra phải đánh giá một cách đầy đủ, làm rõ quy chế dân chủ và công khai trong công tác quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ tại Bộ Xây dựng. Theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ : "Nếu không công khai, minh bạch vấn đề này thì dù có thực hiện đúng quy chế, quy trình cũng dễ gây bức xúc, khúc mắc trong cán bộ, đảng viên. Tình trạng "đúng quy trình" mà vẫn cứ sai, rồi đúng quy trình mà không có kết quả tốt như nhiều trường hợp gây bức xúc dư luận vừa qua".
Ngay sau khi có tin Bộ chính trị lập đoàn kiểm tra công tác bổ nhiệm cán bộ tại Bộ Xây Dựng, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà – Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Xây dựng nói rằng : "Mỗi lần được kiểm tra, Bộ luôn coi là một lần để tự đánh giá, tự rà soát, kiểm soát về công tác của mình để hoạt động của Bộ ngày càng tốt hơn".
Theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, "công tác cán bộ thời gian qua được Bộ Xây Dựng thực hiện hết sức nghiêm túc, nhất là việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai minh bạch".
Tuy nhiên, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cũng nhìn nhận : "Bên cạnh kết quả đạt được, công tác cán bộ tại Bộ Xây Dựng cũng còn những điểm hạn chế, việc bổ nhiệm cán bộ có trường hợp không nằm trong quy hoạch ; một số trường hợp cán bộ chủ chốt yếu kém, có việc mất đoàn kết nội bộ nhưng chậm được xem xét, xử lý, gây tâm tư trong cán bộ, đảng viên".
Theo chỉ thị của Bộ chính trị, đoàn kiểm tra phải nộp báo cáo kết quả thanh tra lên Trung ương Đảng trước ngày 30/6/2017.
Nhắc lại, trong thời gian vừa qua, trung ương đảng đã kiểm tra những sai phạm tại Bộ Công Thương thời Bộ Trưởng Nguyễn Huy Hoàng. Sau đó Bộ chính trị đã áp dụng các hình thức kỷ luật đối với nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Ủy viên Bộ chính trị Đinh La Thăng, phát lệnh truy nã ông Trịnh Xuân Thanh, v.v…