Chính phủ duyệt mua 20 triệu liều Vero Cell theo các điều kiện đặc biệt cho Trung Quốc
RFA, 23/09/2021
Ngày 21/9, Chính phủ Việt Nam đã có Nghị quyết cho phép áp dụng hình thức chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt đối với việc mua 20 triệu liều vắc-xin Vero Cell của hãng Sinopharm (Trung Quốc). Truyền thông Nhà nước loan tin này hôm 22/9.
Vắc-xin của hãng Sinopharm - Reuters
Đáng chú ý là các điều kiện áp dụng cho việc mua 20 triệu liều vắc-xin này bao gồm : Chấp thuận điều khoản miễn trừ trách nhiệm đối với các khiếu nại phát sinh từ hoặc liên quan đến vắc-xin hoặc việc sử dụng vắc-xin ; chấp nhận phương thức thanh toán theo các điều khoản trong hợp đồng ; chấp nhận không có nội dung về bảo lãnh tạm ứng, bảo lãnh thực hiện hợp đồng.
Cũng theo Nghị quyết, việc ký kết, hiệu lực, giải thích, thực hiện và giải quyết tranh chấp của hợp đồng áp dụng theo luật pháp của Trung Quốc. Trường hợp không giải quyết được, tranh chấp do Ủy ban Trọng tài thương mại và kinh tế quốc tế Trung Quốc tại Bắc Kinh (Trung Quốc) phán quyết.
Cho đến lúc này, Việt Nam đã chính thức nhập về 5,7 triệu liều vắc-xin Vero Cell bao gồm năm triệu liều do Thành phố Hồ Chí Minh mua riêng và 700.000 liều là do Bắc Kinh viện trợ.
Ngoài ra, Bắc Kinh cũng hứa sẽ viện trợ cho Việt Nam thêm năm triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 nữa.
Ngoài nhận viện trợ vắc-xin từ Trung Quốc, Việt Nam cũng đã nhận sáu triệu liều vắc-xin từ Mỹ qua chương trình Covax của WHO, và 3,58 triệu liều vắc-xin từ Nhật Bản.
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga hôm 23/9 cam kết sẽ viện trợ 60 triệu liều vắc-xin cho các nước, gấp đôi con số cam kết đưa ra trước đó.
Nhiều người dân Việt Nam hiện không tin tưởng về hiệu quả và chất lượng của vắc-xin Vero Cell của Trung Quốc. Trên thực tế, đã có trường hợp người dân ở Thành phố Hồ Chí Minh bỏ tiêm khi nghe thông báo sẽ được tiêm loại vắc-xin này.
***********************
Buộc dân ký cam kết nếu không tiêm vắc-xin Covid-19 : ‘vô bổ và phi pháp’
RFA, 22/09/2021
"Đối với những trường hợp trong độ tuổi nhưng từ chối tiêm chủng, yêu cầu người dân ký cam kết với UBND phường về việc không tiêm chủng, nêu rõ lý do và cam kết chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật nếu là nguyên nhân làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng".
Một người dân Hà Nội chích vắc-xin AstraZeneca Covid-19 vào ngày 10 tháng 9 năm 2021. Nhac Nguyen / AFP
Đó là nội dung văn bản thông báo của phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai - Hà Nội, vào cuối tuần qua. Ông Tạ Văn Hải - Phó Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt khi trả lời báo chí nhà nước cũng đã xác nhận thông tin này.
Ông Trần Bang, một người bất đồng chính kiến khi trả lời RFA từ Sài Gòn hôm 22/9, cho biết ý kiến của mình :
"Giấy bắt dân không chích vắc-xin phải chịu trách nhiệm thật buồn cười, không theo chuẩn mực và luật lệ nào. Vì quyền chích cái gì vào người ta là do chính người đấy quyết định, không phải người khác quyết định, đó là quyền của mỗi người. Ngay cả người ta bị bệnh nặng, khi bác sĩ chỉ định mổ, thì người ta phải đồng ý thì bác sĩ mới được mổ. Đấy là cái quyền, chứ chích vào người ta rồi sau này điều tra ra do vắc-xin đó mà người ta chết thì ai chịu trách nhiệm. Thứ hai, trong giai đoạn mười mấy ngàn người chết vì không được chích vắc-xin, không có vắc-xin để chích và không có thuốc để điều trị đúng thì ai chịu trách nhiệm ? Điều đó nó ngược, chính quyền phải lo sức khỏe cho dân, còn chích thuốc vào người hay không là quyền của người ta".
Giải thích với báo chí về việc ra thông báo như vừa nêu, Phó Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt - Tạ Văn Hải cho biết, mục tiêu chính của việc ra văn bản là tuyên truyền để người dân biết và đến thực hiện tiêm chủng vắc xin Covid-19. Đối với yêu cầu dân ký cam kết, ông Hải giải thích mục đích của phường là nắm bắt lý do vì sao người dân không tiêm.
Để tìm hiểu về mặt pháp luật đối với văn bản yêu cầu dân ký cam kết chịu trách nhiệm nếu không tiêm vắc-xin, RFA hôm 22/9 liên lạc Luật sư Đặng Đình Mạnh, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh, và được ông giải thích :
"Về phương diện pháp lý, có thể nhận định được ngay hai vấn đề :
1. Việc tiêm ngừa vắc-xin Covid-19 hiện nay hoàn toàn đặt trên cơ sở tự nguyện. Không có quy định bó buộc từ phía chính quyền. Theo đó, người dân có quyền quyết định tiêm ngừa hay không.
2. Việc làm lây lan dịch bệnh là một điều cấm của luật pháp, đã được quy định thành một tội danh hình sự".
Thế nên theo Luật sư Đặng Đình Mạnh, việc UBND Phường Hoàng Liệt - Quận Hoàng Mai yêu cầu người dân ký cam kết nếu từ chối tiêm ngừa Covid-19 và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu là nguyên nhân làm lây lan dịch bệnh là động thái thừa, không cần thiết và cũng không hợp pháp. Luật sư Mạnh cho biết tiếp :
"Vì hai lẽ :
1. Không có quy định nào buộc người không tiêm vắc-xin phải cam kết về hậu quả cả.
2. Nếu gây hậu quả, vi phạm mà không có cam kết, thì thật ra hành vi vi phạm vẫn bị khởi tố bình thường.
Trong thực tế, sau khi dịch bùng phát từ gần hai năm nay, thì khá nhiều công dân đã bị khởi tố, xét xử về tội danh này và chẳng ai trong số họ có cam kết gì cả".
Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng, đa phần người dân không tiêm vắc-xin vào thời điểm này chủ yếu là do tâm lý ngán ngại đối với vắc-xin sản xuất từ Trung Quốc mà thôi. Nếu nguồn vắc-xin dồi dào, người dân có quyền lựa chọn vắc-xin thì số người phân vân tiêm vắc-xin sẽ không nhiều như hiện nay nữa.
Một y tá chuẩn bị tiêm một liều vắc-xin Sinopharm Covid-19 tại Hà Nội vào ngày 10/9/2021. Nhac Nguyen / AFP.
Năm triệu liều vắc-xin Vero Cell của Sinopharm–Trung Quốc do tập đoàn Vạn Thịnh Phát tài trợ toàn bộ chi phí mua, đã được tập đoàn này chuyển đến Ủy ban Nhân dân (UBND) Thành phố Hồ Chí Minh để tiêm chủng cho người dân vào ngày 9/8. Tuy nhiên, nhiều người dân Thành phố Hồ Chí Minh cho RFA biết họ từ chối tiêm vắc-xin của Trung Quốc cho dẫu có bị phạt vì nghi ngờ chất lượng và độ an toàn của vắc-xin do Trung Quốc sản xuất.
Sau đó, truyền thông Nhà nước Việt Nam cho biết UBND thành phố Hải Phòng đã có công văn gửi Bộ Y tế và UBND Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị được mượn tạm 500.000 liều vắc-xin Sinopharm để tiêm cho những đối tượng ưu tiên. Đến ngày 30/8, Thành phố Hồ Chí Minh lại tiếp tục nhường lại một triệu liều vắc-xin Sinopharm cho tỉnh Bình Dương.
Tính đến ngày 1/9/2021, Việt Nam đã nhập về tổng cộng 5.700.000 liều vắc-xin Trung Quốc, trong đó gồm 500 ngàn liều đầu tiên là do Trung Quốc tặng có điều kiện, 200 ngàn liều do Bộ quốc phòng Trung Quốc tặng Bộ quốc phòng Việt Nam và năm triệu liều còn lại là do công ty Vạn Thịnh Phát đặt mua.
Ông Đặng Phước, một facebooker quan tâm tình hình Việt Nam, khi trả lời RFA cho rằng, việc tiêm vắc xin là tự nguyện chứ không thể bắt buộc được. Và mẫu giấy cam đoan ‘chịu trách nhiệm nếu không tiêm vắc-xin Covid-19’ do phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội soạn thảo đem thực hiện là vi hiến ! Ông đưa ra dẫn chứng :
"Theo khoản 1, khoản 3 Điều 20 - Hiến pháp 2013 qui định : ‘Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm ; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Việc thử nghiệm y học, dược học, khoa học hay bất kỳ hình thức thử nghiệm nào khác trên cơ thể người phải có sự đồng ý của người được thử nghiệm’".
Vì thế, theo ông Đặng Phước, sau vụ việc nhập năm triệu liều vắc-xin Sinophram vào Sài Gòn bị làn sóng dư luận kịch liệt đòi tẩy chay Bộ Y tế đã lên tiếng rằng số vắc-xin này do Thành phố Hồ Chí Minh tự mua, không phải của Bộ Y tế mua. Đến ngày 3/8/2021, khi trả lời phỏng vấn báo chí nhà nước, ông Phó chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức đã khẳng định ‘tiêm vaccine Covid-19 tự nguyện mới tiêm’. Ông Đặng Phước cho rằng, điều ông Đức nói là chính xác !
Nhân chuyến thăm Việt Nam hôm 10/9, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị công bố Trung Quốc sẽ viện trợ thêm cho Việt Nam ba triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19, đưa tổng số liều vắc-xin ngừa Covid mà Bắc Kinh viện trợ cho Việt Nam lên 5,7 triệu liều.
Cũng trong ngày 10/9, Bộ Y tế Việt Nam đã quyết định phê duyệt có điều kiện vắc-xin Hayat-Vax của Trung Quốc cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đây là vắc-xin thứ bảy được phê duyệt khẩn cấp ở Việt Nam cho phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, khác với vắc-xin Vero Cell của Sinopharm sản xuất ở Trung Quốc, vắc-xin Hayat-Vax không nằm trong danh sách vắc-xin được dùng khẩn cấp được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt.