Một người dân ở thôn 3, xã Hà Lâm, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng bị công an xã đánh đến chết hôm 24/9 vừa qua, theo cáo buộc của người thân và những người dân chứng kiến sự việc. Tuy nhiên, truyền thông Nhà nước chỉ cho biết người này chết sau khi được mời lên làm việc tại đồn công an xã.
Báo Thanh Niên
Nạn nhân là ông Phan Văn Lan (49 tuổi). Theo báo Thanh Niên, vào ngày 24/9, ông Lan có lời qua tiếng lại với công an khi lực lượng này lập biên bản xử phạt đối với một tài xế xe tải luồng xanh vi phạm quy định phòng chống dịch Covid-19 "một cung đường, 2 điểm đến".
Vào 9 giờ cùng ngày, ba công an xã đã tới nhà ông Lan phát giấy mời, yêu cầu ông Lan lên trụ sở công an xã làm việc. Theo báo Thanh Niên, ông Lan khi làm việc với công an xã tại nhà đã có hơi men trong người. Ông Lan tiếp tục có những lời lẽ xúc phạm công an và bị đưa về trụ sở công an xã.
Sau đó, người thân của ông Lan nhận tin ông tử vong trên đường đưa đến bệnh viện cấp cứu trong cùng ngày.
Tuy nhiên, trên mạng Facebook, người thân của gia đình ông Lan cho biết, ông Lan đã bị công an xã đánh đến hộc máu mồm ngay tại nhà riêng của ông Lan trước khi ông bị đưa lên đồn.
Sau đó, cũng theo người nhà nạn nhân, ông Lan tiếp tục bị công an đánh đập tại đồn công an. Người thân được tin, yêu cầu được đưa ông đi bệnh viện nhưng công an không cho. Chỉ đến chiều cùng ngày, công an mới cho gia đình đưa ông Lan đi bệnh viện cấp cứu nhưng ông đã tử vong trên đường đến bệnh viện.
Theo báo Thanh Niên, việc khám nghiệm hiện trường và tử thi đã được hoàn tất vào chiều ngày 25/9. Gia đình cũng tổ chức đám tang cho ông Lan vào cùng ngày.
Ông Phan Văn Thuần, anh trai nạn nhân, cho báo Thanh Niên biết, ông chứng kiến và ghi nhận trực tiếp công tác khám nghiệm tử thi. Ông Thuần khẳng định ông Lan có nhiều thương tích.
Theo thông tin trên trang Facebook người nhà nạn nhân, khám nghiệm tử thi cho thấy ông Lan bị "dập não, gẫy ba xương sườn, gẫy răng".
Các hình ảnh và video đăng lên Facebook của người nhà nạn nhân cũng cho thấy đầu và người của ông Lan bị nhiều vết thâm tím, chảy máu.
Tuy nhiên, status và hình ảnh này sau khi đăng lên Facebook và được 30 nghìn lượt chia sẻ đã bị Facebook gỡ xuống chỉ trong vòng một ngày vì vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng.
Bà Đỗ Thị Tuyết Thu, vợ nạn nhân, được báo Nhà nước trích lời nói : "Tôi rất bức xúc trước cái chết của chồng mình, mong cơ quan chức năng sớm làm rõ nguyên nhân…".
Theo báo Nhà nước, hiện Công an tỉnh Lâm đồng cùng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đang tiếp tục điều tra nguyên nhân ông Lan tử vong.
Tình trạng người dân bị chết tại đồn công an hay tại nơi tạm giam xảy ra khá phổ biến thời gian gần đây và đã được truyền thông Nhà nước loan tải. Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp đều được chính quyền xác định là do tự tử mà chết.
Hồi tháng 1 năm nay, một nghi phạm liên quan đến một vụ gây rối trật tự công cộng đã tử vong khi bị tạm giam ở trại giam Chí Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh. Gia đình nạn nhân được thông báo nạn nhân tự tử chết nhưng thi thể nạn nhân lại có nhiều vết bầm tím.
Đại diện Bộ Công an Việt Nam trong một lần giải trình trước Liên Hiệp Quốc hồi năm 2019 về việc thực thi Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự & Chính trị, nói rằng nguyên nhân dẫn đến tử vong trong các cơ sở giam giữ của Việt Nam có thể là do "phạm nhân day dứt, dằn vặt về hành vi phạm tội của mình dẫn đến bi quan mà tự tử".