Fanpage 'Save Tam Đảo' biến mất khỏi Facebook
Nguyễn Trang Nhung, RFA, 25/09/2021
Fanpage 'Save Tam Đảo' tại địa chỉ facebook.com/savetamdao.vn đã biến mất khỏi Facebook vào hôm qua, 24/9.
Tác động xấu về môi trường của dự án Tam Đảo 2 của Sun Group - Save Tam Đảo
Save Tam Đảo là chiến dịch bảo vệ Vườn Quốc gia Tam Đảo khỏi sự đe dọa của một dự án bất động sản nghỉ dưỡng của tập đoàn Sun Group.
Dự án có tên 'Khu Du lịch Sinh thái Tam Đảo 2 – Bến Tắm – Thác 75', được khởi công vào tháng 12/2016, bao gồm các hạng mục chính như công viên, vườn thực vật, triển làm nghệ thuật, các khu vui chơi giải trí, các khu du lịch tâm linh, v.v. [1].
Mặc dù dự án được khởi công cách đây 5 năm, nhưng báo cáo đánh giá tác động của môi trường, nếu có, không hề được công bố. Trong khi đó, các thông tin và hình ảnh được đăng trên fanpage Save Tam Đảo cho thấy các tác động xấu về môi trường của dự án này.
Sự biến mất của Save Tam Đảo khỏiFacebook là điều đã được dự đoán, khi fanpage này bị khóa vài lần gần đây, mà một nguyên nhân, theo Green Trees, là một hình ảnh Vườn quốc gia Tam Đảo trên fanpage cho thấy sự cố sạt lở và rửa trôi đất từ việc san ủi con đường vào dự án [2].
Trong một phóng sự của RFA [3], Trung Phi, quản trị viên của Save Tam Đảo, cho biết một số hình ảnh về dự án tại Vườn quốc gia Tam Đảo trên fanpage bị báo cáo vi phạm bản quyền, mặc dù đó là những hình ảnh được chụp bởi chính mình và các thành viên của Save Tam Đảo.
Theo Trung Phi, báo cáo vi phạm bản quyền hình ảnh là sự tấn công có chủ đích của một nhóm người rất chuyên nghiệp, mà có thể là do Sun Group đứng sau. Fanpage đã bị tấn công bằng báo cáo vi phạm bản quyền hình ảnh một số lần trong tháng Tám.
Nghi ngờ của Trung Phi hẳn nhiên là hợp lý, bởi Sun Group, với tư cách chủ dự án, sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên và trực tiếp về lợi ích khi một chiến dịch như Save Tam Đảo tồn tại. Hơn nữa, Sun Group có thừa nguồn lực để thực hiện bất cứ tấn công nào vào một chiến dịch quy mô chưa lớn (nếu không phải là nhỏ) như Save Tam Đảo.
Không rõ liệu fanpage Save Tam Đảo có khả năng được khôi phục hay không, và các quản trị viên đã lên phương án dự phòng cho fanpage như thế nào. Có điều, trong cùng ngày 24/9, một fanpage mới cùng tên tại địa chỉ facebook.com/BaoVeRungTamDao đã được tạo ra, song không giống cho lắm với fanpage cũ, khi video clip vốn có tên 'Tiếng kêu cứu của Vườn Quốc Gia Tam Đảo' tuy được đăng nhưng mất tiếng ở đoạn có thông điệp quan trọng [4].
Tại một kênh khác, Telegram, page Save Tam Dao t.me/s/savetamdao được tạo vào ngày 20/9 có vẻ thật hơn, khi đăng nhiều hình ảnh cho thấy tác động xấu về môi trường của dự án của Sun Group, trong đó bao gồm hình ảnh trên fanpage Save Tam Đảo bị báo cáo vi phạm bản quyền.
Sự biến mất của Save Tam Đảo khỏiFacebook cho thấy các hoạt động bảo vệ môi trường trên không gian mạng đã, đang và sẽ còn bị ngăn chặn bởi những bàn tay thô bạo, trực tiếp hay gián tiếp liên quan đến các nhóm lợi ích, và các chiến dịch bảo vệ Tam Đảo nói riêng và môi trường nói chung còn những chặng đường rất dài phía trước.
Nguyễn Trang Nhung
Nguồn : RFA, 25/09/2021
Chú thích :
[1] Khởi công Khu du lịch sinh thái Tam Đảo 2
[2] Hình ảnh VGQTĐ mà theo Green Trees, là nguyên nhân khiến Save Tam Đảo bị khóa 2 lần trước khi biến mất khỏiFacebook
[3] Nghi ngờ khi Fanpage "Save Tam Đảo" bị chặn
[4] Video clip 'Tiếng kêu cứu của Vườn Quốc Gia Tam Đảo' với một đoạn bị mất tiếng
*********************
Vụ án Ethanol Phú Thọ : Công ty Mai Phương đòi trả lại khu biệt thự Tam Đảo
RFA, 24/09/2021
Tòa án Nhân dân Cấp cao Hà Nội vào ngày 27/9 tiến hành xét xử phúc thẩm vụ án Ethanol Phú thọ theo đơn kháng cáo của sáu bị cáo và đơn bổ sung yêu cầu trả lại 3.400m2 lô đất biệt thự tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc, củaCông ty trách nhiệm hữu hạn đầu tưMai Phương. Báo chí Nhà nước Việt Nam đưa tin hôm 24 tháng 9.
Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm. Courtesy of Hà Nội Mới
Cụ thể, sáu bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt hoặc hưởng án treo. Riêngcông ty Mai Phương đệ đơn yêu cầu trả lại khu đất 3.400 m2 tại Tam Đảo mà Tòa Án Nhân Dân đã tuyên cho Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) trong bản án sơ thẩm, vì khu đất nàythuộc quyền sở hữu của công ty Mai Phương.
Công ty Mai Phương cho rằng, Tòa án cấp sơ thẩm đã ra quyết định không đúng pháp luật làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của Mai Phương. Hơn nữa, PVC không có yêu cầu quyền chủ sở hữu với lô đất nói trên tại Tam Đảo.
Năm 2010, Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tổng Công ty PVC và Đỗ Văn Hồng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc PVC Kinh Bắc bàn bạc mua lô đất 3.400 m2 là khu biệt thự tại Tam Đảo, bằng tiền tạm ứng trái quy định của PVC. Năm 2011, PVC bán lại lô đất đó cho công ty Mai Phương.
Trong đơn kháng cáo, Công ty Mai Phương khẳng định PVC chỉ yêu cầu Tòa án buộc Trịnh Xuân Thanh và Đỗ Văn Hồng bồi thường cho PVC số tiền hơn 13 tỷ đồng là số tiền bị thiệt hại do hành vi tạm ứng tiền và góp vốn trái quy định, không tranh chấp quyền sở hữu và quyền sử dụng đất đối với lô đất tại Tam Đảo.