Ông Nguyễn Minh Cường - Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB khi trả lời báo chí Nhà nước hôm 28/9 cho rằng, Việt Nam đang lo bảo toàn ngân sách nhiều hơn là đầu tư cho tăng trưởng, thể hiện ở việc chi tiêu của Chính phủ Việt Nam dành cho an sinh xã hội hiện còn ở mức khiêm tốn. Trong khi theo ADB, ngân sách Việt Nam vẫn thặng dư, trần nợ công của Việt Nam sau đánh giá chỉ ở mức 44% GDP - thấp nhất trong khu vực.
Công nhân đeo khẩu trang khi làm việc tại nhà máy may mặc Maxport ở Hà Nội ngày 21 tháng 9 năm 2021. Nhac NGUYEN / AFP
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, khi trao đổi với RFA hôm 29/9, nhận định :
"Tôi nghĩ rằng ngân sách Việt Nam hiện rất khó khăn, chứ không phải Việt Nam muốn bảo toàn ngân sách. Bởi vì khó khăn như vậy nên Việt Nam không thể nào lại có các gói cứu trợ từ ngân sách một cách quá hào phóng được. Đấy là lý do thực, chứ không phải là Việt Nam muốn bảo vệ ngân sách. Nếu ADB nói như vậy thì Việt Nam sẽ phải tăng nợ công lên, phát hành trái phiếu chính phủ ở mức độ rất cao... để có thể trợ giúp cho nền kinh tế".
ADB dẫn chứng thông tin từ các quốc gia khác trong khu vực, trong bối cảnh của dịch bệnh, đã sẵn sàng đẩy mạnh chi tiêu của Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Đơn cử như Thái Lan đã nâng trần nợ công lên 60% - 70% để đảm bảo nguồn lực cho nền kinh tế hồi phục và phát triển. Hiện các quốc gia này theo ghi nhận của ADB, đều có các mức tăng trưởng mạnh mẽ.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, việc tăng nợ công và phát hành trái phiếu chính phủ ở mức độ cao là một bước đi mạo hiểm. Ông Doanh cho rằng, sắp tới đây Quốc hội sẽ phải xem xét việc này. Ông nói tiếp về nhận định của ADB :
"Đó là thông tin của Ngân hàng ADB, còn thông tin tôi có trong tay thì ngân sách không lạc quan như thế, nhưng tôi không có thẩm quyền công bố những con số đó. Tôi ủng hộ thái độ thận trọng của Chính phủ Việt Nam trong việc mạnh tay hơn trong việc sử dụng những công cụ từ ngân sách để trợ cấp cũng như cứu trợ kinh tế. Theo tôi, hiện nay nên làm từng bước nhỏ và thăm dò, trên cơ sở đó sẽ tìm một cách cân bằng có tính chất an toàn hơn".
Theo ADB, tổng nợ công/GDP của Việt Nam hiện đang ở mức thấp, Chính phủ Việt Nam có thể huy động thêm các nguồn vay mới, thông qua các tổ chức quốc tế. ADB cho rằng, các nguồn vốn này hoàn toàn rẻ nhưng Chính phủ Việt Nam vẫn chưa tận dụng.
Trước đó, vào ngày 22/9, ADB công bố báo cáo triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam 2021 - 2022, trong đó hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam xuống 3,8%, thấp hơn dự báo gần nhất là 5,8%.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng độc lập, với hơn 30 năm kinh nghiệm làm trong ngành tài chính ngân hàng tại Mỹ, Đức và Việt Nam, khi trả lời RFA hôm 29/9, cho biết ông thật sự không nắm rõ về nguồn lực tài chính của Chính phủ tại thời điểm này, do không có thông tin công khai từ Chính phủ :
"Ở trong nước thì có rất nhiều nguồn tin trái ngược nhau. Theo ADB thì Chính phủ còn rất nhiều ngân sách, trong khi Bộ trưởng Tài chính trong một cuộc họp nói nguồn lực ngân sách không còn nhiều. Chúng ta cũng đã biết, đầu năm, Chính phủ có gói 26 nghìn tỷ để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, gói đó cho đến nay cũng không biết đã thực hiện được bao nhiêu %.... chỉ biết 26 nghìn tỷ này khiêm tốn so với số doanh nghiệp khó khăn và người lao động mất việc. Vài ngày trước đây, Quốc hội cũng đề nghị một gói 3.000 tỷ hỗ trợ lãi suất 3% đến 4% cho doanh nghiệp vay ngân hàng. Nói thật ra thì gói đó rất nhỏ, vì tổng dư nợ của cả hệ thống ngân hàng hiện khoảng 9,8 triệu tỷ đồng... trong khi gói hỗ trợ 3.000 tỷ hỗ trợ cho khoảng 100 ngàn tỷ dư nợ... chỉ khoảng 1% tổng dư nợ của cả hệ thống ngân hàng".
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, các gói hỗ trợ vừa qua của Chính phủ là quá nhỏ bé, dù tất nhiên có còn hơn không. Ông Hiếu nói tiếp :
"Tôi thì không thể nhận định được ADB có những bằng chứng gì cho thấy Chính phủ Việt Nam quan tâm hơn đến ngân sách hiện tại, thay vì hồi phục nền kinh tế. Nhưng rõ ràng, ngân sách của Chính phủ thì eo hẹp lắm, nếu không bảo toàn mà nó xuống bằng âm thì rất nguy hiểm. Thành ra tôi nghĩ trong nguồn lực hiện có rất eo hẹp thì bảo toàn là quan trọng".
Tuy nhiên theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, vấn đề hồi phục nền kinh tế cũng vô cùng quan trọng. Vì nếu nền kinh tế mà không phục hồi thì tất cả những thành quả của nền kinh tế Việt Nam trong mấy chục năm vừa qua dù không bị xóa sổ, nhưng có thể sẽ bị suy giảm rất nhiều.
Còn Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ, khi trả lời RFA từ Na Uy hôm 29/9 thì cho rằng, muốn bảo toàn tăng trưởng thì trước hết nền kinh tế phải nhanh chóng quay trở lại hoạt động một cách bình thường. Ông nói tiếp :
"Để đạt được điều đó thì Chính phủ phải có một chính sách hiệu quả về sức khoẻ cộng đồng, nhằm đảm bảo việc lây nhiễm nằm trong vòng kiểm soát và hạn chế số người chết. Song song đó thì cần có chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp để họ có thể vượt qua được giai đoạn khó khăn này. Và khi mà nền kinh tế quay trở lại hoạt động bình thường, Chính phủ có thể thực hiện các biện pháp khác nhau nhằm kích thích nền kinh tế tuỳ vào điều kiện nền kinh tế trong nước lúc bấy giờ. Như vậy, việc chi tiêu lúc này phải ưu tiên phòng chống dịch bệnh một cách có hiệu quả và hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Chính phủ phải có trách nhiệm huy động mọi nguồn lực có thể".
Tổng Cục thống kê Việt Nam dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ chỉ ở mức 2,5% trong năm nay, thấp hơn nhiều so với mục tiêu chính thức là 6,5%. Nguyên nhân vì các chính sách chống Covid-19 cứng rắn đã tác động đến hầu hết mọi ‘ngóc ngách’ của nền kinh tế nước này.
Theo Bloomberg, tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam trong quý ba đã giảm 6,17% so với cùng kỳ năm ngoái, là mức giảm mạnh nhất kể từ khi quốc gia Đông Nam Á này bắt đầu ghi nhận số liệu hàng quý vào năm 1986. Đây là lần đầu tiên Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng hàng quý âm kể từ năm 2000.
Hiện có khoảng 94% công ty của Việt Nam đang gặp khó khăn vì chính quyền ra lệnh đóng cửa các nhà máy nếu họ không thể sắp xếp chỗ ăn, ngủ cho công nhân tại nơi làm việc. Việc đóng cửa các trung tâm thương mại, siêu thị và nhà máy khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn nghiêm trọng... dẫn đến những tác động bất lợi cho nền kinh tế. Trong khi một phần ba trong số gần 100 triệu dân của Việt Nam đã phải đối mặt với lệnh ở nhà trong nhiều tháng vào mùa hè này.
Trước đó, vào năm 2020, Việt Nam nằm trong số các nền kinh tế hoạt động tốt nhất ở Châu Á và là một trong số ít quốc gia trên thế giới mở rộng quy mô kinh tế sau khi giữ số ca nhiễm Covid-19 ở mức thấp và các doanh nghiệp chủ yếu vẫn mở cửa.