Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

18/05/2017

Vụ Formosa : 200.000 chữ ký trao Liên Hiệp Quốc, Liên Hiệp Châu Âu

VOA tiếng Việt

Vụ Formosa : 200.000 chữ ký trao Liên Hiệp Quốc, Liên Hiệp Châu Âu

VOA, 16/05/2017

Phái đoàn các linh mục thuộc giáo phận Vinh đang đi Châu Âu vận động quốc tế và trao thỉnh nguyện thư về thảm họa Formosa.

formosa1

Thị trưởng Gevena, Guillaume Barazzon (phải) tiếp Giám mục Nguyễn Thái Hợp.

Thông cáo báo chí cho biết trong tuần này, Ban hỗ trợ nạn nhân ô nhiễm môi trường biển thuộc Giáo phận Vinh đã trao thỉnh nguyện thư cho các tổ chức quốc tế về việc giải quyết thảm hoạ môi trường do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa-Hà Tĩnh gây ra.

Phái đoàn do Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, dẫn đầu đã trao thỉnh nguyện thư và tiếp xúc với Liên Hiệp Quốc, Liên hiệp Châu Âu, Bộ Ngoại giao các nước Châu Âu, cũng như các tổ chức thuộc Giáo hội Công giáo và một số tổ chức xã hội dân sự với mong muốn cùng nhau hỗ trợ tích cực hơn cho các nạn nhân.

Sau thảm họa Formosa vào tháng 5 năm ngoái, Ban hỗ trợ nạn nhân ô nhiễm môi trường biển Giáo phận Vinh đã khởi xướng thỉnh nguyện thư nhằm đưa vấn đề ra trước công luận quốc tế. Thỉnh nguyện thư này có chữ ký của gần 200.000 người, hầu hết là các nạn nhân trực tiếp và gián tiếp của thảm họa Formosa, theo thông cáo của Giáo phận Vinh.

Ngoài ra một số cá nhân hoạt động trong lĩnh vực tôn giáo, bảo vệ môi sinh, nhân quyền, chính giới, đồng bào trong và ngoài nước cũng ký tên với tư cách là những người ủng hộ, đồng hành với các nạn nhân.

Tại Geneva, Thụy Sĩ, đoàn đã nộp thỉnh nguyện thư cho Chương Trình Môi Sinh Liên Hiệp Quốc (UNEP) & Cơ quan Phản Ứng Thảm Hoạ Môi Sinh Liên Hiệp Quốc (OCHA).

Đoàn đã trao thỉnh nguyện thư cho Văn Phòng Đối Ngoại EU tại Brussels, Vương quốc Bỉ ; Văn phòng Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc (OHCHR) và Tổ chức Quyền Phổ Quát (Universal Rights Group) tại Geneva, Thụy Sĩ.

Linh mục Nguyễn Đình Thục thuộc giáo phận Vinh, người đã ký tên vào thỉnh nguyện thư, cho VOA Việt ngữ biết ông kỳ vọng thỉnh nguyện thư sẽ giúp gây áp lực lên chính phủ Việt Nam, cũng như tăng sức ép đối với công ty Formosa :

"Họ cũng sẽ có tiếng nói để giúp cho vấn đề đấu tranh chống lại Formosa. Các tổ chức như tổ chức nhân quyền hay Liên Hiệp Quốc thì có thể bằng cách nào đó có thể gây áp lực đối với chính phủ, với công ty Formosa. Điều mà tôi nghĩ chúng ta cần là một tòa án quốc tế có thể nhận đơn kiện của chúng ta. Đó là điều mà chúng tôi rất mong muốn".

********************

Phái đoàn Giáo phận Vinh sang Châu Âu vận động cho nạn nhân Formosa

Tường An, RFA, 17/05/2017

Từ ngày 2 đến ngày 11/5/2017, Ban Hỗ trợ nạn nhân ô nhiễm môi trường biển thuộc Giáo phận Vinh đã đến một số nước Âu Châu gặp gỡ các cơ quan quốc tế để trảo thỉnh nguyện thư về thảm hòa Formosa do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra.

phaidoan1

Linh mục Trần Đình Lai (trái) và Linh mục Bùi Khiêm Cường trong buổi gặp gỡ đồng hương ở Paris. Photo : Tường An

Nhân dịp phái đoàn đến Paris, thông tín viên Tường An của Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do RFA có dịp hỏi chuyện hai Linh mục trong phái đoàn từ Việt Nam sang về nội dung chuyến đi.

Trao thỉnh nguyện thư

Từ cuối năm 2016, Ban Hỗ trợ Nạn Nhân Ô Nhiễm Môi Trường thuộc giáo phận Vinh đã đề xuất chiến dịch lấy chữ ký của ngư dân, nạn nhân thảm hòa Formosa, sau này đã mở rộng chiến dịch lấy chữ ký trên mạng, tính đến đầu tháng 5/2016 đã lấy được gần 200.000 chữ ký.

Ngày 2 tháng 5, Ban Hỗ trợ nạn nhân ô nhiễm môi trường biển đã đến Châu Âu để trao thỉnh nguyện thư cho Quốc hội Liên Âu cũng như gặp gỡ một số cơ quan liên hệ. Tại Paris, linh mục Trần Đình Lai cho biết mục đích của chuyến đi :

"Mục đích là đi đến các cơ quan của Liên Hiệp Quốc, của Châu Âu và nhiều nước dân chủ trên thế giới và gặp gỡ kiều bào kêu gọi ủng hộ công cuộc đấu tranh cho quê hương, cho đất nước, cho Nhân quyền và đặc biệt cho nạn nhân thảm hòa Formosa".

Trạm dừng chân đầu tiên là Na Uy, sau đó phái đoàn đến Quốc hội Liên Âu tại Bruxelles, tiếp xúc với đảng Xanh, Hồng y của giáo hội Bỉ. Kế đến là Thụy sĩ, đây là điểm đến quan trọng nhất với chương trình dày đặt.

Tại đây phái đoàn đã tiếp xúc với các Cao ủy của văn phòng Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền và môi trường, gặp gỡ Thị trưởng Thành phố Geneve, ông Guillaume Barazzone với nhóm làm việc đặc biệt về Châu Á.

Kết thúc chuyến vận động chính thức, Ban Hỗ trợ nạn nhân ô nhiễm môi trường biển đã đến Fatima, Bồ Đào Nha để tạ ơn Mẹ, cầu nguyện cho quê hương cũng như cho toàn thể thành viên trong phái đoàn.

Linh mục Trần Đình Lai cho biết những khó khăn và thuận lợi của chuyến đi :

"Về thuận lợi thì tất cả các cuộc hẹn trước, gặp các chính khách, các tổ chức, các xã hội dân sự đều rất là xuôi chảy, tốt đẹp. Ai cũng sẵn sàng lắng nghe, đón nhận, chia sẻ và hiệp thông. Họ hứa là sẽ cùng với những người thành tâm thiện chí sẵn sàng cộng tác và giúp đỡ để đấu tranh cho công cuộc này đạt được kết quả tốt đẹp nhất.

Còn về mặt khó khăn thì đường dài, nhiều văn hóa, nhiều mốc thời giờ, nhiều ngôn ngữ khác nhau, do đó có những hạn chế trong chuyến đi này mà chúng tôi gặp phải".

Đánh giá chung về chuyến đi, Linh mục Bùi Khiêm Cường cho biết nhận được sự ủng hộ của tất cả những cơ quan mà phái đoàn đã tiếp xúc :

"Họ luôn ủng hộ chúng tôi bởi vì việc ô nhiễm môi trường không dừng lại ở phương diện địa phương hay vùng miền nhỏ mà ảnh hưởng đến ngôi nhà chung là cuộc sống của toàn nhân loại.

Vì thế chúng tôi luôn được các tổ chức quốc tế cũng như các quốc gia ủng hộ trong chuyến đi này và họ luôn đứng về phía chúng tôi đấu tranh cho các nạn nhân".

Tàn phá môi trường sống

Formosa là khu công nghiệp luyện thép với diện tích 3.300 hecta được bắt đầu xây dựng từ năm 2012 tại Vũng Áng, Hà Tỉnh chỉ với giá 97 tỉ VND (5 triệu đô-la) trong vòng 70 năm, trái với quy định của nhà nước tối đa là 50 năm.

Chỉ sau gần 4 năm thì thảm hòa bắt đầu khi tin cá chết hàng loạt được đưa ra ngày 6/4/2016, khoảng 70 tấn cá biển chết trôi dạt vào bờ biển Kỳ Anh đến Hòn La, Nhật Lệ, trải dài đến Hải Ninh, Lê Thủy.

Ngày 30/6/2016, 84 ngày sau khi thảm hòa được phát hiện, 7 đại diện Formosa nhận lỗi và đồng ý bồi thường 11.500 tỉ VND (khoảng 500 triệu đô la). Số tiền bồi thường quá ít.

Số tiền bồi thường này nếu chia ra cho 3,8 triệu dân miền Trung, nạn nhân trực tiếp của thảm họa, thì mỗi người chỉ được khoảng 2,9 triệu đồng.

Trong khi đó, nếu người dân tự đòi bồi thường thiệt hại thì chỉ 1000 hộ dân số, tiền bồi thường cũng đã phải lên đến 1000 tỉ đồng, tức gần 8% tổng số tiền mà Formosa hứa chi trả (theo Toàn cảnh thảm họ môi trường Biển Việt Nam – Green Trees).

Linh mục Trần Đình Lai cho biết về nội dung hồ sơ trao cho các cơ quan Quốc tế :

"Tất cả hồ sơ gồm có ba thành phần :

- Phần thứ nhất gồm phần tường trình tất cả những thảm hòa xảy ra mà các cơ quan cũng như đài báo trong nước cũng như quốc tế đã đưa tin, đã đăng tải, bây giờ chúng tôi thống kê lại.

- Phần thứ hai là về các thảm trạng đang xảy ra ở miền Trung, đặc biệt là Hà Tỉnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên.

- Phần thứ ba : phương hướng, mục đích của chuyến đi là tập trung đấu tranh pháp lý và tìm cách đưa ra giải pháp làm sạch môi trường, làm cho biển sống lại, cho người dân đi đánh bắt lại được và cho chọ có đời sống được yên ổn".

Vì sao người Công giáo phải dấn thân ?

Cuộc biểu tình đầu tiên chống thảm hòa môi trường xảy ra vào ngày 1/5/2016 tại Hà Nội, Sài Gòn và sau đó nhiều cuộc biểu tình lớn nhỏ diễn ra khắp nơi và dưới nhiều hình thức tự phát khác nhau.

Đặc biệt là các cuộc biểu tình do giáo dân tổ chức tại các vùng nóng như Nghệ An, Hà tỉnh, v.v. Rất nhiều cuộc đàn áp, bắt bớ của lực lượng an ninh, nhiều người bị tra tấn dã man.

Trước những đàn áp không ngừng đối với những cuộc biểu tình bất bạo động, Văn phòng cao ủy Liên Hiệp Quốc cũng đã lên tiếng kêu gọi nhà nước Việt Nam chấm dứt việc dùng vũ lực đối với người biểu tình.

Tuy nhiên, nhà nước Việt Nam thay vì bảo vệ người dân trước thảm hòa môi trường, lại ém nhẹm sự việc, đàn áp người dân nào dám lên tiếng, đứng trước sự sống còn của dân tộc, các giáo xứ phải thay nhà nước bảo vệ ngư dân.

Linh mục Trần Đình Lai giải thích tại sao đại diện công giáo phải vào cuộc :

"Thảm hòa xảy ra này là của một vùng miền và tầm cỡ của nó là tầm cỡ quốc gia và việc giải quyết vấn đề này là của chính phủ, trách nhiệm là của chính phủ.

Nhưng một chính phủ vô trách nhiệm như chính phủ Việt Nam thì quý vị biết đó, một chính phủ vô trách nhiệm, họ đánh trống bỏ dùi, họ đem con bỏ chợ. Họ đem Formosa về, lợi thì chưa thấy đâu, còn hại thì như thế.

Một điều mà ai cũng than phiền là đáng lẽ ra chính phủ phải giải quyết vấn đề này thì họ không giúp dân mà họ lại đứng về phía Formosa đàn áp dân, đàn áp những người biểu tình ôn hòa vô tội và những người giúp nạn nhân thì họ cũng trù dập.

Đó là điều mà những người ngoại cuộc không thể nào tưởng tượng được.

Chúng tôi rất buồn và cầu mong sao chính phủ thực sự phục vụ dân bằng cách khắc phục thảm hòa này, chứ không phải chúng tôi. Nhưng vì họ không làm và thậm chí họ còn chống nhưng người làm nữa.

Do đó, với lương tâm và trách nhiệm của giáo phận mà trong đó rất nhiều người công giáo ở những vùng biển chịu ảnh hưởng thì Bề Trên và chúng tôi ở trong ban phải tiếp tục đấu tranh".

Theo nghiên cứu của nhóm Green Trees trong tập tài liệu "Toàn cảnh thảm hòa môi trường Biển Việt Nam", thì Formosa được phép xả thải ra biển với công xuất 45.000 m3/ngày đêm với hàm lượng Cyanur 0,585 mg/l, tức cao gấp 58,5 lần giới hạn cho phép theo quy định của Bộ Tài nguyên và môi trường.

Vẫn theo nhận định của Green Trees thì với lưu lượng xả thải 40.000 m3 liên tục ngày đêm, thảm hòa môi trường từ Vũng Áng có thể kéo dài đến Nha Trang, Phan Thiết, Vũng Tàu, Cà Mau và nếu hiện tượng cá chết trải dài khắp 3000 km đường biển Việt Nam thì đó là một thảm hòa kinh hoàng cho toàn thể dân tộc Việt Nam.

Chính giới Châu Âu sẽ lên tiếng

phaidoan2

Linh mục Bùi Khiêm Cường trả lời RFA. Photo : Tường An

Trong các cuộc tiếp xúc với chính giới Âu châu và các Xã hội dân sự, Linh mục Bùi Khiêm Cường cho biết phái đoàn đã có những hứa hẹn giúp đỡ cụ thể như sau :

"Họ luôn ủng hộ và vì thế họ cùng chúng tôi tìm ra các giải pháp : thứ nhất là nói cho toàn thế giới biết về thảm hòa này.

Việc đầu tiên là dùng truyền thông làm cho người dân trong nước cũng như kiều bào hải ngoại và tất cả nhưng người khắp nơi trên thế giới việc bảo về môi trường là quan trọng và thảm hòa đang xảy ra tại Việt Nam là thảm hòa lớn nhất sau Thế chiến thứ II tới nay.

Ngoài ra họ còn hứa hẹn về vấn đề chăm sóc sức khỏe, y tế cho những nạn nhân. Còn các dự án khác thì họ sẽ nhờ người liên lạc giúp đỡ sau nhưng họ cũng chưa dám hứa điều gì nhưng họ hứa là sẽ đứng cùng chúng tôi đấu tranh cho Sự thật, cho Công lý và cho Môi trường".

Tiếp tục sát cánh cùng các nạn nhân

Cho đến hôm nay, nhiều người đưa thông tin về các cuộc biểu tình Formosa hay phản đối ô nhiễm môi trường do Formosa gây nên cũng đã bị chính thức ra thông báo truy lùng như anh Bạch Hồng Quyền, hay bị bắt như chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, chị Trần thị Nga, anh Hoàng Bình.

Các linh mục hướng dẫn các cuộc biểu tình ôn hòa như Linh mục Đặng Hữu Nam, Linh mục Nguyễn Đình Thục cũng bị Ủy ban Nhân dân Tỉnh Nghệ An liên tục sách nhiễu.

Ngày 5/5 vừa qua, Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An đã gửi thư cho Giám mục Nguyễn Thái Hợp, Linh mục Nguyễn Văn Vinh và Linh mục Nguyễn Văn Đính yêu cấu xử lý hành vi của Linh mục Đặng Hữu Nam mà Ủy ban Nhân dân Nghệ An cho là xuyên tạc nhà nước và đi ngược lại lợi ích và nguyện vọng của nhân dân.

Về việc này, Linh mục Trần Đình Lai chia sẻ :

"Vấn đề thuyên chuyển linh mục là quyền của Giám mục và tùy theo yêu cầu của giáo phận, nơi nào Ngài thấy có nhu cầu thì ngài chuyển.

Còn nhà cầm quyền đề nghị thì đó là một việc làm trái ngược và địa phận không chấp nhận và cũng không trả lời vì điều đó không cần thiết.

Nhưng điều đó cho thấy rằng họ không hiểu biết về tôn giáo, họ muốn can thiệp sâu vào tôn giáo và điều đó là điều trái ngược, không tôn trọng tự do tôn giáo".

Linh mục Bùi Khiêm Cường cũng cho biết sau chuyến đi sẽ tiếp tục về mặt thông tin và giáo dục để đem kiến thức lại cho người dân về thảm hòa môi trường do Formosa gây ra :

"Chúng tôi vẫn tiếp tục kêu gọi cùng nhau đấu tranh cho thảm hòa môi trường. Ở Nhật Bản, khi thảm hòa xảy ra, họ đã phải xử lý 50 năm, còn Việt Nam sau thảm hòa thì chưa xử lý gì, vì thế chúng tôi cũng giáo dục cũng như kêu gọi mọi người ý thức hơn cái thảm hòa này rất là nguy hiểm, nó không những ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại mà cho tương lai của của dân tộc, muôn thế hệ nữa.

Đó là nhưng điều mà chúng tôi sẽ phải làm, giúp cho người dân ý thức hơn về việc đấu tranh cho môi trường".

Một năm sau khi nhà nước Việt Nam chính thức công nhận thảm hòa môi trường thì Formosa vẫn tiếp tục xả thải, cá vẫn chết, đời sống ngư dân vẫn bấp bênh.

Sau chuyến đi đầy gian nan nhưng với nhiều kết quả khả quan về mặt vận động quốc tế, Linh mục Trần Đình Lai gửi lời cám ơn và kêu gọi cộng đồng người Việt hải ngoại tiếp tục yểm trợ nạn nhân Formosa :

"Chúng tôi đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ và lời cầu nguyện cũng như những cuộc điện thoại hỏi thăm chia sẻ.

Thay mặt cho các nạn nhân, xin cám ơn tất cả đồng bào Việt Nam ở hải ngoại và tiếp tục kêu gọi mọi người hướng về Tổ quốc, về Mẹ Việt Nam và về những người đau khổ để rồi sẵn sàng giúp đỡ, đấu tranh về tinh thần cũng như vật chất".

Chương trình làm việc của phái đoàn tại Châu Âu

Ban Hỗ trợ nạn nhân ô nhiễm môi trường biển gồm 1 giám mục và 5 linh mục đến từ các vùng bị ảnh hưởng trực tiếp của thảm hòa Formosa :

- Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp – Giáo phận Vinh

- Linh mục Giuse Phan Sỹ Phương – Quản hạt Cửa Lò, Quản xứ Tân Lộc – Trưởng Ban

- Linh mục Antôn Nguyễn Thanh Tịnh – Quản xứ Cồn Sẻ, Quảng Bình – Thư ký

- Linh mục Phêrô Trần Văn Thành – Quản xứ Tam Toà, Quảng Bình – Thành viên

- Linh mục Phêrô Trần Đình Lai – Quản xứ Đông Yên, Kỳ Anh – Thành viên

- Linh mục JB Bùi Khiêm Cường – Quản xứ Đông Sơn, Kỳ Anh – Thành viên

Chương trình làm việc chính thức của Ban Hỗ trợ Nạn Nhân Ô Nhiễm Môi Trường Biển (nguồn : https://thamhoaformosa.com/)

Oslo, Na Uy :

- Giám mục và ông Tổng Đại diện Giáo phận Oslo

- Caritas, Hội Đồng Liên Tôn và bộ phận Quan hệ quốc tế của Giáo hội Tin Lành Na Uy (Council of Ecumenical and

- International Relations Church of Norway and Caritas)

- Cứu trợ Hội Thánh Tin Lành Na Uy ; Tổ chức Norwegian Christian Aid.

- Dân biểu thuộc Ủy ban Đối ngoại và quốc phòng của Quốc hội Na Uy.

- Hội thảo tại Viện Nhân Quyền Na Uy (Norwegian Centre for Human Rights)

- Bộ Ngoại giao Na Uy – Bộ phận trách nhiệm Đối thoại nhân quyền giữa Na Uy và Việt Nam.

Bonn, Đức :

- Đại diện Ủy Ban Công Lý Hòa Bình của Hội Đồng Giám Mục Đức, Dr. Daniel Legutke và ông Ulrich Poner

Tại Brussels, Vương quốc Bỉ :

- Hồng y Jozef de Kesel, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Giáo Hội Công Giáo tại Bỉ

- Bộ Ngoại giao Bỉ – Bộ phận Giao Thương, Phát Triển và Hợp tác với Á Châu

- Đại diện Đảng Xanh của Quốc Hội Liên Hiệp Âu Châu

- Văn phòng Đối ngoại EU

- ClientEarth – Tổ chức luật sư chuyên về môi sinh.

- Tổ chức nhân quyền Front Line Defenders

- Các Dân biểu thuộc Ủy Ban Giao Thương EU

Tại Geneva, Thụy Sĩ :

- Chương Trình Môi Sinh Liên Hiệp Quốc & Phản Ứng Thảm Họa Môi Sinh (Joint unit UNEP/OCHA)

- Văn phòng Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc (OHCHR)

- Nhóm Quyền Phổ Quát (Universal Rights Group)

- Tiếp tân tại Tòa Đô Chánh thành phố Geneva. Thị trưởng Guillaume Barazzone đón tiếp phái đoàn tại phòng tiếp chính khách của Geneva.

Tường An, thông tín viên RFA tại Paris

Nguồn : RFA, 17/05/2017

Quay lại trang chủ
Read 12003 times

2 comments

  • Comment Link Tường Hà vendredi, 19 mai 2017 05:49 posted by Tường Hà

    Đề nghị Formosa chấm dứt hoạt động và gây xả thải độc hại cho môi trường, hãy rời khỏi Việt Nam!

  • Comment Link Kim vendredi, 19 mai 2017 04:50 posted by Kim

    Formosa cút khỏi Việt Nam. Yêu cầu chính quyền cộng sản ngừng đàn áp người yêu nước.

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)