Xử lý người đề bạt, bổ nhiệm cán bộ tham nhũng có khả thi ?
RFA, 20/10/2021
Thanh tra Chính phủ Việt Nam mới đây có đề xuất khi xử cán bộ tham nhũng phải xử lý cả người làm quy trình đề bạt, bổ nhiệm cán bộ đó. Ý kiến vừa nêu được Thanh tra Chính phủ đưa ra trong Dự thảo Đề án Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập với mục đích gia tăng phòng, chống tham nhũng.
Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội trước đây. AFP PHOTO
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền khi góp ý về ‘Dự thảo Đề án Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập’ đã đồng tình việc xử lý cán bộ tham nhũng phải xử lý cả người bổ nhiệm.
Ông Nguyễn Bá Thuyền cho rằng, nhiều cán bộ có sai phạm khi đang nắm giữ các vị trí quan trọng. Vì vậy phải xem lại việc thực hiện quy trình bổ nhiệm cán bộ. Quy trình đúng thì phải có những cán bộ tốt, thế nếu cán bộ sai phạm thì phải có xử lý đối với người làm quy trình.
Theo ông Thuyền, nếu chưa xử lý được những người bổ nhiệm cán bộ thoái hóa biến chất... thì tham nhũng và sai phạm vẫn còn tồn tại.
Tuy nhiên nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già khi trả lời RFA từ Sài Gòn hôm 20/10, cho rằng đây là việc không khả thi :
"Tôi rằng đó là việc làm vô ích, vô nghĩa, bất công và bất khả thi... Vì tất cả những người cán bộ mà tham nhũng thì trước khi lộ mặt đều là những cán bộ gương mẫu, sạch sẽ, sáng ngời hết... Thì toàn dân đều thấy không có kỳ Đại hội Đảng nào thất bại hết, đại hội nào cũng thành công tốt đẹp, cũng chọn ra được những nhân vật ưu tú, nói chung là những hạt giống đỏ. Cho tới khi những tay tham nhũng đó lộ mặt thì người dân mới biết".
Theo nhà báo Nguyễn Ngọc Già, trong xã hội Việt Nam hiện nay không có tự do báo chí, không có tự do thông tin... thì người dân như là đứng bên lề pháp luật, nhìn vào quan tham rồi cười cợt, lên án chỉ trích... Nhưng hiếm khi có người nào có đủ khả năng, đủ can đảm để làm việc phanh phui tham nhũng. Nhà báo Nguyễn Ngọc Già nói tiếp :
"Như vậy tôi thử hỏi ở đâu mà những cái khuất tất, mờ ám của tất cả các quan tham bị lộ ra ? Chỉ có từ trong nội bộ của Đảng cộng sản Việt Nam mà thôi. Vì vậy mô hình quản trị xã hội hiện nay của Việt Nam... đó là một mô hình trại lính, với hai đặc trưng. Thứ nhất là cấp dưới phục tùng tuyệt đối cấp trên. Thứ hai là chấp hành trước, khiếu nại sau. Chính mô hình trại lính này đã bó hẹp hoàn toàn xã hội Việt Nam hiện nay. Vì vậy xử lý tham nhũng phải xử luôn cả quy trình, xử lý luôn người đề bạt chỉ là hình thức để xoa dịu người dân trên đầu môi chót lưỡi mà thôi. Chứ còn trên thực tế tham nhũng tại Việt Nam hiện nay là một căn bệnh không có thuốc chữa".
Trong Dự thảo Đề án Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản - thu nhập, Thanh tra Chính Phủ cho rằng chủ trương ‘xử lý người bổ nhiệm cán bộ tham nhũng’ đã được Đảng, Nhà nước quan tâm từ lâu và đây là một bước cụ thể hóa cách làm để có những hiệu quả hơn trong công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay.
Nhưng ông Lê Văn Triết, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do liên quan vấn đề này cho rằng tham nhũng ở Việt Nam tràn lan là do không có cơ chế rõ ràng trong việc phòng chống tham nhũng :
"Có cơ chế gì mà chống tham nhũng, mà đã thực hiện được đâu mà hết tham nhũng được. Nhiều lắm, tràn lan, tham nhũng đàng hoàng trên đường phố, công an đón người ta kêu có tội rồi phạt, tiền đưa vào túi chứ có đưa vào ngân sách đâu ? Còn chuyện tham nhũng bên trong thì đủ thứ tham nhũng, tham nhũng đất đai... Chưa có giải pháp, chưa có chế tài nào để trị tham nhũng đến nơi đến chốn".
Chính Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác thi hành án năm 2020 của Chính phủ, cũng cho biết trong số 75 ngàn tỷ đồng tham nhũng phải thu hồi, đã xác định được gần 49 ngàn tỷ đồng có điều kiện thi hành án... nhưng chỉ thu hồi được 11 ngàn tỷ đồng, chỉ đạt 23%...
Theo Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long, mặc dù việc thi hành án trong các vụ án hình sự về tham nhũng không nhiều nhưng số tiền phải thi hành án trong từng vụ việc là rất lớn... Trong khi đó các bị cáo này, không có tài sản hoặc có rất ít tài sản để thi hành án.
Khi trả lời Đài Á Châu Tự Do về vấn đề này, nhà hoạt động Trần Bang nói :
"Bởi vì không minh bạch, thể chế độc đảng cái gì cũng bí mật, sức khỏe cán bộ cũng bí mật, tài sản cán bộ cũng bí mật, quá trình công tác cũng bí mật, dân chẳng biết để soi. Vì vậy người ta trượt dài trong bí mật ấy, chỉ khi nào trong đảng đấu đá đưa ra thì dân mới biết người đó có tội. "
Trong khi cần công khai minh bạch tài sản để có thể xác minh, thu hồi khi có vi phạm tham nhũng, thì vào cuối năm 2020, Bộ Tư pháp lại đưa ra dự thảo quy định số liệu thu hồi tài sản tham nhũng là ‘danh mục tối mật’. Theo Bộ này giải thích, dự thảo căn cứ theo quy định tại khoản 14 Điều 7 của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước. Trong đó, nội dung về thông tin về hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng được xác định thuộc phạm vi bí mật nhà nước.
Trả lời Đài Á Châu Tự Do khi đó, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam, cho rằng :
"Tôi thấy về vấn đề kê khai tài sản, cần phải sửa lại những quy định của pháp luật. Trước khi một người được bổ nhiệm chức vị, có liên quan người có chức vụ và quyền hạn, thì phải kê khi tài sản một cách trung thực. Ví dụ tài sản bất minh, thì người ta sẽ xử lý người cán bộ công chức đó. Cán bộ phải kê khai trung thực, và nếu không trung thực thì người ta sẽ ‘nhìn’ chức vị của cán bộ đó ngay lập tức".
Có nhiều ý kiến nghi ngờ cho rằng, vì chỉ có quan chức là đảng viên Đảng cộng sản mới tham nhũng, do đó nếu công khai sẽ làm cho người dân mất tin tưởng. Tuy nhiên, càng không công khai, lại càng chứng tỏ không minh bạch. Điều này làm dư luận nêu câu hỏi, liệu chính quyền có thật lòng muốn chống tham nhũng, khi không quyết liệt trong việc bắt cán bộ kê khai tài sản ?
Theo ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu - Ban Dân vận Trung ương, tham nhũng ở Việt Nam là một điều ai cũng thấy, nhưng Đảng cộng sản sẽ vẫn không giải quyết được vấn nạn này, nếu vẫn giữ cung cách đảng lãnh đạo như hiện nay, mà không có tam quyền phân lập, không có tự do ngôn luận, không có phản biện xã hội... Và ai công kích phê phán thì coi là chống đối nhà nước, bỏ tù... nên cũng không thể dựa vào dân để đẩy lùi tệ nạn này.
**********************
Lượng kiều hối về Thành phố Hồ Chí Minh tăng mạnh hơn năm 2020
RFA, 20/10/2021
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vào ngày 20/10 thông báo thống kê mới nhất cho thấy lượng kiều hối về Thành phố Hồ Chí Minh trong chín tháng vừa qua vẫn tăng mạnh, đạt hơn 5,1 tỷ USD. Truyền thông nhà nước loan tin dẫn lời ông Nguyễn Hoàng Minh phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết như vừa nêu.
Lượng kiều hối về Thành phố Hồ Chí Minh trong chín tháng vừa qua vẫn tăng mạnh, đạt hơn 5,1 tỷ USD. Ảnh minh họa - Reuters
Theo ông Minh, hồi năm ngoái, Thành phố Hồ Chí Minh nhận được khoảng sáu tỷ USD và đến thời điểm này lượng kiều hối đổ về TP, tương đương 85% lượng kiều hối cả năm 2020. Dự đoán lượng kiều hối chảy về Thành phố Hồ Chí Minh sẽ cao hơn năm 2020 từ 10-20%.
Hiện Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa thống kê được số lượng kiều hối này chảy vào những lĩnh vực nào trong nền kinh tế cả nước, nhưng trong tình hình dịch bệnh phức tạp nhiều tháng qua nên khả năng phần lớn lượng kiều hối được gửi về nhằm hỗ trợ cho người thân gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Ngoài ra, đại diện Ngân hàng Nhà nước còn cho biết lượng kiều hối từ các nước như Mỹ, Úc, Canada và Châu Âu chiếm tỷ trọng lớn.
********************
Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông : Đến hạn trả nợ gốc nhưng tàu vẫn chưa chạy
RFA, 21/10/2021
Truyền thông nhà nước hôm 21 tháng 10 đưa tin Chính phủ Việt Nam đã gửi Quốc hội báo cáo về các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông ở Hà Nội - AFP
Theo báo cáo, Bộ Tài chính đã phải trích quỹ để trả nợ gốc cho một trong ba hiệp định vay vốn từ Trung Quốc để đầu tư dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông, trong khi vẫn chưa biết khi nào mới đưa dự án vào vận hành.
Thông tin về số tiền phải trả nợ gốc lần này không được đề cập. Tuy nhiên, trong năm 2020, Bộ Giao thông-Vận tải đã phải trả hơn 152 tỷ đồng (6,7 triệu USD) nợ gốc cho dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông.
Báo cáo trên cũng cung cấp thông tin chi tiết về vốn đầu tư dành cho dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông, vốn gây tranh cãi và khiến người dân có cái nhìn không thiện cảm đối với dự án này.
Cụ thể, tổng mức đầu tư ban đầu được dự tính là 8.769,9 tỷ đồng (552,86 triệu USD), nhưng cho đến nay đã tăng lên thành 18.001,5 tỷ đồng (868,04 triệu USD). Tăng hơn 1/3 so với dự tính ban đầu.
Trong tổng số 868 triệu USD chi cho dự án này, Chính phủ Việt Nam phải vay 670 triệu USD từ Trung Quốc, với ba hiệp định vay được ký kết.
Theo thông tin từ báo cáo mang tên AidData được công bố hồi tháng 9 năm 2021, Việt Nam nằm trong nhóm năm nước có tốc độ hoàn thành các dự án đầu tư bởi vốn từ Trung Quốc chậm nhất.
Cũng theo báo cáo AidData, thì Việt Nam có khoảng năm dự án có vốn đầu tư từ Trung Quốc liên quan đến Sáng kiến Vành Đai-Con Đường, với tổng số tiền lên đến 2.75 tỷ USD, và Việt Nam đứng thứ hai trong nhóm 10 nước có số dự án dính tới "tai tiếng, và dấu hiệu vi phạm hợp đồng".
Được biết, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục phải lãnh trách nhiệm trả nợ cho dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông cho đến khi nào dự án và nghĩa vụ trả nợ được bàn giao cho thành phố Hà Nội.