Hình ảnh vệ tinh cho thấy Việt Nam bồi đắp một đảo nữa trên Biển Đông
RFA, 04/11/2021
Hình ảnh vệ tinh thương mại do Đài Á Châu Tự do (RFA) phân tích cho thấy Việt Nam đang tiến hành xây dựng và bồi đắp một hòn đảo nữa thuộc quyền kiểm soát của nước này trong khu vực Biển Đông.
Hình vệ tinh cho thấy đảo Nam Yết ở quần đảo Trường Sa hôm 29/10/2021 - Planet Labs Inc. Analysis : RFA
Hình ảnh này cho thấy mũi phía Tây của đảo Nam Yết - hòn đảo nằm ở phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa - đang được mở rộng.
Chính quyền Việt Nam Cộng hòa bắt đầu quản lý đảo này vào năm 1973 và gọi đảo là Nam Yết. Quân đội miền Bắc Việt Nam tiếp quản đảo này vào năm 1975 sau khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc.
Hình ảnh vệ tinh của Planet Labs ngày 30/10 vừa qua cho thấy các hoạt động xây dựng trên đảo Nam Yết, trong đó có một chiếc sà lan và một nền móng công trình. Hai hình ảnh này không nhìn thấy trong hình ảnh chụp ngày 29/9/2021.
Các nguồn tin hiểu biết về kế hoạch phát triển này nhưng không được quyền phát ngôn, nói rằng Việt Nam có thể đang xây một bến tàu để tạo thuận lợi cho việc tiếp cận đảo.
Các chuyên gia Việt Nam nói rằng nước này thường tiến hành các công trình chống xói mòn và sạt lở đất để bảo vệ chứ không mở rộng hay thay đổi cấu trúc của các thực thể dưới thuộc quyền kiểm soát của mình.
Cùng lúc với Nam Yết, các hoạt động xây dựng cũng được tiến hành trên đảo Phan Vinh, một thực thể khác do Việt Nam kiểm soát trong khu vực quần đảo Trường Sa. Qua phân tích hình ảnh vệ tinh ngày 30/10 và 31/10, Đài Á Châu Tự do phát hiện công việc nạo vét đang diễn ra tại mũi phía Nam của đảo đá này.
Theo Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI), Việt Nam có 49 hoặc 51 tiền đồn ở Biển Đông nằm rải rác ở 27 thực thể, trong đó có 10 đảo nhỏ. AMTI cho biết, cho đến nay chưa thấy các hoạt động cải tạo rõ ràng ở hai trong số 10 đảo nhỏ là đảo An Bang và Niêm Yết.
Nam Yết là đảo san hô tự nhiên với tổng diện tích 13 mẫu Anh, lớn thứ năm trong số các đảo do Việt Nam kiểm soát ở Biển Đông.
Theo báo chí Việt Nam, đây cũng là một trong những đảo phát triển hơn với một số công trình dân sự mới trong đó có chùa Phật giáo, trung tâm y tế, nhà văn hóa và một khu bảo tồn thiên nhiên đang được xây dựng.
Đảo Nam Yết cũng được Trung Quốc, Phillipines và Đài Loan tuyên bố chủ quyền.
Trung Quốc, quốc gia tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn Biển Đông, đã và đang chỉ trích các quốc gia khác, đặc biệt là Việt Nam, về việc xây dựng đảo. Tuy nhiên, tính đến năm 2016, Việt Nam chỉ bồi đắp hơn 120 mẫu đất mới ở Biển Đông so với gần 3.000 mẫu mà Trung Quốc cải tạo, AMTI cho biết.
******************
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút tàu ra khỏi đảo Sinh Tồn Đông vì xâm phạm chủ quyền nghiêm trọng
RFA, 04/11/2021
Phó phát ngôn nhân Việt Nam Phạm Thu Hằng yêu cầu Trung Quốc rút tàu cá đang hoạt động trong lãnh hải đảo Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam và cho đó là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.
Phó phát ngôn nhân Việt Nam lên tiếng về việc tàu Trung Quốc xuất hiện trở lại tại Đá ba đầu - Planet Labs, TTXVN-RFA edited
Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phát biểu nội dung trên tại cuộc họp báo thường kỳ diễn ra ngày 4/11, khi được các phóng viên hỏi về phản ứng của Việt Nam trước hình ảnh vệ tinh cho thấy đội tàu cá Trung Quốc đã hiện diện trở lại ở đá Ba Đầu thuộc cụm Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa, và được truyền thông Nhà nước loan trong cùng ngày.
Bà Phạm Thu Hằng đồng thời khẳng định :
"Việc các tàu Trung Quốc hoạt động trong phạm vi lãnh hải Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) và đi ngược lại tinh thần và nội dung của tuyên bố của các bên ở Biển Đông".
Bà Hằng cũng nhấn mạnh Việt Nam kiên quyết, kiên trì thực hiện các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ các quyền hợp pháp và chính đáng trên.
Trước đó, hôm 1/11 các bức ảnh vệ tinh được chụp bởi Công ty Planet Labs cho thấy hàng chục tàu cá Trung Quốc đã trở lại đá Ba Đầu sau vài tháng vắng bóng.
Đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa nhưng được cả Trung Quốc và Philippines có yêu sách chủ quyền.
Trong một báo cáo công bố ngày 22/10, Sáng kiến minh bạch hàng hải Châu Á (AMTI) của Mỹ cho biết số tàu Trung Quốc tại đá Ba Đầu đã tăng lên trong ba tháng trở lại đây. Phần lớn trong số đó là tàu của Trung Quốc, có khi xuất hiện gần 150 tàu.
Theo AMTI, hình ảnh cho thấy nhiều khả năng đây là các tàu dân quân biển vì nhiều chiếc có kích thước lớn hơn 50 mét.
Hồi cuối tháng 3, Chính quyền Manila từng công bố thông tin về hàng trăm tàu dân quân biển của TQ tập trung gần đá Ba Đầu nhưng lúc bấy giờ Trung Quốc cho rằng đó là các tàu cá đang trú ẩn tránh thời tiết xấu.
********************
Việt Nam đàm phán với Iran về vụ tàu nghi chở dầu lậu bị Iran bắt giữ
RFA, 04/11/2021
Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 4/11 cho biết Chính phủ Việt Nam đang có đàm phán với Iran về vụ một tàu chở dầu của Việt Nam bị phía Iran bắt giữ từ hôm 24/10 vừa qua.
Tàu chở dầu MV Sothys Việt Nam bị phía Iran bắt giữ. MarineTraffic.com
Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng, tại họp báo thường kỳ ở Hà Nội, cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin tàu MV Sothys cùng 26 thuyền viên bị bắt giữ, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao đổi với Đại sứ quán Iran tại Hà Nội.
"Đồng thời, Đại sứ quán Việt Nam tại Iran cũng đã làm việc ngay với các cơ quan chức năng Iran để xác minh thông tin sớm giải quyết sự việc, đảm bảo an toàn và đối xử nhân đạo với các công dân Việt Nam’'- bà Hằng nói.
Cũng theo người Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao, vào ngày 27/10, thuyền trưởng tàu MV Sothys đã nói chuyện với Đại sứ quán Việt Nam tại Iran và cho biết toàn bộ 26 thuyền viên Việt Nam được đối xử tốt, tình trạng sức khoẻ bình thường.
Hôm 3/11, hãng tin AP của Mỹ trích lời hai giới chức Mỹ giấu tên cho biết, truyền hình Nhà nước Iran đã cho chiếu những đoạn video và nói rằng Lực lượng Vệ binh Cách mạng của Iran đã giải cứu thành công một tàu chở dầu của Iran bị Hải quân Mỹ bắt giữ và đưa tàu về lại Iran
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby được AP trích lời đã bác bỏ thông tin này và cho biết chính Iran đã bắt giữ tàu chở dầu của Việt Nam ở Vịnh Oman.
Người phát ngôn John Kirby đồng thời cũng lên án vụ bắt giữ tàu, gọi đây là hành động vi phạm luật quốc tế, và phá hoại quyền tự do hàng hải và lưu thông thương mại.
Theo AP, Hải quân Hoa Kỳ lúc đó chỉ theo dõi vụ bắt giữ mà không can thiệp.
Tàu Sothys của Công ty Vận tải Xăng dầu OPEC có địa chỉ tại Hà Nội đã bị United Against a Nuclear Iran, một nhóm vận động ở New York, giám sát. Nhóm này hôm 11/10 vừa qua đã liên hệ với Cục Hàng hải Việt Nam và cho biết nhóm đã phân tích các hình ảnh vệ tinh cho thấy tàu Sothys đã tiếp nhận dầu từ một tàu chở dầu khác có tên Oman Pride.
Bộ Tài chính Mỹ đã xác định tàu Oman Pride đã chở dầu lậu của Iran để lấy tiền cho Lực lượng Vệ binh Cách mạng. Dầu này sau đó được bán ở Đông Á.
Hiện Iran đang bị Mỹ cấm vận sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump rút khỏi thoả thuận hạt nhân với nước này hồi năm 2018.